Ba trụ cột đối ngoại của Trung Quốc: Ngoại giao nhà nước, đảng và nhân dân

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Connor Fiddler, “The 3 Pillars of Chinese Foreign Policy: The State, the Party, the People”, The Diplomat, 03/02/2021.

Biên dịch: Nguyễn Thành Long

Bộ máy xây dựng chính sách đối ngoại của Trung Quốc không chỉ nằm ở Bộ Ngoại giao.

Trong Chiến tranh Lạnh, bộ máy chính sách đối ngoại Mỹ phải phát triển các cơ chế toàn diện theo hướng chống lại các chiến dịch gây ảnh hưởng của Liên Xô. Hoa Kỳ không chỉ cần một Bộ Ngoại giao mạnh mẽ để tham gia vào chính sách ngoại giao truyền thống lấy nhà nước làm trung tâm mà còn cần đến các mạng lưới thu thập thông tin tình báo phức tạp, các chiến lược quân sự toàn cầu và các hoạt động quyền lực mềm dài hạn. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, các quốc gia chủ yếu định hướng hoạt động ngoại giao của mình trở lại cách tiếp cận truyền thống lấy nhà nước làm trung tâm. Ngày nay, đây vẫn là cách tiếp cận chủ yếu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trước một Trung Quốc đang trỗi dậy, Hoa Kỳ và các đồng minh cần phát triển một cách tiếp cận đa sắc thái hơn để tương tác với chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Mục đích của chính sách đối ngoại Trung Quốc là giúp bảo đảm và hợp pháp hóa chế độ độc đảng. Nước này có ba cơ quan hàng đầu để thúc đẩy mục tiêu đó: Bộ Ngoại giao, Ban Liên lạc Đối ngoại và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất. Mỗi cơ quan đóng một vai trò độc nhất trong việc hỗ trợ sự trường tồn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ngoại giao Nhà nước

Bộ Ngoại giao là cơ quan nổi bật nhất liên quan đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc, phụ trách thực hiện các hoạt động ngoại giao giữa các quốc gia. Tuy nhiên, mặc dù là cơ quan tương đương với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhưng không nên đánh đồng cả hai. Trong khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giữ vai trò cốt lõi trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ là khung hậu cần cho việc thực thi và truyền tải thông điệp chính sách đối ngoại. Ví dụ, Ngoại trưởng Vương Nghị không phải là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc. Trên thực tế, Vương Nghị thậm chí còn không phải là ủy viên của Bộ Chính trị quyền lực. Vinh dự đó được dành cho Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trung ương của ĐCSTQ, cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại hàng đầu.

Ủy ban Đối ngoại Trung ương (Central Foreign Affairs Commission), được thành lập vào năm 2018 bởi Tập Cận Bình nhằm tăng cường ảnh hưởng của cá nhân Tập và của đảng Cộng sản đối với việc hoạch định chính sách đối ngoại. Chính tại cơ quan này, lợi ích của ĐCSTQ được tranh luận và ưu tiên. Điều đó khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc bị cô lập phần lớn khỏi quá trình hoạch định chính sách và giờ đây nó hoạt động chủ yếu như một cơ quan thực thi chính sách của Đảng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc khi nó thực hiện các ưu tiên của Tập Cận Bình. Tuy nhiên, một phân tích chỉ dựa vào Bộ Ngoại giao sẽ không đủ; việc mở rộng phạm vi bao gồm các cơ quan khác sẽ cho thấy cái nhìn toàn diện hơn về chính sách đối ngoại của nước này.

Ngoại giao Đảng

Trong khi Bộ Ngoại giao thực hiện chính sách đối ngoại cho nhà nước, Đảng Cộng sản có bộ phận riêng để thúc đẩy một chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại riêng biệt. Ban Liên lạc Đối ngoại của ĐCSTQ (International Liaison Department, hay Trung liên bộ) được rất ít các phương tiện truyền thông nước ngoài chú ý, mặc dù nó có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ĐCSTQ. Trong khi Bộ Ngoại giao tiến hành ngoại giao nhà nước truyền thống, Ban Liên lạc Đối ngoại thực hiện ngoại giao có phần thầm lặng với các đảng chính trị nước ngoài.

