Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổng thống Syria Bashar al-Assad và vợ vừa xét nghiệm dương tính với covid-19. Chính phủ cho biết họ có sức khỏe tốt và sẽ tự cách ly tại nhà. Chỉ mới có 1.000 người Syria được ghi nhận đã chết vì covid-19 kể từ khi bùng dịch hồi năm ngoái. Trong khi đó ở Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ra thông báo những người đã được tiêm phòng đầy đủ giờ có thể tụ tập không khẩu trang trong nhà thành các nhóm nhỏ.
Apollo Global Management, một quỹ đầu tư tư nhân, cho biết họ sẽ hợp nhất với Athene Holding, một công ty bảo hiểm nhân thọ được thành lập từ năm 2009. Thương vụ này sẽ tạo ra một tập đoàn tài chính với tổng giá trị thị trường gần 30 tỷ đô la. Việc sáp nhập cũng khép lại một thỏa thuận dàn xếp béo bở cho hai công ty. Apollo nắm số cổ phần lớn nhất tại Athene, và cũng là khách hàng lớn nhất của hãng này.
Các binh sĩ trẻ vị thành niên người Congo và các nạn nhân khác của Bosco Ntaganda, một cựu thủ lĩnh quân sự địa phương, sẽ được bồi thường 30 triệu USD, theo phán quyết của Tòa án Hình sự Quốc tế. Đây là lệnh bồi thường lớn nhất tòa án từng đưa ra từ trước đến nay. Ông Ntaganda đã bị kết án 30 năm tù vào năm 2019 sau khi bị kết tội giết người, hiếp dâm và bắt cóc hàng loạt ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào đầu những năm 2000.
Tổng thống Joe Biden ký hai sắc lệnh hành pháp nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ. Một lệnh thành lập Hội đồng Chính sách về Giới nhằm điều phối công việc giữa các bộ ngành và báo cáo hàng năm với tổng thống về ảnh hưởng của chính sách lên bình đẳng giới. Nhóm còn lại sẽ xem xét một số thay đổi chính sách được đưa ra dưới thời Donald Trump, liên quan đến bạo lực tình dục trong khuôn viên đại học. Ông Trump đã làm nghiêng các quy tắc xét xử những vụ việc này về phía bị cáo.
Mahamadou Issoufou, tổng thống mãn nhiệm của Niger, thắng giải Ibrahim trị giá 5 triệu đô la cho khả năng lãnh đạo “đặc biệt” của ông. Issoufou, người lên nắm quyền từ năm 2011, đã được ca ngợi vì thành tựu xóa đói giảm nghèo ở một trong những nước nghèo nhất thế giới. Giải thưởng này có tiêu chuẩn bắt buộc là các lãnh đạo châu Phi phải được bầu dân chủ và tôn trọng giới hạn nhiệm kỳ. Trong số những người thắng giải trước đây có Ellen Johnson Sirleaf, cựu tổng thống Liberia.
GE được cho là sắp bán mảng kinh doanh cho thuê máy bay của họ cho AerCap, một công ty cấp vốn trong lĩnh vực hàng không của Ireland, bằng một thỏa thuận dự kiến trị giá hơn 30 tỷ USD. Đó sẽ là nỗ lực mới nhất của tập đoàn Mỹ nhằm đơn giản hóa mô hình kinh doanh của họ. GE Capital Aviation Services hiện là bộ phận lớn nhất còn lại trong mảng tài chính hùng mạnh một thời của công ty.
Mỹ và Hàn Quốc đạt được thỏa thuận chia sẻ chi phí cho việc đồn trú 28.000 lính Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Không bên nào tiết lộ các điều khoản chính xác, nhưng Hàn Quốc có thể sẽ trả nhiều hơn con số 924 triệu USD họ chi hồi năm 2019 và ít hơn mức gấp 5 lần mà chính quyền Trump từng yêu cầu. Vẫn còn phải đợi Quốc hội Hàn Quốc thông qua.
TIÊU ĐIỂM
Mỹ xem xét đổ thêm tiền cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Đô đốc Philip Davidson hầu như chỉ huy mọi binh sĩ Mỹ ở giữa dãy Himalaya và Hawaii. Hồi tuần trước, ông cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ vượt xa họ trong vòng 5 năm. Hôm nay, ông sẽ ra trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện để xin cấp hàng chục tỷ đô la cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như một phần của Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương mới.
Ông muốn có 4,7 tỷ đô la trong năm 2021 và 2022 – nhiều hơn cả ngân sách quốc phòng của một cường quốc khu vực quy mô trung bình như Philippines – và thêm 22,7 tỷ đô la nữa cho giai đoạn 2023 đến 2027. Một trong những mục đích là phòng vệ Guam tốt hơn trước nguy cơ tên lửa. Một mục đích nữa là nâng cấp các cơ sở trên khắp châu Á, để các lực lượng Mỹ có thể phân tán nếu các căn cứ chính của họ ở Guam, Nhật Bản và Hàn Quốc bị tấn công. Đô đốc Davidson cũng muốn có 3,3 tỷ đô la cho một loạt tên lửa mới gần bờ biển Trung Quốc. Rõ ràng các đối tác của Mỹ không hào hứng đón chúng lắm.
