Tìm hiểu hệ thống chính đảng Hoa Kỳ

Tác giả: Marjorie Randon Hershey

So với một thế kỷ có lẻ vừa qua đi, giờ đây chính trị Hoa Kỳ ở vào thế phân cực hơn bao giờ hết. Người của phe Dân chủ và phe Cộng hòa trong chính phủ không thể đồng thuận về bất cứ vấn đề gì. Các cuộc tấn công đảng phái căng thẳng thường xuyên diễn ra – như khi một thành viên Quốc hội thuộc Đảng Dân chủ nói với đồng sự, “Nếu anh bị ốm, người Mỹ à, thì chương trình chăm sóc sức khỏe của phe Cộng hòa sẽ là: Chết nhanh lên!” và một thành viên Đảng Cộng hòa tại nghị viện phản đòn, “Khi gặp chiếc xe nào dán biểu tượng Obama 2012, tôi xem chủ nhân của nó là mối đe dọa cho quỹ gen của chúng ta”. Kể cả bên ngoài Washington, cảm nhận của phe Dân chủ và Cộng hòa dành cho phía bên kia cũng hết sức lạnh nhạt trong những năm gần đây.(1)

Sự phân cực chính trị này không chỉ là sản phẩm của lối hành xử tệ hại hay những động cơ xấu xa. Nó còn phản ánh sự thật rằng mặc dù phần lớn người Mỹ đồng thuận về các mục tiêu cao thượng như tự do và an ninh quốc gia thì họ lại có bất đồng rất lớn trong các vấn đề cụ thể. Có nhà phân tích cho rằng, “lý do chính khiến Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ở Washington khó có thể hợp tác không phải là vì không ưa nhau mà bởi họ bất đồng sâu sắc về các vấn đề chính mà quốc gia đang đối mặt”.(2) Không chỉ trong Quốc hội mà cả trong cơ quan lập pháp quốc gia và thậm chí ở tòa án, phe Dân chủ thường có quan điểm khác với những người Cộng hòa về nền kinh tế, súng, hôn nhân đồng giới, thuế, nhập cư, phá thai, và các vấn đề khác. Hố sâu ngăn cách các đảng phái trong chính phủ lên tới đỉnh điểm khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012 là lần bầu cử phân cực dữ dội nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Kết quả là, sự dịch chuyển  quyền  kiểm soát Quốc hội và Nhà Trắng từ Đảng Dân chủ sang Đảng Cộng hòa giờ đây có thể dẫn tới một thay đổi chính yếu trong các chính sách công. Vào năm 2008 và 2009, Nhà Trắng khi đó do phe Dân chủ chiếm đa số ở trạng thái tự do cao nhất so với ba thập niên trước. Nhưng, chỉ một năm sau, phe Cộng hòa lật ngược tình thế trong cuộc bầu cử năm 2010 đẩy Nhà Trắng sang trạng thái bảo thủ nhất thời kỳ đó.(3)  Có lẽ chẳng dễ chịu gì khi quan sát các xung đột đảng phái này, nhưng chúng cũng giúp cử tri làm rõ các lựa chọn khi bỏ phiếu và yêu cầu ứng viên được chọn phải có trách nhiệm với nhân dân. Điều đó có lợi cho nền dân chủ.

Tuy vậy, từ lâu người Mỹ đã tỏ rõ nỗi chán ghét đối với các xung đột đảng phái. George Washington tuyên bố trong Diễn văn Chia tay rằng “tinh thần đảng phái” là “kẻ thù tồi tệ nhất” của chính quyền vì dân (popular government). Ông e ngại rằng các đảng sẽ khuyến khích nhân dân theo đuổi tư lợi nhỏ hẹp của mình bằng mồ hôi nước mắt của người khác, tìm kiếm sự thống trị người khác, gây nên nghi kỵ, chia rẽ, và thù hằn. Theo quan điểm của ông, nếu không có các đảng phái thì chúng ta có thể có những nhà lãnh đạo cao quý và không tham nhũng, những người có thể đại diện cho toàn thể quốc gia.

Giấc mơ của Washington về một chính thể phi-đảng được nhiều người ủng hộ. Vậy tại sao chúng ta vẫn không thể biến nó thành sự thực? Lý do chính là có những việc chỉ có đảng mới làm được cho chúng ta. Phần đông mọi người không quan tâm tới chính trị cho lắm, vậy họ chọn lựa ứng viên như thế nào nếu không nhờ sự dẫn dắt từ danh tiếng của mỗi đảng? Liệu họ sẽ dành hàng tiếng đồng hồ tra cứu tiểu sử và quan điểm của hàng tá ứng viên? Bạn có làm thế không?

Nếu không có các đảng, chúng ta sẽ chọn tổng thống như thế nào? Nếu không nhờ các cuộc bầu cử sơ bộ hay họp kín của đảng, làm sao chúng ta có thể gạn lọc một số rất ít ứng viên cho cuộc tổng tuyển cử từ hàng nghìn người có tham vọng đây? Các thành viên Quốc hội có thể quyết được không? Sẽ là không thể đối với một hệ thống được thiết kế với mục đích phân chia quyền lập pháp và hành pháp. Còn hình thức để các thị trưởng và công chức được bầu chỉ định, như ở Pháp, thì sao? Một phiên bản mới của chương trình truyền hình Survivor chăng?

Các tổ chức đảng mạnh đưa cử tri tới nơi bầu cử. Nếu không có đảng chính trị, liệu tỷ lệ cử tri đi bầu của Mỹ, vốn dĩ thấp hơn hầu hết những quốc gia dân chủ công nghiệp khác, có còn rơi rớt hơn nữa? Làm thế nào các thành viên Quốc hội được chọn trong vai trò cá nhân độc lập, không được định hướng bởi lòng trung thành với đảng, có thể tập hợp thành nhóm đa số khi tiến hành lập pháp?

Tổ chức chính trị này là gì mà cần thiết đến vậy và lại bị hoài nghi đến vậy? Có phải khái niệm đảng phái chỉ bao hàm các chính trị gia có chung tên đảng khi vận động tranh cử và nắm giữ chức vụ công? Nó có bao gồm các nhà hoạt động làm việc trong các chiến dịch, các công dân bầu cho ứng viên của một đảng nào đó, hoặc các nhóm lợi ích chia sẻ mục tiêu với đảng? Hay đảng phái là bất cứ nhóm nào tự gọi mình là đảng, dù là Dân chủ hay Trà?

Ba phần của đảng

Đa phần học giả sẽ đồng thuận rằng đảng là một nhóm được tổ chức nhằm đề cử ứng viên, để nỗ lực giành quyền lực chính trị thông qua các cuộc bầu cử, và xúc tiến các ý tưởng về chính sách công. Đối với các nhà phân tích được trích dẫn trong bảng “Đảng chính trị là gì?” ở trang 32, nhân vật trung tâm của đảng chính trị là ứng viên và công chức được bầu cùng chung tên đảng (ví dụ, xem định nghĩa của Edmund Burke và Anthony Downs). Ở các quốc gia dân chủ, bao gồm Mỹ, có nhiều đảng phái do một nhóm lãnh tụ chính trị tổ chức nhằm đề đạt những chính sách nhất định.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát coi chính đảng Hoa Kỳ không chỉ bao gồm ứng viên và công chức. Như định nghĩa của John Aldrich (xem bảng “Đảng chính trị là gì?”) chỉ ra, đảng là tổ chức – thể chế có đời sống và một bộ quy tắc riêng, vượt trên những gì thuộc về các ứng viên. Các cá nhân quan tâm có thể trở nên tích cực trong đó, giúp thiết lập mục tiêu và chiến lược của đảng, cũng tương tự việc ai đó có thể làm khi ở trong đội thể thao hoặc nhóm sinh viên. Các nhà hoạt động và những tổ chức này cũng là thành phần trung tâm của đảng. Họ giúp kết nối tổ chức với mạng lưới “những người yêu cầu chính sách” có chung hệ thống lợi ích như các nhóm ủng hộ sự sống, ủng hộ lựa chọn, kinh doanh hay lao động.(4)

Đã đến lúc khép lại phần định nghĩa của chúng ta ở điểm này và xem đảng phái ở Mỹ đơn giản là các đội nhóm tập hợp nhiều chuyên gia chính trị – các công chức được bầu, ứng viên, lãnh tụ của đảng, nhà hoạt động và các tổ chức – những người đấu tranh vì quyền lực và sau đó thực thi nó. Cách xem xét này tách phần còn lại của dân số ra khỏi các đảng, vị thế mà có lẽ nhiều công dân ưa thích hơn. Nhưng nó cũng bỏ qua một sự thật quan trọng: Các đảng phái bắt rễ từ đời sống và cảm xúc của công dân cũng như các ứng viên và nhà hoạt động. Thậm chí dù các đảng phái của Mỹ không có “thành viên” chính thức, đóng hội phí, thì hầu hết cử tri cũng phát triển sự gắn kết mạnh mẽ và bền bỉ tương tự đối với một đảng nhất định, họ sẵn lòng trả lời người trưng cầu dân ý “Tôi là một người thuộc Đảng Dân chủ” hoặc “Tôi là một người thuộc Đảng Cộng hòa”. Và khi các tác giả đề cập tới một “trận càn quét Dân chủ” hay “vùng ngoại ô Cộng hòa”, họ đã xem các đảng bao gồm cử tri và những người ủng hộ khác cũng như các công chức, người ứng tuyển làm công chức và các nhà hoạt động.

Phong trào Cấp tiến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, với đề xuất đăng ký cử tri và sử dụng kết quả bầu cử sơ bộ để chỉ định ứng viên, đã củng cố thêm việc đưa lực lượng công dân vào khái niệm đảng của Mỹ. Cử tri trong các cuộc bầu cử sơ bộ đưa ra một quyết định quan trọng nhất cho đảng của họ: Ứng viên sẽ là ai. Ở hầu hết các nền dân chủ khác, chỉ có lãnh đạo đảng và các nhà hoạt động có quyền đưa ra lựa chọn này.

