Nguồn: Russian sub, the “Kursk,” sinks with 118 onboard, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 2000, một tàu ngầm hạt nhân của Nga đã chìm xuống đáy Biển Barents; tất cả 118 thành viên thủy thủ đoàn sau đó được đưa tin là đã thiệt mạng. Nguyên nhân chính xác của thảm họa này hiện vẫn chưa được xác định.
Kursk rời cảng vào ngày 10/08 để tham gia cuộc diễn tập của quân đội Nga. Các tàu, máy bay và tàu ngầm của Nga đã gặp nhau ở Biển Barents, phía trên Vòng Bắc Cực, để tiến hành diễn tập quân sự. Ngày 12/08, theo lịch dự kiến, Kursk sẽ bắn một quả ngư lôi tập trận; lúc 11:29 sáng, ngay trước giờ bắn ngư lôi, hai vụ nổ liên tiếp đã xảy ra ở phần thân trước của tàu ngầm và nó lao nhanh xuống đáy biển.
Kursk dài 152m, nặng 24.000 tấn. Con tàu sở hữu hai lò phản ứng hạt nhân và có thể đạt vận tốc 28 hải lý/giờ. Khi ấy, nó là tàu ngầm tấn công lớn nhất thế giới, có kích thước gần gấp ba lần tàu ngầm lớn nhất của Hải quân Mỹ.
Khi sinh mệnh của 118 binh sĩ Nga trên tàu Kursk còn chưa được định rõ, một số quốc gia đã đề nghị hỗ trợ giải cứu nhưng bị chính phủ Nga từ chối. Một tuần sau đó, thời điểm các thợ lặn cuối cùng cũng tiếp cận được Kursk, đã chẳng còn dấu hiệu nào của sự sống. Dưới áp lực dư luận, Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý đưa tàu ngầm lên khỏi đáy biển để phục vụ công tác điều tra, dù trước đó chưa từng có con tàu hoặc vật thể nào với kích thước tương tự được trục vớt khỏi đáy đại dương. Hơn nữa, do Biển Barents đóng băng phần lớn thời gian trong năm, công tác trục vớt chỉ có thể thực hiện được trong khoảng thời gian rất ngắn.
Với kinh phí 100 triệu đô la, cùng công nghệ tiên tiến nhất thời bấy giờ và một đội ngũ chuyên gia quốc tế, Kursk đã được trục vớt thành công vào ngày 26/09/2001, khoảng một năm sau vụ tai nạn. Tuy nhiên, thật không may, nhóm nghiên cứu buộc phải cắt bỏ phần thân trước để có thể đưa con tàu lên khỏi mặt nước, chấp nhận bỏ lại bằng chứng tốt nhất về những gì đã gây ra vụ nổ dưới đáy biển sâu.