Trung Quốc im lặng về sự can thiệp trong Chiến tranh Đông Dương

Tác giả: RFI phỏng vấn Michel Bodin

“Nếu không được Trung Quốc giúp đỡ, Điện Biên Phủ đã không thành”, điều đã được các nhà sử học ghi nhận. Thái độ im lặng của tất cả các bên liên quan trong một thời gian dài về sự trợ giúp đó phản ánh hiềm khích lâu đời trong quan hệ Việt – Trung và bối cảnh địa chính trị của thế kỷ XX.  

Đảng Cộng Sản Trung Quốc trước khi giành được chính quyền năm 1949 đã quyết định giúp đỡ Việt Minh giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của Pháp. Đối với Pháp, sự cấu kết giữa đảng Cộng Sản Trung Quốc với Việt Minh là một bước ngoặt trong chiến tranh Đông Dương (1945-1954) và giải thích cho căng thẳng trong bang giao giữa Paris với Bắc Kinh.

Trung Quốc đã hỗ trợ Việt Nam dưới những hình thức nào và với những mục đích gì? Tại sao Trung Quốc và Việt Nam đã cùng im lặng khá lâu về sự can thiệp của Trung Quốc vào Đông Dương? Đó là những câu hỏi mà nhà sử học Pháp Michel Bodin trả lời trong bài nghiên cứu L’aide de la Chine au Viet Minh (1947-1954): un aspect des relations franco-chinoises (Trung Quốc giúp đỡ Việt Minh (1947-1954): Một khía cạnh trong quan hệ Pháp – Trung). Bài viết đăng trên tạp chí quân sự Guerres Mondiales et Conflits Contemporains – số 187, tháng 7/1997, tức 6 năm trước sự kiện tại Pháp, lần đầu một nhà sử học Việt Nam có bài tham luận về đề tài Việt Nam đã được Trung Quốc hậu thuẫn như thế nào trong giai đoạn 1945-1954.*

1945, Pháp trở lại Đông Dương nhưng phải đợi đến năm 1950 Hoa Kỳ mới tích cực viện trợ quân sự trong nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản bắt rễ vào châu Á. Đến năm 1954, 85% chi phí quân sự tại Đông Dương do Mỹ đài thọ. Trong khi đó, Việt Minh đã được đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp sức trước khi Mao Trạch Đông giành được chính quyền. Một khi Bắc Kinh thiết lập bang giao với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Trung Quốc giúp chính quyền Hồ Chí Minh gây dựng đội quân chính quy hiện đại, trang bị vũ khí cho Việt Nam, đào tạo các cán bộ và kể cả nhân viên tình báo Việt Minh, điều các cố vấn quân sự đến tận Điện Biên Phủ. Đến giữa tháng 5/1954, mỗi tháng Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam 4.000 tấn viện trợ và gần 3/4 trong số đó là vũ khí đạn dược.

Căn cứ vào tài liệu của Viện Lưu Trữ Ban Sử Học Quân Đội Pháp, vào những nhân chứng trực tiếp trong chiến tranh Đông Dương, hay hồi ký của những nhân vật chủ chốt của thời cuộc, giáo sư Michel Bodin, chuyên nghiên cứu về lịch sử quân sự Đông Dương khẳng định Trung Quốc giúp Việt Nam từ năm 1947. Trong buổi trả lời dành cho RFI Tiếng Việt, ông điểm lại và phân tích tầm mức quan trọng của sự can thiệp Trung Quốc trong cuộc chiến 1945-1954.

“Đông Dương, mặt trận nóng của chiến tranh lạnh”  

RFI: Kính chào Michel Bodin, cảm ơn ông dành cho RFI Việt ngữ buổi nói chuyện hôm nay để mở lại những trang sử trong chiến tranh Đông Dương, mà phía Việt Nam gọi là ”cuộc chiến chống Pháp”. Phần lớn các tài liệu từ phía Việt Nam xem 1949/1950 là thời điểm Trung Quốc bắt đầu giúp đỡ Việt Minh. Nhưng giáo sư chứng minh rằng Việt Minh đã được tiếp sức gần như ”ngay từ khi Pháp trở lại Đông Dương” và đấy không đơn thuần là một sự trợ giúp một dân tộc để giành lại độc lập. Câu hỏi đầu tiên xin ông điểm qua về toàn cảnh quốc tế ở thời điểm sau năm 1945 và Trung Quốc tính toán những gì khi viện trợ cho Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương?