Mỹ sẽ triển khai tên lửa chống Trung Quốc dọc theo chuỗi đảo thứ nhất
Tình hình Senegal ngày càng căng thẳng
Kể từ tuần trước, biểu tình trên diện rộng đã nhấn chìm Senegal. Nguyên nhân là vụ bắt giữ Ousmane Sonko, một nhân vật đối lập hàng đầu, vì tội gây rối trật tự công cộng. Ông bị bắt trên đường đến tòa án cho vụ kiện về một cáo buộc hiếp dâm. Những người biểu tình cho rằng Tổng thống Macky Sall đang dùng hệ thống luật pháp để chống lại các thủ lĩnh phe đối lập; hai nhân vật tương tự cũng đã bị bỏ tù trong nhiệm kỳ của ông. Ông Sall phủ nhận các cáo buộc.
Người biểu tình cũng tức giận vì thiếu việc làm và lệnh giới nghiêm covid-19. Cơ quan quản lý truyền thông hiện đã đình chỉ hai kênh truyền hình tư nhân vì đưa tin về các cuộc biểu tình. Và các ứng dụng mạng xã hội cũng bị hạn chế. Các thanh niên giận dữ đã tấn công các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp liên kết với Pháp, nước từng chiếm Senegal làm thuộc địa. Tới nay ít nhất tám người đã thiệt mạng. Trước đó vào hôm Chủ nhật, tổng thanh tra chính phủ, Alioune Badara Cissé, đã nói Senegal đang “trên bờ vực tận thế”. Có lẽ vì lý do này mà hôm nay ông Sonko được tại ngoại và quân đội được triển khai xuống đường. Tuy nhiên, biểu tình vẫn sẽ tiếp tục.
Bất ổn ở Paraguay do cách chính phủ xử lý covid-19
Tổng thống Paraguay Mario Abdo Benítez hôm thứ Bảy đã yêu cầu toàn bộ nội các của ông từ chức để dập tắt các cuộc biểu tình phản đối cách chính phủ xử lý đại dịch. Đất nước 7 triệu dân này hiện chỉ mới có 4.000 liều vắc xin covid-19. Gia đình của các bệnh nhân Covid-19 đã lên mạng xã hội để tố cáo tình trạng thiếu thuốc, khiến họ phải mua với giá cao ở các hiệu thuốc tư nhân; một số loại thuốc thì được dán nhãn chỉ dùng cho bệnh viện công, song lại được mua bán trên thị trường chợ đen.
Các cuộc biểu tình nóng lên từ thứ Sáu sau khi cảnh sát bắn đạn hơi cay và đạn cao su. Một người thiệt mạng và 20 người bị thương. Ngay hôm sau, tổng thống ra thông báo ông có kế hoạch thay bốn bộ trưởng, bao gồm cả bộ trưởng y tế đã từ chức hôm thứ Sáu. Nhưng không rõ liệu điều này có làm hài lòng người biểu tình, những người đang yêu cầu cả tổng thống và phó tổng thống cũng phải từ chức. Một trong những khẩu hiệu của họ là #QueSeVayanTodos: “Tất cả hãy xuống đường”.
Ngày 8 tháng 3 và vấn đề bạo hành phụ nữ
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3 là nhằm làm nổi bật những bất bình đẳng mà phụ nữ trên khắp thế giới phải đối mặt. Một trong những điều tồi tệ nhất là bạo lực gây ra bởi đàn ông, vốn tồi tệ hơn hẳn ở một số nước. Phụ nữ ở những nơi nghèo khó có nguy cơ bị bạo hành cao nhất, vì tình cảnh khó khăn có nhiều khả năng khiến đàn ông mất kiểm soát và xã hội dung tha cho sự lạm dụng hơn. Chẳng hạn, phụ nữ châu Phi có nguy cơ bị bạn đời hoặc gia đình giết hại cao hơn gấp bốn lần so với phụ nữ châu Âu.
Ở các nước Afghanistan và Cộng hòa Dân chủ Congo, hơn 1/3 phụ nữ cho biết bị chồng hành hung trong năm ngoái. Tuy nhiên những con số như vậy có lẽ không nói lên toàn bộ câu chuyện: một nghiên cứu cho thấy khi được bảo đảm giấu tên, phụ nữ ở Rwanda tiết lộ mức độ lạm dụng nhiều gấp đôi so với khi được hỏi trực tiếp. Song phụ nữ khắp thế giới đang vận động với sự mạnh dạn ngày càng cao cho các luật chặt chẽ hơn, và chống lại các thái độ phân biệt giới tính.
Kinh tế thế giới phục hồi nhanh
Nhiều nhà dự báo đã quá bi quan về khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới sau làn sóng dịch đầu tiên. Hồi tháng 6, OECD ra dự đoán kinh tế toàn cầu giảm 7,6% trong năm 2020 nếu có một làn sóng virus thứ hai; đến tháng 12, họ giảm dự báo xuống còn 4,2%. Và dự báo kinh tế hiện tại của họ, được công bố hôm nay, có thể sẽ lạc quan hơn.
Nhiều chỉ số kinh doanh gần đây đã thể hiện tốt, trong khi ở Mỹ, nơi dữ liệu việc làm của tháng 2 tốt vượt xa kỳ vọng, Quốc hội đang trên đà thông qua gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la của Tổng thống Joe Biden. Mặc dù châu Âu thiếu kích thích tài khóa ở quy mô tương đương và đang phải vật lộn với các biến thể mới của virus, lĩnh vực sản xuất của họ cũng đang hoạt động tốt. Nền kinh tế lớn nhiều khả năng nhất không tham gia vào đà tăng trưởng nhanh trên toàn cầu là Trung Quốc, vì nước này không chịu quá nhiều thiệt hại trong đại dịch và đang hạn chế tung ra kích thích.