Liệu phong trào sinh viên Thái Lan có thể thành công?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Duncan Mccargo, Can Thailand’s Protest Movement Broaden Its Appeal?, Foreign Policy, 25/9/2020.

Người dịch: Nguyễn Thanh Hải

Muốn thành công, người biểu tình sẽ phải vượt qua sự cách biệt về giai cấp và vùng miền; và một khó khăn mới nữa, đó là khoảng cách giữa các thế hệ.

Sau khi tổ chức cuộc tuần hành lớn nhất trong nhiều năm qua tại Thái Lan vào hai ngày 19 và 20 tháng Chín; hôm thứ Năm, các sinh viên biểu tình tiếp tục di chuyển đến trụ sở Quốc hội để yêu cầu cải cách dân chủ.

Vài giờ sau, một thoả thuận với các đảng đối lập của chính phủ đương nhiệm, vốn có liên hệ mật thiết với quân đội đã cầm quyền ở Thái Lan trong suốt giai đoạn 2014-2019, đã sụp đổ.

Thỏa thuận từng được kỳ vọng sẽ làm giảm quy mô các cuộc biểu tình. Hai bên đồng ý sẽ thay thế bản hiến pháp năm 2017, vốn do lực lượng đảo chính soạn thảo và bị chỉ trích vì thiếu dân chủ, bằng một bản hiến pháp hoàn toàn mới. Nhưng mọi chuyện đã không đi đúng hướng và bản thỏa thuận gãy đổ. Quốc hội chặn bản thỏa thuận với lý do cần thêm một tháng để nghiên cứu. Đây là một chiến thắng quan trọng đối với phe bảo thủ và đặc biệt là Thượng viện Thái Lan, một cơ quan không qua bầu cử có thể bị bãi bỏ dưới hiến pháp mới.

Trước khi bản thỏa thuận sụp đổ, chính quyền đương nhiệm vốn được lãnh đạo bởi các tướng lĩnh đã nghỉ hưu có liên quan đến cuộc đảo chính năm 2014, đã tỏ ra sẵn sàng lắng nghe những lời kêu gọi của sinh viên về các cải cách chính trị trên diện rộng. Nhưng giờ đây, triển vọng về một quá trình cải cách chính trị êm thấm đang bị nghi ngờ hơn bao giờ hết.

Trong nhiều năm, Thái Lan phải đối mặt với sự phân cực sâu sắc giữa các giai cấp và vùng miền như đã thấy trong những phong trào biểu tình đối kháng nhau giữa phe áo đỏ và áo vàng liên tục nổi lên ở Bangkok trong 15 năm qua. Và giờ đây lại có thêm một sự chia rẽ mới trong chính trường Thái Lan, đó là hố sâu ngăn cách giữa các thế hệ. Những người trẻ dưới 25 tuổi, sinh ra trong thời đại kỹ thuật số, muốn đặt lại vấn đề đối với hệ thống thứ bậc tồn tại từ lâu trong xã hội bảo thủ của Thái Lan. Trong khi đó, nhiều người lớn tuổi tỏ ra lo ngại khi chứng kiến sự “bất kính” của những người biểu tình trẻ dám thách thức truyền thống và tôn ti xã hội thay vì phải tôn trọng quân đội và chế độ quân chủ.

Những chia rẽ này nổi lên vào tháng Hai khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan giải thể Đảng Tương lai mới (Future Forward Party) có tư tưởng cấp tiến. Ngay sau đó, các cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên đã nổ ra trên khắp cả nước. Đảng Tương lai mới là biểu tượng cho những hy vọng và ước mơ của các cử tri trẻ tuổi và lệnh cấm hoạt động có vẻ độc đoán này là một đòn giáng cay đắng đối với họ. Đại dịch COVID-19 đã ngăn cản việc bày tỏ sự bất mãn của dư luận trong một thời gian, nhưng đến giữa tháng 7, phong trào sinh viên nổi lên trở lại với một quyết tâm thậm chí còn lớn hơn trước.

Những người biểu tình yêu cầu 3 điều: giải tán quốc hội hiện tại (họ cho rằng nó được bầu ra thông qua một quy trình gian lận và thiếu sót); sửa đổi hiến pháp sâu rộng (đặc biệt là bãi bỏ Thượng viện không do người dân bầu và thay đổi hệ thống tổ chức bầu cử) và chấm dứt sự quấy rối đối với những người bất đồng chính kiến. Những người có quan điểm cấp tiến hơn thì yêu cầu việc sửa đổi hiến pháp phải đi đôi với cải cách chế độ quân chủ, một chủ đề cấm kỵ trước đây ở Thái Lan. Với các bài phát biểu đầy khiêu khích, đả phá những quan niệm lâu đời, những người biểu tình đã vượt qua “lằn ranh đỏ” đối với vấn đề hoàng gia. Điều này làm hài lòng những người ủng hộ cốt lõi của họ nhưng lại khiến nhiều đồng minh tiềm năng trong tương lai lo ngại.