Michel BodinBối cảnh khi đó khá khó khăn bởi vì Mỹ không ưa gì các cường quốc thực dân và kể từ năm 1947, từng bước, thế giới lâm vào tình trạng chiến tranh lạnh. Xung đột tại Đông Dương là một mặt trận nóng của chiến tranh lạnh.

Trung Quốc theo đuổi mục đích gì qua việc giúp đỡ Việt Nam? Thực ra đây là một hình thức phục thù trả đũa phương Tây xâm lược một phần lãnh thổ Trung Quốc hồi thế kỷ XIX. Trung Quốc cũng không quên rằng sau Hòa Ước Thiên Tân (1885) Pháp đã gạt nhà Thanh ra khỏi đất Bắc Kỳ. Kế tới, có một sự liên đới giữa các dân tộc bị đô hộ. Tuy nhiên, ban đầu với tư cách là một tổ chức cộng sản, phe của Mao đã giúp đỡ Việt Minh. Từ tháng Giêng 1950, sau khi đảng Cộng Sản Trung Quốc giành được chính quyền, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Kể từ đó, với tư cách là một nhà nước, Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam chống lại một đế quốc vì ở phía bên kia, Pháp được Mỹ yểm trợ.   

Nhìn qua thì rõ ràng Trung Quốc giúp đỡ một phong trào giải phóng dân tộc nhưng thực chất của vấn đề phức tạp hơn thế. Thứ nhất, Bắc Kinh muốn khối xã hội chủ nghĩa công nhận Trung Quốc là một quốc gia có thể giúp ích cho những dân tộc khác để giành độc lập và mục tiêu đó không thể hoàn thành nếu không có Trung Quốc.    

Thứ hai, (ngay từ thời điểm đầu thập niên 1950), qua việc giúp đỡ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Trung Quốc muốn khẳng định vị trí của mình với Liên Xô và bắt đầu muốn được công nhận như một cường quốc trên thế giới.

Tuy nhiên Trung Quốc luôn áp dụng một phương châm đó là không bao giờ để nước láng giềng phương nam quá hùng mạnh, thành thử giúp Việt Nam cũng là cách để kiểm soát tình hình ngay sát cửa biên giới phía nam của chính họ. Giúp Việt Nam, Trung Quốc nhắm tới hai mục tiêu: được cộng đồng quốc tế công nhận và vì an ninh của chính mình.   

Viện trợ về mọi mặt nhưng có giới hạn  

RFI: Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam dưới hình thức nào?

Michel Bodin: Những hình thức được biết đến hơn cả là sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Có những trại tập huấn được lập ra tại các vùng Vân Nam và Quảng Tây trên lãnh thổ Trung Quốc để đào tạo lực lượng quân sự của Việt Nam. Lại cũng có những trường đào tạo cho các cán bộ Việt Minh về phương pháp tác chiến. Ngoài ra, Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam nhiều về mặt vật chất, cung cấp từ vũ khí hiện đại, đạn dược, đạn pháo, đến trang bị, khí tài, lương thực, trang phục… Hình thức trợ giúp Việt Nam thứ ba, đặc biệt là kể từ năm 1952 trở đi, là công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, nhà ga… đi thẳng từ lãnh thổ Trung Quốc đến Việt Nam.

Về mặt ngoại giao, Bắc Kinh cũng đã năng động, chẳng hạn như lính lê dương gốc Đông Âu đào ngũ khi trở về nguyên quán họ phải đi qua ngả Trung Quốc, rồi từ Trung Quốc đến Liên Xô.

