Thế giới hôm nay: 11/05/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bộ trưởng Quốc phòng Israel ban bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực xung quanh dải Gaza. Trước đó, bảy quả tên lửa đã được bắn từ Gaza vào Israel, với nhóm phiến quân Hồi giáo Hamas lên tiếng nhận trách nhiệm. Họ cho biết chỉ đang bảo vệ Jerusalem sau khi cảnh sát Israel đụng độ với người biểu tình Palestine bên ngoài nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ ba của Hồi giáo. Israel đã không kích đáp trả. Bộ Y tế Gaza cho biết các cuộc không kích đã giết chết 9 người, trong đó có 3 trẻ em.

BioNTech cho biết vắc-xin covid-19 hãng phát triển cùng Pfizer có thể chống lại các biến thể virus hiện có mà không cần điều chỉnh. Tuyên bố này được đưa ra cùng lúc nhà sản xuất vắc-xin Đức tăng ước tính doanh thu 2021 từ 9,8 tỷ euro (11,9 tỷ USD) lên 12,4 tỷ euro. Họ cũng cho biết đang xây dựng một cơ sở sản xuất ở Singapore, có thể hoạt động từ năm 2023.

Băng nhóm tội phạm mạng bị cáo buộc tiến hành vụ tấn công “ransomware” khiến Colonial Pipeline, hãng nhiên liệu tinh chế lớn nhất Mỹ, mất kết nối kể từ thứ Sáu, đã tuyên bố vụ việc “không mang tính chính trị”. DarkSide nói mục tiêu của họ không phải là “tạo ra các vấn đề cho xã hội” mà chỉ muốn kiếm tiền. Nhưng dù cố ý hay không thì nó vẫn gây ra hậu quả nghiêm trọng. Công ty này vận chuyển 45% nguồn cung cấp nhiên liệu của bờ đông nước Mỹ.

Hơn 11.000 nhân viên ngành giáo dục ở Myanmar đã bị đình chỉ vì phản đối chính quyền quân sự, một công đoàn giáo viên nói với Reuters. Chính quyền đang sử dụng một loạt các chiến thuật để trấn áp phong trào bất tuân dân sự của đất nước, bao gồm cả đe dọa trục xuất. Vào ngày Chủ nhật, thi thể của nhà thơ Khet Thi đã được trao trả cho gia đình ông ở miền trung Myanmar, và được cho là bị mất hết nội tạng.

WHO phân loại biến thể covid-19  B.1.617 được xác định lần đầu ở Ấn Độ là một trong những mối lo ngại toàn cầu, viện dẫn khả năng lây truyền cao và tính kháng vắc-xin. Các bệnh viện Ấn Độ cũng ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh mucormycosis (hay “nấm đen”) ở bệnh nhân covid-19, một căn bệnh liên quan đến tiểu đường.

1MDB và một cựu công ty con đã đệ đơn kiện hàng chục cá nhân và tổ chức giấu tên với hy vọng lấy lại 23 tỷ đô la bị cáo buộc lấy từ quỹ đầu tư nhà nước của Malaysia từ năm 2009 đến năm 2014. Vụ bê bối 1MDB đã tiết lộ cả một mạng lưới tham nhũng toàn cầu; trong mười tháng qua, Malaysia đã thu hồi gần 5 tỷ đô la tài sản từ AmBank, một tập đoàn ngân hàng Malaysia, Deloitte, một công ty tư vấn và kế toán, và ngân hàng Goldman Sachs.

Cổ phiếu của Meituan, một công ty giao đồ ăn Trung Quốc, giảm gần 10% sau khi người đứng đầu công ty đăng một bài thơ trên mạng xã hội được hiểu là ngầm chỉ trích chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Wang Xing đã xóa bài thơ và đưa ra lời giải thích. Mặc dù giá cổ phiếu của Meituan đã tăng nhẹ trở lại, nhưng vụ việc gây e ngại cho các nhà đầu tư – đặc biệt khi công ty đang đối mặt một cuộc điều tra chống độc quyền.

TIÊU ĐIỂM

Úc sắp công bố dự thảo ngân sách, tăng mạnh chi tiêu

Bộ trưởng tài chính Úc, Josh Frydenberg, hôm nay sẽ cảm thấy rất hài lòng khi ông công bố dự thảo ngân sách. Ít ai nghĩ nền kinh tế sẽ có phong độ tốt như vậy. So với nhiều nước, Úc hiện đã vượt qua đại dịch. GDP chỉ giảm 2,4% trong năm ngoái, bằng một nửa mức trung bình của các nền kinh tế tiên tiến. Cả việc đóng cửa với du khách và chấm dứt chương trình trợ cấp tiền lương khổng lồ đều không thể ngăn đà phục hồi của nước này.