Trong hai tháng qua, các sinh viên đã cố gắng giành thêm sự hỗ trợ từ các nhóm xã hội khác bao gồm những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, trận đại dịch đã tàn phá ngành du lịch và phần lớn lĩnh vực dịch vụ; thậm chí cảnhững người bảo thủ bị vỡ mộng bởi thành tích mờ nhạt của chính phủ do quân đội thống trị và lo lắng về triều đại mới của Vua Maha Vajiralongkorn, người lên ngôi sau khi vua cha qua đời năm 2016. Nếu các sinh viên thành công, họ có thể thống nhất mọi người vượt qua ranh giới đỏ-vàng đã chia rẽ xã hội Thái Lan lâu nay.

Trong bài phát biểu của mình trước một đám đông tụ tập trước Cung điện Hoàng gia vào tối thứ Bảy, thủ lĩnh sinh viên Parit “Penguin” Chiwarak thừa nhận rằng phong trào biểu tình có thể thúc đẩy những cải cách sâu rộng đối với nhà nước và xã hội Thái Lan chỉ khi có sự ủng hộ của hơn một nửa dân số đất nước. Mặc dù các cuộc biểu tình vào cuối tuần trước đã có những bước đột phá như biểu tượng thông minh, các yêu cầu cải cách táo bạo và toát lên được khát vọng của tuổi trẻ, người biểu tình lại kém thành công trong việc tạo dựng các liên minh rộng lớn hơn.

Việc lôi kéo những người đã thay đổi quan điểm là phần dễ thực hiện: Trên hết, những người biểu tình cần tiếp cận hàng triệu người Thái, những người này có thể ủng hộ các cuộc đảo chính quân sự trước đây nhưng giờ đã nhận ra tầm quan trọng của một hệ thống chính trị cân bằng và bền vững hơn, tôn trọng sự khác biệt cũng như không bị lép vế trước quân đội hay hoàng gia. Những người vẫn còn đang do dự có thể bị thuyết phục bởi các phong trào biểu tình ôn hòa hơn, chỉ tập trung nhắm vào Thủ tướng Prayuth Chan-ocha ngày càng không được lòng dân và việc chính phủ của ông xử lý thiếu hiệu quả cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại.

Ngay cả khi phong trào hiện tại thu hút được nhiều thành phần xã hội tham gia, khả năng thành công vẫn khó xảy ra: Những cuộc biểu tình trước đây thường lên đến đỉnh điểm là tình trạng đàn áp bạo lực hoặc các cuộc đảo chính quân sự. Hiện tại, phản ứng của chính phủ Thái Lan là dập tắt các cuộc biểu tình bằng “sự tử tế” với những công cụ hợp pháp. Các quan chức đã cố gắng vô hiệu hóa người biểu tình bằng cách chuyển chương trình nghị sự sang các cuộc tranh luận lòng vòng, nhàm chán về cách soạn thảo hiến pháp thứ 21 của Thái Lan tính từ năm 1932.

Cuộc bỏ phiếu của Quốc hội hôm thứ Năm có thể cho thấy rằng cách tiếp cận mềm dẻo đang đi đúng hướng. Chính phủ cảm thấy rằng các sinh viên đang không thể mở rộng phong trào của mình, điều đó có nghĩa là chính phủ chỉ cần tìm cách trì hoãn thời gian, hy vọng các cuộc biểu tình sẽ dần tan rã.

Phong trào sinh viên đã thu hút được nhiều sự chú ý, bây giờ điều cần làm là có được thêm đồng minh. Mở rộng lực lượng chính trị là một khởi đầu tốt. Nhưng để đạt được mục tiêu của mình, tiếp theo, các sinh viên phải lôi kéo được những người Thái thuộc các thế hệ hoặc có quan điểm chính trị khác có chung sự đồng thuận rằng phải chấm dứt vòng luẩn quẩn của chính trị Thái Lan. Phong trào sinh viên đã thể hiện được sức mạnh của mình trên đường phố nhưng giới cầm quyền đã sử dụng trận đấu thứ hai tại Quốc hội để “đưa bóng trở lại sân nhà”.

Duncan McCargo là giám đốc của Viện Nghiên cứu Châu Á tại Bắc Âu và là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Copenhagen. Ông là đồng tác giả của cuốn Future Forward: The Rise and Fall of a Thai Political Party (Sự nổi lên và suy tàn của Đảng Tương lai mới tại Thái Lan).

Thái Lan: Đẹp nhưng chia rẽ sâu sắc