Chín câu hỏi lớn về đảo chính và bạo lực ở Myanmar

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Russell Goldman, “Myanmar’s Coup and Violence, Explained”, The New York Times, 12/4/2021.

Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải

Bất ổn đang bao trùm Myanmar. Những cuộc biểu tình ôn hòa đòi dân chủ trên đường phố hay phong trào tổng đình công đã dần nhường chỗ cho các hoạt động bán quân sự chống lại những hành vi tàn bạo của quân đội, lực lượng đã giành quyền kiểm soát đất nước sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2.

Giới tướng lĩnh ban đầu đã kiềm chế trước làn sóng đầu tiên của các cuộc biểu tình, bất tuân dân sự và tổng đình công, nhưng rồi họ phản ứng lại ngày càng mạnh tay và cuối cùng leo thang thành một nỗ lực thô bạo nhằm dập tắt phong trào chống đối khiến hơn 600 người chết và hàng nghìn người bị thương tính đến thời điểm này.

Khi quân đội, lực lượng nắm quyền từ năm 1962, đồng ý tổ chức bầu cử quốc hội và thực hiện cải cách, người dân Myanmar đã có một thời gian ngắn sống dưới chế độ bán dân chủ (từ năm 2011), nhưng giờ đây cuộc đảo chính đã đưa quốc gia này một lần nữa quay trở lại chế độ độc tài quân sự. Những tuần sau đó, bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ, đã phải đối mặt với các cáo buộc tại một phiên tòa bí mật.

1. Điều gì dẫn đến cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar?

Quốc hội Myanmar dự kiến tổ chức phiên họp đầu tiên sau cuộc bầu cử ngày 8 tháng 1, trong đó Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, đảng dân sự cầm quyền ở nước này, đã giành được 83% số ghế dân cử.

Quân đội từ chối chấp nhận kết quả bầu cử vốn được nhiều người xem là cuộc trưng cầu dân ý về sự ủng hộ của người dân đối với bà Aung San Suu Kyi. Với tư cách là người đứng đầu Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, bà đã là nhà lãnh đạo dân sự trên thực tế của Myanmar từ sau cuộc bầu cử năm 2015.

Quốc hội mới dự kiến sẽ thông qua kết quả bầu cử và phê chuẩn thành viên chính phủ kế nhiệm.

Nguy cơ xảy ra đảo chính xuất hiện khi quân đội đe dọa sẽ “hành động” và triển khai binh lính bao vây tòa nhà Quốc hội với lý do cuộc bầu cử có gian lận sau khi họ đã cố gắng đưa vụ việc ra Tòa án Tối cao.

2. Cuộc đảo chính được tiến hành như thế nào?

Quân đội đã bắt giữ các nhà lãnh đạo của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ và các quan chức dân sự khác, bao gồm bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint, các bộ trưởng, quan chức đứng đầu một số khu vực, các chính trị gia đối lập, nhà văn và nhà hoạt động.

Cuộc đảo chính được công bố trên đài truyền hình Myawaddy thuộc sở hữu của quân đội, người dẫn chương trình dẫn Hiến pháp năm 2008 cho phép quân đội ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và tình trạng khẩn cấp sẽ được duy trì trong một năm, người này nói thêm.

Quân đội nhanh chóng giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng quốc gia, đình chỉ hầu hết các chương trình truyền hình và hủy các chuyến bay trong nước và quốc tế.

Đường truyền điện thoại và Internet đã bị cắt ở các thành phố lớn. Thị trường chứng khoán và các ngân hàng thương mại đóng cửa, một số nơi xuất hiện hàng dài người đứng chờ bên ngoài các máy rút tiền tự động (ATM). Tại Yangon, thành phố lớn nhất và từng là thủ đô của Myanmar, người dân đổ xô đến các khu chợ để tích trữ thực phẩm cùng các mặt hàng thiết yếu khác.

3. Người dân chống đối như thế nào và phản ứng của quân đội ra sao?

Các cuộc biểu tình diễn ra trong nhiều tuần tương đối ôn hòa đã nhanh chóng chuyển sang chết chóc vào ngày 20 tháng 2 khi hai người biểu tình không vũ trang thiệt mạng dưới tay lực lượng an ninh ở Mandalay, trong số nạn nhân có một cậu bé chỉ mới 16 tuổi.

Những cái chết xảy đến trước một cuộc tổng đình công vào ngày 22 tháng 2, khi hàng triệu người trên khắp cả nước xuống đường.

Kể từ đó, phong trào bất tuân dân sự ngày càng lan rộng, làm tê liệt hệ thống ngân hàng và gây khó khăn cho nhiều hoạt động của quân đội.

