Nguồn: George Orwell’s “1984” is published, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1949, tiểu thuyết phong cách phản địa đàng (dystopia) của George Orwell, 1984, đã chính thức được xuất bản. Kể từ đó, “Anh Cả” (Big Brother), lãnh đạo tối cao trong cuốn sách, đã trở thành một biểu tượng phổ quát đại diện cho chính phủ và bộ máy quan liêu áp bức.
George Orwell là bút danh của Eric Blair, một nhà văn sinh ra ở Ấn Độ. Là con trai của một công chức người Anh, Orwell đi học tại London và giành được học bổng vào trường dự bị Eton, nơi hầu hết học sinh đều xuất thân từ tầng lớp thượng lưu giàu có, không giống như ông. Thay vì vào đại học như các bạn cùng lớp, Orwell gia nhập Cảnh sát Đế quốc Ấn Độ (Indian Imperial Police) và đến làm việc ở Miến Điện vào năm 1922. Trong 5 năm ở đây, ông dần có mặc cảm tội lỗi giai cấp (class-guilt) nghiêm trọng; cuối cùng vào năm 1927, ông quyết định không trở lại Miến Điện sau kỳ nghỉ ở Anh.
Chọn đắm mình trong trải nghiệm của người nghèo thành thị, Orwell đã đến Paris, nơi ông làm những việc tầm thường, rồi sau đó về Anh và sống như một kẻ lang thang. Ông viết Down and Out in Paris and London (1933) dựa trên quan sát cá nhân về các tầng lớp nghèo, còn The Road to Wigan Pier (1937) thì ghi lại cuộc sống của những người thất nghiệp ở miền bắc nước Anh. Cùng lúc ấy, ông đã xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay, Burmese Days, vào năm 1934.
Quan điểm của Orwell ngày càng trở nên thiên tả dù bản thân ông chưa bao giờ gia nhập bất kỳ đảng chính trị cụ thể nào. Ông đã đến Tây Ban Nha trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha để chiến đấu với những người Cộng hòa, nhưng sau đó đã bỏ trốn khi phe cộng sản chiếm thế thượng phong trong cuộc đấu tranh của cánh tả. Tác phẩm ngụ ngôn của ông, Animal Farm (1945), cho thấy những lý tưởng cao đẹp của nền kinh tế quân bình có thể dễ dàng bị bóp méo đến thế nào. Cuốn sách đã giúp ông khẳng định tài năng và cũng đem lại thu nhập nhất định. Tiểu thuyết cuối cùng của Orwell, 1984, đã giúp ông trở thành nhà văn nổi tiếng – nhờ những dự đoán nghiệt ngã về một tương lai nơi mọi công dân đều bị theo dõi liên tục và mọi ngôn ngữ đều bị bóp méo để hỗ trợ cho đàn áp.
Orwell qua đời vì bệnh lao năm 1950.