Do cử tri Mỹ có quyền chỉ định ứng viên của đảng nên lằn ranh giữa lãnh đạo đảng và những người ủng hộ, vốn xuất hiện ở hầu hết các quốc gia khác, trở nên lu mờ ở Mỹ. Cử tri Mỹ không chỉ là những khách hàng được lựa chọn “sản phẩm” (ứng viên) của đảng phái trên thị trường chính trị mà còn là người quản lý quyết định sản phẩm nào sẽ được chào bán đầu tiên. Việc biến người dùng thành người quản lý đã làm thay đổi các chính đảng, cũng như có thể cách mạng hóa nền kinh tế thị trường. Đưa công dân-người ủng hộ vào khái niệm đảng, như định nghĩa của Chambers và Key ở trang sau, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của các đảng phái tại Mỹ.(5)

Tóm lại, các đảng chính của Mỹ được hình thành từ ba bộ phận tác động lẫn nhau. Đó là tổ chức đảng, trong đó bao gồm đội ngũ lãnh đạo và nhà hoạt động phục vụ các mục tiêu và ứng viên của đảng; đảng trong chính quyền, bao gồm tất cả những người ứng tuyển hay đang nắm giữ chức vụ công dưới danh nghĩa của đảng; và đảng trong cử tri, hay các công dân thể hiện mối gắn kết với đảng (xem Hình 1.1).(6) Chúng ta phân tích riêng rẽ từng bộ phận, đồng thời nhớ rằng đặc trưng của một đảng ở Mỹ được định hình theo cách thức tương tác của nó.(7)

Tổ chức đảng

Các tổ chức đảng được hình thành từ những người nắm giữ công việc có chức danh trong đảng – chủ tịch đảng cấp bang và cấp quốc gia cũng như các công chức khác; lãnh đạo và hội đồng nhân dân cấp quận, thành phố, khu, và phân khu (xem Chương 3 và 4) – và những người ủng hộ khác có đủ tận tâm để cống hiến thời gian, tiền bạc, và kỹ năng nhằm thúc đẩy mục tiêu của đảng (xem Chương 5). Những nhóm này có nhiệm vụ hỗ trợ tất cả ứng viên và quan điểm của đảng trong các vấn đề chính, chứ không chỉ là một hai cá nhân đơn lẻ. Một số lãnh đạo đảng hay nhà hoạt động có thể chờ đợi thời cơ thích hợp để ứng cử vào chính phủ (và như vậy là chuyển sang thành phần đảng trong chính quyền). Những người khác buộc phải giữ vai trò ứng viên Quốc hội hoặc thư ký thành phố khi không ai muốn làm công việc này. Nhiều nhà hoạt động đảng ưa thích công việc gặp gỡ tình nguyện viên và gọi điện từ trụ sở chính của đảng, tuy nhiên, dữ dội hơn cả cảnh ngày quên ăn đêm quên ngủ chính là cuộc sống của một ứng viên chính trị.

Đảng trong chính quyền

Đảng trong chính quyền bao gồm ứng viên hoặc những người đang nắm giữ chức vụ công, bất kể là được bầu hay chỉ định, dưới danh nghĩa của cùng một đảng (xem Chương 13 và 14). Các nhân vật chính ở đây là tổng thống, thống đốc, thẩm phán, thành viên Quốc hội, thành viên cơ quan lập pháp bang, công chức, thị trưởng, và các cán bộ địa phương khác có chung đảng.

Không phải lúc nào các thành viên của đảng trong chính quyền cũng có mối quan hệ tốt đẹp với những người thuộc tổ chức đảng.(8)  Họ thường cộng tác để đạt mục đích chung, nhưng lại đặt ra các ưu tiên khác nhau trên con đường đó. Lấy ví dụ, một thượng nghị sĩ có thể nỗ lực huy động càng nhiều tiền tài trợ càng tốt nhằm dễ dàng giành chiến thắng và tăng cơ hội chạy đua vào Nhà Trắng sau này.

Cùng lúc, các lãnh đạo đảng lại kỳ vọng một số nhà tài trợ chiến dịch thay vào đó sẽ ủng hộ những ứng viên khác yếu thế hơn, nhờ đó đảng đạt được hoặc giữ vững đa số ghế trong Quốc hội.

Về tổng thể, hai thành phần này cũng cạnh tranh để giành quyền lãnh đạo đảng. Khi các phóng viên muốn biết “cái nhìn của phe Dân chủ” về một vấn đề nào đó, họ thường phỏng vấn người của Nhà Trắng nếu tổng thống thuộc Đảng Dân chủ, hoặc một vị lãnh đạo trong Quốc hội là thành viên của đảng này; phát ngôn của các thành viên đảng trong chính quyền thường được xem là phát ngôn đại diện cho đảng. Lãnh đạo của tổ chức đảng, ví dụ chủ tịch Đảng Dân chủ tại bang Utah, có thể muốn đưa ra luận điểm khác có lợi cho mình. Nhưng tổng thống và các lãnh đạo đảng không nhất thiết phải làm rõ tuyên bố của mình với tổ chức đảng, họ cũng không chịu sự kiểm soát của thành phần này. Những mâu thuẫn này cùng với sự tranh giành các nguồn lực hạn chế là lý do tại sao nên xem tổ chức đảng và đảng trong chính quyền là các thành phần riêng biệt của đảng.

Đảng trong cử tri

Đảng trong cử tri bao gồm tất cả những người tự xem mình là đảng viên Dân chủ hay Cộng hòa: Các công dân có lòng trung thành với đảng ở cấp độ nhất định, thậm chí cả khi họ chưa bao giờ đặt chân tới trụ sở chính hay gặp gỡ ứng viên của đảng. Chúng ta gọi họ là người ủng hộ đảng hay người gắn bó với đảng. Nhiều người trong số này tự tuyên bố mình thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa khi đăng ký bỏ phiếu; hơn nửa các bang yêu cầu công dân đăng ký theo đảng. Số còn lại thì tự xem mình là người ủng hộ ngay cả khi họ không tham gia bỏ phiếu.

Người ủng hộ thường có khuynh hướng ủng hộ ứng viên cũng như quan điểm của đảng về các vấn đề, nhưng đó không phải là bắt buộc. Trong tổng tuyển cử, họ có thể bầu một ứng viên của đảng và loại người kia; ở các cuộc bầu chọn, họ có thể đưa ra một ứng viên mà tổ chức đảng không thể đồng thuận. Tuy nhiên, họ đóng vai trò quan trọng thiết yếu, đó là thành phần cốt lõi của lực lượng cử tri ủng hộ đảng. Nếu không có nền tảng vững chắc này, đảng sẽ phải rất vất vả để chiến thắng và duy trì quyền lực.

Mối quan hệ giữa tổ chức đảng và đảng trong chính quyền, ở một bên, và với đảng cử tri, ở phía bên kia, là một trong các đặc điểm nổi bật nhất của các đảng chính ở Hoa Kỳ. Các tổ chức chính trị khác – những nhóm lợi ích như các liên hiệp giáo viên hay các công ty dầu mỏ – nỗ lực thu hút người ủng hộ ngoài các thành viên, nhưng những người ủng hộ vẫn nằm ngoài tổ chức của nhóm. Ngược lại, với đảng phái ở Hoa Kỳ, đảng trong cử tri không chỉ là một nhóm bên ngoài được huy động. Ngoài quyền đề bạt ứng viên của đảng thông qua bỏ phiếu trong các cuộc bầu chọn, tại nhiều bang, đảng cử tri còn lựa chọn công chức của đảng tại địa phương, như vị trí lãnh đạo hội đồng khu vực. Vì thế, đảng chính ở Hoa Kỳ là một tổ chức mở, có tính bao hàm và thẩm thấu. Điểm làm nên điều khác biệt so với đảng phái ở hầu hết các nền dân chủ khác đó là khả năng mở rộng tới những công dân nào có thể tác động đến kết quả chọn lựa lãnh đạo và ứng viên.

Đảng làm gì?

Đảng chính trị ở mỗi nền dân chủ gắn với ba nhóm hoạt động chính ít nhất ở một mức độ nào đó. Họ chọn lựa ứng viên và tham gia tranh cử; họ nỗ lực giáo dục công dân về các vấn đề quan trọng với đảng; và họ tác động để chính phủ đưa ra những chính sách nhất định cũng như các lợi ích khác.(9)  Các đảng và hệ thống đảng khác nhau ít nhiều về mức độ quan tâm đối với mỗi nhóm này, nhưng không đảng phái nào hoàn toàn ngó lơ bất kỳ hoạt động nào trong số đó.

Bầu chọn ứng viên

Thường thì các đảng dường như bị cuốn vào nỗ lực bầu chọn ứng viên. Đảng hoạt động nhắm tới mục tiêu, và trong nền chính trị Hoa Kỳ, đạt mục tiêu hay không phụ thuộc vào việc chiến thắng bầu cử. Nhu cầu chọn ứng viên kết nối ba thành phần của đảng. Lãnh đạo đảng và các nhà hoạt động dốc tâm cho một ứng viên nhất định được chọn, họ thường kết hợp với các thành viên khác của đảng trong chính quyền cũng như những người gắn bó với đảng để bầu ứng viên này vào chính phủ. Dù kết quả là thắng hay thua, các nhóm vẫn thường trở về trạng thái chia rẽ sau đó. Các nhóm cá nhân này từ nhiều thành phần khác nhau của đảng, tập hợp lại để chọn ra một ứng viên nhất định, họ giống như hạt nhân của đảng. (10)

Giáo dục (hay tuyên truyền) công dân

Đảng cũng muốn giáo dục hay tuyên truyền tới công dân. (Nếu người dân thích thông điệp của đảng thì có thể gọi đó là “giáo dục cử tri”. Nếu không,  có lẽ nghe giống hoạt động tuyên truyền hơn). Họ nỗ lực hướng cử tri quan tâm tới các vấn đề giúp tăng tính gắn kết trong đảng và hạ thấp tầm quan trọng những gì có thể gây chia rẽ người ủng hộ. Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không thúc đẩy các hệ tư tưởng toàn diện như kiểu một đảng Hồi giáo chính thống. Tuy nhiên, họ đại diện cho niềm tin và lợi ích của các nhóm gắn bó và ủng hộ họ. Ở khía cạnh này, Đảng Cộng hòa thường gắn với giới kinh doanh và bảo thủ, trong khi Đảng Dân chủ thường được xem là đảng của giới lao động và yếu thế.

Cầm quyền

Hầu như tất cả ứng viên được ứng tuyển ở cấp quốc gia và cấp bang tại Hoa Kỳ đều tranh cử trong vai trò thành viên của Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa, và tư tưởng đảng phái của họ ảnh hưởng tới mọi mặt trong cách thức chính phủ vận hành. Cơ quan lập pháp của 49 bang (11)  và Quốc hội Hoa Kỳ được tổ chức theo đường lối của đảng. Đối với một số vấn đề, sự gắn kết của đảng có thể bị mất đi. Nhưng nhìn chung, đảng giữ được kỷ cương ở mức đáng ngạc nhiên khi bỏ phiếu ban hành luật. Về phía nhánh hành pháp, tổng thống và thống đốc thường lựa chọn thành viên nội các và lãnh đạo các cơ quan từ chính đảng của mình. Thậm chí các tòa án cũng cho thấy bằng chứng về bàn tay dẫn dắt của tư tưởng đảng phái, mặc dù theo cách thức tinh vi hơn.