Nhưng bầu cử đang đến gần, vì vậy các chính khách vẫn muốn chi tiêu. Ông Frydenberg dự kiến sẽ vung ra 10 tỷ đô la Úc (7,9 tỷ đô la Mỹ) cho một hệ thống chăm sóc người cao tuổi đầy tai tiếng, với các báo cáo về tình trạng suy dinh dưỡng và lạm dụng. Ông cũng sẽ đính kèm những món quà cho phụ nữ để được họ ủng hộ, sau khi phụ nữ dao động bởi các cáo buộc lạm dụng tình dục trong Đảng Tự do của ông. Dù vậy các ứng viên đảng ông vẫn có cơ hội tốt. Một phần là do may mắn — giá quặng sắt, mà Úc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, đang cao kỷ lục.

Philippines lệ thuộc vắc-xin Trung Quốc giữa bối cảnh căng thẳng Biển Đông

193.000 liều vắc-xin Pfizer đến Philippines vào hôm qua là một cuộc cứu trợ đáng hoan nghênh. Sau khi đã lệ thuộc vào Trung Quốc để có 5 triệu trên 7,76 triệu liều vắc-xin đã phân phối cho đến nay, chính phủ Philippines sẽ hài lòng vì bớt phụ thuộc vào gã khổng lồ trong khu vực.

Các chính trị gia Philippines đã lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc lấn chiếm các vùng biển trên Biển Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Trong những năm gần đây tổng thống Rodrigo Duterte đã đồng ý không lên tiếng, miễn là Trung Quốc ngưng bành trướng. Nhưng khi Trung Quốc lấn chiếm trở lại trong năm nay, ông Duterte đã cho phép các thuộc cấp của mình phản đối dữ dội, giữa lúc nước này đang phụ thuộc vào vắc-xin Trung Quốc.

Mối quan hệ gay gắt khiến việc dựa vào vắc-xin Trung Quốc trở nên rủi ro. Philippines có 110 triệu dân, vì thế trừ khi họ mua được nhiều liều hơn từ các nước khác, họ vẫn sẽ phải phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc. Có lẽ các cấp dưới của ông Duterte sẽ phải tiếp tục im lặng.

Nhiều bang Mỹ cho phép mang súng không phép

Kể từ ngày 5 tháng 5, cư dân Utah từ 21 tuổi trở lên có thể mang theo một khẩu súng ngắn giấu kín đến nơi công cộng mà không cần xin giấy phép. Đây là bang mới nhất luật hoá “mang súng không phép.” Bốn tiểu bang khác cũng đã thông qua luật tương tự. Và 5 bang khác đang xem xét các dự luật tương tự, bao gồm Texas, nơi một dự luật vừa được Thượng viện bang thông qua sát nút vào tuần trước có khả năng sớm trở thành luật.

Tới cuối năm nay, một phần ba người Mỹ có thể đang sống ở các bang cho phép mang súng không phép. Phe ủng hộ nói có nhiều “người tốt có súng” sẽ giúp ngăn chặn “kẻ xấu có súng”. Trong khi phe phản đối, bao gồm các cơ quan thực thi pháp luật (cảnh sát), lo ngại — nếu không được huấn luyện, kiểm tra lý lịch và cấp phép — việc mang súng không phép sẽ gây mất an toàn công cộng. Hiện doanh số bán súng đang ở mức cao nhất mọi thời đại ở Mỹ, trong khi tội phạm bạo lực gia tăng và các vụ xả súng hàng loạt diễn ra phổ biến. Nhưng với việc liên bang bất lực, các bang đang áp dụng luật cho riêng mình.

Thiết quân luật gây lo ngại ở Congo

Khi Felix Tshisekedi, tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo, nghe thấy điều mà ông gọi là “tiếng kêu đau khổ” ở các tỉnh miền đông Bắc Kivu và Ituri vốn bị tàn phá bởi chiến tranh, phản ứng gây tranh cãi của ông là áp đặt chế độ kiểm soát quân sự trong một tháng, bắt đầu từ thứ Năm tuần trước.

Ông Tshisekedi đã giao cho hai cựu phiến quân có quá khứ đẫm máu mỗi người một tỉnh để cai quản. Trung tướng Constant Ndima, người sẽ điều hành Bắc Kivu, đặc biệt khét tiếng. Hồi năm 2002 và 2003, ông đã lãnh đạo một lực lượng dân quân trong một chiến dịch được gọi là “Xóa sạch”. Những người lính của ông bị cáo buộc giết, hãm hiếp, cắt xẻo và ăn thịt các thành viên của hai bộ tộc đối địch. Ông Ndima chưa bao giờ bình luận về các cáo buộc.

Quân đội bất hảo của Congo, vốn đã tiếp nhận hàng nghìn cựu phiến quân, thường là nguyên nhân gây ra thảm họa cho đất nước hơn là giúp giải quyết chúng. Hơn 5 triệu người Congo phải di dời trong nước, phần lớn là do bạo lực. Thiết quân luật, vốn trao quyền cho binh lính trong việc hạn chế di chuyển của người dân và truy tố dân thường, sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng đau khổ của họ.