Khi các cuộc biểu tình bước sang tháng thứ hai, phản ứng của quân đội ngày càng mạnh tay hơn. Trước đó, lực lượng này được biết đến đã từng bóp chết các phong trào dân chủ vào các năm 1988 và 2007 bằng cách bắn vào những người biểu tình ôn hòa.

Cứ mỗi tuần trôi qua, lực lượng vũ trang lại gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào những người biểu tình. Theo một nhóm giám sát, từ ngày đẫm máu nhất của cuộc đàn áp cho đến ngày 27 tháng 3, quân đội đã giết chết hơn 600 người và hành hung, giam giữ hoặc tra tấn hàng nghìn người khác.

4. Điều gì đã khiến những người biểu tình cầm vũ khí?

Sau nhiều tuần biểu tình ôn hòa, tuyến đầu của cuộc phản kháng tại Myanmar đang dần chuyển thành một lực lượng du kích. Tại các thành phố, người biểu tình dựng chướng ngại vật để bảo vệ các khu dân cư khỏi sự xâm nhập của quân đội và họ học cách chế tạo bom khói từ Internet. Trong các cánh rừng, họ tập luyện những kỹ thuật chiến tranh cơ bản và lên kế hoạch phá hoại các cơ sở có liên hệ với giới quân sự.

Sự liều lĩnh và bế tắc của mặt trận vũ trang mới này làm người ta nhớ đến quá trình cực đoan hóa của một thế hệ các nhà hoạt động dân chủ trước đây ở Myanmar, họ đã đánh đổi các triết lý chính trị để lấy súng. Giống như trong quá khứ, phe đối lập chọn biện pháp cứng rắn như một phản ứng tự vệ trước cách cai trị dựa trên khủng bố đang ngày càng gia tăng của quân đội.

Nhưng ngày càng có nhiều sự đồng thuận rằng những nỗ lực như vậy có thể là chưa đủ, cần phải dùng những cách thức riêng để đối phó với Tatmadaw (quân đội Myanmar). Trong các khu rừng, những người biểu tình đang được huấn luyện với súng và lựu đạn cầm tay.

Hồi tháng 3, các thành viên còn sót lại của Quốc hội vừa bị lật đổ – những người tự coi mình thuộc chính quyền hợp pháp, đã nói rằng cần phải có một “cuộc cách mạng” để cứu lấy đất nước. Họ kêu gọi thành lập một quân đội liên bang mới.

5. Aung San Suu Kyi là ai?

Bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền với tư cách là thành viên hội đồng nhà nước vào năm 2016 sau cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của nước này trong nhiều thập niên.

Việc bà lên nắm quyền được coi là một dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Myanmar (trước đây là Burma/Miến Điện) từ chế độ độc tài quân sự sang chế độ dân chủ. Bà Aung San Suu Kyi, con gái của vị anh hùng đã giành độc lập cho đất nước – Tướng Aung San, phải sống dưới sự quản thúc tại gia hơn 15 năm.

Thời gian sống trong quản thúc đưa bà trở thành một biểu tượng quốc tế và bà đã được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1991.

Sau khi bà được tự do vào năm 2010, danh tiếng của bà đã bị ảnh hưởng vì sự hợp tác với quân đội cùng việc thanh minh gây ồn ào của bà đối với chiến dịch tàn bạo chống lại người Rohingya, một sắc dân thiểu số theo đạo Hồi tại Myanmar. Năm 2019, bà đại diện cho Myanmar trong phiên xét xử của Tòa án Công lý Quốc tế, tại đây bà đã bảo vệ đất nước mình trước những cáo buộc thanh trừng sắc tộc.

Nhiều người tin rằng sự hợp tác của bà Aung San Suu Kyi với quân đội là một bước đi thực dụng nhằm đẩy nhanh tiến trình dân chủ hóa hoàn toàn ở Myanamr, nhưng việc bà bị giam giữ sau cuộc đảo chính dường như đã cho thấy sự dối trá của quân đội trong cam kết đối với nền dân chủ.

6. Tại sao bà Aung San Suu Kyi phải ra tòa?

Một phiên tòa bí mật xét xử bà Aung San Suu Kyi và ông Win Myint, tổng thống bị phế truất của Myanmar, đã bắt đầu vào ngày 16 tháng 2. Họ phải đối mặt với những cáo buộc mơ hồ và có thể bị ngồi tù lần lượt là sáu năm và ba năm.

Bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc vi phạm các hạn chế nhập khẩu sau khi máy bộ đàm và các thiết bị từ nước ngoài khác được tìm thấy trong khu biệt thự của bà. Bà cũng bị buộc tội vi phạm Luật xử lý thảm họa tự nhiên vì đã tương tác với đám đông trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, cáo buộc này trước đó chưa từng được tiết lộ công khai.

