Rupert Brooke: Nhà thơ tân lãng mạn thời Thế chiến I

Nguồn: Historic figures, BBC

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Rupert Brooke (1887 – 1915) là một nhà thơ người Anh với những bài thơ mang phong cách tân lãng mạn. Các tác phẩm thơ cùng sự hi sinh lúc còn trẻ của Brooke trong Thế chiến I đã góp phần làm nên danh tiếng và hình ảnh lý tưởng hóa của anh.

Rupert Brooke sinh ngày 03/08/1887 và có cha là một giáo viên phụ trách ký túc xá ở Trường Rugby. Sau khi tốt nghiệp Đại học Cambridge, nơi anh đã kết giao với nhiều thành viên của ‘nhóm Bloomsbury’, Brooke đã học ở Đức và sau đó tới Italy. Năm 1909, Brooke chuyển đến làng Grantchester gần Cambridge, nơi anh từng ca ngợi trong bài thơ ‘The Old Vicarage, Grantchester’ (1912) của mình. Năm 1911, tập thơ đầu tiên của anh được xuất bản. Tới năm 1913, Brooke trở thành nghiên cứu viên của Đại học King, Cambridge, ngôi trường anh từng theo học.

Cùng năm, Brooke đã rời Anh để đến Bắc Mỹ, New Zealand và các đảo Thái Bình Dương. Anh đã trở về nhà ngay trước khi Thế chiến I bắt đầu, sau đó được phân vào Sư đoàn Hải quân Hoàng gia và tham gia chiến dịch thất bại ở Antwerp vào tháng 10/1914. Tháng 02/1915, Brooke lên đường đến Dardanelles, song trong hành trình, anh đã bị nhiễm trùng bởi vết muỗi đốt. Brooke mất ngày 23/04/1915 trên một con tàu bệnh viện ở ngoài khơi đảo Skyros, Hy Lạp và được an táng tại một khu rừng ô liu trên đảo.

Sự lạc quan ở giai đoạn đầu của chiến tranh đã được Brooke thể hiện trong các bài thơ thời chiến, được xuất bản sau khi anh mất. Những tác phẩm này đã nói lên chủ nghĩa lý tưởng về chiến tranh, đối lập mạnh mẽ với thơ ca được xuất bản sau này trong Thế chiến I.