Việt Nam Mật Chiến (Phần 4)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Tiền Giang | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và Liên Xô thỏa thuận về vấn đề viện trợ Việt Nam

Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô mở tiệc chiêu đãi Hồ Chí Minh ngay tối hôm ông đến Moskva, chỉ có điều là Stalin không đến dự bữa tiệc ấy. Sau này Stalin nói với Mao Trạch Đông: “Hồ Chí Minh yêu cầu Liên Xô trực tiếp viện trợ Việt Nam, giúp họ đánh người Pháp. Nhưng chúng tôi có những suy nghĩ khác về vấn đề đó.”

Ý tưởng nói trên của Stalin nhất trí với quan điểm ông từng nói với Lưu Thiếu Kỳ trước đấy hơn nửa năm, tức việc viện trợ Việt Nam có thể sẽ do Trung Quốc chịu trách nhiệm. Đồng thời Stalin còn có băn khoăn, lo ngại Hồ Chí Minh là “người theo chủ nghĩa dân tộc”, sẽ đi cùng Josip Broz Tito của Nam Tư.

Mao Trạch Đông nói với Stalin rằng Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng lão luyện chứ không phải là “người theo chủ nghĩa dân tộc”, Hồ Chí Minh được nhân dân Việt Nam ủng hộ, đồng chí nên gặp Hồ Chí Minh.

Stalin đồng ý với ý kiến của Mao Trạch Đông và nói rõ: “Thắng lợi của cách mạng Trung Quốc chứng tỏ Trung Quốc đã trở thành trung tâm của cách mạng châu Á. Chúng tôi cho rằng việc chi viện và giúp đỡ Việt Nam chủ yếu là do Trung Quốc gánh vác, như vậy sẽ tốt hơn.”

Mao Trạch Đông nói, Việt Nam chủ yếu cần vũ khí và đạn dược, cũng cần một số vật tư quân sự khác, Trung Quốc chưa chắc có thể đáp ứng các nhu cầu đó. Dĩ nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều muốn Liên Xô viện trợ Việt Nam.

Sau khi  được Mao Trạch Đông giới thiệu, Stalin đã hội kiến với Hồ Chí Minh, nghe báo cáo về chiến tranh Việt – Pháp. Hồ Chí Minh trực diện đề nghị Liên Xô cử cố vấn quân sự sang giúp Việt Nam và nêu ra yêu cầu viện trợ vũ khí. Thì ra, trên vấn đề cố vấn quân sự, Hồ Chí Minh đặt hy vọng lớn vào Liên Xô, lớn hơn hy vọng vào Trung Quốc, vì thế ông mới khăng khăng yêu cầu tự mình đến Moskva.

Lúc đó Stalin chưa trả lời, ông cần bàn vấn đề này với Mao Trạch Đông.

Sau này Khrushchev nhớ lại chuyến thăm Liên Xô bí mật của Hồ Chí Minh như sau:

Tôi không bao giờ quên được ánh mắt của Hồ Chí Minh. Khi chăm chú nhìn ai, đôi mắt đồng chí ấy ánh lên sự đặc biệt chân thành và trong sáng. Đây là sự chân thành cộng sản cao quý, là sự trong sáng của con người hiến dâng mình cho sự nghiệp cách mạng… Hồ Chí Minh đi thẳng từ núi rừng Việt Nam, đồng chí kể cho chúng tôi nghe mình đã cuốc bộ nhiều ngày vượt rừng mới đến được biên giới Việt – Trung rồi từ đó đến Liên Xô.

Trong quá trình trao đổi với chúng tôi, đôi mắt không bình thường của Hồ Chí Minh luôn luôn hướng về Stalin. Tôi muốn nói rằng trong ánh mắt chăm chú ấy hiện lên vẻ thơ ngây của đứa trẻ. Tôi nhớ rằng có một lần Hồ Chí Minh lấy từ cặp ra một tờ tạp chí Liên Xô –– theo tôi là tạp chí “Liên Xô xây dựng” –– đề nghị Stalin ký tên lên đó. Ở nước Pháp, người ta thường hay xin chữ ký như thế, rõ ràng Hồ Chí Minh cũng có sở thích này. Đồng chí ấy muốn là sau khi về Việt Nam, có thể cho dân chúng nước mình nhìn thấy chữ ký của Stalin. Và Stalin đã ký, nhưng ít lâu sau, cuốn tạp chí đó bị người ta bí mật lấy đi mất từ chỗ ở của Hồ Chí Minh. Lý do vì Stalin e rằng không biết Hồ Chí Minh có thể dùng cuốn tạp chí có chữ ký ấy vào việc gì.

Hồ Chí Minh kể cho chúng tôi nghe tình hình nhân dân Việt Nam chiến đấu chống lại quân Pháp chiếm đóng và yêu cầu chúng tôi giúp đỡ vật chất, nhất là giúp vũ khí và đạn dược. Sau khi rời Moskva, Hồ Chí Minh lại viết thư cho chúng tôi, đề nghị gửi thuốc ký-ninh cho Việt Nam, vì ở đó đang có dịch bệnh sốt rét. Ngành công nghiệp dược Liên Xô sản xuất nhiều thuốc ký-ninh, cho nên Stalin khảng khái nói: “Cho đồng chí ấy nửa tấn.

Đầu thập niên 50 thế kỷ 20, tư tưởng “xuất khẩu cách mạng” lưu hành mạnh mẽ trong phe cộng sản quốc tế do Liên Xô đứng đầu. Chắc chắn là Stalin kiên quyết theo đuổi tư tưởng ấy. Khi bàn vấn đề Việt Nam với Mao Trạch Đông, Stalin lại nói về dự đoán “Trung tâm cách mạng chuyển dịch về phía Đông”, “Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm cách mạng ở châu Á”. Stalin nói ông mong rằng chức trách viện trợ cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam vẫn chủ yếu do Trung Quốc đảm nhiệm, bởi lẽ Trung Quốc và Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện nay đều có nhiều mối liên hệ với nhau, hai bên hiểu nhau, vị trí địa lý gần gũi. Stalin cho rằng viện trợ Trung Quốc xây dựng kinh tế là nhiệm vụ quan trọng của Liên Xô. Còn về các vấn đề khác, Stalin nói: “Chúng tôi đã đánh xong trận Đại chiến thế giới lần thứ hai, có nhiều vũ khí không dùng tới nữa, chúng tôi có thể chở nhiều sang Trung Quốc, các đồng chí có thể giữ lại, trong đó thứ nào thích hợp với Việt Nam thì các đồng chí có thể chở cho họ một số.”[1]

Như vậy là tại Moskva, nhà lãnh đạo hai nước Liên Xô – Trung Quốc đã đạt được ý kiến nhất trí về vấn đề viện trợ cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam như sau: Liên Xô viện trợ Trung Quốc xây dựng kinh tế, Trung Quốc viện trợ cuộc Kháng chiến chống Pháp của Việt Nam.

Sau này, từ các hồ sơ giải mật, La Quý Ba biết được rằng Stalin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh có một lần hội đàm tay ba với nhau.

Mao Trạch Đông nói, chúng tôi sẽ cử đi toàn là “Cố vấn ta”

Cam kết Trung Quốc đảm nhận trách nhiệm viện trợ Việt Nam chống Pháp là một quyết sách lớn của Mao Trạch Đông và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việt Nam là quốc gia quan trọng ở Đông Nam Á. Thực dân Pháp cai trị Việt Nam đã nhiều năm, hiện nay quân Pháp kiểm soát vững chắc các đô thị và vùng đồng bằng, muốn đuổi chúng ra khỏi Việt Nam cần tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô lớn và lâu dài. Để viện trợ Việt Nam, tất nhiên Trung Quốc phải có sự hy sinh to lớn, điều này Mao Trạch Đông hiểu rất rõ. Sau hội đàm với Stalin, Mao Trạch Đông đã hạ quyết tâm làm nhiệm vụ này. Đây là kế hoạch viện trợ quân sự ra ngoài lãnh thổ đầu tiên sau ngày thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, ít nhất sớm nửa năm so với lần hạ quyết tâm kháng Mỹ viện Triều [chiến tranh Triều Tiên nổ ra ngày 25/6/1950, tháng 10/1950 Trung Quốc đưa quân sang giúp Bắc Triều Tiên chống Mỹ].

Ngày 17/2/1950, Hồ Chí Minh đi cùng chuyến tàu đặc biệt của Mao Trạch Đông rời Moskva qua Siberia về Trung Quốc. Dọc đường, đoàn tàu dừng lại nhiều lần để các vị khách xuống tham quan cảnh đẹp và các công trình công nghiệp địa phương.

Ngày 22, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh hội đàm trên tàu, bàn việc Trung Quốc viện trợ Việt Nam. Hồ Chí Minh nói rõ với Mao Trạch Đông, yêu cầu Trung Quốc cung cấp vũ khí đạn dược và cử đoàn cố vấn quân sự sang Việt Nam công tác. Thậm chí, Hồ Chí Minh còn có ý nghĩ đề nghị Trung Quốc phái Giải phóng quân sang Việt Nam tác chiến đánh quân đội Pháp.

Mao Trạch Đông thiên về hướng cử đoàn cố vấn quân sự, ông hài hước nói với Hồ Chí Minh: “Cá nhân tôi không có ý kiến gì, vấn đề này tôi cần về nhà bàn với các đồng chí ở Trung ương. Nếu cần cử cố vấn thì cố vấn của chúng tôi sẽ đều là ‘Cố vấn ta’[2] cả thôi.”

Ngày 4/3/1950, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai về đến Bắc Kinh. Sau đó Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc họp bàn vấn đề viện trợ Việt Nam. Hội nghị nhận định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, nếu Việt Nam kháng chiến chống Pháp thắng lợi thì an ninh ở phía Nam Trung Quốc sẽ được bảo đảm.

Tại Bắc Kinh, Mao Trạch Đông mở tiệc long trọng chiêu đãi Hồ Chí Minh, Trần Đăng Ninh và Hoàng Văn Hoan. Phía Trung Quốc có Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức, Đổng Tất Vũ, Lâm Bá Cừ tới dự.

Trong thời gian ở Bắc Kinh, Hồ Chí Minh tiếp tục thương thảo với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai các vấn đề cụ thể về viện trợ Việt Nam, bàn vấn đề Trung Quốc sẽ viện trợ Việt Nam tác chiến trên chiến trường biên giới Bắc bộ Việt Nam. Lưu Thiếu Kỳ giới thiệu kinh nghiệm của Trung Quốc, như chính sách cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh giới thiệu lịch sử và hiện trạng Đảng Cộng sản Đông Dương. Trung Quốc kiến nghị phía Việt Nam lập Tổng Lãnh sự quán tại Nam Ninh và Côn Minh.

Hồ Chí Minh hoàn toàn hiểu được cam kết của Trung Quốc có ý nghĩa như thế nào, ông nói với Hoàng Văn Hoan là người phụ trách công tác đối ngoại của Việt Nam: “Hiện nay Trung Quốc đã giải phóng, điều đó có lợi cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới và đặc biệt có lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Dựa vào sự cố gắng của mình, cuộc kháng chiến của chúng ta mấy năm nay đã giành được thắng lợi rất lớn. Giờ đây Trung Quốc quyết định cung cấp viện trợ cho chúng ta trên các mặt. Vì thế trọng điểm công tác đối ngoại của ta hiện nay không ở Thái Lan nữa mà phải chuyển sang Trung Quốc. Do đó, đồng chí có thể phải ở lại Bắc Kinh nhận nhiệm vụ mới. Trong quá trình công tác, đồng chí có thể gặp nhiều thách thức, nhưng có một thuận lợi lớn nhất là các đồng chí Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai đều tỏ ý sẽ hết sức chi viện cuộc đấu tranh của nhân dân ta, cho dù Trung Quốc vừa mới giải phóng, còn nhiều khó khăn phải giải quyết.”

Sau đó ít lâu Hoàng Văn Hoan đảm nhiệm chức vụ Đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc.

(Còn nữa)

Tư liệu lịch sử về quan hệ Hồ Chí Minh – Stalin những năm 1950

————-

[1] Theo tài liệu của Trung Quốc, khi Hồng quân Liên Xô tiêu diệt đội quân Quan Đông của Phát xít Nhật tại vùng Đông Bắc Trung Quốc, Liên Xô đã thu được rất nhiều vũ khí của Nhật, gồm hàng nghìn máy bay, xe tăng, hàng nghìn khẩu pháo…

[2] Nguyên văn Thổ cố vấn, “Thổ” nghĩa là đất. Thổ cố vấn ý nói cố vấn không học qua các trường quân sự chính quy.