Tuy thế, chính đảng Hoa Kỳ không được độc quyền trong các hoạt động giáo dục công dân, chọn lựa ứng viên hay cầm quyền. Họ cạnh tranh với các nhóm lợi ích và tổ chức chính trị khác, hay thậm chí với truyền thông để thực hiện các hoạt động này. Mặc dù đảng tổ chức cơ quan lập pháp của bang và Quốc hội, nhưng họ phải chiến đấu với những nhân vật vận động hành lang của các nhóm lợi ích và với chính niềm tin của người làm luật để tác động tới lá phiếu của thành viên cơ quan lập pháp. Trong bầu cử, đặc biệt ở cấp địa phương, các nhóm khác, ví dụ nhóm ủng hộ hoặc phản đối xây sân vận động mới hay trưng cầu dân ý về thuế suất trường học, cũng nỗ lực gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử hoặc đôn đốc ứng viên tranh cử.

Do các hoạt động của chính đảng Hoa Kỳ xoay quanh việc bầu ứng viên nên đảng trong chính quyền thống trị chính đảng ở cấp độ khác thường so với các nền dân chủ phương Tây. Đối với các đảng tập trung cao độ vào việc giáo dục người dân về hệ tư tưởng của đảng – ví dụ như Đảng Marxist ở châu Âu – tổ chức đảng thường có khả năng ra lệnh cho đảng lập pháp, yêu cầu vấn đề nào phải tập trung và buộc họ chịu trách nhiệm về lá phiếu của mình.

Ảnh hưởng từ các hoạt động của đảng

Các hoạt động của đảng ảnh hưởng tới nền chính trị Hoa Kỳ như thế nào? Chính đảng giúp mọi người nhận biết về tính phức tạp của chính trị. Hầu hết chúng ta không mấy quan tâm tới chính phủ. Chính đảng đơn giản hóa các vấn đề và hoạt động bầu cử cho mọi người; từ đó, người dân có thể đưa ra các lựa chọn hợp lý trong chính trị cả khi không có nhiều thông tin về chính trị, bằng cách sử dụng mối gắn bó với đảng như chỉ dẫn để đánh giá ứng viên và các vấn đề. Bằng cách giúp công dân đưa ra phán quyết chính trị dễ dàng hơn, đảng phái khiến con đường để mọi người trở nên tích cực về chính trị dễ dàng hơn. Họ giáo dục người dân Hoa Kỳ bằng cách chuyển các thông tin chính trị cùng các giá trị cho một lượng lớn cử tri hiện hữu và tương lai.

Đảng  phái ở Hoa Kỳ cũng giúp tập hợp và sắp xếp quyền  lực chính trị. Họ phân các cá nhân và nhóm thành các khối có đủ quyền lực điều hành. Do vậy trên chính trường cũng như trong từng cá thể, đảng phái giúp thâu tóm lòng trung thành chính trị vào một số lượng ít các phương án thay thế, từ đó tạo nên sự hậu thuẫn cho họ. Đảng phái cũng tạo ra sự chống đối có tổ chức. Đó chẳng phải vai trò được ưa chuộng; hành xử của một đối thủ ngoan cố đâu đó giống như kẻ thua cuộc cay cú. Nhưng sự chống đối có tổ chức là thiết yếu đối với nền dân chủ bởi nó mang cơ chế khuyến khích tự nhiên – chính là tham vọng nội tại của nó – để đóng vai trò giám sát một chính phủ đầy quyền lực. Rất ít người trong chúng ta tự nguyện hy sinh thời gian và công sức để tự mình giữ vai trò quan trọng này.

Vì tập trung cao độ vào các cuộc bầu cử cạnh tranh nên đảng phái chi phối việc tuyển mộ các lãnh đạo chính trị. Một số lượng lớn các nhà lập pháp, nhà hoạt động chính trị và thậm chí cả các thẩm phán cũng tham gia vào dịch vụ công thông qua hoạt động đảng. Bởi các đảng là bất biến trong tiến trình bầu cử, nên họ giúp những thay đổi trong công tác lãnh đạo chính quyền diễn ra thường xuyên và quy củ hơn. Tại những quốc gia mà đảng phái không cố định giữa các cuộc bầu cử, sự thay đổi ở tầm lãnh đạo có thể rối loạn hơn nhiều.

Cuối cùng, đảng phái giúp hệ thống chính trị bị phân tách của Hoa Kỳ xích lại gần nhau. Chính phủ Hoa Kỳ được thiết lập với mục đích phân rã quyền lực chính trị, khiến cho không nhóm riêng lẻ nào giành được đủ sức mạnh để làm kẻ thống trị. Sự chia cắt giữa chính phủ liên bang và các tiểu bang, được nhân lên nhiều lần bởi phân tách quyền lực ở mỗi cấp độ, đã thực hiện xuất sắc vai trò phân chia quyền lực. Thách thức đó là làm sao để những đơn vị rời rạc phối hợp với nhau nhằm giải quyết vấn đề. Hai đảng phái chính của quốc gia tạo nên chiếc cầu bắc qua những mảnh vỡ quyền lực, là nền tảng cho sự hợp tác trong một chính phủ đánh dấu bằng phân quyền và phân chia.

Đảng phái tách biệt với các nhóm chính trị khác như thế nào?

Chúng ta đã thấy đảng có rất nhiều sự cạnh tranh với vai trò các trung gian trong đời sống chính trị. Tất cả các tổ chức chính trị, không chỉ đảng, nỗ lực giáo dục ít nhất một bộ phận công dân và huy động những người ủng hộ nhằm chiến thắng trong các cuộc tranh cử hoặc gây ảnh hưởng tới người chiến thắng. Các đảng duy trì quan hệ cộng tác gắn bó với nhiều nhóm lợi ích có tổ chức cùng chung mối quan tâm với họ: công đoàn và các nhóm vì môi trường, vì phụ nữ đối với Đảng Dân chủ; Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA), các nhóm doanh nghiệp nhỏ, và tổ chức Công giáo bảo thủ đối với Đảng Cộng hòa. (12)

Đảng phái tách biệt với các nhóm chính trị này như thế nào?

Chính đảng là tối cao trong các cuộc bầu cử

Trên tất cả, một đảng được phân biệt với các tổ chức chính trị khác nhờ vai trò định hình bầu cử. Trong hầu hết các cuộc bầu cử, ứng viên được ghi danh trên lá phiếu là thuộc đảng “Dân chủ” hay “Cộng hòa”; họ không được ghi là “thành viên NRA” hay “nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính”. Chính các đảng chính thường đóng vai trò tuyển mộ thư ký bầu cử và giám sát bỏ phiếu chứ không phải AARP (Hội Hưu trí Hoa Kỳ). Ở các cuộc bầu cử cạnh tranh, đảng là tối cao trong các nhóm chính trị.

Họ dành toàn bộ thời gian cho hoạt động chính trị

Các đảng phái chính của Mỹ hoàn toàn tập trung vào hoạt động chính trị; đó là lý do tồn tại duy nhất của họ. Ngược lại, nhóm lợi ích và các tổ chức chính trị khác thường xuyên chuyển dịch từ hoạt động chính trị sang phi chính trị và ngược lại. Lấy ví dụ, mối quan tâm cơ bản của Công đoàn ngành Thép là tiến hành các thương lượng tập trung nhằm tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Họ có thể chuyển hướng sang hành động chính trị để phản đối các ứng viên không thân thiện hay vận động hành lang tại Quốc hội để ngăn chặn ban hành luật chống công đoàn, nhưng lợi ích của tổ chức này gắn với nơi làm việc. Chính đảng hoàn toàn sống trong thế giới chính trị.

Họ huy động số lượng lớn

Một nhóm lợi ích, như tổ chức vận động hành lang nhằm đưa ra các hạn chế ngặt nghèo hơn đối với hành vi uống rượu khi chưa đủ tuổi, sẽ không cần tới hàng triệu người ủng hộ để thuyết phục Quốc hội thông qua dự luật; họ chỉ cần vài chiến lược gia và một nhóm ủng hộ được huy động hợp lý là có thể thành công. Tuy nhiên, do chiến thắng trong bầu cử là tối quan trọng đối với mục tiêu của đảng, nên các đảng phải huy động số lượng người ủng hộ cực lớn nhằm thành công tại nhiều cuộc đua. Kết quả là một hệ thống kiểu như vậy tại Hoa Kỳ khiến cho mỗi đảng phái chính không thể chỉ đại diện cho một phạm vi quan tâm nhỏ hẹp.

Họ tồn tại lâu dài

Đảng phái tại Mỹ có tính ổn định và trường tồn đáng kinh ngạc. Hầu hết các nhóm kinh doanh, môi trường và nhóm có mục đích riêng lẻ chỉ là trẻ vị thành niên nếu so sánh với tuổi đời của đảng. Cả hai đảng chính của Hoa Kỳ đã có lịch sử hơn 150 năm, và nhiều đảng phái chính của các nền dân chủ Tây phương khác cũng có tuổi đời ấn tượng. Thời gian tồn tại lâu bền đáng kinh ngạc như vậy làm tăng thêm giá trị của đảng đối với cử tri. Các đảng ở đó làm điểm tham chiếu từ cuộc bầu cử này qua cuộc bầu cử khác và từ ứng viên này tới ứng viên khác, tạo nên tính liên tục cho những chọn lựa mà người dân Hoa Kỳ đối mặt và những vấn đề mà họ tranh cãi.

Họ đóng vai trò biểu tượng chính trị

Cuối cùng, đảng chính trị phân biệt với các nhóm chính trị khác đến độ họ vận hành như một biểu tượng, hay chính là hiện hữu đầy cảm xúc của lòng trung thành. Đối với mấy chục triệu người dân Hoa Kỳ, danh hiệu đảng là một đặc tính xã hội, cũng như thuộc dân tộc hay tôn giáo. Đó là dấu hiệu hàng đầu để họ đưa ra quyết định về ứng viên hay các vấn đề; nó gắn kết giá trị của họ với những chọn lựa thực tế trong chính trường Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng khác biệt giữa đảng và các tổ chức chính trị khác là khác biệt về mức độ. Nhóm lợi ích có tham gia vào bầu cử, và các tổ chức chung lợi ích lớn hơn cũng tạo nên biểu tượng chính trị. Nhiều nhóm như NRA có thể tuyển mộ ứng viên, giới thiệu ứng viên được chọn tới các thành viên và bạn hữu, và kêu gọi người ủng hộ tới bỏ phiếu trong Ngày Bầu cử. Các nhóm khác cũng có khả năng tương tự (xem bảng “Đảng Trà có phải một đảng?” trang 42). Nhóm lợi ích cũng vận động cho các quan điểm, nỗ lực gây ảnh hưởng tới những người có chức vụ, và cấp tài chính cho các chiến dịch. Nhưng trên lá phiếu thì ứng viên được ghi là đại diện của đảng chứ không phải của nhóm lợi ích.

