16/03/1945: Giao tranh tại Iwo Jima kết thúc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Fighting on Iwo Jima ends, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1945, sau nhiều tuần giao tranh ác liệt với quân phòng thủ của Nhật, lính Mỹ đã tuyên bố thành công trong việc chiếm giữ đảo núi lửa Iwo Jima ở phía tây Thái Bình Dương.

Người Mỹ bắt đầu gây áp lực lên hệ thống phòng thủ Iwo Jima của Nhật Bản kể từ tháng 02/1944, khi các máy bay ném bom B-24 và B-25 không kích hòn đảo suốt 74 ngày liên tiếp. Đây là đợt oanh tạc dài nhất trước khi đổ bộ trong cuộc chiến, tuy nhiên, đây là điều cần thiết nếu xét đến mức độ phòng vệ của Nhật tại hòn đảo – với 21.000 quân – đóng trong các công sự ở trên và dưới mặt đất, gồm cả một mạng lưới các hang động. Các đội người nhái được Mỹ cử đi ngay trước khi tấn công nhằm rà phá các bãi mìn và bất kỳ chướng ngại vật nào khác có thể cản trở đường tiến quân. Thực ra, người Nhật đã nhầm tưởng lực lượng người nhái là một đoàn quân xâm lược và đã giết 170 người trong số họ.

Cuộc đổ bộ của Thủy quân Lục chiến bắt đầu vào sáng ngày 19/02/1945, khi Bộ trưởng Hải quân James Forrestal cùng với báo giới tiến hành khảo sát hiện trường từ một tàu chỉ huy ngoài khơi. Thủy quân Lục chiến tiến lên hòn đảo và bảy tiểu đoàn lính Nhật đã nổ súng nhằm tiêu diệt họ. Đến tối hôm đó, hơn 550 lính Thủy quân Lục chiến đã thiệt mạng và hơn 1.800 người khác bị thương.

Trước sự phản công quyết liệt đó, người Mỹ buộc phải chấp nhận rằng mình chỉ có thể chiếm Iwo Jima từng chút một. Một vị trí quan trọng trên đảo là núi Suribachi, trung tâm trong kế hoạch phòng thủ của Nhật. Trung đoàn Thủy quân Lục chiến 28 đã tiến đến đóng trong và xung quanh chân núi lửa với tốc độ 365m/ngày, sử dụng súng phun lửa, lựu đạn và thuốc nổ để tấn công quân Nhật đang ẩn nấu trong các hang động và công sự ngầm (vốn là các ụ bê tông thấp nơi chứa súng máy).

Khoảng 40 lính Thủy quân Lục chiến cuối cùng cũng tiến lên được ngọn núi lửa bốc khói nghi ngút sau những đợt pháo kích liên tục, và vào lúc 10 giờ sáng ngày 23/02, khoảng sáu lính Thủy quân Lục chiến đã giương cao lá cờ Mỹ trên đỉnh núi, dùng một cái ống nước làm cột cờ. Hai nhiếp ảnh gia đã chụp lại khoảnh khắc dựng cờ, tạo nên một trong những hình ảnh được sử dụng nhiều nhất trong cuộc chiến. Sau khi chiếm được Suribachi, một phần ba Iwo Jima đã nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ.

Ngày 16/03, với việc thành lập một chính quyền quân quản của Hải quân Mỹ, Mỹ đã tuyên bố chiếm được Iwo Jima. Tính đến cuối cùng, hơn 6.000 lính Mỹ đã hy sinh khi chiến đấu vì hòn đảo, cùng gần như toàn bộ 21.000 lính Nhật cố gắng bảo vệ nó.