Ban Liên lạc Đối ngoại đóng một vai trò chiến lược quan trọng và độc nhất trong ngoại giao của ĐCSTQ. Trong lịch sử, nó được sử dụng để thúc đẩy quan hệ với các đảng cộng sản và xã hội chủ nghĩa khác. Ngày nay, nhiệm vụ đã được mở rộng để bao gồm tất cả các đảng phái chính trị. Nó có nhiệm vụ xác định các chính trị gia có tham vọng và tài năng trong các đảng cầm quyền và đảng đối lập nhằm mục đích xây dựng sự ủng hộ cho các mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Một trong những ưu tiên của Ban Liên lạc Đối ngoại là tạo ra sự ủng hộ của người dân trên toàn cầu đối với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. BRI là một dự án đầy tham vọng công bố năm 2013, được xây dựng để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Nó bao gồm nhiều thành phần, nhưng cốt lõi là sử dụng các khoản cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn để xuất khẩu sản phẩm dư thừa trong nước và tạo ra thị trường mới cho hàng hóa Trung Quốc. Vào tháng 12, Ban Liên lạc Đối ngoại đã tổ chức một hội nghị trực tuyến lớn nhằm quảng bá BRI. Hội nghị có nhiều nhân vật cấp cao tham dự, trong đó có một số cựu thủ tướng. Các chương trình tiếp cận này diễn ra thường xuyên và được thiết kế để nhắm vào những nhân vật có ảnh hưởng mà ĐCSTQ có thể dựa vào nhằm thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc.

Ban Liên lạc Đối ngoại sử dụng nhiều cơ chế; một trong những cơ chế thành công nhất là đào tạo cán bộ. Đào tạo cán bộ là một phần quan trọng đối với các hoạt động gây ảnh hưởng của Ban. Dựa vào các chuyến đi miễn phí đến Trung Quốc, tài trợ chương trình và các khóa đào tạo chuyên nghiệp, Ban Liên lạc Đối ngoại thu hút các chính trị gia và giới truyền thông tham gia đào tạo mang  tính tuyên truyền tại Trung Quốc. Ví dụ, trong năm 2014 và 2015, khoảng 2.000 quan chức thuộc Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của Nam Phi, đảng cầm quyền tại nước này liên tục kể từ năm 1994, đã nhận được các khóa đào tạo chính trị của ĐCSTQ. ĐCSTQ thậm chí còn đóng góp quỹ cho trường đảng của ANC, vốn dựa theo mô hình một học viện lãnh đạo ở Thượng Hải. Ngoài ra, Ban Liên lạc Đối ngoại còn cử các cơ quan truyền thông nhà nước như Tân Hoa xã đến đào tạo cho các tổ chức truyền thông nhà nước tại các nước khác. Chương trình này đảm bảo rằng độc giả ở các nước này sẽ không bị cuốn vào những câu chuyện chỉ trích ĐCSTQ mà thay vào đó sẽ đọc về những lợi ích của BRI.

Ban Liên lạc Đối ngoại tiến hành cái mà David Shambaugh gọi là “Ngoại giao thầm lặng” (quiet diplomacy). Các chuyến đi, phái đoàn, và các hội nghị của họ không đi kèm các nghi lễ chính thức như dành cho các đại sứ. Tuy nhiên, công việc của họ cũng rất cần thiết và mang lại lợi ích lâu dài. Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là đa chiều, và việc hiểu rõ công việc của Ban Liên lạc Đối ngoại là rất quan trọng.

Ngoại giao Nhân dân

Hoạt động đối ngoại cuối cùng và phức tạp nhất do ĐCSTQ thực hiện là những nỗ lực của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất. Ban Công tác Mặt trận Thống nhất đóng một vai trò độc nhất và đầy tham vọng trong chiến lược chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trong khi Bộ Ngoại giao tập trung vào ngoại giao nhà nước và Ban Liên lạc Đối ngoại tập trung vào ngoại giao đảng, thì  Ban Công tác Mặt trận Thống nhất tập trung vào ngoại giao nhân dân. Thường được coi là một trong những “vũ khí ma thuật” của Trung Quốc, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất bao gồm một số cơ quan thuộc ĐCSTQ và chính phủ. Văn phòng các vấn đề Hoa kiều là cơ quan “ngầm” nhất. Một trong những nhiệm vụ của nó là tiếp cận với cộng đồng 40 triệu người Hoa trên toàn thế giới, nhưng chủ yếu tập trung ở Đông Nam Á.

