Lý Quang Diệu yêu cầu Đặng Tiểu Bình ngừng kích động người Hoa

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Liên hợp lại cô lập “Gấu Bắc cực”

Trung Quốc yêu cầu các nước Đông Nam Á liên hợp với Trung Quốc cô lập “Gấu Bắc cực”. Thực ra, ngược lại, điều các nước láng giềng của chúng ta [tức của Singapore] cần làm lại là đoàn kết các nước Đông Nam Á để cô lập “Rồng Trung Quốc”. Đông Nam Á không có cái gọi là “người Liên Xô ở nước ngoài” được Chính phủ Liên Xô ủng hộ gây ra các vụ nổi loạn cộng sản. Ngược lại, Đông Nam Á có những “người Hoa ở ngoài nước” [nguyên văn: hải ngoại Hoa nhân] được Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc khuyến khích và ủng hộ, gây nên mối đe dọa ở Thái Lan, Malaysia, Phlippines, và với mức độ thấp hơn, ở Indonesia. Huống chi là Trung Quốc còn công khai tuyên bố nước này có quan hệ huyết thống với người Hoa ở ngoài nước, thậm chí Trung Quốc còn qua mặt cả Chính phủ của nước có người Hoa sinh sống, trực tiếp kêu gọi người Hoa, thức tỉnh ý thức yêu nước của họ đối với Trung Quốc, xúi giục họ trở về Trung Quốc thực hiện “Bốn hiện đại hóa”.

Cách đây vài tuần, vào tháng 10, khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đến thăm Singapore, ông ấy cũng ngồi tại vị trí bây giờ Đặng Tiểu Bình đang ngồi. Tôi có hỏi Phạm Văn Đồng vì sao Việt Nam lại có vấn đề người Hoa. Ông ấy không khách sáo nói, tôi [tức Lý Quang Diệu] vốn là người Hoa thì phải biết rằng người Hoa bao giờ cũng hướng về Trung Quốc, như người Việt Nam dù ở bất cứ nơi nào bao giờ cũng ủng hộ Việt Nam. Phạm Văn Đồng nghĩ thế nào, điều đó tôi chẳng quan tâm lắm, điều làm người ta lo lắng là phản ứng có thể xảy ra khi ông ấy [Phạm Văn Đồng] cũng nói câu đó với nhà lãnh đạo Malaysia.

Tôi xin kể lại một sự việc. Đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc từng nói với các vị Đại diện thường trực của 4 nước ASEAN tại Liên Hợp Quốc rằng Việt Nam đối xử bình đẳng với người Hoa ở Việt Nam, nhưng số người gốc Hoa này lại vong ân bội nghĩa. 160 nghìn người Hoa từ Hà Nội vượt biên giới trốn sang Trung Quốc hoặc tới tấp đáp tàu thuyền vượt biển trốn khỏi miền Nam Việt Nam. Điều đó toàn bộ là kết quả vong ân bội nghĩa của người Hoa. Bất chấp việc ba vị Đại diện thường trực của Philippines, Thái Lan và Singapore tại Liên Hợp Quốc đều là người gốc Hoa, Đại diện thường trực của Indonesia tại Liên Hợp Quốc cũng luôn miệng nói người Việt Nam đối xử quá nhân từ tốt bụng với người gốc Hoa ở trong nước, và nói Việt Nam nên noi theo Indonesia [nơi từng xảy ra phong trào bài Hoa từ cuối thập niên 1950]. Tôi [Lý Quang Diệu] muốn để Đặng Tiểu Bình hiểu rõ rằng Singapore đang đứng trước sự nghi kỵ và ngờ vực trực tiếp nhất, bản năng nhất của các nước láng giềng.

Tôi xin nói thêm, Phạm Văn Đồng còn đặt vòng hoa tại Đài kỷ niệm các anh hùng quốc gia ở Kuala Lumpur thủ đô Malaysia, nhưng Đặng Tiểu Bình thì từ chối làm như vậy. Phạm Văn Đồng cũng hứa không ủng hộ các hoạt động lật đổ chính quyền, nhưng Đặng Tiểu Bình chưa hề cam kết như thế. Người Malaysia nhất định nghi ngờ Đặng Tiểu Bình. Giữa các tín đồ đạo Islam [Hồi giáo] người Malay với người gốc Hoa tại Malaysia, cũng như giữa người Indonesia với người Indonesia gốc Hoa tại Indonesia, xưa nay luôn tồn tại sự nghi kỵ và chống đối lẫn nhau. Chính là vì Trung Quốc không ngừng xuất khẩu cách mạng vào Đông Nam Á, tới mức làm cho các nước láng giềng ASEAN của chúng ta [tức của Singapore] đều muốn Singapore có thể đứng vào cùng mặt trận với họ, chẳng phải vì chống Liên Xô, mà vì đối kháng Trung Quốc.

