16/05/1985: Công bố khám phá lỗ thủng tầng ozone

Nguồn: Discovery of Ozone Hole announced, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1985, trên tạp chí khoa học Nature, ba nhà khoa học thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh thông báo họ đã phát hiện thấy mức ozone thấp bất thường tại Nam Cực. Khám phá của họ, thường được gọi là Lỗ thủng tầng Ozone (Ozone Hole), đã trở thành bằng chứng không thể chối cãi về khả năng phá hủy bầu khí quyển Trái Đất của loài người, đồng thời cũng là trong những câu chuyện thành công nổi tiếng nhất trong lịch sử phong trào hoạt động liên quan đến khí hậu.

Tầng ozone là một khu vực của tầng bình lưu của Trái Đất có chứa hàm lượng trioxygen (ozone) cao, có tác dụng ngăn chặn phần lớn bức xạ cực tím có hại từ Mặt Trời chiếu tới bề mặt hành tinh. Kể từ những năm 1970, các nhà khoa học đã thúc đẩy việc kiểm soát chlorofluorocarbon (CFC), loại hóa chất được tìm thấy trong các vật dụng hàng ngày như máy điều hòa không khí và bình xịt, do tác động bất lợi của chất này lên tầng ozone.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã cấm sản xuất CFC vào năm 1978. Tuy nhiên, phải đến khi Nature cho đăng tài bài viết của Joe Farman, Brian Gardiner và Jonathan Shanklin thì chúng ta mới biết được về sự suy giảm tầng ozone hàng năm ở một điểm nằm phía trên Nam Cực.

Cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng hành động, có lẽ vì sự xuất hiện đột ngột của một “lỗ thủng” trong bầu khí quyển đã tạo nên một câu chuyện hấp dẫn và cực kỳ dễ hiểu. Trong vòng hai năm, trực tiếp phản ứng lại bài báo trên Nature cùng với các nghiên cứu  thực nghiệm, 46 quốc gia đã ký Nghị định thư Montreal (Montreal Protocol), cam kết loại bỏ các chất được cho là gây suy giảm tầng ozone. Tất cả 197 thành viên của Liên Hiệp Quốc cuối cùng đã phê chuẩn hiệp ước này, và kết quả là các nhà khoa học dự đoán rằng tầng ozone sẽ quay trở lại mức trước năm 1980 trước khi kết thúc thế kỷ 21. Tốc độ và sự nhất trí thông qua hiệp ước trên khắp thế giới đã khiến cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan gọi Nghị định thư Montreal “có lẽ là thỏa thuận quốc tế thành công nhất cho đến nay.”