Ví dụ, ở Hoa Kỳ, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất đã rất nỗ lực để kiểm soát nội trung trong các tờ báo tiếng Trung, dẫn đến việc có nhiều bài báo nêu bật sự lãnh đạo của Tập Cận Bình và hạ thấp cái chết của những nhà hoạt động nhân quyền như Lưu Hiểu Ba. Mục tiêu của chiến lược này rất đơn giản: tạo ra sự quan tâm ở các nước về các chính sách có lợi cho ĐCSTQ. Trong một bài phát biểu gần đây trước Hội đồng Quốc gia về Quan hệ Mỹ – Trung, Dương Khiết Trì đã tuyên bố một quan điểm thường được lặp đi lặp lại rằng Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Tuy nhiên, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất được tạo ra chính là để phục vụ cho mục tiêu này.

Một yếu tố quan trọng khác là việc sử dụng các nhà tư bản đỏ của Trung Quốc. Các nhà tư bản đỏ ban đầu được cho là tầng lớp doanh nhân chuyên nghiệp sẽ cải tổ ĐCSTQ từ bên trong và đưa Trung Quốc trở thành một nền dân chủ. Ngày nay, các nhà tư bản đỏ đã vươn rộng ra toàn thế giới để thực hiện mệnh lệnh của đảng trong thế giới kinh doanh.

Trong thời kỳ cải cách, ảnh hưởng của đảng trong các doanh nghiệp tư nhân là rất hời hợt. Ngày nay, bộ phận đối nội của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất đang áp đặt các kiểm soát tư tưởng nghiêm ngặt lên các công ty tư nhân. Vì các công ty tư nhân Trung Quốc dễ bị chi phối hơn trước đây bởi sự can thiệp của nhà nước, các quốc gia khác sẽ dễ bị đánh cắp công nghệ, bị khai thác các lỗ hổng an ninh quốc gia hay dễ bị ảnh hưởng hơn bởi các đòi hỏi của ĐCSTQ. Các công ty như HuaweiTikTok là những ví dụ hoàn hảo về cách các tập đoàn tư nhân có thể được sử dụng cho các mục đích của ĐCSTQ.

Trong khi Ban Công tác Mặt trận Thống nhất đang được chú ý nhiều hơn trong các tài liệu học thuật, các công ty truyền thông lớn và các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa hiểu được hết tầm quan trọng của tổ chức này. Ban Công tác Mặt trận Thống nhất đang có một nhiệm vụ ngày một quan trọng và nhận được sự hậu thuẫn chính trị để thực hiện nhiệm vụ đó. Đây là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của ĐCSTQ đáng được nghiên cứu thêm.

Kết luận

Trong khi các học giả tiếp tục tranh luận về việc liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có phải đang tham gia một cuộc chiến tranh lạnh mới hay không, thực tế là hai nước đang tiến vào vào một cuộc cạnh tranh lâu dài. Do bản chất sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự cạnh tranh này bao gồm nhiều mặt hơn so với cạnh tranh với Liên Xô. Để cạnh tranh với Trung Quốc, Hoa Kỳ cần phát triển sự hiểu biết toàn diện hơn về các thể chế chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Bài viết này nhằm giúp nâng cao nhận thức về hai trụ cột chính sách đối ngoại chính của Trung Quốc thường không được để ý đến, đó là Ban Liên lạc Đối ngoại và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất. Hai trụ cột này sẽ tiếp tục mở rộng khi tham vọng của Trung Quốc gia tăng. Hiểu được các mục tiêu và cơ chế của chúng tại thời điểm này có thể giúp ích cho Hoa Kỳ sau này.