Ông Win Myint cũng bị buộc tội vi phạm các hạn chế trong thảm họa tự nhiên.

Bà Aung San Suu Kyi bị từ chối có đại diện pháp lý, luật sư của bà đã không nhận được thông báo về thời điểm phiên tòa bắt đầu. Người ta tin rằng phiên tòa có thể kéo dài đến một năm và nó được coi là cái cớ để giam giữ bà Aung San Suu Kyi.

7. Thống tướng Min Aung Hlaing là ai?

Sau cuộc đảo chính, quân đội đã trao quyền lực cho Tổng tư lệnh, tướng Min Aung Hlaing.

Động thái này sẽ giúp kéo dài thời gian nắm quyền của vị tướng ngay cả khi ông được cho là sẽ hết tuổi làm Tổng tư lệnh quân đội vào mùa hè này. Mạng lưới bảo trợ của ông, xoay quanh các doanh nghiệp gia đình béo bở, có thể bị hủy hoại với việc ông nghỉ hưu, đặc biệt là nếu ông không thể dàn xếp một sự ra đi ổn thỏa.

Theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực trước đây, Tướng Min Aung Hlaing sẽ điều hành hai tập đoàn kinh tế và có thể bổ nhiệm ba thành viên nội các chủ chốt nắm quyền quản lý lực lượng cảnh sát và bộ đội biên phòng.

Quân đội chưa bao giờ chịu nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ dân sự. Trong những năm gần đây, quân đội dưới sự thống lĩnh của Tướng Min Aung Hlaing đã chỉ đạo việc thực hiện những chiến dịch chống lại các sắc dân thiểu số ở nước này, trong đó có người Rohingya, người Shan và người Kokang.

8. Cộng đồng quốc tế phản ứng ra sao?

Một số nhà lãnh đạo chủ chốt trên thế giới đã nhanh chóng lên án cuộc đảo chính, yêu cầu quân đội Myanmar ngay lập tức trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các quan chức chính phủ bị giam giữ khác, cũng như phải tôn trọng kết quả bầu cử diễn ra hồi tháng 11. Nhưng hiện vẫn chưa rõ các nước có thể thực hiện những hành động cụ thể nào, nếu có.

Vốn đang tìm cách đưa nhân quyền lên làm ưu tiên trong chính sách đối ngoại, chính quyền Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt vào cuối tháng 3 vừa rồi với sự phối hợp của Liên minh châu Âu, trong đó chỉ đích danh các quan chức quân đội và các thực thể khác ở Myanmar có hành vi bạo lực chống lại những người ủng hộ dân chủ.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết diễn biến của cuộc đảo chính đã “giáng một đòn nghiêm trọng vào các cải cách dân chủ ở Myanmar”. Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ quan điểm trong một bài đăng trên Twitter rằng “lá phiếu của người dân phải được tôn trọng và các nhà lãnh đạo dân sự cần được thả tự do”. Đại sứ Hoa Kỳ tại Myanmar, Thomas Vajda, gọi sự đổ máu trên khắp đất nước vào ngày 27 tháng 3 là “kinh hoàng”.

Khi lực lượng an ninh nã đạn vào những người biểu tình không có vũ khí và vây bắt họ, tăng cường sự đàn áp, cộng đồng quốc tế đã chỉ trích gay gắt giới lãnh đạo của Myanmar.

“Chúng tôi cực lực lên án việc tăng cường đàn áp các cuộc biểu tình ở Myanmar và kêu gọi quân đội ngừng ngay lập tức việc sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình ôn hòa”, bà Ravina Shamdasani, phát ngôn viên của Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết.

9. Trung Quốc, nước láng giềng lớn nhất của Myanmar, đã phản ứng như thế nào?

Trung Quốc, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.300 dặm (hơn 2092 km) với Myanmar và là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào nước này, đã phản ứng một cách thận trọng, họ vun đắp mối quan hệ thân thiết với cả bà Aung San Suu Kyi và giới tướng lĩnh đang giam giữ bà.

“Trung Quốc và Myanmar là hai nước láng giềng thân thiện. Chúng tôi hy vọng các bên sẽ xử lý đúng đắn những khác biệt giữa họ theo đúng Hiến pháp và khuôn khổ pháp lý để duy trì ổn định chính trị và xã hội”, Uông Văn Bân – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tại Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 2, ngày diễn ra cuộc tổng đình công ở Myanmar.

Myanmar là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du khu vực của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào tháng 1 vừa qua, tại đây ông đã cam kết sẽ cung cấp miễn phí vắc-xin ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất cho Myanmar.

Bài viết có sự đóng góp của Hannah Beech và Rick Gladstone.