Thế giới hôm nay: 16/03/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

EU khởi động hành động pháp lý chống lại Anh vì đơn phương nới lỏng các điều kiện thương mại cho các doanh nghiệp ở Bắc Ireland, với cáo buộc vi phạm thỏa thuận Brexit. Trong tháng này, Anh đã ân hạn cho việc kiểm tra biên giới ở Biển Ireland từ cuối tháng 3 cho đến tháng 10. Anh có thể bị đưa ra Tòa án Công lý châu Âu và đối mặt trừng phạt thương mại.

Pháp, Đức và Ý trở thành các nước châu Âu mới nhất ngừng tiêm vắc-xin covid-19 của Đại học Oxford-AstraZeneca, vì lo ngại tăng nguy cơ đông máu. Trong khi đó AstraZeneca nói dữ liệu từ 17 triệu người đã tiêm vắc-xin không cho thấy tăng nguy cơ. Trên thực tế, một cuộc khảo sát được tiến hành với các cơ quan y tế châu Âu đã tìm thấy ít trường hợp đông máu hơn dự kiến (trong điều kiện không tiêm vắc xin).

Theo cục khí tượng, Bắc Kinh đã phải hứng chịu trận bão cát tồi tệ nhất trong một thập niên qua. Thành phố này bị chìm trong mây mù màu da cam và ô nhiễm không khí tăng vọt lên 160 lần giới hạn khuyến nghị của WHO ở một số nơi. Hàng trăm chuyến bay cũng bị hoãn hoặc hủy. Còn những người mắc bệnh về hô hấp được khuyến nghị ở trong nhà. Tại Mông Cổ, hàng trăm người đã được báo cáo mất tích trong bão cát.

Hôm qua, Ấn Độ ghi nhận 26,291 ca nhiễm covid-19 mới, con số cao nhất trong ngày trong năm nay. Bang miền tây Maharashtra chiếm hơn một nửa số ca này. Các quan chức y tế cho biết đợt tăng đột biến – mà họ e ngại đang báo trước một làn sóng dịch thứ hai – có thể xuất phát từ việc thiếu tuân thủ các biện pháp y tế công cộng, chẳng hạn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới.

Các tay súng đã bắt cóc một nhóm trẻ em tiểu học và giáo viên ở tây bắc Nigeria. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người bị bắt cóc. Đây là vụ tấn công thứ năm vào một trường học chỉ trong vòng ba tháng. Kể từ tháng 12 đã có hơn 700 học sinh và giáo viên bị bắt đi. Nhưng đây là lần đầu tiên trẻ em ở độ tuổi tiểu học trở thành mục tiêu.

Giá cổ phiếu của Danone tăng gần 3% hôm thứ Hai sau khi hội đồng quản trị của họ lật đổ Emmanuel Faber, chủ tịch và giám đốc điều hành, vào tối Chủ nhật. Nhà sản xuất sữa chua của Pháp đã bị chỉ trích từ tháng 1 bởi các nhà đầu tư chủ động vì hoạt động kém hiệu quả. Gilles Schnepp, cựu giám đốc điều hành của tập đoàn công nghiệp Legrand, được bổ nhiệm làm chủ tịch mới.

Facebook cho biết họ sẽ sớm đính kèm thông tin chính thức về tính an toàn và hiệu quả của các loại vắc xin covid-19 vào các bài đăng về chủ đề này. Người dùng Mỹ cũng sẽ thấy lời khuyên về địa điểm tiêm. Công ty mạng xã hội này bị chỉ trích vì cho phép thông tin sai lệch về coronavirus lan truyền trên các nền tảng của họ giữa đại dịch. Đến nay họ đã gỡ bỏ hơn 2 triệu bài đăng kể từ khi thắt chặt lệnh cấm vào tháng trước.

TIÊU ĐIỂM

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt trong hai tháng đầu năm

Các chỉ số kinh tế chính của Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2 vừa công bố hôm qua đều thể hiện tốt. Ví dụ, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đang tăng vọt – lần lượt cao hơn một năm trước 35,1% và 33,8%, tốt hơn hẳn các dự báo. Đầu tư vào tài sản cố định tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, song còn thấp hơn mức dự đoán. Những con số ấn tượng này khó giải mã hơn mọi khi vì chúng được so sánh với mức thấp kỷ lục của năm ngoái, tức thời điểm làn sóng bùng dịch covid-19 đầu tiên.

Ngân hàng Macquarie nói nếu bỏ qua ảnh hưởng của đại dịch, thì doanh số bán lẻ cơ bản tăng 3,1% trong hai tháng đầu năm 2021. Điều này đồng nghĩa tiêu thụ đã tăng lên sau khi một vài ổ dịch nhỏ được kiểm soát ở Bắc Kinh hồi tháng 1. Oxford Economics, một nhóm nghiên cứu, cho biết họ dự đoán tiêu dùng hộ gia đình sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ quý 2 năm 2021, khi các hạn chế đi lại được nới lỏng. Nhưng trong quý đầu tiên tăng trưởng sẽ vẫn chậm chạp.

Anh cải cách toàn diện chính sách đối ngoại và quốc phòng

Hôm nay, chính phủ Anh sẽ công bố cái mà họ gọi là cuộc đại tu toàn diện nhất về chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng và viện trợ kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Báo cáo dài 100 trang này, “Nước Anh toàn cầu trong Thời đại Cạnh tranh”, sẽ đặt ra tham vọng để nước Anh được công nhận là siêu cường về khoa học vào cuối thập niên này, dẫn đầu thế giới về công nghệ xanh.

