Nguồn: “How does a direct listing differ from an IPO?”, The Economist, 02/04/2021.
Biên dịch: Phan Nguyên
Những doanh nhân nào muốn biến công ty thành công ty đại chúng, và có thể tạo ra một gia tài khổng lồ cho mình trong quá trình này, đều thường nghĩ về việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Mặc dù đây là con đường phổ biến nhất để biến một công ty thành công ty đại chúng có cổ phiếu được giao dịch trên thị trường chứng khoán, đó không phải là con đường duy nhất. “Công ty mua lại có mục đích đặc biệt” (special-purpose acquisition company, hay SPAC) là một trong những lựa chọn thay thế ngày càng phổ biến. Hay “niêm yết trực tiếp” là một lựa chọn khác. Coinbase, một công ty khởi nghiệp tiền điện tử của Mỹ, đang lên kế hoạch niêm yết trực tiếp trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq ở New York trong tháng này, và Roblox, một nền tảng trò chơi điện tử, đã lên sàn giao dịch chứng khoán New York theo cách tương tự vào tháng trước. Nhưng chính xác thì niêm yết trực tiếp là gì và tại sao nó ngày càng phổ biến?
Việc niêm yết trực tiếp giúp các công ty tránh được nhiều phiền phức thường gắn với IPO. IPO phục vụ hai chức năng chính: huy động vốn mới cho công ty, và cho phép cổ phiếu của họ được giao dịch suôn sẻ trên các sàn giao dịch chứng khoán. Quy trình này được quản lý bởi các ngân hàng đầu tư, bên sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, bảo lãnh cho các cổ phiếu mới phát hành, tìm người mua cho chúng và đảm bảo một mức sàn cho giá niêm yết — nhưng họ thường tính phí dịch vụ rất cao, thường từ 3,5% đến 7% số tiền mà công ty IPO thu được. Quá trình này cũng đi kèm với những hạn chế như “khóa” cổ đông hiện hữu trong một thời gian trước khi họ được phép bán cổ phiếu. Nhưng vào thời điểm như hiện tại, khi các công ty, đặc biệt là các công ty công nghệ, thấy dễ dàng huy động vốn trên thị trường tư nhân, thì sự phức tạp và chi phí đi kèm với IPO khiến cho lựa chọn này ít hấp dẫn hơn. Ngay cả sau khi bùng nổ các đợt IPO vào năm ngoái, tính trung bình ở Mỹ chỉ có khoảng 125 vụ IPO mỗi năm trong 10 năm qua, so với mức trung bình 269 vụ mỗi năm trong khoảng thời gian 1991-2010.
Niêm yết trực tiếp có cơ chế hoạt động khác biệt: cổ phiếu hiện hữu chỉ đơn giản là được chuyển sang dạng có thể giao dịch trên một sàn chứng khoán nào đó. Không có việc huy động vốn mới và cũng có rất ít hoặc không có các buổi roadshow được tổ chức để giới thiệu công ty với các nhà đầu tư. Việc niêm yết trực tiếp cũng không đi kèm với việc khóa cổ phiếu, vì vậy các cổ đông hiện hữu có thể bán ra ngay lập tức (thực tế, khi không phát hành cổ phiếu mới, việc các cổ đông hiện hữu bán ra cổ phiếu là nguồn duy nhất cho các nhà đầu tư mới mua vào). Phí cũng thấp hơn nhiều. Trước vụ niêm yết trực tiếp vào năm 2018 của Spotify, một dịch vụ phát nhạc trực tuyến, việc sử dụng niêm yết trực tiếp chỉ được thực hiện trong một số lĩnh vực kinh doanh (ví dụ như các tổ chức đầu tư bất động sản), và những người hoài nghi lo rằng các vụ niêm yết trực tiếp có thể dẫn đến biến động và bất ổn giá. Tuy nhiên, các vụ niêm yết trực tiếp sau đó đã diễn ra suôn sẻ, cho thấy những lo ngại như vậy đã bị thổi phồng quá mức.
Niêm yết trực tiếp không thay thế hoàn toàn cho IPO. Trước hết, rất ít doanh nghiệp trẻ có thể bỏ qua việc huy động vốn mới. Và thậm chí số công ty có số cổ đông đủ lớn lại càng ít, vì thường chỉ có một số ít cổ đông lớn hiện hữu muốn bán bớt cổ phần của họ. Các nhà ngân hàng đầu tư lập luận rằng chỉ có những công ty đã có thương hiệu nổi tiếng với các nhà đầu tư và có lượng khách hàng lớn mới có thể tiến hành niêm yết trực tiếp. Coinbase phù hợp với các tiêu chí này; nhưng một công ty hóa chất đặc biệt chẳng hạn có lẽ lại không. Tuy nhiên, niêm yết trực tiếp có thể sẽ tiếp tục làm rung chuyển thế giới ấm cúng của các nhà bảo lãnh phát hành IPO, và khiến việc niêm yết cổ phiếu ra công chúng trở nên dễ dàng và rẻ hơn, ít nhất là đối với một số công ty.