Xét trên một vài khía cạnh, các đảng chính có nhiều điểm chung với những nhóm lợi ích lớn như NRA và AARP, hơn là với đảng nhỏ hay đảng thứ ba. Hầu hết đảng nhỏ chỉ là tổ chức cử tri trên danh nghĩa. Đa số ứng viên của họ không có cơ hội đọc bài diễn văn chiến thắng trong đêm bầu cử. Họ có rất ít hoặc không có các tổ chức địa phương. Đối tượng hội viên của các đảng này thường cũng hẹp như hầu hết các nhóm lợi ích. Tuy nhiên, các đảng nhỏ có thể đạt tiêu chuẩn ghi danh trên lá phiếu, và ứng viên của họ có thể nhận tài trợ từ quỹ công nếu có và nếu họ đáp ứng đủ tiêu chí. Ở khía cạnh này (và đôi khi chỉ ở khía cạnh này), họ mới tương đồng với đảng chính hơn là các nhóm lợi ích lớn.

Các đảng của Hoa Kỳ phát triển như thế nào?

Các chính đảng đầu tiên trên thế giới được hình thành ở Hoa Kỳ. Trong hơn 200 năm, sự phát triển của đảng phái Hoa Kỳ có quan hệ mật thiết với việc mở rộng nền dân chủ đại chúng. Trong lịch sử của mình, có những khi đảng trong chính quyền, rồi tổ chức đảng, và sau đó là cả đảng trong chính quyền và đảng trong cử tri nắm quyền thống trị đảng của mình.(13)

Sự hình thành đảng phái ở Hoa Kỳ

Mặc dù các nhà sáng lập chính phủ Hoa Kỳ không thích suy nghĩ về tư tưởng bè phái, nhưng họ cũng bắt đầu chia phe và chuyển sang hướng xây dựng đảng chính trị sơ khởi ngay sau khi chính phủ mới được hình thành. Nhóm thống trị, do vị bộ trưởng ngân khố trẻ trung đầy nhiệt huyết là Alexander Hamilton dẫn đầu, tin rằng sự sống còn về mặt kinh tế của quốc gia đòi hỏi (chính phủ liên bang) kiểm soát tập trung toàn bộ nền kinh tế. Những người ủng hộ chế độ liên bang theo đuổi hệ thống ngân hàng tập trung và thuế quan cao (thuế áp cho hàng nhập khẩu) nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp mới hình thành của Hoa Kỳ (xem bảng “Các đảng phái chính ở Hoa Kỳ” ở trang 47).

Thomas  Jefferson,  James Madison,  và những người khác phản đối. Họ thấy đề xuất của Hamilton khiến cho chính phủ liên bang quá mạnh và đe dọa quyền của các tiểu bang. Mỗi nhóm tổ chức các cuộc gặp mặt, gọi là “họp kín”, để lên kế hoạch thông qua ý tưởng của mình. Suốt những năm 1790, sự song hành này tồn tại bền bỉ hơn. Khác biệt của họ, cũng tương tự như tình trạng hiện nay, vừa mang tính nguyên tắc vừa có yếu tố cá nhân; như sử gia David McCullough ghi lại, sự đối địch giữa Hamilton và Jefferson “đã tới mức họ khó lòng chịu xuất hiện trong cùng một phòng. Người này chắc chắn người kia là kẻ nguy hiểm muốn thống lĩnh chính phủ”.(14)

Sau đó, các đảng phái ban đầu này chủ yếu được định hình “từ trên xuống” bởi các nhân vật trong chính phủ. Họ tập trung trước nhất vào những vấn đề mà các nhà lãnh đạo quốc gia, những người sáng lập đảng, đã quan ngại – không có gì ngạc nhiên vào thời kỳ hầu hết người Mỹ chỉ đóng vai trò gián tiếp trong chính trị. Lúc này, quyền bỏ phiếu ở hầu hết các bang chỉ dành cho công dân tự do, là những người đáp ứng điều kiện sở hữu tài sản hoặc nộp thuế. Ngay cả quyền lực của số lượng khá ít cử tri này cũng bị hạn chế như ý muốn của những người viết nên Hiến pháp. Tổng thống không phải do cử tri trực tiếp bầu mà gián tiếp thông qua bởi Đại cử tri đoàn. Dù thành viên của Hạ viện được bầu trực tiếp thông qua lá phiếu phổ thông, thì cơ quan lập pháp của bang lại có quyền chọn thượng nghị sĩ đại diện cho bang mình. Xuất phát điểm cẩn trọng của chính quyền tự trị dân chủ này khiến cho các đảng chính trị rất bị hạn chế.

Do lực lượng ủng hộ Jefferson chiếm thiểu số trong Quốc hội, hy vọng chính của họ để luật được thông qua là bầu thêm nhiều đồng minh. Họ hợp tác với “các câu lạc bộ thảo luận” có chung tư tưởng được hình thành từ cộng đồng địa phương để phản đối những công chức theo chủ nghĩa liên bang. Còn dân thường ủng hộ thì tham gia “Ủy ban liên lạc” giữa các nhà lãnh đạo cấp quốc gia và địa phương. Mỗi bên thiết lập ít nhiều cơ quan báo chí để truyền thông phục vụ mục đích của mình. Ngay từ giữa thập niên 1790, chưa đầy 10 năm sau khi Hiến pháp được thông qua, hầu hết chính khách liên bang hoặc đứng về phía Dân chủ-Cộng hòa (thường gọi tắt là Cộng hòa) theo Jefferson hoặc ủng hộ chủ nghĩa liên bang của Hamilton, và các đảng phái thời kỳ phôi thai này chia phe cánh đối với những vấn đề chính mà chính phủ mới phải đối mặt.(15)

Tuy nhiên, những con người tinh hoa hơn thuộc phe Liên bang không thể duy trì việc tổ chức quần chúng hay giành phần thắng trong các cuộc bầu cử. John Adams, ứng viên tổng thống đại diện phe này đã bị Jefferson đánh bại vào năm 1800, và những người ủng hộ thiết lập liên bang đi dần vào quên lãng trong thập niên tiếp theo. Tóm lại, áp lực dân chủ hóa vào đầu thập niên 1800 đã đủ mạnh để dập tắt một đảng mới ra đời với đội ngũ lãnh đạo trong chính phủ không có khả năng thích nghi nhu cầu tổ chức lực lượng cử tri đông đảo. Nhưng những người của chủ nghĩa liên bang đã để lại món quà lịch sử cho nền dân chủ Hoa Kỳ. Họ chấp nhận thất bại của Adams năm 1800 và trao chức vụ tổng thống cho đối thủ thuộc phe Jefferson. (16)

Những người Dân chủ-Cộng hòa, đảng đại diện cho lợi ích của nông dân, tầng lớp ít đặc quyền hơn, tầng lớp ở vùng biên, sau đó đã duy trì chế độ độc quyền đơn đảng trong gần 20 năm. Họ thâu tóm chính trị Hoa Kỳ triệt để đến độ vào thời kỳ diễn ra cuộc bầu cử của James Monroe năm 1816, việc không có xung đột đảng phái được gọi là “Kỷ nguyên của Cảm xúc Tốt đẹp” (Era of Good Feelings). Dù cho đảng này suy tàn và đảng kia lên ngôi, bản chất của hoạt động chính trị thời kỳ này không thay đổi nhiều. Đó là thời kỳ mà chính phủ và chính trị là lĩnh vực hoạt động của một nhóm tinh hoa gồm những con người nổi tiếng, địa vị vững vàng, và các đảng phản ánh đời sống chính trị lúc đó. Không có cạnh tranh đảng phái, giới lãnh đạo không thấy nhu cầu phải tổ chức quần chúng trọn vẹn hơn, vì vậy sự phát triển hơn nữa của các đảng bị đình trệ.

Chính trị Hoa Kỳ bắt đầu thay đổi đáng kể vào thập niên 1820. Lúc này, hầu hết các bang đã loại bỏ yêu cầu chỉ chủ đất mới có quyền bỏ phiếu. Quyền bầu cử được mở rộng cho tất cả nam giới da trắng, ít nhất là trong bầu cử cấp tiểu bang và liên bang. Nhu cầu dân chủ hóa ngày càng bức thiết cũng thúc đẩy chính quyền tiểu bang và địa phương tiến hành bầu cử công khai đối với ngày càng nhiều chức vụ công hơn là bổ nhiệm. (17)

Một thay đổi lớn vào thời kỳ này là sự xuất hiện một khía cạnh mới trong quá trình bầu cử tổng thống mà vẫn còn tồn tại tới ngày nay. Các nhà soạn thảo Hiến pháp đã tạo ra một sự bố trí khác thường để chọn lựa tổng thống, gọi là Đại cử tri đoàn. Mỗi bang sẽ chọn số cử tri tham gia bầu tổng thống (đại cử tri) tương ứng số lượng đại biểu Quốc hội của bang, cách thức triển khai thì do cơ quan lập pháp bang quyết định. Các đại cử tri sẽ gặp gỡ tại bang để bỏ phiếu cho ghế tổng thống. Ứng viên nhận được đa số phiếu đại cử tri của các bang là người chiến thắng toàn quốc. Nếu không có ứng viên nào nhận được đa số phiếu, tổng thống sẽ do Hạ viện lựa chọn, khi đó mỗi bang được bỏ một phiếu.

