17/07/1944: Nổ lớn ở Cảng Chicago giết chết 332 người

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: An ammunition ship explodes in the Port Chicago disaster, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1944, một tàu chở đạn đã phát nổ trong lúc đang chất hàng ở Cảng Chicago, California, giết chết 332 người. Khi ấy, chiến dịch quân sự của Mỹ trong Thế chiến II ở Thái Bình Dương đang diễn ra tích cực và người ta cho rằng quy trình kém cỏi và thiếu đào tạo chính là nguyên nhân dẫn đến thảm họa.

Nằm cách San Francisco khoảng 30 dặm về phía bắc, Cảng Chicago được phát triển thành một cơ sở đạn dược khi Kho đạn Hải quân tại Đảo Mare, California, không còn đủ khả năng để tự mình đảm nhiệm toàn bộ nỗ lực chiến tranh. Tính đến mùa hè năm 1944, việc mở rộng cơ sở vật chất ở Cảng Chicago đã cho phép hai tàu có thể cùng lúc bốc dỡ hàng hóa. Các đơn vị Hải quân được phân nhiệm vụ bốc dỡ đạn dược nguy hiểm thường là các đơn vị người Mỹ gốc Phi. Những nhóm này thường không được đào tạo về cách xử lý bom đạn. Ngoài ra, các tiêu chuẩn an toàn cũng đã bị ngó lơ để đáp ứng lịch trình dày đặc nhằm vận chuyển lượng đạn dược khổng lồ.

Tối ngày 17/07, SS Quinault Victory và SS E.A. Bryan, hai tàu buôn, đang được chất hàng tại Cảng Chicago. Khoang tàu chứa đầy 4.600 tấn chất dễ phát nổ — gồm bom, thùng nổ sâu và đạn. 400 tấn thuốc nổ khác cũng nằm ở gần đó, trên các toa tàu. Khoảng 320 công nhân đã có mặt trên hoặc gần bến tàu khi vào lúc 10:18 tối, một loạt các vụ nổ lớn kéo dài trong vòng vài giây đã phá hủy mọi thứ. Người ta tin rằng những cư dân sống ở tận Nevada cũng có thể nghe thấy tiếng nổ và thiệt hại đã lan đến tận San Francisco. Mọi tòa nhà trong khu vực Cảng Chicago đều bị hư hại và mọi người đã bị “đẩy ngã” theo đúng nghĩa đen. Cột khói và lửa cao đến gần hai dặm. Phi công của một chiếc máy bay lúc bấy giờ đang bay ở độ cao 2,7km trong khu vực đã nói rằng các khối kim loại từ vụ nổ đã bay sượt qua anh.

Gần 2/3 số người thiệt mạng tại Cảng Chicago là người Mỹ gốc Phi nhập ngũ trong Hải quân — tương đương 15% tổng số người Mỹ gốc Phi thiệt mạng trong Thế chiến II. Những người sống sót sau vụ việc, những người đã giúp dập lửa và tận mắt chứng kiến thảm họa khủng khiếp, đã nhanh chóng được điều động đến Đảo Mare. Chưa đầy một tháng sau, khi nhận lệnh tiếp tục đi bốc dỡ đạn dược dù vẫn chưa được đào tạo, 258 thủy thủ người Mỹ gốc Phi đã từ chối thực hiện mệnh lệnh này. 208 người trong số họ sau đó bị trục xuất khỏi quân đội vì lý do hành xử không đúng quy định (bad conduct discharge) và phải nộp tiền phạt. 50 người còn lại bị đưa ra xét xử trước tòa quân sự. Họ bị kết án từ 8 đến 15 năm lao động khổ sai; tuy nhiên, hai năm sau, tất cả đều được khoan hồng. Năm 1994, một đánh giá về các phiên tòa này cho thấy chủng tộc là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các bản án khắc nghiệt. Tháng 12/1999, Tổng thống Clinton đã ân xá cho Freddie Meeks, một trong ba người còn sống thuộc nhóm 50 thủy thủ bị kết án.

Sau cùng, thảm họa Cảng Chicago đã dẫn đến việc triển khai các quy trình tải đạn dược an toàn hơn. Ngoài ra, người ta cũng chú trọng hơn đến việc đào tạo xử lý chất nổ đúng cách, và bản thân các loại đạn dược đã được điều chỉnh giúp chúng an toàn hơn. Ngày nay, một đài tưởng niệm cấp quốc gia cho các nạn nhân đã được dựng lên tại địa điểm này.