02/02/1812: Người Nga thành lập Pháo đài Ross ở California

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Russians establish Fort Ross in California, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1812, với hy vọng làm giàu từ miền Viễn Tây, người Nga đã cho thành lập Pháo đài Ross trên bờ biển phía bắc San Francisco.

Là một đế chế đang phát triển với đường bờ biển dài dọc theo Thái Bình Dương, Nga dường như có đủ khả năng dẫn đầu trong phong trào thuộc địa của phương Tây. Người Nga đã bắt đầu bành trướng sang lục địa Bắc Mỹ kể từ năm 1741, với một cuộc thám hiểm khoa học lớn tại Alaska. Trở về với tin tức về nguồn rái cá dồi dào, các nhà thám hiểm đã mở đầu cho khoản đầu tư của Nga vào ngành buôn bán lông thú Alaska và một số khu định cư lâu dài. Đầu thế kỷ 19, công ty do chính phủ làm chủ một phần, Russian-American Company (Công ty Nga-Mỹ), đã tích cực cạnh tranh với các công ty buôn bán lông thú của Anh và Mỹ xa đến tận phía nam bờ biển California – nơi nằm dưới quyền kiểm soát của Tây Ban Nha.

Những người Nga là cư dân thuộc địa Alaska đã gặp khó khăn trong việc tự sản xuất lương thực bởi vì mùa vụ ở vùng cực bắc quá ngắn. Các quan chức của Công ty Nga-Mỹ lý luận rằng một khu định cư lâu dài dọc theo bờ biển ôn đới California có thể vừa là nguồn cung cấp thực phẩm, vừa là cơ sở để khai thác lượng rái cá biển dồi dào trong khu vực. Để đạt được mục tiêu đó, một nhóm lớn người Nga và người Aleut (người Alaska bản địa) đã lên đường đến California, nơi họ thành lập Pháo đài Ross (viết tắt của Russia) trên bờ biển phía bắc San Francisco.

Tuy nhiên, Pháo đài Ross đã không thể thực hiện một trong hai chức năng mong đợi của nó trong suốt một thời gian dài. Tính đến thập niên 1820, loài rái cá biển từng rất dồi dào trong khu vực đã bị săn bắt gần như đến mức tuyệt chủng. Ngoài ra, mọi nỗ lực canh tác của cư dân thuộc địa cũng không mang lại kết quả, bởi vì những đợt sương mùa hè dọc theo bờ biển khiến việc trồng các loại trái cây và ngũ cốc trở nên khó khăn. Dù khoai tây California phát triển rất mạnh, nhưng thực ra chúng cũng có thể phát triển dễ dàng ở Alaska.

Cùng lúc đó, xung đột trở nên ngày càng căng thẳng giữa người Nga với người Mexico và các nhóm người Mỹ định cư trong khu vực. Thất vọng với tiềm năng thương mại của Pháo đài Ross và nhận ra rằng họ chẳng có cơ hội thực tế để đưa ra yêu sách chính trị tại khu vực, người Nga quyết định bán phần đất của mình. Sau khi thất bại trong việc thu hút sự quan tâm của cả người Anh và người Mexico, cuối cùng người Nga đã tìm được một người mua – John Sutter. Là một người Mỹ di cư đến California, Sutter đã mua Pháo đài Ross vào năm 1841 bằng một giao dịch không đảm bảo trị giá 30.000 đô la – một giao dịch ông ta chưa bao giờ chịu trả tiền. Ông sử dụng pháo đài để làm nguồn cung cho thuộc địa của mình ở Thung lũng Sacramento, nơi bảy năm sau, một phát hiện tình cờ đã châm ngòi cho Cơn sốt vàng California.