Sau cùng, chắc chắn là có một sự hợp tác giữa ngành tình báo Trung Quốc với Việt Nam, nhân viên mật vụ Trung Quốc được cài đặt tại Pháp với nhiệm vụ cung cấp thông tin cho phía Việt Minh. Nhưng điều ít được biết đến, đó là một sự trợ giúp trực tiếp: Ngay từ năm 1948, phe cộng sản Trung Quốc đã có một sự cấu kết với lực lượng Việt Minh, rất cụ thể là ở những địa điểm như Móng Cái (năm 1948), ở Lai Châu (năm 1949 và 1951). Trong thời gian 1951-1952, Trung Quốc thường xuyên điều quân đội chính quy sang Bắc Kỳ với nhiệm vụ tiêu diệt các lực lượng vũ trang do mật vụ Pháp đào tạo để chống lại Việt Minh. Thế rồi trong trận đánh Điện Biên Phủ, điều chắc chắn là đã có nhiều sĩ quan Trung Quốc có mặt ở hiện trường. Một số tài liệu thậm chí còn nêu lên khả năng có đến một phần tư dân quân trong trận đánh này là người Trung Quốc.   

Tựu chung Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam về mọi mặt và các hình thức giúp đỡ đó đã thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam nhưng không để Việt Nam quá mạnh ở ngay sát cạnh cửa ngõ của họ. Tình báo Pháp qua các cuộc nghe lén, biết được là bộ tổng tham mưu Việt Nam than phiền Trung Quốc không cung cấp đủ đạn dược, súng cối, vũ khí phòng không như phía Việt Nam yêu cầu. Điều đó cho thấy Bắc Kinh luôn theo đuổi lôgic: giúp Việt Nam nhưng không thực sự đóng góp hết mình.   

RFI: Báo Le Monde ấn bản ngày 19/03/1954 đánh giá mùa thu 1950 là một bước ngoặt bất lợi cho phía Pháp trong chiến tranh Đông Dương: ”Viện trợ của Trung Quốc khiến Việt Minh trở thành một đối thủ càng lúc càng khó hạ gục”. Một cách cụ thể sự can thiệp của Trung Quốc gây ra những khó khăn nào cho bên quân đội Pháp?

Michel Bodin: Hậu quả trước tiên đối với quân đội là phía Pháp vẫn duy trì trên quốc lộ RC4 (từ Lào Cai đến Móng Cái) dọc biên giới Việt – Trung những lô cốt và quyết định đó đòi hỏi nhiều hy sinh. Pháp đã do dự không muốn rút lui khỏi khu vực này vì cho rằng sự hiện diện của quân đội Pháp sẽ ngăn cản viện trợ của Trung Quốc đi qua ngả biên giới trên bộ. Đương nhiên đó là một ảo tưởng. Ngoài ra ở phía bắc Bắc Bộ, hải quân được huy động để chặn viện trợ của Trung Quốc vào Việt Nam qua đường biển.

Thất bại của quân Pháp năm 1950 trên Quốc Lộ 4 – RC4 là thắng lợi đầu tiên của những tiểu đoàn được đào tạo tại Trung Quốc. Quân Việt Minh đã chiếm được một số đồn bốt của Pháp nhờ có vũ khí của Trung Quốc. Cuối cùng, đương nhiên Điện Biên Phủ là hậu quả rõ rệt nhất từ sự can thiệp của Trung Quốc.   

Những lý do để im lặng  

RFI: Mãi đến thập niên 1980, Bắc Kinh mới công bố một số tài liệu về sự gúp đỡ cho Việt Nam trong giai đoạn 1945-1954. Rồi lại phải đợi đến năm 2003, lần đầu tại Pháp mới thấy một bài tham luận của một nhà sử học Việt Nam đề cập đến viện trợ của Trung Quốc trong chiến tranh Đông Dương. Vì sao trong một thời gian dài các bên đều đã im lặng về tầm mức, về tác động của viện trợ Trung Quốc cho chính quyền Hồ Chí Minh?

