Nhật ký Bắc Kinh (06/02/21): 9 năm sau sự kiện thanh trừng Bạc Hy Lai

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asia, 02/2021.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Đã chín năm kể từ khi một tấn kịch chính trị khai màn ở Trung Quốc và làm rung chuyển Đảng Cộng sản.

Ngày 6 tháng 2 năm 2012, Vương Lập Quân, khi đó là phó thị trưởng Trùng Khánh, đã chạy vào Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô. Vương là phụ tá thân cận của Bạc Hy Lai, quan chức cấp cao nhất của đảng ở Trùng Khánh, và câu chuyện này đã mở màn cho sự xuống dốc không phanh của Bạc.

Ông Vương, người kiêm chức giám đốc công an Trùng Khánh, đã nói với các quan chức Mỹ rằng vợ của ông Bạc đứng sau vụ sát hại một doanh nhân người Anh. Khi xin tị nạn, Vương được cho là đã chuyển một loạt thông tin mật quan trọng về Bạc cho người Mỹ.

Sự việc xảy ra khoảng một tuần trước khi Tập Cận Bình, khi đó là phó chủ tịch Trung Quốc, tới Mỹ, nơi ông có cuộc hội đàm kéo dài nhiều giờ với người đồng cấp Joe Biden.

Thời điểm đó, ông Tập đã được coi là tổng bí thư tương lai, dự kiến được bầu tại đại hội Đảng toàn quốc vào mùa thu 2012. Cho đến ngày nay, vẫn có đồn đoán rằng Biden có thể đã thông báo cho ông Tập về một âm mưu của Bạc để ngăn ông Tập lên chức.

Không có bằng chứng công khai nào về điều đó, nhưng có một sự thật là sau khi ông Tập quay về Trung Quốc, sự nghiệp của ông Bạc rơi vào một vòng xoáy đi xuống.

Ban đầu ông Bạc được quy hoạch tham gia Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản. Thay vào đó, ông bị cách chức bí thư Trùng Khánh vào tháng 3. Đến tháng 4, ông bị cách chức khỏi Bộ Chính trị vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.

Ông bị giam tại nhà tù Qincheng, cách trung tâm Bắc Kinh khoảng 50 km về phía bắc, nổi tiếng là nơi giam giữ các tội phạm chính trị cấp cao. Trong số đó có “Tứ nhân bang”, những nhân vật chủ chốt của Cách mạng Văn hóa 1966-1976, bao gồm người vợ cuối của Mao Trạch Đông, Giang Thanh.

Vào sáng thứ Bảy (6 tháng 2), tôi đã đi ngang qua nhà tù Qincheng.

Vì nhà tù được bảo vệ an ninh tối đa với hàng rào cao bao quanh, nên tôi chẳng thấy gì bên trong. Thỉnh thoảng chỉ có những chiếc ô tô bình thường ra vào, có lẽ là người thân đến thăm tù.

Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và là người ủng hộ ông Bạc, cùng Lệnh Kế Hoạch, một phụ tá thân cận của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cũng được cho là bị giam ở đây.

Chu và Lệnh có thể ở đó suốt đời. Tuy nhiên, một tin đồn bấy lâu nay lại cho rằng Bạc đã được thả do mắc bệnh hiểm nghèo và hiện đang chữa bệnh ở một nơi khác.

Vì vậy tôi đã đến địa chỉ của ông Bạc ở trung tâm Bắc Kinh, như được ghi trong các tài liệu tòa án công khai, với hy vọng ông có thể ở đây. Nhưng vẻ ngoài tồi tàn, bị bỏ bê của ngôi nhà khiến khó có thể hình dung được có người ở bên trong. “Nó từng là một ngôi nhà rất đẹp”, một người hàng xóm nói với tôi. “Tôi nghĩ Bạc Hy Lai đã sống ở đây trong một khoảng thời gian ngắn.”

Gần một thập niên trôi qua, ông Tập hiện đang hướng đến nhiệm kỳ thứ ba tại đại hội Đảng toàn quốc tiếp theo vào mùa thu 2022.

Thứ Năm tuần trước (04/02/2021), ông Tập đi thị sát một căn cứ không quân ở tỉnh Quý Châu, thưởng quà cho đơn vị vì tiếp tục phục vụ trước thềm Tết Nguyên đán. Ông Tập vẫn chưa có cuộc điện đàm chính thức nào với Biden, người nhậm chức tổng thống Mỹ hồi tháng 1.

Các thương lượng chính trị, nếu có, diễn ra như thế nào giữa các lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ? Cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt bên trong Trung Quốc kiểu gì cũng có liên hệ với mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington./.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.

#206 – Sau vụ xử Bạc Hy Lai: Tham nhũng có đe dọa tương lai TQ?