Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh ở Geneva, Thụy Sĩ, vào tháng tới. Họ đã có một vài tháng quan hệ lạnh nhạt. Ông Biden chỉ trích hành động gân hấn của Nga với Ukraine, vụ bắt giữ nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny, và việc nước này can thiệp các cuộc bầu cử Mỹ. Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Nga.
Svetlana Tikhanovskaya, một lãnh đạo đối lập Belarus lưu vong, nói một đoạn video quay Roman Protasevich, nhà báo vừa bị bắt cóc theo lệnh của Alexander Lukashenko, là bằng chứng cho thấy ông bị tra tấn. Trong video, ông Protasevich nhận tội tổ chức biểu tình phản đối chế độ bất hợp pháp của tổng thống Belarus. EU đã kêu gọi các hãng hàng không bỏ qua không phận nước này, và nhiều hãng đã làm theo.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo sẽ mở lại lãnh sự quán ở Jerusalem. Điều này sẽ khôi phục mối quan hệ giữa Mỹ và Palestine – vốn lạnh nhạt dưới thời chính quyền Trump. Ông Blinken cũng hứa giúp Gaza phục hồi sau cuộc giao tranh giữa Israel với Hamas, một nhóm vũ trang Palestine. Nhưng ông quả quyết viện trợ sẽ không đến với Hamas vì Mỹ coi đây là một tổ chức khủng bố.
Cơ quan giám sát bầu cử của Iran đã phê duyệt bảy ứng viên (trong số 40 ứng viên đáp ứng các tiêu chí bầu cử) cho cuộc bầu cử tổng thống của đất nước vào tháng tới. Họ bao gồm Ebrahim Raisi, một chánh án cứng rắn và là đồng minh thân cận của lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Một số đối thủ của ông Raisi, bao gồm cựu chủ tịch quốc hội Ali Larijani và cựu tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã bị loại, giúp cải thiện triển vọng của ông Raisi.
Moderna công bố dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy vắc-xin covid-19 của họ an toàn và hiệu quả trên thiếu niên 12-17 tuổi. Từ đó, nhà sản xuất vắc-xin sẽ đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cũng như các cơ quan quản lý khác phê duyệt tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 18 tuổi vào tháng 6. Nếu được thông qua, nó sẽ trở thành loại vắc-xin thứ hai được cấp phép cho thiếu niên ở Mỹ sau vắc-xin của Pfizer-BioNTech.
Tổng chưởng lý Washington, DC đã đệ đơn kiện chống độc quyền đối với Amazon. Karl Racine cáo buộc gã khổng lồ thương mại điện tử “lạm dụng … sức mạnh độc quyền của mình” để buộc người bán bên thứ ba trên nền tảng của họ phải bán với giá rẻ nhất. Amazon phủ nhận cáo buộc. Cùng với Apple, Facebook và Google, trong những tháng gần đây công ty này đã phải chịu áp lực lớn ở nhiều bang khác nhau xoay quanh các hành vi phản cạnh tranh.
Nhà chức trách Trung Quốc đã chấp thuận sơ bộ cho một liên doanh giữa Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), một ngân hàng quốc doanh khổng lồ, với Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư Mỹ. Goldman sẽ sở hữu 51% liên doanh và ICBC sở hữu phần còn lại. Các nhà quản lý tài sản nước ngoài khác, bao gồm Amundi và BlackRock, cũng đang thành lập các liên doanh của riêng họ khi Trung Quốc mở cửa lĩnh vực tài chính trong nước.
TIÊU ĐIỂM
Nông dân Ấn Độ đã biểu tình được nửa năm bất chấp đại dịch
Hôm nay, để đánh dấu sáu tháng biểu tình, các công đoàn nông dân đang tiếp tục kêu gọi chống chính phủ Narendra Modi. Họ tiếp tục yêu cầu bãi bỏ các cải cách nông nghiệp đã được thông qua vào năm ngoái và đang củng cố lực lượng của họ với các máy kéo vừa xong vụ thu hoạch. Bằng một cách nào đó, họ vẫn duy trì được các trại biểu tình xung quanh Delhi trong suốt làn sóng covid thứ hai. Hiện đã có 300.000 người Ấn Độ chết vì covid-19 – thấp hơn nhiều con số thực tế. Số ca lây nhiễm mới trong ngày đã qua đỉnh, giảm từ trên 400.000 xuống dưới 200.000 vào hôm qua.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi chính phủ đã yêu cầu nông dân giải tán vì nguy cơ “siêu lây nhiễm” của họ. Các đảng đối lập đã ký một lá thư ủng hộ phong trào. Tuy nhiên, vì đã chỉ trích chính phủ khuyến khích mít tính và vận động bầu cử và một lễ hội Hindu vào tháng 3, nên nếu lần này họ ủng hộ tụ tập đông người thì sẽ rất khó coi. Giới nông dân coi cuộc đấu tranh này là một vấn đề sinh tử. Song một số đồng minh lại muốn họ ở nhà.