Đại cử tri đoàn là phát kiến thực sự tài tình. Bằng cách trao quyền chọn đại cử tri cho cơ quan lập pháp bang, những người đưa ra sáng kiến này đã tránh được việc phải thiết lập một khuôn mẫu chung cho các phương pháp bầu cử và yêu cầu bỏ phiếu. Thậm chí cả khi bản thân họ đồng ý với các quy tắc này, thì một số bang có thể phản đối liên bang nắm quyền kiểm soát. (Đương nhiên câu hỏi dễ gây xung đột nhất là liệu có hay không và bằng cách nào đếm số nô lệ trong dân số một bang). Yêu cầu các đại cử tri họp cùng thời điểm tại bang của họ giúp ngăn chặn đại cử tri từ những bang khác nhau thông đồng để bầu cho ứng viên họ chọn. Lúc đầu, các bang sử dụng một loạt phương thức khác nhau để lựa chọn đại cử tri, nhưng tới thập niên 1820, bầu cử đại chúng là cách thức phổ biến nhất. (18)

Sự ủng hộ dành cho quyền  kiểm soát của đại chúng  tăng lên cũng làm dấy lên mối nghi ngờ rằng có nên để các phiên họp kín được quyền đề cử ứng viên tổng thống hay không. Một số người chỉ trích đề cử thông  qua họp kín là hành  động  của những  nhóm  nhỏ tinh hoa tự-cho mình quyền làm vậy. Cùng lúc đó, hệ thống họp kín cũng bắt đầu tan vỡ từ bên trong. Vào năm 1824, nỗ lực của những người Dân chủ-Cộng hòa nhằm đề cử ứng viên tổng thống đã kết thúc trong hỗn loạn. Không có ứng viên nào giành được đa số phiếu của Đại cử tri đoàn, vì vậy Hạ viện phải chọn giữa John Quincy Adams, William H. Crawford, và Andrew Jackson. Dù Jackson là ứng viên dẫn trước ở cả phiếu phổ thông và đại cử tri, Hạ viện đã chọn Adams. Kết quả là Jackson đã đánh bại Adams vào năm 1828. Sau đó, đại hội đảng đã mất đi vai trò nòng cốt của đảng khi Hoa Kỳ bước vào giai đoạn mới của nền chính trị đảng phái.

Hệ thống lưỡng đảng liên bang nổi lên

Hệ thống lưỡng đảng được Kỷ nguyên của Cảm xúc Tốt đẹp mở đường và chiếm ưu thế từ đó. Đảng Dân chủ-Cộng hòa đã phát triển các phe cánh thà chọn phân ly còn hơn hòa hợp. Andrew Jackson đưa cánh vùng biên và nông nghiệp của Đảng Dân chủ-Cộng hòa, những người kế thừa truyền thống Jefferson, vào tổ chức mà ngày nay được gọi là Đảng Dân chủ. Một cánh khác từ Đảng Dân chủ-Cộng hòa trước đây, gồm những người đưa Adams lên làm tổng thống vào năm 1824 và 1828, về sau hợp nhất với các đảng viên Whig (thuật ngữ tiếng Anh cổ chỉ những người phản đối sự chuyên quyền của nhà vua, ở đây nhằm ám chỉ Jackson). Từ đó tạo nên nền chính trị lưỡng đảng ở Hoa Kỳ.

Không kém phần quan trọng là việc các đảng phát triển nền tảng quần chúng (công dân) trên phạm vi quốc gia lớn hơn trước rất nhiều. Giờ đây lực lượng công dân được quyền bỏ phiếu đã lớn hơn nhiều, và các chiến dịch tranh cử tổng thống quan tâm hơn đến việc tiếp cận công chúng. Các tổ chức và chiến thuật vận động đưa cuộc tranh cử tới nhiều người hơn. Trái với những gì mà cánh Jackson đã định hình, bầu cử tổng thống mang tính cạnh tranh cao hơn và tỷ lệ cử tri đi bầu tăng lên. Tổ chức đảng ở các tiểu bang và địa phương cũng mở rộng, nhờ vào hệ thống đường sá và liên lạc được cải thiện. Ngày càng nhiều ứng viên cho các chức vụ của tiểu bang và địa phương được đề cử thông qua hội nghị ban lãnh đạo tiểu bang và địa phương, hơn là qua các buổi họp kín phạm vi hẹp của các nhà lập pháp. Vào năm 1840, Đảng Whig và Đảng Dân chủ được hình thành trong hệ thống đảng liên bang thực sự đầu tiên và cạnh tranh ở tất cả các tiểu bang.

Trong suốt thập niên 1840 và 1850, hai đảng nỗ lực đưa vấn đề nô lệ khó nhằn ra khỏi chương trình nghị sự do nó đe dọa phá vỡ liên minh ủng hộ của cả hai. Cuối cùng, đảng Whig phá vỡ nguyên tắc và sụp đổ sau đó. Các nhà hoạt động chống chế độ nô lệ thành lập Đảng Cộng hòa đáp ứng nhu cầu bãi bỏ chế độ nô lệ. Đảng Cộng hòa sau đó đi theo cam kết của Đảng Whig là bảo hộ doanh nghiệp nội địa bằng thuế quan cao và thuế [khác] để trợ cấp cho phát triển công nghiệp: đường bộ, đường sắt, và định cư tại vùng biên. Đảng này được tổ chức trên quy mô rộng, ngoại trừ ở miền Nam và vùng biên là các pháo đài của Đảng Dân chủ, và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1860. Theo nghĩa  rộng, hệ thống  đảng và cả quốc gia đã chia thành hai miền Bắc – Nam.

Tóm lại, đảng phái chính trị hiện đại tương tự các đảng chúng ta đã biết ngày nay, với cơ cấu tổ chức đặc thù, dựa trên lực lượng cử tri trung thành và liên minh bền vững của giới lãnh đạo trong chính phủ, đã phát triển từ giữa thập niên 1800. (19)  Sự phát triển của các đảng phái ở Mỹ liên quan mật thiết với việc sớm mở rộng lực lượng cử tri. Các đảng tương tự đã không phát triển ở Anh mãi cho tới thập niên 1870, khi thông qua luật cho phép thêm nhiều nam giới trưởng thành có quyền bỏ phiếu.

Kỷ nguyên vàng của các đảng

Do sự phát triển của mình, các đảng tiếp nhận số lượng lớn cử tri gia nhập từ một nguồn mới: người nhập cư từ châu Âu. Hàng trăm nghìn người Âu nhập cư vào Mỹ trước Nội chiến. Đảng Dân chủ chào đón họ để tìm kiếm lá phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, số lượng dân di cư lớn khiến những người khác bất an. Đáp ứng tình hình đó, một đảng thiểu số chống người nhập cư mang tên Đảng Người Mỹ (còn gọi là Đảng Không Biết Gì) nhanh chóng hình thành vào thập niên 1850.

Tình hình nhập cư chỉ tạm ngưng do Nội chiến. Sau khi chiến tranh kết thúc, dòng người đến từ các quốc gia khác gần như ổn định từ năm 1870 cho tới khi Quốc hội đóng cửa không cho nhập cư ồ ạt vào thập niên 1920. Số lượng người nhập cư vào những năm 1880 là hơn 5 triệu (bằng một phần mười dân số chính thức vào năm 1880). Mười triệu người nữa đến trong giai đoạn 1905-1914 (một phần chín cư dân Hoa Kỳ năm 1900).

Các chính đảng đóng vai trò quan trọng trong việc đồng hóa những làn sóng nhập cư khổng lồ này. Những người mới đến đổ xô về thành phố lớn nơi có việc làm trong các ngành công nghiệp. Một loại hình tổ chức đảng mới hình thành ở những thành phố này, gọi là “bộ máy” đô thị, nhằm đáp ứng nhu cầu của người nhập cư. Bộ máy đảng này tương tự hệ thống dịch vụ xã hội trợ giúp người mới đến đối mặt với những thách thức của xã hội công nghiệp đô thị. Họ giảm nhẹ mặt gai góc của nghèo đói bằng cách ủng hộ thức ăn và các quỹ cho hộ nghèo, dàn xếp với chính phủ và cảnh sát, dạy người nhập cư về tục lệ nơi quê nhà mới – tất cả để đổi lấy lá phiếu của di dân dành cho ứng viên của đảng vào thời điểm bầu cử. Với những lá phiếu này, bộ máy đảng có thể giành được và duy trì quyền kiểm soát đối với chính quyền thành phố. Những bộ máy này chính là công cụ để tầng lớp lao động đô thị mới giành quyền kiểm soát các thành phố từ tay giới tinh hoa chủ yếu là người Anglo-Saxon theo đạo Tin Lành, vốn đã thống trị quá lâu.

Giai đoạn cuối thập niên 1800 và đầu những năm 1900 là “kỷ nguyên vàng” của các đảng phái Hoa Kỳ: đạt tới đỉnh cao quyền lực và tầm ảnh hưởng. Tổ chức đảng, giờ đây là khu vực chi phối đảng, có mặt ở tất cả tiểu bang và địa phương, đồng thời nở rộ ở các thành phố công nghiệp. Tầm ảnh hưởng của đảng đạt vị thế cao kỷ lục trong Quốc hội và hầu hết cơ quan lập pháp bang. Đảng thực hiện các chiến dịch tranh cử cho các chức vụ công; tổ chức mít tinh và diễu hành ban đêm, vận động bầu cử tại nhà, và đưa cử tri đi bầu. Đảng kiểm soát các vị trí công việc thuộc nhà nước từ thợ kiểm tra cống tới thành viên Thượng viện. Đảng là nguồn thông tin và chỉ dẫn quan trọng cho lực lượng cử tri phần lớn chưa được giáo dục và thường không hiểu biết về chính trị. Kết quả là số lượng cử tri đi bầu vào nửa cuối thập niên 1800 đã đạt mức cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Đảng phái đã thỏa mãn nhu cầu và lấp đầy hạn chế của lực lượng cử tri mới cũng như đáp ứng mong mỏi hình thành các cộng đồng đa số tại một đất nước đang công nghiệp hóa nhanh. (20)

Các cuộc cải cách cấp tiến và hơn thế

Xu hướng dân chủ hóa chính trị tại Hoa Kỳ tiếp diễn vào những năm  1900.  Tu  chính  án Mười  bảy  được  thông  qua  trao  quyền  bầu thượng nghị sĩ cho cử tri thay vì cơ quan lập pháp của bang. Nữ giới và sau đó là người da màu cuối cùng cũng được quyền bỏ phiếu. Khi nền dân chủ đại chúng được mở rộng, đã xuất hiện một phong trào có thể tạo ra những thay đổi lớn với các đảng.

Thời kỳ mà các đảng xem như “kỷ nguyên vàng” của mình dường như không hẳn là hoàng kim với các nhóm cải cách. Đối với những người tham gia vận động Cấp tiến, việc đảng kiểm soát chính trị dẫn tới tham nhũng hoành hành và chính quyền hoạt động không hiệu quả. Do nhiều người Cấp tiến xem quyền lực của đảng là thủ phạm nên họ nỗ lực làm suy yếu khả năng kiểm soát mà các đảng, đặc biệt là tổ chức đảng, đã đạt được vào cuối những năm 1800. Các nhà cải cách tấn công “nguyên tắc ông trùm” của đảng bằng cách thúc đẩy bầu cử sơ bộ (xem Chương 9 và 10), trong đó trao quyền chọn ứng viên của đảng cho cử tri thay vì lãnh đạo đảng. Việc bổ nhiệm tổng thống được mở hơn cho công chúng bằng cách tổ chức bầu cử chọn ứng viên ở các tiểu bang. Cơ quan lập pháp ở nhiều bang đưa ra các luật nhằm hạn chế tổ chức đảng.

Các cuộc cải cách thực sự làm suy yếu tổ chức đảng và quyền lực của họ trong bầu cử. Khi đảng trong cử tri giành quyền chỉ định ứng viên của đảng, tổ chức đảng và các lãnh đạo mất đi chức năng quan trọng nhất của mình. Ứng viên giờ đây có thể trực tiếp thu hút các cử tri quan trọng thay vì lệ thuộc vào tổ chức đảng. Tác dụng sau nữa của cải cách Cấp tiến là giảm ưu thế của tổ chức đảng bên trong đảng, xét trên tổng thể. Vì thế, kỳ vọng một xã hội dân chủ, ban đầu khiến cho đảng trở nên công khai hơn và hoạt động tích cực hơn ở tầng lớp quần chúng, về sau đã thay đổi tổ chức đảng, làm cho vai trò của cơ quan này không còn quan trọng như đã từng đạt được trong đời sống chính trị Hoa Kỳ.(21)

Tuy nhiên, gần đây tổ chức đảng và đội ngũ lãnh đạo đã tạo ra nguồn lực mới cho mình. Bắt đầu từ thập niên 1970, ban đầu là Đảng Cộng hòa và sau đó là Đảng Dân chủ đã mở rộng khả năng huy động tài chính của các tổ chức đảng liên bang. Họ sử dụng số tiền mới kiếm được để tăng cường dịch vụ cho ứng viên và thúc đẩy năng lực của các tổ chức đảng tại tiểu bang. Trong vòng bốn mươi năm qua, Đảng Dân chủ, thông qua ủy ban và hội đồng quốc gia, đã tạo ra bộ quy tắc để các Đảng Dân chủ tại tiểu bang tuân theo trong quá trình chỉ định ứng viên tổng thống. Cả hai điểm thay đổi này đều làm tăng cường sức mạnh của tổ chức đảng liên bang. Trên thực tế, so với tổ chức đảng ở tiểu bang và địa phương, ngày nay tổ chức đảng liên bang dường như hiện diện trong hai đảng chính còn nhiều hơn bất cứ lúc nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ. (Chương 3 và 4 trình bày nhiều hơn về các thay đổi này).

Tóm lại, các đảng đã thay đổi mạnh mẽ và còn tiếp tục thay đổi. Nhưng họ vẫn giữ vai trò là tổ chức dẫn dắt nền dân chủ đại chúng. Các đảng trưởng thành cùng với quyền bỏ phiếu mở rộng và vai trò gia tăng của công dân trong nền chính trị dựa trên bầu cử. Đảng là kênh dẫn mà thông qua đó cử tri cùng nhau chọn đại diện và những người đầy hoài bão để đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo. Đảng làm rõ các phương án lựa chọn đối với những vấn đề đầy thách thức như phá thai, thuế, và khủng bố. Đảng khuếch đại tiếng nói của một số nhóm khi đưa ra các yêu cầu đối với chính sách công và làm mờ nhạt những nhóm còn lại.

Các đảng ủng hộ những vấn đề gì?

Các đảng đã thay đổi lập trường đối với nhiều vấn đề theo thời gian, thậm chí cả những vấn đề chính yếu.(22)  Lấy ví dụ, các đảng liên bang là Dân chủ và Cộng hòa sau nhiều năm đã có thay đổi rất lớn về quan điểm đối với vấn đề quyền công dân dành cho người Mỹ da đen và quyền bình đẳng dành cho nữ giới. Sự phân quyền truyền thống của các đảng phái Hoa Kỳ (được thảo luận trong Chương 2) có nghĩa là tổ chức đảng ở một số bang hay ủy ban địa phương có thể có quan điểm không giống với các tổ chức thuộc cùng đảng đó ở những vùng khác.

Tuy nhiên, có những thời kỳ lập trường rõ ràng của đảng phân nhánh theo những vấn đề chính sách lớn. Thời điểm hiện tại là một trong số đó. Mặc dù một số người cho rằng việc đưa ra các vấn đề đảng ủng hộ đơn giản chỉ là công cụ để thu hút phiếu bầu, nhưng cuộc đua tranh đang diễn ra giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa không bao giờ chỉ đơn thuần là câu chuyện của tham vọng thô thiển. Ngay từ khi ra đời, cách thức tổ chức của các đảng đã nhắm tới việc giành quyền lực nhằm đạt những mục tiêu chính sách cụ thể. Thay đổi về cử tri và sức mạnh ngày càng tăng của các tổ chức đảng liên bang trong ba thập kỷ qua đã khuyến khích sự phân cực của đảng: Đồng thuận chính sách cao hơn bên trong mỗi đảng và khác biệt chính sách sâu sắc hơn giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

Nếu truy cập trang web của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa, là tuyên ngôn của đảng này, hay tìm hiểu về các lá phiếu của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội, bạn sẽ thấy Đảng Cộng hòa từ lâu đã đặt niềm tin vào một khu vực kinh doanh cường thịnh. Đảng này đưa ra cảnh báo một chính phủ có đủ quyền lực để bù đắp những bất bình đẳng cá nhân, bằng cách tạo ra các chương trình phúc lợi hoặc tái phân bố thu nhập, là một chính phủ có thể lấy đi quyền và tài sản của công dân. Trên diễn đàn của đảng này từ lâu đã chỉ trích “cơ chế tinh hoa quản trị” Washington  theo đó ngăn cản các cá nhân làm giàu cho chính mình. Đặc biệt từ những năm 1980, đảng này đã đặc biệt nhấn mạnh giá trị của tôn giáo và tín ngưỡng.

Các nguyên tắc này được thể hiện trong lập trường của đảng trước nhiều vấn đề hiện hữu (xem Bảng 1.1). Cắt giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp chiếm vị trí ưu tiên trong chương trình nghị sự của đảng. Thuế thấp làm giảm thu của chính phủ, từ đó giảm khả năng kiến tạo các chương trình mới – đây là chiến lược mà một số người bảo thủ gọi là “bỏ đói mãnh thú” (chính phủ). (23)   Đảng Cộng hòa cho rằng, giảm thuế nên làm lợi cho người giàu bởi vì sẽ giúp họ tạo ra việc làm. Đảng này nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách bảo vệ quyền tài sản, cũng có nghĩa là hạn chế chính phủ can thiệp vào các quyết định kinh tế của công dân.

Lập trường của Đảng Cộng hòa đối với các vấn đề khác cũng cho thấy những quan điểm này hướng tới giải pháp cho khu vực tư nhân hơn là chính phủ, và vì quyền lực của bang và địa phương hơn là quốc gia và quốc tế. Lấy ví dụ, về môi trường, đảng này cho rằng nhiều luật môi trường kìm hãm doanh nghiệp phát triển. Truyền thống Cộng hòa định rõ tiềm lực quốc phòng yêu cầu có quân đội vững mạnh với trang bị từ các nhà thầu tư nhân, hơn là ưu tiên cho các hiệp định kiểm soát vũ trang quốc tế.

Theo thời gian, so với Đảng Dân chủ thì Đảng Cộng hòa có xu hướng thiên về lựa chọn lãnh đạo và ứng viên từ cộng đồng kinh doanh. Từ lâu Đảng Cộng hòa đã ủng hộ việc hạn chế quyền của nghiệp đoàn do cho rằng các tổ chức này cản trở sự vận hành của thị trường tự do. Mối quan hệ giữa nghiệp đoàn và Đảng Cộng hòa ở vị trí trung gian giữa căng thẳng và không tồn tại, như có thể thấy trong tranh đấu pháp lý ở các tiểu bang về quyền của liên hiệp công chức vào những năm 2010. Các cuộc trưng cầu dân ý gần đây cho thấy chỉ 18 phần trăm đảng viên Đảng Cộng hòa có cái nhìn thiện chí về nghiệp đoàn, so với gần một nửa thành viên Đảng Dân chủ.(24)  Các nhóm chính ủng hộ Đảng Cộng hòa bao gồm cánh bảo thủ (đặc biệt là tín đồ Cơ Đốc bảo thủ), dân miền Nam da trắng, và dân sống ở các khu vực nông thôn và ngoại ô.

Truyền thống của Đảng Dân chủ lại khác. Đối với các nhà hoạt động Dân chủ, chính quyền là công cụ giá trị để giải quyết các bất công do thị trường gây ra. Các nhà hoạt động này tin rằng dịch vụ xã hội cần thiết nên do chính phủ cung cấp chứ không phải được tư hữu hóa. Cắt giảm thuế hạn chế khả năng của chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ như vậy. Họ cho rằng, bất kể sự cắt giảm thuế nào nên nhắm tới mục tiêu trợ giúp người nghèo khó hơn là tầng lớp giàu có. Trong khi phe Cộng hòa tin rằng mục đích của chính phủ là thúc đẩy cho các cá nhân đạt thành tựu lớn hơn, thậm chí chịu trả giá bằng bất bình đẳng kinh tế, thì Đảng Dân chủ lại có quan điểm công bằng đòi hỏi giảm chênh lệch kinh tế, và nhiệm vụ của chính phủ là tạo ra mạng lưới an toàn cho người cần chúng.

Trong suốt nửa thế kỷ qua, Đảng Dân chủ Quốc gia đã ưu ái sử dụng chính phủ để thực thi quyền công dân cho người Mỹ da đen. Trong 30 năm qua, chính đảng này đã công nhận phá thai là hợp pháp và tiến hành các hoạt động vì môi trường. Các nhà Dân chủ kiên quyết nếu quyền tài sản ảnh hưởng tới bảo vệ môi trường thì phần thua phải thuộc  về quyền  tài sản. Tương  tự, đối với giáo dục, Đảng Dân chủ nhấn mạnh nhu cầu đầu tư vào trường công và nhắm tới bình đẳng về cơ hội. Đó là một lý do tại sao Đảng Dân chủ thường chọn lựa ứng viên và các nhà hoạt động từ đội ngũ giáo viên và luật sư tòa án. Lực lượng chính ủng hộ Đảng Dân chủ đến từ các nhóm tự do, người thu nhập thấp, dân sống ở vùng Đông Bắc và Bờ Tây, nhóm thiểu số và các nghiệp đoàn.

