Nguồn: Derek Grossman, “How US-Vietnam Ties Might Go Off the Rails”, The Diplomat, 01/02/2021.
Biên dịch: Trần Hùng
Giờ đây, khi Hoa Kỳ và Việt Nam đã có dàn lãnh đạo mới, hai nước cần phải xem xét các bước tiếp theo trong quan hệ song phương. Trong bốn năm qua, chính quyền Trump đã tận dụng động lực được vun đắp bởi các chính quyền trước để làm sâu sắc hơn “quan hệ đối tác toàn diện” giữa Washington với Hà Nội, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh. Sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong những năm gần đây trên Biển Đông, nơi Việt Nam có tranh chấp chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc, càng giúp củng cố hơn nữa quan hệ đối tác Việt – Mỹ, biến mối quan hệ này thành một trong những điểm sáng tiêu biểu nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump.
Nếu chính quyền Biden chỉ đơn giản giữ nguyên cách tiếp cận như vậy thì động lực của quan hệ song phương hầu như sẽ được bảo toàn. Những dấu hiệu ban đầu đầy hứa hẹn. Ví dụ, nhóm Biden đã liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ, bao gồm cả với Việt Nam. Chính quyền Biden tiếp tục có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc, coi nước này là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” và chỉ trích áp lực quân sự của Trung Quốc lên Đài Loan.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden cũng đã cam kết triệu tập “Hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ” vào năm 2021 để “làm mới tinh thần và mục đích chung của các quốc gia trong Thế giới Tự do”. Với tư cách là một chế độ độc đảng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam có lẽ sẽ không được mời tham dự một sự kiện như vậy. Nhưng bản thân sự kiện không phải là vấn đề, mà nó có thể báo hiệu về thế giới quan của Biden: rằng Hoa Kỳ nên tìm kiếm ít hợp tác hơn với các đối tác chuyên chế và hợp tác nhiều hơn với các đối tác dân chủ so với trước đây để chống lại các chế độ chuyên chế. Theo đó, Biden đã bổ nhiệm một vị trí giám đốc cấp cao mới trong Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách vấn đề dân chủ và nhân quyền, một lần nữa báo hiệu rằng một sự thay đổi sắp xảy ra.
Việt Nam có lẽ lo ngại rằng hồ sơ nhân quyền kém cỏi sẽ khiến nước này trở thành mục tiêu phù hợp cho những lời chỉ trích mạnh mẽ hơn từ phía Hoa Kỳ so với thời chính quyền Trump, hoặc thậm chí thời Obama. Hà Nội sẽ đặc biệt chú ý đến việc xuất bản “Báo cáo Quốc gia về Thực tiễn Nhân quyền” hàng năm của Bộ Ngoại giao để xem chính quyền Biden đánh giá Việt Nam như thế nào, không chỉ trong báo cáo mà quan trọng hơn là trong các nhận xét công khai nếu có. Dưới thời chính quyền Trump, các tuyên bố báo chí riêng biệt không được đưa ra tại thời điểm xuất bản báo cáo. Sự chỉ trích công khai cũng thỉnh thoảng xảy ra, đặc biệt là khi các nhà hoạt động hoặc nhà báo thuộc tổ chức xã hội dân sự bị bắt giữ, nhưng sự chỉ trích này thường được giữ ở mức tối thiểu.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ đề phòng bất kỳ sự chỉ trích nào của Mỹ đối với hệ thống chính trị của họ xuất phát từ việc Hoa Kỳ muốn tái nhấn mạnh việc bảo tồn (và thúc đẩy?) dân chủ. Về vấn đề này, Hà Nội đang theo dõi sát sao việc Nhà Trắng chỉ trích mạnh mẽ các tiễn tiến chính trị hiện nay ở Myanmar và hàm ý đối với Việt Nam. Nền tảng quan hệ Việt – Mỹ giúp mở đường cho chuyến thăm đầu tiên trong lịch sử của một tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Nhà Trắng hồi tháng 1 năm 2015 là sự tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Bất kỳ sự thay đổi nào của Hoa Kỳ trong quan điểm này có thể khuyến khích những người theo đường lối bảo thủ cứng rắn ở Việt Nam, những người tìm cách tránh sự can thiệp của Hoa Kỳ vào chính trị nội bộ của đất nước.
Một nguyên nhân khác gây lo ngại là trong lĩnh vực thương mại song phương. Hồi tháng 12, chính quyền Trump đã xác định Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ. Theo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ trong những ngày cuối của chính quyền Trump, “các hành vi, chính sách và thực tiễn không công bằng góp phần vào việc định giá thấp tiền tệ gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ, và cần phải được giải quyết.” Nhưng cuối cùng, chính quyền Trump đã không có bất kỳ hành động nào vào phút chót đối với Việt Nam. Chưa biết liệu chính quyền Biden có tiến hành xem xét lại vụ việc này và có hành động chống lại Việt Nam hay không, nhưng nếu xảy ra, điều đó chắc chắn sẽ gây căng thẳng cho quan hệ song phương.
Cuối cùng, chính quyền Biden sẽ sẵn sàng có một đường lối cứng rắn hơn đối với quốc gia bạn bè truyền thống của Việt Nam là Nga. Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 26 tháng 1, Tổng thống Biden đã gây sức ép với Putin trên một loạt các mối quan tâm của Hoa Kỳ, bao gồm cả việc Moskva bị cáo buộc tham gia vào một chiến dịch gián điệp mạng lớn cũng như vụ bắt giữ nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny. Cách tiếp cận cứng rắn hơn của Biden cũng có thể bao gồm việc tăng cường thực thi Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua đe dọa trừng phạt (CAATSA) đối với các đồng minh và đối tác. Đạo luật CAATSA cho phép Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia mua thiết bị quân sự của Nga. Do khoảng 80% hệ thống vũ khí của Việt Nam là do Liên Xô hoặc Nga chế tạo, CAATSA có thể có tác động lớn đến an ninh của Việt Nam. Chính quyền Biden vẫn chưa bình luận gì về CAATSA và chưa rõ liệu họ có sẵn sàng miễn trừ áp dụng đạo luật cho một số quốc gia nhất định, bao gồm Việt Nam, hay không. Nếu không có sự miễn trừ như vậy, Washington có thể có biện pháp trừng phạt Hà Nội trong tương lai.
Mặc dù có những lý do xác đáng để đặt câu hỏi về quỹ đạo của quan hệ Việt – Mỹ trong những năm tới, nhưng động lực chính vẫn mang tính tích cực và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy. Cả hai nước đều tôn trọng lẫn nhau và có lợi ích chung trong việc đối phó với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Mọi xích mích nảy sinh có thể sẽ được xử lý qua đường ngoại giao để tránh gây thiệt hại lớn hơn cho quan hệ song phương. Nhưng tất nhiên, không có gì là chắc chắn.
Derek Grossman là nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation, và là giáo sư trợ giảng tại Đại học Nam California.