Michel Bodin: Tất cả các bên liên quan từng cố gắng che giấu quy mô của sự đóng góp này. Phía Pháp mặc dù chưa từng che giấu viện trợ vật chất của Trung Quốc, nhất là sau cuộc hành quân Chim Én/Hirondelle (tại Lạng Sơn ngày 17-18/07/1953) khi quân đội khám phá những kho tiếp vận với nhiều khí giới, đạn dược của Trung Quốc và Liên Xô. Dụng ý của Paris là nhằm đòi Mỹ trợ giúp nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, điều mà tất cả các bên cùng tránh né, đó là sự trợ giúp về mặt nhân sự: Không ai nói đến sự can thiệp của Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc ở miền Bắc Việt Nam. Pháp muốn tránh để các quân nhân, kể cả những người lính Đông Dương chiến đấu bên hàng ngũ Pháp, thối trí. Cũng không ai muốn mở ra một cuộc chiến với Trung Quốc vì ý thức được rằng, với quân số hiện diện ở Bắc Kỳ, Pháp không cầm cự được lâu. Paris đành rằng muốn Mỹ hỗ trợ về vật chất, nhưng lại không muốn Washington can thiệp quá sâu vào Đông Dương, vì đây là sân sau của Pháp.   

Nhìn từ phía Trung Quốc, thái độ kín đáo của Bắc Kinh là do thứ nhất, chính quyền sợ Mỹ can thiệp trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành một cuộc cách mạng xây dựng xã hội chủ nghĩa. Thứ nhì là về mặt quân sự, Trung Quốc đang phải đối mặt với Hoa Kỳ ở Triều Tiên, do vậy Bắc Kinh muốn tránh mở thêm một mặt trận thứ hai với Mỹ ở Đông Dương. Điểm thứ ba là Trung Quốc, do không giúp đỡ Việt Nam hết mình, nên muốn tránh để bị chỉ trích về điểm này.

Còn về phía Việt Nam, điều quan trọng là cần chứng minh chiến thắng chống Pháp là thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Phải đợi đến năm 1978 mới bắt đầu có một số tiếng nói cho rằng chiến thắng năm 1954 “có thể cũng là một thắng lợi của Trung Quốc”. Sự chậm trễ đó thể hiện hiềm khích lâu đời trong quan hệ Việt – Trung. Ở đây, một mặt Việt Nam tham gia khối Xô Viết, giữ một khoảng cách nào đó với Bắc Kinh. Mặt khác, Việt Nam không muốn nhìn nhận là đã bất mãn vì đã không được Trung Quốc giúp đỡ như mong đợi.

Thêm vào đó, trong quá trình đàm phán hiệp định Genève năm 1954, chính Trung Quốc đã kềm hãm một số những đòi hỏi của chính quyền Việt Minh. Thành thử phải đợi đến năm 2003 mới có những bài tham luận đầu tiên về chủ đề này và điều đó cho thấy tính chất phức tạp về địa chính trị tại châu Á.     

RFI: Xin cảm ơn giáo sư Michel Bodin, chuyên gia về lịch sử quân đội, tác giả công trình nghiên cứu về Lực Lượng Viễn Chinh Pháp tại Đông Dương (1945-1954). Ông đã cho xuất bản nhiều cuốn sách nghiên cứu về những người lính tham gia chiến tranh Đông Dương – NXB L’Harmattan.

Bài nghiên cứu của Michel Bodin L’aide de la Chine au Viet Minh (1947-1954): un aspect des relations franco-chinoises (Trung Quốc giúp đỡ Việt Minh (1947-1954): Một khía cạnh trong quan hệ Pháp – Trung) đăng trên tạp chí quân sự Guerres Mondiales et Conflits Contemporains – số 187, tháng 7/1997 cho thấy sự can thiệp của Trung Quốc trong cuộc chiến Đông Dương từng đè nặng lên quan hệ giữa Paris với Bắc Kinh trong một thời gian dài. Còn sự im lặng trong nhiều năm của cả phía Việt Nam lẫn Trung Quốc trên hồ sơ này, giải thích phần nào xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979.

—–

* Bài tham luận của giáo sư Ngô Đăng Tri, trường Đại Học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn – Đại Học Quốc Gia Hà Nội, mang tựa đề Le service logistique du Vietnam dans la bataille de Dien Bien Phu (Bảo đảm hậu cần của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ) được công bố trong khuôn khổ hội thảo khoa học tổ chức tại Paris vào tháng 11/2003: “1954-2004 La Bataille de Dien Bien Phu, Entre Histoire et Mémoire” (1954-2004 Trận Đánh Điện Biên Phủ, Lịch Sử và Ký Ức).

Nguồn: RFI

Việt Nam mật chiến (Phần 1)