Trong kỳ Quốc hội 2013-14, các đảng bộc lộ sự khác biệt này rất rõ ràng. Mang tính đặc thù, Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện đã đề xuất hạ thâm hụt ngân sách liên bang bằng cách cắt giảm dịch vụ xã hội do chính phủ cung cấp, như trợ cấp cho người thu nhập thấp, và quản lý môi trường. Cũng là đặc trưng của Đảng Dân chủ, các lãnh đạo của đảng này tại Hạ viện phản đối cắt giảm dịch vụ xã hội đồng thời yêu cầu thắt chặt quản lý hoạt động kinh doanh. Theo kết quả từ một cuộc thăm dò do Gallup tiến hành, 72 phần trăm thành viên Đảng Dân chủ cho biết họ tin vào chính phủ hơn là doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế của quốc gia; còn 64 phần trăm thành viên Đảng Cộng hòa thì lại đặt niềm tin vào các doanh nghiệp.(25)

Nhưng thậm chí trong hiện tại, không đảng nào hoàn toàn giữ vững lập trường trong các vấn đề. Như Bảng 1.1 chỉ ra, các đảng dường như thay đổi ý thức hệ đối với một số vấn đề “giá trị”. Đảng Cộng hòa thường phản đối sự can thiệp của chính phủ thì đã yêu cầu chính phủ hành động để cấm phá thai và hôn nhân đồng giới đồng thời để ủng hộ các giá trị gia đình truyền thống. Và Đảng Dân chủ vốn xem chính phủ là đồng minh của người nghèo thì mong muốn chính phủ không can thiệp vào cuộc sống cá nhân đối với các vấn đề phá thai và tình dục đồng giới. Có lẽ vì các vấn đề “giá trị” ảnh hưởng tới mọi người khác với các vấn đề kinh tế, nên thái độ của từng cá nhân đối với phá thai và tình dục đồng giới không phải lúc nào cũng tương quan với ưu tiên của họ cho một chính phủ cứng rắn hay mềm mỏng.

Những sự không nhất quán này thường phản ánh nỗ lực về mặt chiến lược của các đảng nhằm thu hút các nhóm mới ủng hộ. Lấy ví dụ, về giá trị truyền thống, Đảng Cộng hòa bảo thủ thập niên 1970 nhận ra rằng chính sách ủng hộ quyền sống và chống đồng giới của phe Cơ Đốc cánh hữu thu hút được các nhóm cử tri dao động (vào thời đó bao gồm nhiều người da trắng miền Nam bảo thủ) hơn nhiều so với lập trường kinh tế của đảng. Ứng viên Cộng hòa ngày càng dựa vào các giá trị của người Cơ Đốc bảo thủ. Và khi nhiều người Cơ Đốc bảo thủ trở thành các nhà hành động nhiệt thành của Đảng Cộng hòa, mối quan tâm của họ vươn lên dẫn đầu trong chương trình nghị sự của đảng.

Những thay đổi này cũng do ảnh hưởng mạnh mẽ của bối cảnh phát triển các đảng. Đảng Cộng hòa hình thành như một đảng của cả lợi ích kinh doanh và chính phủ lớn do vào những năm 1800, các doanh nghiệp đang mở rộng và cần trợ giúp từ chính phủ. Xây dựng đường sá và các phương thức vận chuyển hàng hóa khác, mạng lưới liên lạc quy mô lớn, thuế quan cao để bảo hộ sản phẩm trong nước là các công việc mà chính phủ liên bang có thể thực hiện hiệu quả hơn nhiều so với từng bang hoặc doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi công việc kinh doanh của người Mỹ đã ổn định và cơ sở hạ tầng cần thiết được thiết lập đủ, một chính phủ liên bang quyền lực có thể trở thành mối đe dọa cho doanh nghiệp – như đã xảy ra khi ứng phó với Đại suy thoái thập niên 1930 – bởi chính phủ có thể quản lý hoạt động của doanh nghiệp, tăng thuế để tài trợ cho các chương trình xã hội và khiến việc tổ chức công nhân thành công đoàn dễ dàng hơn.

Các đảng là do hoàn cảnh định hình

Tiếp đó, trải qua quá trình lịch sử, bản chất của hoạt động đảng, lập trường với các vấn đề, và tổ chức của họ bị các lực từ môi trường chi phối, ngược trở lại, đảng cũng tác động tới môi trường. Một nhiệm vụ chính yếu của cuốn sách này là giải thích những ảnh hưởng đó. Một trong những tác động quan trọng nhất là bản chất của cử tri: Ai có quyền bầu cử?

Cử tri và bầu cử

Như chúng ta đã thấy, mở rộng quyền bầu cử giúp định hình sự phát triển của đảng. Mỗi nhóm mới gia nhập lực lượng cử tri là thách thức đối với đảng trong việc tái điều chỉnh lời kêu gọi của mình vì các đảng phải giành giật sự ủng hộ từ nhóm này. Lấy ví dụ, giờ đây cả hai đảng đang miệt mài nỗ lực để thu hút cử tri Mỹ gốc Latinh đang có số lượng ngày càng tăng. Đặc biệt, Đảng Cộng hòa đã tranh luận xem có nên thay đổi lập trường về vấn đề nhập cư để giành cử tri Latinh từ Đảng Dân chủ hay có đáng để cứ đưa thêm nhiều ứng viên Latinh tranh cử hay không.

Vận may của các đảng cũng gắn bó chặt chẽ với tính chất của bầu cử tại Hoa Kỳ. Nếu bạn là ứng viên triển vọng tại một tiểu bang vừa mới thông qua bầu cử sơ bộ, việc thu hút lãnh đạo đảng ủng hộ sẽ kém thiết yếu so với huy động tiền chạy quảng cáo truyền hình để thuyết phục số lượng lớn các cử tri tham gia bầu cử sơ bộ. Những thể thức bầu cử này đưa ra nhiều quy tắc theo đó các đảng cạnh tranh giành phiếu bầu và vì thế ảnh hưởng tới hoạt động và tổ chức của đảng.

Các thể chế chính trị

Hai “quy tắc” chính trong chính trị Hoa Kỳ có ảnh hưởng sâu sắc tới các đảng, đó là chế độ liên bang và chia tách quyền lực. Do chia tách quyền lực, bộ máy lập pháp và hành pháp được bầu chọn độc lập với nhau. Tiến hành theo cách thức như vậy đảm bảo quyền lực được phân chia, và như trong các thập kỷ gần đây, khiến cơ quan lập pháp và vị trí thống đốc hay tổng thống là do các đảng khác nhau kiểm soát. Ngược lại, nhiều quốc gia dân chủ khác có các hệ thống nghị viện theo đó phe chiếm đa số trong cơ quan lập pháp lựa chọn thành viên cho nhánh hành pháp từ chính người của mình. Khi phe đa số đó không thể duy trì tình thế nữa thì một chính phủ mới phải được hình thành. Ngược lại, trong hệ thống của Hoa Kỳ, các nhà lập pháp có thể bỏ phiếu phản đối tổng thống hay thống đốc thuộc đảng mình trước các vấn đề chính yếu mà không cần e ngại điều đó sẽ đánh sập chính phủ và buộc phải có cuộc bầu cử mới. Kết quả là, đảng lập pháp Hoa Kỳ hiếm khi đạt được mức kỷ luật đảng như vẫn thường có được trong hệ thống nghị viện.

Hệ thống liên bang, trong đó tiểu bang có một số quyền độc lập (hơn là vai trò “văn phòng con” của chính quyền quốc gia), cũng ghi dấu ấn lên đảng phái Hoa Kỳ. Hệ thống này cho phép tồn tại lòng trung thành và truyền thống chính trị địa phương. Nó đã đẻ ra cơ man văn phòng công cần được lấp đầy, hình thành nên hệ thống bầu cử kềnh càng hơn so với tất cả các nền dân chủ khác kể cả về quy mô và mức độ đa dạng. Những truyền thống và sự trung thành cấp địa phương này nuôi dưỡng một mạng lưới rộng lớn các đảng địa phương bán-độc lập nằm trong hai đảng liên bang.

Các luật điều chỉnh đảng

Không  có nền dân chủ nào trên thế giới mà ở đó đảng  phái được điều chỉnh bằng các luật như tại Hoa Kỳ. Trước đây thì không như vậy. Cho đến khi xảy ra các cuộc cải cách Cấp tiến một trăm năm trước, đảng phái của Hoa Kỳ từng là các tổ chức tự vận hành, hầu như không  chịu sự kiểm soát từ luật pháp của tiểu bang hay liên bang.  Lấy ví dụ, hầu hết những  năm 1800,  các đảng tự đề ra quy tắc riêng về việc chỉ định ứng viên đồng thời cũng in ấn, phát hành, và thường là – với con mắt dò xét phía kia – cả kiểm phiếu. Sau đó, một cuộc bỏ phiếu “kiểu Úc” (bỏ phiếu kín) đã chuyển trách nhiệm tổ chức bầu cử cho chính phủ. Bầu cử sơ bộ trực tiếp vào đầu những năm 1900 và nhiều cuộc cải cách trình tự chỉ định ứng viên tổng thống gần đây cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế các đảng tự quản.

Sự tồn tại của 50 bộ luật khác nhau cấp tiểu bang nhằm điều chỉnh các đảng đã tạo ra 50 trạng thái của các chính đảng. Hầu hết các bang cố gắng kiểm soát tổ chức đảng của mình thông qua điều tiết hoạt động gây quỹ. Luật của tiểu bang thậm chí quy định nhóm nào được xem là đảng theo nghĩa có quyền đưa ứng viên tham gia bỏ phiếu. Chính quyền liên bang thì có bộ luật giới hạn hơn về việc gây quỹ của các đảng.

Văn hóa chính trị

Văn hóa chính trị của một quốc gia là tập hợp các chuẩn mực và kỳ vọng chính trị của người dân quốc gia đó. Chương này bắt đầu với lưu ý rằng văn hóa chính trị Hoa Kỳ từ lâu đã xem chính đảng là gian dối và mục ruỗng. Các cuộc trưng cầu dân ý mới đây cho thấy chỉ số tín nhiệm đối với Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa gần như ở mức thấp kỷ lục; trên thực tế, cuộc trưng cầu đáng nhớ vào năm 2013 cho kết quả là một bộ phận người Mỹ có thiện chí với gián, chấy và cải Brussels hơn là với Quốc hội.(26)

Những đặc điểm này cùng nhiều yếu tố khác của văn hóa chính trị định hình nên hành vi của các đảng. Việc công chúng mất lòng tin vào đảng khiến cho các ứng viên hạn chế nhắc tới đảng khi tham gia tranh cử. Các chuẩn mực văn hóa ảnh hưởng tới đánh giá của mọi người về việc một phương thức gây quỹ là chấp nhận được hay không thích hợp. Lấy ví dụ, một quảng cáo chiến dịch với lời lẽ mạnh mẽ, “Nghị sĩ X đã kiếm được hàng ngàn đô-la nhờ tăng lương cho chính mình trong khi từ chối ủng hộ binh lính của chúng ta” – sẽ được xem là “vu khống” hay “không nể nang và đầy thông tin” tùy thuộc vào chuẩn mực chính trị của đa số người Mỹ vào một thời điểm nhất định, chứ không phải vào các tiêu chuẩn nói chung.