Cựu tổng thống Nam Phi Jacob Zuma hầu tòa
Sau nhiều năm né tránh và trì hoãn, hôm nay Jacob Zuma sẽ ra hầu tòa. Cựu tổng thống Nam Phi đối mặt với 18 cáo buộc liên quan đến một thương vụ mua vũ khí được chính phủ ký vào cuối những năm 1990, trong đó có cáo buộc ông nhận hối lộ của Thales, một công ty quốc phòng Pháp. (Cả ông và công ty đều phủ nhận các cáo buộc.)
Năm 2005, ông mất chức phó tổng thống sau khi cựu cố vấn tài chính của ông bị bỏ tù vì các tội danh liên quan đến thương vụ này. Nhưng ông Zuma phản công, đánh bại tổng thống Thabo Mbeki để lên làm lãnh đạo đảng Đại hội Dân tộc Phi cầm quyền, từ đó hủy các cáo buộc đối với chính ông và trở thành tổng thống. Nhiệm kỳ 2009-2018 của ông chìm trong tham nhũng quy mô lớn khi thân hữu của ông bòn rút các kho bạc và công ty nhà nước.
Kể từ lúc vụ việc được phục hồi vào năm 2018, ông Zuma đã nộp nhiều đơn phản đối, làm sự việc càng thêm đình trệ. Cuối cùng thì ông cũng phải ra tòa vào hôm nay. Nhiều người Nam Phi hy vọng đây không phải phiên tòa cuối của ông.
Vụ kiện Apple và Epic chờ phán quyết
Hôm thứ Hai, Apple và Epic Games, nhà sản xuất trò chơi nổi tiếng Fortnite, đã đưa ra lập luận cuối cùng của họ trong một phiên tòa được theo dõi sát sao. Vấn đề đặt ra là liệu sự kiểm soát chặt chẽ của Apple đối với phần mềm được phép trên iPhone và khoản hoa hồng 30% Apple nhận trên các khoản thanh toán trong ứng dụng có phải là hành vi lạm dụng quyền lực phản cạnh tranh hay không. Giám đốc Apple Tim Cook đã có một trải nghiệm không mấy vui vẻ khi làm nhân chứng hồi tuần trước. Lúc bị luật sư của Epic thẩm vấn, ông đã nói không biết gì về các khía cạnh cơ bản trong hoạt động kinh doanh của công ty, chẳng hạn như mức lợi nhuận chính xác của App Store.
Nếu Epic chiến thắng, Apple có thể phải cho phép các công ty khác chạy các cửa hàng ứng dụng đối thủ trên điện thoại của chính họ, như đã xảy ra trên Android. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến các hãng máy chơi game với mô hình kinh doanh “vườn có tường bao quanh” tương tự như Microsoft, Nintendo và Sony. Hai bên đang chờ phán quyết. Dù tòa ngả về bên nào thì người thua cũng sẽ kháng cáo.
Syria bầu cử tổng thống
Rất ít lãnh đạo có thành tích như Bashar al-Assad. Tổng thống Syria nắm quyền qua một thập niên chiến tranh đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, chứng kiến một phần ba đất nước bị mất quyền kiểm soát vào tay các cường quốc nước ngoài, và khiến những người vẫn sống dưới quyền ông phải lay lắt trong cảnh đổ nát.
Nhưng ông sẽ thắng cuộc bầu cử hôm nay. Những người ủng hộ ông đi ngoài đường phố và hô vang “Bashar là Chúa”. Các chủ cửa hàng bị buộc mua và treo các các áp phích ủng hộ ông Assad. Trong khi hai ứng viên đối thủ của ông ít được xuất hiện hơn.
Tỷ lệ cử tri đi bầu sẽ khá cao. Các cử tri lo sợ mất khẩu phần ăn nếu bị phát hiện không đi bỏ phiếu, còn những người tị nạn ở Lebanon sợ mất quyền trở về nếu họ không bỏ phiếu tại đại sứ quán ở Beirut. Tuy nhiên, cuộc bầu cử giả hiệu này cản trở nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi với một cuộc bầu cử tự do và công bằng, vốn sẽ giúp xác nhận tình thế mong manh của nhà độc tài. Đối với ông Assad, chỉ cần còn tồn tại đã là chiến thắng.