Nhật ký Bắc Kinh (28/12/20): Tập tiếp nối di sản của Mao

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 12/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hôm thứ Bảy (26/12/2020), người ta xếp thành một hàng dài hướng về Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để đến thăm Nhà Tưởng niệm Mao Chủ tịch.

Hôm đó đánh dấu 127 năm ngày sinh người cha sáng lập nước Trung Hoa Cộng sản. Thi hài của ông được giữ nguyên trạng ở nhà tưởng niệm đặt ngay trung tâm quảng trường, thường được gọi là Lăng Mao Trạch Đông.

Mọi ngày địa điểm này chỉ mở cửa đón khách buổi sáng, nhưng vào sinh nhật ông nó mở cả buổi chiều. Được nhớ đến như người anh hùng thành lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, Mao vẫn rất nổi tiếng trong dân chúng.

Ở Bắc Kinh còn có một địa điểm thứ hai liên quan mật thiết đến Mao: Tương Sơn.

Vào giữa tháng 3 năm 1949, các lực lượng của Đảng Cộng sản tiến vào thành phố sau khi đánh bại quân đội Quốc dân Đảng, và thành lập trung tâm chỉ huy đầu tiên của họ. Mao đến ở tại một biệt thự thời nhà Thanh tại đây trong một năm cho đến lễ quốc khánh tháng 10 năm đó.

Tương Sơn nổi tiếng với những tán lá rụng mùa thu. Đây cũng là nơi có đài tưởng niệm cách mạng mở cửa vào tháng 9 năm 2019 với sự ủng hộ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Khi tôi ghé vào đúng ngày sinh nhật Mao, tôi gặp một vị khách bất ngờ: Lý Mẫn, con gái ông.

Bà Lý, nay đã ngoài 80 tuổi, là con của Mao với người vợ thứ hai, Hạ Tử Trân. Dường như bà đã sống với Mao ở Tương Sơn. Một quan chức tại hội trường đã chỉ vào một di vật và hỏi bà, “Bà có nhớ bức điện này Chủ tịch Mao đã gửi đi từ Tương Sơn? ”

Bà trả lời: “Không, tôi không nhớ vì lúc đó tôi mới 12 tuổi.”

Ông Tập từng có một bài giảng hồi tháng 7 năm 2019 nhấn mạnh tầm quan trọng của những bức điện như vậy: “Trung ương đảng và Chủ tịch Mao đã chỉ huy toàn đảng toàn quân qua các bức điện, để rồi toàn đảng toàn quân thi hành chúng một cách vô điều kiện.”

Khi thấy bức điện ở nhà tưởng niệm, tôi chợt nghĩ ông Tập có lẽ muốn ngụ ý: “Những chỉ dẫn của tôi, giống như của Mao, là tuyệt đối.”

Như một cử chỉ tưởng nhớ thời đại Mao, Bộ Chính trị 25 thành viên của Đảng Cộng sản, do ông Tập lãnh đạo, đã tổ chức một “cuộc họp về đời sống dân chủ” tại Trung Nam Hải ở Bắc Kinh vào thứ Năm và thứ Sáu tuần trước. Mao từng khởi xướng cuộc họp này – một nơi để phê và tự phê – vào cuối những năm 1920. Những người tham gia phải chỉ ra các vấn đề với cấp trên và đồng nghiệp của họ trong khi nhận lỗi và tự phê bình bản thân.

Ông Tập đặc biệt coi trọng cuộc họp về đời sống dân chủ kể từ khi trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Quốc vào mùa thu năm 2012. Đương nhiên, bản thân ông không phải chịu bất kỳ lời chỉ trích nào.

Chủ đề của cuộc họp gần đây nhất là nghiên cứu hệ tư tưởng mang tên ông Tập: “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội mang Đặc sắc Trung Hoa cho Kỷ nguyên Mới.”

Sự kiện kéo dài hai ngày một lần nữa khẳng định chính sách “giữ vững thẩm quyền” của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản cũng như “sự lãnh đạo tập trung và thống nhất” với ông Tập là “hạt nhân”, Tân Hoa xã đưa tin.

Nhiệm kỳ tổng bí thư thứ hai của ông Tập sẽ kết thúc tại đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng vào năm 2022. Ông đang dần chuẩn bị cho một nhiệm kỳ thứ ba.

Nhưng trước mắt, vào tháng 7 tới đây, đảng sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Khởi đầu là một nhóm khoảng 50 thành viên, hiện đảng có tới hơn 90 triệu đảng viên.

Thực thể chính trị khổng lồ này sẽ được điều hành như thế nào? Theo bước chân Mao, ông Tập dường như đang cố gắng tập trung hơn nữa quyền lực vào đảng và bản thân mình.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.

Mao Trạch Đông ngàn năm công tội