Học giả Trung Quốc nói về ba thay đổi lớn của trật tự quốc tế hiện nay

Giới thiệu: Việt Hải

Ngày 14/5/2021, Đại học Thanh Hoa Trung Quốc phối hợp cùng Đại học Bắc Kinh và Đại học Nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Trật tự quốc tế thời kỳ hậu Covid”. Nội dung cụ thể của tọa đàm được đăng tải trên website Trung tâm nghiên cứu an ninh và chiến lược, Đại học Thanh Hoa. Tại tọa đàm, Giám đốc Cơ sở trao đổi nhân văn Trung – Mỹ, Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh Giả Khánh Quốc đã có bài phát biểu trong đó nhấn mạnh 3 thay đổi lớn của trật tự quốc tế hiện nay bao gồm: Thứ nhất, Mỹ ngày càng trở nên bất lực khi tiếp tục lãnh đạo thế giới. Thứ hai, năng lực của các nước phương Tây trong việc lãnh đạo trật tự quốc tế đang suy giảm. Thứ ba, cán cân quyền lực thế giới thay đổi lớn do sự trỗi dậy của các nước lớn phi phương Tây.

Nội dung bài phát biểu của ông Giả Khánh Quốc như sau:

Trật tự quốc tế là hiện tượng không ngừng thay đổi, những thay đổi mới nhất về trật tự quốc tế diễn ra trước khi dịch Covid-19 xảy đến, dịch bệnh bùng phát càng đẩy nhanh sự thay đổi này.

Sau khi kết thúc Thế chiến II, dưới sự lãnh đạo và thúc đẩy tích cực của Mỹ cùng sự tham gia sâu rộng của các nước trên thế giới, cộng đồng quốc tế đã thiết lập được trật tự quốc tế thời hậu chiến. Tuy nhiên, ngay từ đầu nhận thức của các nước về trật tự này tồn tại sự khác biệt rõ rệt. Nói rộng ra, có hai cách giải thích về trật tự quốc tế thời hậu chiến: Một là, sự sắp xếp về thể chế lấy “Hiến chương Liên Hợp Quốc” làm nền tảng, bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh lãnh thổ, tôn trọng sự phát triển tự chủ của các nước, thông qua hợp tác quốc tế ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu. Hai là, là sự sắp xếp về thể chế theo chủ nghĩa tự do, với mục tiêu bảo đảm quyền lực công dân và chính trị, lấy nguyên tắc kinh tế thị trường và quan niệm tự do, dân chủ để điều chỉnh hành vi của chính phủ. Hầu hết những người đồng ý với cách giải thích thứ nhất là các nước đang phát triển, trong khi nhất trí với cách giải thích thứ hai chủ yếu là các nước phát triển phương Tây.

Khi phương Tây đang còn mạnh, trật tự quốc tế thời hậu chiến sẽ được nhìn nhận theo quan điểm của các nước phương Tây. Những năm gần đây, cách giải thích của các nước phương Tây về trật tự quốc tế gặp nhiều thách thức, bởi việc giải thích của đại đa số các nước đang phát triển về trật tự quốc tế ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn. Ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những thay đổi nói trên:

Một là, nguyện vọng của Mỹ trong việc lãnh đạo trật tự thế giới giảm mạnh, do sức mạnh tổng hợp của nước này những năm gần đây suy yếu tương đối, mâu thuẫn trong nước trở nên gay gắt, Mỹ ngày càng trở nên bất lực khi tiếp tục đảm nhận trọng trách lãnh đạo theo nghĩa ban đầu. Sau khi lên cầm quyền, Trump theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết”, chối bỏ trách nhiệm quốc tế. Vì vậy, nước Mỹ dưới thời Trump đã rút khỏi nhiều tổ chức và cơ chế quốc tế như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Do vị thế và tầm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế, cách làm nói trên của Trump đã tác động nghiêm trọng đến trật tự quốc tế, không chỉ làm suy yếu trật tự thế giới tự do trong mắt các nước phương Tây, mà còn thách thức trật tự quốc tế dựa trên hợp tác giữa các quốc gia có chủ quyền vốn được thừa nhận bởi các nước đang phát triển. Sau khi Biden lên cầm quyền, Mỹ nhấn mạnh lại quan điểm về trật tự quốc tế theo chủ nghĩa tự do, tìm cách tái khẳng định vị thế lãnh đạo trong trật tự quốc tế, hiệu quả như thế nào còn cần thời gian quan sát.

Hai là, năng lực của các nước phương Tây trong việc lãnh đạo trật tự quốc tế suy giảm. Chiến tranh lạnh kết thúc, trật tự quốc tế bắt đầu xuất hiện xu thế “phương Đông đi lên, phương Tây đi xuống”. Về kinh tế, có nghiên cứu cho rằng, tỷ trọng GDP của các nước G7 trên GDP thế giới từ 68% năm 1992 giảm xuống còn 31,5% năm 2018, dự báo đến năm 2023 con số này sẽ tiếp tục giảm xuống 27,26%, mức độ suy giảm là rất rõ. Về quân sự, chi tiêu quân sự của NATO từng chiếm 2/3 tổng chi tiêu quân sự thế giới, nhưng đến năm 2017 chỉ còn khoảng ½. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà chính quyền Trump theo đuổi, đã chia rẽ phương Tây và làm suy yếu hơn nữa khả năng của phương Tây trong lãnh đạo trật tự thế giới.

