Kênh Israel: Giải pháp thay thế Kênh đào Suez?

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Hạ tuần tháng 3 năm nay, cả thế giới nín thở theo dõi tiến trình giải quyết vụ khủng hoảng do tàu container khổng lồ Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez gây ra. Con kênh này hàng năm mang lại cho Ai Cập một nguồn thu đáng kể bình quân 6 tỷ USD (năm 2020 là 5,61 tỷ USD). Việc nó dừng hoạt động một tuần đã gây thiệt hại cho Ai Cập cũng như các chủ hàng có tàu nằm chờ qua kênh. Hàng năm có khoảng 19.000 tàu biển chở lượng hàng hoá giá trị tương đương chừng 10% kim ngạch thương mại toàn cầu đi qua con kênh này. Cuộc khủng hoảng Suez đã làm rung chuyển hệ thống thương mại toàn cầu, và cho thấy hệ thống này thật mong manh, dễ gặp trở ngại vào bất cứ lúc nào.

Tuần san The Arab Weekly ngày 30/3/2021 nói sự kiện tắc nghẽn kênh đào Suez đã làm cho cuộc thảo luận về các giải pháp thay thế kênh Suez — trong đó có dự án kênh đào Ben Gurion của Israel nối liền Biển Đỏ với Địa Trung Hải  (còn gọi là kênh đào Israel) — trở nên sôi động. Người Israel coi tuyến đường này là đối thủ cạnh tranh của kênh Suez. Tel Aviv dự kiến biến kênh Israel thành một dự án nhiều mặt, như xây dựng các thị trấn nhỏ, khách sạn, nhà hàng và câu lạc bộ đêm xung quanh con đường thủy này.

Trên mạng Twitter hôm 23/3/2021, tức ngày xảy ra vụ tàu Ever Given mắc cạn, sử gia Alex Wellerstein đã nhắc tới dự án nói trên.

Các nhà phân tích cho rằng việc Ai Cập đánh giá thấp tầm quan trọng của dự án Kênh Israel không che giấu nổi nguy cơ mà dự án này gây ra đối với doanh thu của Ai Cập từ khai thác Kênh đào Suez. Ngoài ra dự án có thể sẽ giành được sự ủng hộ của Jordan, là nước đang gặp khó khăn về kinh tế và xã hội, vì kênh Israel sẽ là một lối thoát kinh tế cho Jordan. Nhưng dự án sẽ khó được Saudi Arabia đồng ý, vì họ đang có một dự án lớn ở gần đầu phía Nam kênh Israel,  nhằm biến thành phố Neom thành một điểm du lịch.

Hôm 29/3, trong lời tuyên bố kênh Suez đã hết tắc nghẽn, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Sisi có ý định giảm bớt nỗi lo của người Ai Cập: Họ lo rằng nếu kênh Suez tắc nghẽn lâu thì các công ty vận tải đường biển toàn cầu sẽ phải tìm kiếm những tuyến đường khác, và Israel sẽ khởi động dự án đào kênh Ben Gurion. Ông nói: “Người Ai Cập đã thành công trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng con tàu mắc cạn ở kênh đào Suez, và đưa mọi thứ trở lại bình thường. Điều này làm cả thế giới yên tâm về việc vận chuyển hàng hóa và các nhu cầu của họ thông qua con đường vận chuyển huyết mạch này”. Sisi dường như đang ngầm nhắc tới dự án kênh đào Ben Gurion, đặc biệt là kể từ khi Israel sử dụng cuộc Khủng hoảng Kênh đào Suez để thông báo bắt đầu công việc cho dự án của mình.

Thực ra dự án kênh Israel đã có từ lâu. Hôm 25/3, tờ Business Insider của Mỹ công bố nội dung của một bản ghi nhớ mật viết năm 1963, được giải mật năm 1996, theo đó Phòng Thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore National Laboratory của nước Mỹ từng nghiên cứu một dự án dùng các vụ nổ hạt nhân đào một con kênh dài 160 dặm (257 km) đi qua sa mạc Negev trên đất Israel, nối Địa Trung Hải với Vịnh Aqaba trên Biển Đỏ. Do đào kênh bằng phương pháp truyền thống sẽ cực kỳ tốn kém nên người Mỹ dự kiến sẽ dùng phương pháp Nổ hạt nhân hoà bình (Peaceful Nuclear Explosions – PNEs) để đào kênh. Đây là một biện pháp khả thi, vì con kênh dài gần 160 dặm này có 130 dặm đi qua vùng sa mạc không người ở, có thể cho nổ hạt nhân. Theo tính toán, để đào mỗi mỗi dặm kênh cần nổ 4 thiết bị hạt nhân (tạm gọi là bom nguyên tử) cỡ 2 triệu tấn thuốc nổ TNT. Như vậy tổng cộng cần nổ 520 trái bom nguyên tử hoặc 1,04 tỷ tấn TNT để đào con kênh này.

Sử gia Alex Wellerstein cho rằng đây là một phương án kiểu mẫu. Có điều khó hiểu là năm 1967, khi nổ ra chiến tranh Arab-Israel, kênh Suez phải đóng cửa 8 năm, thế nhưng chẳng thấy ai nói gì đến kênh Israel cả.

Dự án nói trên gặp trở ngại chủ yếu về chính trị: có khả năng các nước Arab xung quanh đều không đồng ý để Israel làm con kênh mới đó. Ngoài ra phương pháp PNEs chưa bảo đảm an toàn. Tạp chí Forbes năm 2018 đưa tin: Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ đã tiến hành điều tra và phát hiện thấy 27 thí nghiệm PNEs gây nhiễm xạ rất nặng cho mặt đất. Sau đó, năm 1974, Chính phủ đã giải thể Ủy ban này.

Mới đây Thiếu tướng Issam Badawi Tổng Thư ký Hiệp hội Hải cảng Ai Cập cho biết: Phương án Kênh Israel đã trở nên lỗi thời do hai nhân tố — tính chất đất ở địa điểm đào kênh và do yêu cầu con kênh có mực nước ngang nước biển. Badawi nói Kênh Suez Ai Cập vẫn là tuyến đường biển quan trọng nhất toàn cầu. Trong tương lai không xa, tổng kim ngạch hàng hoá đi qua kênh này sẽ đạt tỷ lệ 12% kim ngạch thương mại toàn cầu, tăng 2% so với hiện nay.

Giờ đây Israel đang thảo luận việc mở tuyến đường sắt nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải. Nhưng dự án này được đánh giá là khó có thể thay cho kênh Suez, bởi lẽ thời gian chở container bằng đường sắt sẽ lâu gấp đôi chở bằng tàu biển container loại siêu lớn.

Đồng thời Moskva đang bắt tay làm tuyến đường vận chuyển đi qua Bắc cực nhằm thay cho kênh Suez. Tổng thống Nga Putin từng đưa ra ý tưởng này. Mới đây, nhân dịp 380 tàu biển bị nằm chờ tại kênh Suez, phía Nga đã tung dự án tuyến hàng hải phương Bắc nói trên ra thị trường và cam kết Nga sẽ bảo đảm an toàn cho tuyến giao thông mới này, cũng như bảo đảm giá thành vận chuyển sẽ rẻ hơn. Công ty Rosatom (Công ty Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga) nhấn mạnh tính chất quan trọng của tuyến hàng hải phương Bắc, cho rằng đây là phương án thần kỳ giải quyết được vấn đề tắc đường giao thông qua kênh Suez xảy ra trong tuần vừa rồi. Tuyến đường biển này rút ngắn được 40% chiều dài tuyến hàng hải đi từ Trung Quốc qua Ai Cập đến châu Âu, thời gian hành trình bớt được 15 ngày. Do khí hậu biến đổi [Trái Đất đang ngày một nóng lên] lượng băng nổi trên tuyến nói trên ngày một ít đi, việc đi lại sẽ ngày một dễ hơn. Phía Nga cam kết sẽ cho tàu phá băng đến cứu bất cứ thương thuyền nào bị vướng băng trên đường đi. Riêng Nga đã có kế hoạch sử dụng tuyến hàng hải này để xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của họ.

Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali kêu gọi kích hoạt tuyến hàng hải phương Bắc của Nga. Hôm 26/3, ông viết trên Twitter: “Tăng tốc hoàn thành xây dựng các thiết bị hạ tầng, kích hoạt hành lang Nam-Bắc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đó là lựa chọn quá cảnh tốt hơn cho việc thay thế kênh Suez”.

Tại sao Kênh đào Suez đối mặt với áp lực gia tăng?