Nguồn: “Why has the dollar weakened during the pandemic?”, The Economist, 04/02/2021.
Biên dịch: Trần Hùng
Kể từ khi lên đỉnh cao nhất vào tháng 3 năm 2020, đồng đô la Mỹ đã mất hơn một phần mười giá trị so với đồng euro, cũng như giảm giá so với các đồng tiền nổi bật khác (như đồng yên Nhật và bảng Anh). Điều gì giải thích cho sự sụt giảm này trong khi các tài sản khác của Mỹ, đặc biệt là cổ phiếu, đã hoạt động rất tốt?
Giá trị của đồng đô la được quan tâm bên ngoài Hoa Kỳ vì nó vẫn là đồng tiền thống trị thế giới. Khoảng một nửa hàng hóa xuất khẩu của thế giới được lập hóa đơn bằng đồng đô la Mỹ mặc dù Mỹ chỉ chiếm một phần mười thương mại quốc tế. Các ngân hàng trung ương trên thế giới giữ hơn 60% dự trữ ngoại hối của họ bằng đô la Mỹ. Quan trọng hơn, khoảng một nửa số khoản vay ngân hàng xuyên biên giới và một phần tương tự trái phiếu quốc tế được định danh bằng đồng đô la.
Thực ra sự rớt giá gần đây của đồng đô la Mỹ đã bị phóng đại. Đô la Mỹ vẫn mạnh hơn khoảng 4% so với giá trị trung bình trong mười năm qua, được đánh giá so với đồng tiền của các đối tác thương mại của Mỹ và được điều chỉnh theo lạm phát, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), cơ quan thúc đẩy hợp tác giữa các ngân hàng trung ương. Các chỉ số khác cũng cho thấy chiều hướng tương tự. Chẳng hạn, chỉ số Big Mac của tạp chí The Economist cho thấy Mỹ là nơi đắt thứ tư trên thế giới để mua một chiếc bánh burger McDonald’s đặc trưng. Đồng đô la sẽ phải giảm thêm 20% nữa để một chiếc Big Mac tại Mỹ rẻ bằng một chiếc Big Mac tại Anh.
Mọi lời giải thích cho sự giảm giá của đồng đô la Mỹ đều phải bắt đầu với Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Khi đại dịch Covid-19 thúc đẩy việc tranh giành tích trữ đô la Mỹ vào tháng 3 năm ngoái, ngân hàng trung ương của Mỹ đã cố gắng tăng cung tiền, giảm lãi suất, mua tài sản để giảm lợi tức trái phiếu kho bạc dài hạn và đề nghị hoán đổi đô la Mỹ với các ngân hàng trung ương khác. Fed cũng đã hứa sẽ không tăng lãi suất một cách vội vàng ngay cả khi lạm phát tăng lên trên 2%. Những hành động này đều làm giảm giá đồng đô la Mỹ.
Các hành động của Fed cũng đã góp phần vào sự phục hồi đáng kể của cổ phiếu Mỹ. Đà tăng hiện đã lên cao tới mức các tài sản của Mỹ trông đắt đỏ và được tìm mua quá mức so với các tài sản khác trên toàn cầu. Điều đó đã thúc đẩy các nhà quản lý ngoại hối tìm kiếm các thương vụ tốt hơn ở những nơi khác, bao gồm cả ở châu Âu và thậm chí là các thị trường mới nổi.
Sự giảm giá của đồng đô la cũng là hình ảnh chiếu ngược cho thấy nền kinh tế thế giới gia tăng sức mạnh. Khi nước Mỹ thịnh vượng một mình, đồng đô la Mỹ sẽ tăng giá. Đồng thời nó cũng tăng giá khi kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới cùng đi xuống bởi đô la Mỹ được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời gian suy thoái. Nhưng nếu nước Mỹ và thế giới cùng phát triển thịnh vượng, đồng đô la Mỹ có xu hướng suy yếu so với các loại tiền tệ khác, mất đi sức hấp dẫn đặc biệt của nó ngay cả khi tính tới việc các loại tiền tệ khác tăng giá theo chu kỳ.
Đồng đô la Mỹ giảm giá sẽ làm giảm sức mua của bất kỳ ai nắm giữ đồng tiền này. Nhưng nó cũng có một số tác dụng có lợi. Nó sẽ làm cho các công ty sản xuất của Mỹ có sức cạnh tranh cao hơn, nếu các điều kiện khác không đổi, điều sẽ giúp tạo ra việc làm ở trong nước Mỹ. Đồng đô la yếu khiến các quốc gia và công ty có các khoản nợ bằng đô la sẽ dễ dàng hơn khi trả nợ. Và theo nghiên cứu của BIS, điều này làm cho các tổ chức tài chính quốc tế mạnh dạn hơn trong việc cho vay, qua đó thúc đẩy đầu tư vào các thị trường mới nổi.
Vậy liệu đồng đô la Mỹ có tiếp tục sụt giá? Nhiều nhà đầu tư nghĩ vậy. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Bank of America, số nhà quản lý quỹ nghĩ rằng đồng đô la đang được định giá quá cao nhiều hơn so với số nghĩ ngược lại. Nhưng 23% cũng cho rằng đánh cược đồng đô la Mỹ tăng giá trở lại hiện là giao dịch được nhiều người đánh cược nhất. Khi màn cược trở nên quá hấp dẫn, điều này sẽ góp phần làm xu hướng của đồng đô la Mỹ đổi chiều.