Ba là, sự trỗi dậy của các nước lớn phi phương Tây. Cùng với sự gia tăng sức mạnh của các nước ngoài phương Tây, cán cân quyền lực thế giới có những thay đổi lớn. Quan điểm của các nước này về trật tự thế giới thời hậu chiến khác với các nước phương Tây, nhấn mạnh nhiều hơn vào bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh lãnh thổ, phản đối mượn cớ nhân quyền can thiệp công việc nội bộ nước khác, sự trỗi dậy của các nước này đã tạo ra thách thức ngày càng lớn đối với quan điểm của các nước phương Tây về trật tự quốc tế theo chủ nghĩa tự do.

Trật tự quốc tế thời hậu chiến dưới sự lãnh đạo của phương Tây đang tồn tại nhiều vấn đề nghiêm trọng. Trước hết, thiếu sự kiểm soát hiệu quả đối với quyền lực. Mỹ không ngừng thách thức uy tín của Liên Hợp Quốc và luật lệ quốc tế, thậm chí phát động chiến tranh một cách tùy tiện, chẳng hạn như chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Kosovo và chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 2. Hai là, quá nhấn mạnh vào việc lấy phương Tây làm trung tâm, như thúc đẩy mô hình quản trị phương Tây, không tính đến sự khác biệt giữa các nước, gây ra không ít tổn hại và nghi ngờ cho các nước đang phát triển. Ba là, hệ thống đồng minh quân sự do Mỹ lãnh đạo, mang tính độc quyền và phân chia quốc gia thành hai loại, về khách quan làm gia tăng tâm lý ngờ vực và đối đầu giữa các quốc gia. Bốn là, nhấn mạnh hiệu quả hơn bình đẳng, tuy trật tự kinh tế quốc tế do Mỹ lãnh đạo đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy lưu thông hàng hóa và vốn, tiến bộ về công nghệ và văn minh cũng như sự thịnh vượng của xã hội, nhưng lợi ích của toàn cầu hóa vẫn chưa được phân phối công bằng và hợp lý, nhiều người dân chưa được hưởng thành quả của toàn cầu hóa, thậm chí chịu thiệt thòi về lợi ích, từ đó dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và sự phổ biến của các hành vi chống toàn cầu hóa.

Khách quan mà nói, cho dù còn tồn tại nhiều hạn chế, trật tự quốc tế hiện có vẫn có thể là trật tự tốt nhất trong lịch sử, trong đó, các nước chấp nhận và tuân thủ một số giá trị và nguyên tắc chung như chủ quyền, không xâm phạm, không can thiệp công việc nội bộ của nước khác, nhân quyền, pháp trị, thương mại tự do và trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt. Hầu hết các nước trên thế giới đều có lợi ích đáng kể trong trật tự quốc tế hiện nay, vì vậy rất có thể sẽ tiếp tục chấp nhận trật tự này. Do Mỹ có lợi ích to lớn trong trật tự quốc tế thời hậu chiến, nên Mỹ nhiều khả năng sẽ xem xét lại cách làm của Trump và tái ủng hộ trật tự này.

Tóm lại, sự giải thích và lãnh đạo của các nước phương Tây về trật tự quốc tế thời hậu chiến đang đối mặt thách thức ngày càng lớn, sự giải thích của các quốc gia phi phương tây về trật tự thế giới sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm hơn. Dựa trên hiệu quả và vai trò của trật tự quốc tế thời hậu chiến, cũng như sự thừa nhận của hầu hết quốc gia, phần lớn tổ chức quốc tế, cơ chế và chuẩn mực quốc tế hiện có rất có thể sẽ được tiếp tục duy trì trong tương lai.

Trong tương lai gần, Mỹ vẫn là cường quốc lãnh đạo, phương Tây sẽ phát huy vai trò quan trọng trong công việc quốc tế, trật tự quốc tế rất có thể sẽ không còn coi phương Tây là trung tâm như trước đây. Cùng với sự mở rộng của quyền lực quốc tế, một điều bất lợi, đó là thế giới tỏ ra kém hiệu quả trong việc ứng phó với các thách thức toàn cầu; nhưng sẽ có ưu điểm là quan tâm hơn đến lợi ích của các nước ngoài phương Tây trong cách thực hiện, do đó trở nên công bằng hơn. Các cường quốc đang lên sẽ có nhiều quyền lực hơn; điều này cũng tỷ lệ thuận với trách nhiệm họ phải gánh vác. Nhìn chung, trật tự quốc tế trong tương lai sẽ khác trước đây, chúng ta có quyền trông đợi, nhưng cũng nên giữ cảnh giác trước những thay đổi.

Bài viết được đăng trên Trung tâm nghiên cứu an ninh và chiến lược, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông