Phe Đồng Minh có hứa trao các đảo ở Biển Đông cho TQ hay không?

Nguồn: Bill Hayton, “Did the allies promise the sea to China?, Philippine Strategic Forum, 27/05/2021.

Biên dịch: Nguyễn Thành Long

Trong số rất nhiều hiểu lầm xoay quanh lịch sử Biển Đông (ở Phillipines gọi là Biển Tây Philippines), một trong những hiểu lầm khó xóa bỏ nhất chính là ý kiến ​​cho rằng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, các đồng minh phương Tây đã hứa giao các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp cho Trung Quốc. Hiểu lầm này tiếp tục xuất hiện trong các cuộc thảo luận công khai mặc dù thiếu bằng chứng ủng hộ. Ngay cả Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, Hoàng Khê Liên, cũng đã gây nhầm lẫn khi nhắc lại điều đó.

Vào tháng 7 năm 2020, Đại sứ Hoàng nói với Thời báo Manila rằng, “Trung Quốc đã khôi phục và nối lại việc thực thi chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) sau chiến tranh theo Tuyên bố Cairo, Tuyên bố Potsdam và các văn kiện hậu chiến khác.” Vị đại sứ đã sử dụng từ “Nam Sa”, là tên tiếng Trung Quốc để chỉ quần đảo Trường Sa, được Philippines gọi là Quần đảo Kalayaan. Có lẽ ông ấy không biết rằng mình đang nói những điều vô nghĩa.

Tuyên bố Cairo là một văn bản ngắn được công bố vào ngày 1 tháng 12 năm 1943 sau một loạt các cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc. Ba nhà lãnh đạo đã tuyên bố rằng, một khi chiến tranh kết thúc, “Nhật Bản sẽ bị tước bỏ tất cả các hòn đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã chiếm đoạt hoặc chiếm đóng kể từ đầu Thế chiến thứ nhất năm 1914, và tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản đã đánh cắp của Trung Quốc, chẳng hạn như Mãn Châu, Formosa, và Pescadores, sẽ được trả về cho Trung Hoa Dân Quốc. Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các lãnh thổ khác mà nó đã chiếm đoạt bằng bạo lực và lòng tham.”

Điều đầu tiên cần lưu ý về Tuyên bố Cairo là nó không đề cập đến quần đảo “Nam Sa” hay Trường Sa, hoặc Hoàng Sa hoặc bãi cạn Scarborough, hoặc bất kỳ địa điểm tranh chấp nào ngày nay. Các hòn đảo duy nhất được nhắc tên cụ thể là Formosa (tức Đài Loan) và Pescadores (tiếng Trung Quốc gọi là Bành Hồ) nằm ngay phía tây Đài Loan. Chỉ có hai hòn đảo này được hứa trả lại cho Trung Quốc, không bao gồm những hòn đảo khác.

Câu sau của Tuyên bố Cairo nói rằng các lực lượng Nhật Bản sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các lãnh thổ khác mà họ đã xâm lược nhưng không nói gì về việc các lãnh thổ này sẽ được trả lại cho những quốc gia nào. Các quốc gia được nhắc đến bao gồm các vùng lãnh thổ ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương, từ Miến Điện đến Papua New Guinea, từng là một phần của các đế quốc Anh, Pháp và Hà Lan trước khi bị Nhật xâm lược. Các đế quốc đó muốn khôi phục lại các thuộc địa của họ sau khi Nhật bị đánh bại, nhưng Hoa Kỳ không đồng ý. Kết quả là nội dung của Tuyên bố Cairo rất mơ hồ. Các nhà lãnh đạo có thể đồng ý rằng Nhật Bản nên bị trục xuất khỏi những lãnh thổ này, nhưng số phận tương lai của chúng thì không được quyết định.

Hơn nữa, Quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) không thể được coi là “vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đã đánh cắp từ tay Trung Quốc” vì Trung Quốc đã không tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này vào năm 1943. Bằng chứng lịch sử cho điều này rất rõ ràng. Năm 1943, Bộ Thông tin của Trung Hoa Dân Quốc đã xuất bản cái mà họ gọi là “Sổ tay Trung Quốc 1937–1943”, một hướng dẫn toàn diện về địa lý, lịch sử, chính trị và kinh tế của đất nước. Ở trang mở đầu, cuốn sổ nói rằng “lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc kéo dài từ [dãy núi Sayan ở phía bắc]. . . đến đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa.”

Nói cách khác, vào năm 1943, Trung Quốc chỉ tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc Biển Đông (thuộc chủ quyền của Việt Nam), chứ không phải Trường Sa hay bãi cạn Scarborough. Hai ấn bản của Sổ tay Trung Quốc đã được xuất bản trong năm đó; lần đầu tiên ở Calcutta vào tháng Bảy và lần thứ hai ở New York vào tháng Mười Một. Cả hai đều có cùng một nội dung.

Mãi đến tháng 6 năm 1947, sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, chính phủ Trung Quốc mới nhận thấy nên tuyên bố chủ quyền quần đảo Trường Sa. Ngay cả sau đó, ấn bản năm 1947 của Sổ tay Trung Quốc cũng tỏ ra thận trọng. Nó nói rằng “cực nam. . . ranh giới [của Trung Quốc] vẫn chờ được giải quyết. . . và chủ quyền của quần đảo Tuansha ở phía nam đang bị tranh chấp bởi Trung Quốc, Philippines và Đông Dương.”

Vào thời điểm này, các nguồn tin của Trung Quốc gọi Trường Sa là “Tuansha”. Cái tên Nam Sa – nghĩa là bãi cát phía nam – lúc này được dùng để chỉ Bãi cạn Macclesfield, xa hơn về phía bắc, vì trước đây nó là khu vực cực nam của Trung Quốc. Chỉ đến năm 1947, “Nam Sa” mới được di chuyển xa hơn về phía nam. (Tôi đã giải thích lịch sử đằng sau tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo nhỏ ở Biển Đông trong một bài báo học thuật gần đây.)

Nói tóm lại, rõ ràng là không phái đoàn nào tại Hội nghị Cairo có ý định dùng cụm từ “lãnh thổ mà Nhật Bản đã đánh cắp từ tay Trung Quốc” để chỉ cả Trường Sa hoặc Bãi cạn Scarborough. Đơn giản là chúng không được coi là của Trung Quốc vào thời điểm đó bởi bất kỳ ai. Tình hình phức tạp hơn một chút khi nói đến quần đảo Hoàng Sa. Năm 1931, khi đang là cường quốc thực dân quản lý Đông Dương, Pháp đã chính thức tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa (dựa trên những tuyên bố chủ quyền lâu đời hơn nhiều của thuộc địa An Nam). Do đó, không rõ Nhật Bản đã đánh cắp những hòn đảo này từ tay người Trung Quốc hay người Pháp, vì vậy tình trạng của chúng vẫn còn mơ hồ.

Tuyên bố Potsdam năm 1945 hoàn toàn không đề cập đến các đảo ở Biển Đông. Văn bản được đồng ý bởi Tổng thống kế nhiệm của Roosevelt là Harry Truman, cùng với Churchill và Tưởng Giới Thạch, chỉ đơn thuần nói rằng “Các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thực hiện và chủ quyền của Nhật Bản sẽ được giới hạn ở các đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và các đảo nhỏ do chúng tôi xác định”. Tuyên bố này không nói gì về việc lãnh thổ nào sẽ được trả lại cho Trung Quốc kiểm soát.

Điều tương tự cũng xảy ra với Hòa ước San Francisco năm 1951. Điều 2 chỉ nói rằng “Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa”. Một cụm từ tương tự cũng xuất hiện trong Hiệp ước Đài Bắc năm 1952 giữa Nhật Bản và Trung Hoa Dân Quốc. Không văn bản nào nói bất cứ điều gì về việc các hòn đảo này thuộc về quốc gia nào một cách hợp pháp. Câu hỏi chỉ đơn giản là bỏ ngỏ mà không có câu trả lời.

Bằng chứng lịch sử là rõ ràng. Không có điều nào trong bất kỳ tài liệu nào trong số này hứa hẹn trao các đảo ở Biển Đông – ngoài Đài Loan và quần đảo Bành Hồ – cho Trung Quốc. Thật đáng xấu hổ khi rất nhiều người tự xưng là hiểu biết về chủ đề này vẫn tiếp tục duy trì những xuyên tạc lịch sử như vậy.