Trong khi đó, một báo cáo quốc phòng chi tiết hơn vào tuần tới sẽ trình bày các kế hoạch đầu tư mạnh vào công nghệ của các lực lượng vũ trang, bao gồm một lực lượng an ninh mạng mới và máy bay không người lái, đồng thời đóng vai trò tích cực hơn trong thời bình thông qua tập trận và triển khai quân sự. Mặc dù còn nhiều tranh cãi về Brexit, an ninh của châu Âu vẫn là ưu tiên của Anh. Và trong bối cảnh thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc, có thể thấy Anh sẽ can dự sâu hơn với các cường quốc đang lên ở châu Á – được thể hiện qua việc triển khai tàu sân bay mới của Anh tới khu vực này vào cuối năm nay.

Tham vọng gia nhập EU của Georgia gặp khó

Georgia (Gruzia) từ lâu đã tìm kiếm liên minh chặt chẽ hơn với châu Âu. Kể từ sau “Cách mạng Hoa hồng” theo hướng thân phương Tây vào năm 2003, các chính trị gia của nước này thường gợi ý muốn trở thành thành viên EU. Hồi tháng 1, Giorgi Gakharia, khi đó là thủ tướng, thông báo Georgia sẽ nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 2024. Việc chưa đến đâu thì đã gặp khó. Tháng trước, ông Gakharia từ chức để phản đối các kế hoạch bắt giữ Nika Melia, một nhà lãnh đạo đối lập, vì ông cho là phi dân chủ.

Người kế nhiệm ông, Irakli Garibashvili, không dè dặt như thế. Hồi tháng 2, cảnh sát đã lôi ông Melia ra khỏi trụ sở đảng của ông ở thủ đô Tbilisi. Ông bị cáo buộc kích động bạo lực trong các cuộc biểu tình vào năm 2019 (một cáo buộc mà ông tuyên bố mang động cơ chính trị). Điều này không phù hợp với EU. Trong chuyến thăm Georgia vào tháng này, Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, đã gợi ý rằng mối quan hệ sâu sắc hơn với khối phụ thuộc vào cải cách bầu cử. Hôm nay, ông Garibashvili sẽ gặp các lãnh đạo EU tại Brussels. Hãy chờ đợi những lời lẽ nghiêm khắc.

EU tranh cãi về vấn đề hộ chiếu vắc-xin

Ủy ban châu Âu trong tuần này sẽ đưa ra một đề xuất về hộ chiếu vắc-xin trong toàn khối, nhằm mục đích đi lại dễ dàng cho những người đã được tiêm vắc-xin do EU phê duyệt hoặc đã hồi phục từ covid-19. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch, chẳng hạn như Hy Lạp, đặc biệt quan tâm đến chương trình này, mà họ kỳ vọng sẽ giúp họ thu hút các du khách đậm chi trở lại.

Dù vậy không phải mọi người đều hào hứng. Các chính trị gia Pháp và Bỉ phản đối ý tưởng cho phép đi lại xuyên biên giới, vì cho rằng một chương trình chỉ cấp quyền cho một số người nhất định là phân biệt đối xử và phản lại giá trị của châu Âu. Trong khi đó một số chuyên gia nghi ngờ liệu ý tưởng này có đúng về mặt y học không. Vào tháng 1, WHO đã cảnh báo không nên du lịch quốc tế chỉ dựa trên bằng chứng tiêm chủng hoặc miễn dịch, với lưu ý là vẫn chưa rõ liệu tiêm ngừa có ngăn lây nhiễm hay không. Hy Lạp có thể đón lại du khách từ mùa hè này, nhưng họ sẽ gặp nhiều rủi ro.

Kỉ niệm 500 năm người Tây Ban Nha đến Philippines

Juan Sebastián Elcano, một con tàu buồm huấn luyện thuộc Hải quân Tây Ban Nha, thả neo ngoài khơi miền đông Philippines vào hôm nay, đúng 500 năm sau khi đoàn thám hiểm Tây Ban Nha lần đầu tiên đi vòng quanh địa cầu và đến quần đảo này. Người dân Philippines có cảm xúc lẫn lộn về sự xuất hiện của Elcano. Mặc dù nhiều người vui mừng kỷ niệm một kỳ tích lịch sử, họ cũng nhớ rằng chuyến thám hiểm mà Elcano kỷ niệm đã mở màn cho ba thế kỷ rưỡi Philippines nằm dưới ách thuộc địa của Tây Ban Nha.

Sự cai trị của đế quốc Tây Ban Nha cũng gây ra chia rẽ tôn giáo mà hiện vẫn là một nguồn xích mích lâu dài. Người Tây Ban Nha đã mang Kito giáo đến đây. Và ngày nay, 4/5 người Philippines vẫn theo đạo Công giáo. Nhưng từ trước khi họ đến, Hồi giáo đã bắt đầu thay thế một số tôn giáo bản địa. Để rồi giờ đây, nhiều thế kỷ sau, một số người Philippines theo đạo Hồi, dưới lá cờ của Nhà nước Hồi giáo, vẫn đang chống lại Kito giáo một cách dữ dội. Một tàu chiến Philippines đang hộ tống tàu Elcano để đề phòng bất kỳ sự cố nào.