Thế giới hôm nay: 22/01/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Joe Biden tập trung vào covid-19 trong ngày đầu tiên nắm quyền, với việc ký mười sắc lệnh hành pháp để tăng cường xét nghiệm, đẩy nhanh tiêm chủng và thúc đẩy sản xuất trong nước các trang thiết bị bảo hộ, cùng các biện pháp khác. Trong khi đó Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của ông Biden, thông báo Mỹ sẽ tham gia COVAX, một sáng kiến ​​toàn cầu nhằm đảm bảo quyền tiếp cận vắc-xin bình đẳng do Tổ chức Y tế Thế giới đồng dẫn dắt.

Hungary cấp phép sử dụng khẩn cấp trong sáu tháng cho vắc-xin Sputnik V của Nga, bên cạnh vắc-xin của AstraZeneca và Đại học Oxford. Đây là lần đầu tiên một quốc gia thuộc EU đơn phương phê duyệt vắc-xin trước các thành viên còn lại của khối, trong bối cảnh khối này đang tranh cãi với Pfizer-BioNTech về tốc độ cung cấp vắc-xin chậm chạp của họ.

Nga bắt giữ một đồng minh lâu năm của thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny, người hiện đang ngồi tù vì bị cho là vi phạm các điều khoản quản chế và không tham dự phiên điều trần xá tội vì đi điều trị y tế ở Đức sau khi bị đầu độc. Lyubov Sobol đã kêu gọi người Nga biểu tình vào thứ Bảy để phản đối việc ông bị bắt giam. Chính phủ tuyên bố những cuộc biểu tình như vậy là bất hợp pháp.

Ít nhất 32 người thiệt mạng và 110 người bị thương trong hai vụ đánh bom liều chết ở Baghdad. Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất vào thủ đô Iraq kể từ tháng 1 năm 2018, thời điểm hơn một tháng sau khi chính phủ tuyên bố chiến thắng Nhà nước Hồi giáo IS. Nhóm cực đoan này chưa lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng giới chức Iraq cho rằng IS chính là thủ phạm.

Ngân hàng Trung ương châu Âu quyết định cho đến nay không cần tiến hành thêm các biện pháp chống đỡ thiệt hại kinh tế của đại dịch và phong tỏa. Họ đang đánh giá tác động của quyết định cách đây sáu tuần của mình là mở rộng chương trình mua trái phiếu và cung cấp tín dụng giá rẻ cho các ngân hàng. Lãi suất cũng không thay đổi.

Thủ tướng Mông Cổ Khurelsukh Ukhnaa từ chức sau các cuộc biểu tình phản đối chính sách chống covid-19 của chính phủ ông. Hàng nghìn người đã kéo về thủ đô Ulaanbaatar để phản đối phong tỏa kéo dài và đóng cửa biên giới. Ông Khurelsukh cáo buộc tổng thống Battulga Khaltmaa đã dàn dựng biểu tình – một tuyên bố mà ông Battulga, nhà lãnh đạo của đảng chính trị đối thủ, phủ nhận.

Google đồng ý trả tiền cho một nhóm khoảng 300 nhà xuất bản Pháp để liệt kê nội dung của họ trong kết quả tìm kiếm. Các công ty công nghệ như Google kiếm tiền bằng cách hiển thị các quảng cáo bên cạnh những câu chuyện của các nhà xuất bản xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. Năm ngoái, một tòa án Paris ra phán quyết các nhà xuất bản xứng đáng nhận được tiền và gã khổng lồ tìm kiếm phải thương lượng một cách thiện chí để đạt được một thỏa thuận theo luật của EU.

TIÊU ĐIỂM

Cả thế giới nhìn về Israel để theo dõi tính hiệu quả của vắc-xin

Chỉ trong một tháng, Israel đã tiêm được ít nhất một liều vắc-xin covid-19 của Pfizer-BioNTech cho 27% dân số của mình, một tỷ lệ cao hơn bất kỳ nước nào khác. Giờ đây, thế giới đang dõi theo để xem việc tiêm chủng sớm có thể tạo ra khác biệt đến đâu. Như nhiều nước khác, Israel bắt đầu với người lớn tuổi và đang phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của B.1.1.7, một biến thể phát hiện lần đầu ở Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 50%.