Đài phát thanh Trung Quốc còn trực tiếp phát lời kêu gọi tới người Hoa ở các nước ASEAN. Theo quan điểm của các Chính phủ ASEAN, đó là một hành vi lật đổ vô cùng nguy hiểm.

Đặng Tiểu Bình lặng lẽ ngồi nghe. Có lẽ ông chưa bao giờ cho rằng Trung Quốc đã dựa vào tư thế cường quốc thế giới để qua mặt Chính phủ các nước trong vùng mà lật đổ chính phủ của họ. Tôi nói rằng rất khó có khả năng các nước ASEAN sẽ đáp ứng tích cực kiến nghị của ông, lập mặt trận liên hợp chống Liên Xô và Việt Nam. Sau khi đề nghị hai bên sẽ cùng nhau trao đổi ý kiến vể cách giải quyết vấn đề này, tôi tạm dừng [hội đàm] một lúc.

Nét mặt và ngôn ngữ cơ thể của Đặng Tiểu Bình đều thể hiện rõ sự ngạc nhiên của ông. Đặng biết rằng những lời tôi nói đều là sự thật. Bỗng dưng ông hỏi: “Vậy Ngài muốn tôi làm gì?” Tôi sửng sốt. Từ trước tới nay tôi chưa bao giờ gặp bất cứ lãnh tụ cộng sản nào lại đồng ý từ bỏ ý kiến của mình khi đối mặt với hiện thực, thậm chí còn hỏi tôi muốn họ làm thế nào. Tôi vốn dĩ nghĩ rằng Đặng Tiểu Bình sẽ có thái độ không khác gì thái độ của Hoa Quốc Phong trong lần hội đàm với tôi hồi năm 1976, tức là sẽ chẳng để ý tới quan điểm của tôi. Hôm ấy tôi có hỏi lại Hoa Quốc Phong, sao mà Trung Quốc lại tự mâu thuẫn như vậy: [Trung Quốc] ủng hộ đảng Cộng sản Malaysia làm cách mạng ở Singapore chứ không [làm cách mạng] tại Malaysia? Hoa Quốc Phong hùng hổ đáp: “Tôi không nắm được tình hình chi tiết, nhưng đảng Cộng sản dù đấu tranh ở đâu thì đều chắc chắn tất thắng.”

Đặng Tiểu Bình thì lại không như thế. Ông biết rằng muốn cô lập Việt Nam thì không thể không nhìn thẳng vào vấn đề đó [tức vấn đề hoạt động lật đổ chính quyền phi cộng sản ở các nước ASEAN]. Muốn bảo vị lão tướng cách mạng dầu dãi phong sương, từng trải trăm trận này nên làm gì ư? Tôi không thể không do dự.

Nhưng ông đã hỏi rồi thì tôi bèn nói thẳng: “Dừng các buổi phát thanh ấy, dừng phát đi những lời kêu gọi. Nếu Trung Quốc có thể không nhấn mạnh mối quan hệ huyết thống với người gốc Hoa ở các nước ASEAN, không lợi dụng tình cảm chủng tộc, thì như thế có lẽ sẽ tốt hơn đối với người Hoa ở các nước ấy. Thực ra, cho dù Trung Quốc có nhấn mạnh mối quan hệ huyết thống hay không thì người bản xứ ở các nước ASEAN đều khó mà xóa bỏ hết sự nghi kỵ đối với người gốc Hoa. Chỉ có điều là Trung Quốc càng không kiêng dè lợi dụng mối quan hệ huyết thống dân tộc Trung Hoa như thế này thì lại chỉ càng khoét sâu mối nghi kỵ của người bản xứ đối với người gốc Hoa mà thôi. Trung Quốc cần phải đình chỉ các buổi phát thanh của đảng Cộng sản Malaysia và đảng Cộng sản Indonesia phát đi từ miền Nam Trung Quốc.”

Đặng Tiểu Bình chỉ nói rằng ông cần thời gian để suy nghĩ về những điều tôi đã trình bày, nhưng nói thêm là bản thân ông tuyệt đối không bắt chước Phạm Văn Đồng. Đặng Tiểu Bình từng nhận được lời mời đến dâng hoa tại Đài kỷ niệm các anh hùng quốc gia ở Kuala Lumpur. Đài kỷ niệm này được tạo dựng để tưởng nhớ các anh hùng đã tiêu diệt đảng Cộng sản Malaysia, nhưng vì bản thân là người Cộng sản nên Đặng Tiểu Bình không thể làm theo lời mời. Ông nói, sở dĩ Phạm Văn Đồng có hành động như vậy là do ông ấy thuộc loại “đảng viên Cộng sản khác loài”, kẻ đã “bán linh hồn của mình”.

[Còn nữa]

Nguyễn Hải Hoành biên dịch và ghi chú từ nguồn tiếng Trung trên mạng Nhân dân (Trung Quốc) ngày 7/6/2011李光耀:邓小平决策对越自卫反击战内情.

Lý Quang Diệu kể chuyện Đặng Tiểu Bình nói về kế hoạch tấn công Việt Nam