Bối cảnh rộng hơn

Đảng phái cũng chịu tác động từ các yếu tố khác. Công nghệ truyền thông thay đổi mạnh mẽ ảnh hưởng lớn tới hành vi của các đảng.(27)  Ba thập kỷ trước đây, thế giới truyền thông do vô tuyến mạng thống trị, đòi hỏi quảng cáo của đảng và ứng viên phải thu hút đối tượng khán giả rộng rãi trên toàn quốc và không phân biệt. Ngày nay, ứng viên và đảng có thể sử dụng Twitter, Facebook, YouTube và vô số nền tảng khác để tiếp cận các nhóm cử tri có đặc điểm nhất định. Dữ liệu khổng lồ về thông tin chính trị và người dùng giúp các đảng hướng thông điệp của mình đến các mục tiêu vi mô để truyền thông tới người Cơ Đốc bảo thủ ở nông thôn ủng hộ quyền sở hữu súng, hay tới những chuyên gia thu nhập cao theo thuyết bất khả tri quan tâm tới năng lượng thay thế.

Các xu hướng kinh tế học của quốc gia nhìn chung ảnh hưởng mạnh mẽ tới các đảng. Bất bình đẳng thu nhập – chênh lệch thu nhập giữa người giàu và người nghèo – tăng lên trong các thập niên gần đây. (28)  Điều này làm người giàu tăng khả năng đóng góp cho các đảng phái và chiến dịch. Ý thức hệ của hai đảng chính cũng tác động tới bất bình đẳng thu nhập. Nếu Đảng Dân chủ cầm quyền thì bất bình đẳng này thường được giải quyết bằng các dịch vụ xã hội cho người nghèo do chính phủ tài trợ. Còn nếu đó là Đảng Cộng hòa thì phương án thường là giảm thuế cho người giàu, với mục đích là làm tăng thu nhập của những người có khả năng tạo ra việc làm.

Trong  chương  này,  chúng  ta  đã  tìm  hiểu  bản  chất  của  đảng chính trị, họ làm gì, họ phát triển như thế nào trong hoàn cảnh của mình và hoàn cảnh đó đã định hình họ ra sao. Các chủ đề này sẽ tiếp tục dẫn dắt chúng ta xuyên suốt cuốn sách. Chương  tiếp theo bàn về một trong các vấn đề hóc búa nhất mà những người quan tâm tới đảng phái gặp phải khi so sánh chính đảng của Hoa Kỳ với các quốc gia khác: Tại sao Hoa Kỳ có hai đảng chính, mà không phải là một số, hay chỉ một?

Bài viết được trích từ Chương 1 cuốn Chính Trị Đảng Phái Tại Hoa Kỳ (tên tiếng Anh: “Parties Politics in America”) do Omega Plus ấn hành. Cuốn sách được xem là “tiêu chuẩn vàng” cho các giáo trình về đảng phái chính trị của Marjorie Randon Hershey và được sử dụng rộng rãi trong giảng dạy tại các trường đại học của Mỹ. 

Marjorie Randon Hershey là Giáo sư ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Indiana (Mỹ), đồng thời là diễn giả thường xuyên về chính trị Mỹ cũng như nguồn tin cho báo chí về các chiến dịch bầu cử. Trọng tâm nghiên cứu và giảng dạy của Giáo sư Hershey tập trung vào các đảng phái chính trị, chiến dịch và bầu cử.

——–

Chú thích

    1. Jonathan Haidt  và  Marc  J.  Hetherington,  “Look  How  Far  We’ve  Come Apart,” New York Times, ngày 17 tháng Chín, 2012 tại địa chỉ http:// campaignstops.blogs.nytimes.com/2012/09/17/look-how-far-weve-come- apart/?smid=tw=share (truy cập ngày 8 tháng Hai, 2013).
    2. Alan I. Abramowitz, The Disappearing Center (New  Haven: Yale University Press, 2010), tr. 112.
    3. Theo tính toán của Adam Bonica trong “Ideological Cartography,” ngày 5 tháng Mười một, 2010, tại địa chỉ ideologicalcartography.com/2010/11/05/ Introducing-the-112th-congress (truy cập ngày 15 tháng Hai, 2013).
    4. Một số người cho rằng các nhóm lợi ích này và “những người vận động chính sách” cũng nên được xem là thành phần của đảng; xem Marty Cohen, David Karol, Hans Noel, và John Zaller, The Party Decides (Chicago: University of Chicago Press, 2008). Những người còn lại thì xem các nhóm này nằm ngoài đảng nhưng là phần thiết yếu của môi trường xung quanh đảng.
    5. Các định nghĩa này là từ Edmund Burke, “Thoughts on the Cause of the Present Discontents (1770)” trong The Works of Edmund Burke (Boston: Little, Brown, 1839), phần I, tr. 425-426; Anthony Downs, An Economic Theory of Democracy (New York: Harper & Row, 1957), tr. 24; William Nisbet Chambers, “Party Development and the American Mainstream,” trong Chambers và Walter Dean Burnham, eds., The American Party Systems (New York: Oxford University Press, 1967), tr. 5; John H. Aldrich, Why Parties? A Second Look (Chicago: University of Chicago Press, 2011), tr. 297; và V. O. Key, Jr., Politics, Parties, and Pressure Groups (New York: Crowell, 1958), tr. 180-182.
    6. V. O. Key, Jr., đã sử dụng khái niệm “ba phần” này để lên cấu trúc tác phẩm kinh điển của ông, Politics, Parties, and Pressure Groups. Người đóng góp chính cho định nghĩa đảng trong cử tri là Ralph M. Goldman, Party Chairmen and Party Factions, 1789-1900 (Ph.D. diss., University of Chicago, 1951).
    7. Xem Denise L. Baer và David A. Bositis, Elite Cadres and Party Coalitions (Westport, CT: Greenwood Press, 1988), tr. 21-50.
    8. Ví dụ, xem Bruce E. Altschuler, Running in Place (Chicago: Nelson-Hall, 1996), tr. 107.
    9. Xem Joseph A. Schlesinger, “The Primary Goals of Political Parties,” American Political Science Review 69 (1975): 840-849.
    10. Ví von này là của Joseph A. Schlesinger trong “The New American Political Party”, American Political Science Review 79 (1985): 1152-1169.
    11. Bầu cử cơ quan lập pháp bang tại Nebraska không mang tính đảng phái, dù cử tri thấy rõ mối ràng buộc mang tính đảng của các ứng viên, và công chức toàn bang (như thống đốc và công tố viên của bang) được chọn thông qua bỏ phiếu có tính đảng phái.
    12. Xem Cohen et al., The Party Decides.
    13. Xem William N. Chambers, Political Parties in a New Nation (New York: Oxford University Press, 1963).
    14. Trích trong David Von Drehle, “Origin of the Species”, Washington Post, ngày 25 tháng Bảy, 2004, tr. W12.
    15. Kathleen Bawn, Martin Cohen, David Karol, Seth Masket, Hans Noel, và John Zaller, “A Theory of Political Parties”, Perspectives on Politics 10 (2012): 591-597.
    16. Xem John H. Aldrich và Ruth W. Grant, “The Antifederalists, the First Congress, and the First Parties,” Journal of Politics 55 (1993): 295-326.
    17. Chilton Williamson,  American  Suffrage  (Princeton:  Princeton  University Press, 1960).
    18. Neal R. Peirce và Lawrence D. Longley, The People’s President (New Haven: Yale University Press, 1981).
    19. Xem Aldrich, Why Parties?, Chương 4; và A. James Reichley, The Life of the Parties (Lanham, MD: Rowman & Littlefield, 1992), Chương 5.
    20. Xem Reichley, The Life of the Parties, Chương 6-11.
    21. Về cải cách đảng, xem Austin Ranney, Curing the Mischiefs of Faction (Berkeley: University of California Press, 1975).
    22. Xem David Karol, Party Position Change in  American Politics (Cambridge: Cambridge University Press, 2009).
    23. Xem Mark A. Smith, The Right Talk (Princeton: Princeton University Press, 2000).
    24. Frank Newport và Lydia Saad, “Republicans Negative, Democrats Positive in Describing Unions,” thăm dò của Gallup, ngày 11 tháng Ba, 2011 tại địa chỉ http://www.gallup.com/poll/146588/Republicans-Negative-Democrats- Positive-Describing-Unions.aspx (truy cập ngày 15 tháng Hai, 2013).
    25. Frank Newport,  “On  Economy,  Republicans  Trust  Business;  Dems  Trust Gov’t,” thăm dò của Gallup, ngày 12 tháng Ba, 2009, tại địa chỉ http://www. gallup.com/poll/116599/Economy-Republicans-Trust-Business-Dems- Trust-Gov.aspx (truy cập ngày 15 tháng Hai, 2013).
    26. Lydia Saad, “GOP Favorability Matches 2008 Pre-Convention Level,” thăm dò của Gallup, ngày 29 tháng Tám, 2012, tại địa chỉ http://www.gallup.com/ poll/156959/gop-favorability-matches-2008-pre-convention-level.aspx (truy cập ngày 1 tháng Năm, 2013), và Trưng cầu Chính sách Công, “Congress Less Popular than Cockroaches, Traffic Jams,” ngày 8 tháng Một, 2013, tại địa chỉ http://www.publicpolicypolling.com/pdf/2011/ppp_Release_Natl_010813_ pdf (truy cập ngày 15 tháng Hai, 2013). Mất lòng tin ở đảng cũng phổ biến ở các quốc gia khác; xem Ingrid van Biezen và Michael Saward, “Democratic Theorists and Party Scholars,” Perspectives on Politics 6 (2008): 21-35.
    27. Xem  Markus   Prior,   Post-Broadcast  Democracy  (Cambridge:   Cambridge University Press, 2007).
    28. Xem Larry M. Bartels, Unequal Democracy (Princeton: Princeton University Press, 2008).