Kết quả sơ bộ của những người Israel trên 60 tuổi cho thấy liều đầu tiên không chỉ ngăn các triệu chứng mà còn cả việc nhiễm bệnh, đồng nghĩa vắc-xin hạn chế sự lây lan của vi rút. Hiệu quả bắt đầu xuất hiện sau 14 ngày kể từ ngày tiêm chủng, khi tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở nhóm được tiêm chủng giảm 1/3. Tuần này, số ca nhiễm covid-19 mới của Israel đã giảm xuống, lần đầu tiên sau hai tháng. Liệu xu hướng này có tiếp tục hay không vẫn còn phải chờ. Thế giới nín thở theo dõi.

Khủng hoảng nhân đạo ở Ethiopia vì nội chiến

Đã gần hai tháng kể từ khi Abiy Ahmed, thủ tướng Ethiopia, tuyên bố chiến thắng sớm trong cuộc chiến giữa chính phủ liên bang và các đối thủ ở khu vực miền bắc Tigray, Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF). Song thắng lợi quân sự đạt được đã không mang lại hòa bình hay ổn định. Một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra. Phần lớn dân số khoảng 6 triệu người trong vùng không có đủ thức ăn, nước uống hoặc thuốc men kể từ khi giao tranh bắt đầu vào tháng 11.

Theo chính quyền lâm thời của khu vực, hơn 2 triệu dân thường đã mất nhà cửa. Bên ngoài thủ phủ vùng, các ngân hàng, chợ và cửa hàng đóng cửa, và thiếu hụt bệnh viện. Một số thực phẩm đã đến được các khu vực do quân liên bang kiểm soát, nhưng những vùng lãnh thổ lớn do TPLF nắm giữ đang bị phong tỏa. Các nhóm viện trợ cáo buộc chính phủ ngăn họ tiếp cận những nhóm người cần được cứu nhất — và lo sợ nạn đói xảy đến. Đó là điều mà người Ethiopia biết quá rõ.

Một hiệp ước hạt nhân mới ra đời

Một hiệp ước mới có hiệu lực từ hôm nay. Hiệp ước Cấm vũ khí Hạt nhân (Treaty on the Prohibition of Nuclear Weapons – TPNW), đã được 86 quốc gia ký và 51 quốc gia phê chuẩn, cấm phát triển hoặc lưu trữ vũ khí hạt nhân. Không nước nào sẽ từ bỏ hạt nhân (vì không có cường quốc hạt nhân nào là bên ký kết). Nhưng TPNW là hướng đi đúng để thúc đẩy thay đổi.

Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung sụp đổ vào năm 2019. Thỏa thuận hạt nhân Iran cũng rạn nứt. Vào ngày 15 tháng 1, Nga theo chân Mỹ tuyên bố từ bỏ hiệp ước Bầu trời Mở, vốn cho phép các chuyến bay giám sát phi vũ trang vốn có thể phát hiện việc gia tăng lực lượng quân sự. Và New START, thỏa thuận hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Mỹ và Nga, sẽ hết hạn vào ngày 5/2 trừ khi hai nước đồng ý gia hạn. Giải cứu nó là một thử thách sớm cho Tổng thống Joe Biden — và chưa rõ liệu TPNW có thể làm gì để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới hay không.

Norwegian Air khó khăn đủ bề nhưng vẫn còn hi vọng

Norwegian Air đang nói lời tạm biệt với Mỹ. Năm 2013, hãng này tìm cách đưa mô hình hàng không giá rẻ phổ biến ở châu Âu vào các đường bay xuyên Đại Tây Dương. Nhưng dự án tốn rất nhiều tiền, khiến hãng bị thua lỗ ngay từ trước đại dịch covid-19 khiến hầu hết các máy bay phải đắp chiếu và hãng bị phá sản. Hôm nay, công ty sẽ trình bày một kế hoạch kinh doanh mới trước một tòa án Ireland, nơi họ đã yêu cầu bảo hộ phá sản. Hãng sẽ từ bỏ mảng đường dài và quay về cội nguồn của mình là bay các tuyến bay ngắn xuyên châu Âu.

Công ty sẽ đối mặt với các cuộc đàm phán gian nan với các chủ nợ. Họ được nhận viện trợ từ các trái chủ và chính phủ Na Uy vào mùa xuân năm ngoái, song vẫn đang vật lộn với nợ và các nghĩa vụ khác tổng trị giá gần 67 tỷ kroner Na Uy (7,9 tỷ USD), mặc dù chưa bao giờ hãng kiếm được 44 tỷ kroner doanh thu cao như năm ngoái. Dù vậy con đường phía trước của họ đã trở nên thuận lợi hơn nhiều: mới hôm qua, chính phủ Na Uy đồng ý rót tiền vào một gói giải cứu nếu hãng hàng không tự tái cấu trúc thành công.