Những năm cuối triều Vua Trần Nhân Tông

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Vào ngày 17 tháng 3 năm Trùng Hưng thứ 4 [1288], sau khi chiến thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng, Vua Trần Nhân Tông và Thái thượng hoàng trở về quê cũ Long Hưng [huyện Đông Hưng, Thái Bình] làm lễ dâng tù tại Chiêu Lăng:[1]

Hai vua trở về phủ Long Hưng. Ngày 17, đem các tướng giặc bị bắt là Tích Lệ Cơ Ngọc, Nguyên soái Ô Mã Nhi, Tham chính Sầm Đoàn, Phàn Tiếp, Nguyên soái Điền, các Vạn hộ, Thiên hộ làm lễ dâng tù thắng trận ở Chiêu Lăng.

Trước đó quân Nguyên đã khai quật Chiêu Lăng muốn phá đi, nhưng không phạm được tới quan tài. Đến khi giặc thua, chân ngựa đá ở lăng đều bị lấm bùn. Cho đó là thần linh giúp ngầm vậy. Khi vua cử lễ bái yết, có làm thơ rằng:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,

Sơn hà thiên cổ điện kim âu.”

(Xã tắc hai phen bon ngựa đá,

Non sông ngàn thuở vững âu vàng.”[2] Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Vào tháng 4, nhà vua rước Thượng hoàng về thành Đại La [Hà Nội], làm lễ đại xá; nhân đó hòa giải mối bất hòa giữa viên hoạn quan Hành khiển Lê Tòng Giáo và viên Hàn lâm Đinh Củng Viên:

Lúc ấy, cung điện bị giặc đốt phá, nhà vua ngự ở hành lang thị vệ, hạ chiếu đại xá cho thiên hạ: phàm chỗ nào bị quân Nguyên tàn phá cướp bóc nhiều lần, thì được tha hết tô thuế và lao dịch, còn những chỗ khác thì tha cho hoặc nhiều hoặc ít, tùy theo sự thiệt hại của từng nơi.

Theo chế độ cũ, mỗi khi có chiếu ân xá, thì viên trung quan [hoạn quan] giữ chức Hành khiển tuyên đọc chiếu thư, còn việc nghĩ soạn chiếu thư thì do viện Hàn Lâm phụ trách. Sau khi viện Hàn Lâm nghĩ soạn xong rồi, đưa bản thảo cho viên trung thư học tập trước, để chuẩn bị đến lúc tuyên đọc cho đúng. Lúc bấy giờ, Lê Tòng Giáo giữ chức Hành khiển, cùng với Hàn Lâm phụng chỉ là Đinh Củng Viên vốn không hòa hợp với nhau. Gặp khi ấy có chiếu đại xá, Củng Viên cố ý không đưa bản thảo trước, đến ngày tuyên chiếu mới đưa cho; vì thế Tòng Giáo tuyên đọc không thông. Nhà vua phải bảo Củng Viên đứng bên nhắc. Tiếng nhắc của Củng Viên to, mà tiếng tuyên đọc của Tòng Giáo lại nhỏ, Tòng Giáo tỏ nét mặt hổ thẹn. Sau khi lễ tuyên chiếu xong rồi, nhà vua cho triệu Tòng Giáo đến bảo rằng:

 ‘Củng Viên là văn quan, nhà ngươi là trung quan, có việc gì mà không hòa hợp với nhau đến thế! Nhà ngươi làm lưu thủ ở Thiên Trường, rươi có, quít có, đi lại tặng biếu cho nhau thì có hại gì?’

 Từ bấy giờ Tòng Giáo với Củng Viên tình giao kết với nhau trở nên thân mật.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Tháng 10, sai em Đỗ Khắc Chung là Thiên Thữ đi sứ sang nhà Nguyên:

Quân Nguyên đã rút lui, nhà vua sai Đỗ Thiên Thữ sang nhà Nguyên trần tạ. Thiên Thữ là em Khắc Chung, Khắc Chung trước đây đã sang sứ bên dinh trại quân Nguyên, có công,[3] nay tiến cử người em, nên nhà vua mới cho sang sứ.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Vào tháng chạp, Nguyên Thế tổ sai Án sát Lưu Đình Trực, Thị lang bộ lễ Lý Tư Diễn mang chiếu dụ đến nước ta đòi nhà Vua sang chầu và trả tù binh về nước, chiếu thư như sau:

Tháng Chạp năm Chí Nguyên thứ 25 [1288], dụ Thế tử nước An Nam. Trẫm coi vạn nước, đức và uy đều dùng; ngươi ngoài mặt thì hướng theo giáo hóa, nhưng thực sự chưa đến triều cận; mấy lần gửi thư trưng đòi, nhưng từ chối vì bệnh. Mệnh chú ngươi thay giữ chức, lại chống lệnh giết hại. Còn chiến dịch đánh Chiêm Thành của Ha Nhĩ Cáp Nhã, mượn đường nước ngươi, mệnh sửa cầu đường, cấp lương thực; không những thất tín lại còn chống cự quân ta; như vậy mà không chinh phạt thì vương hiến đâu còn; dân tàn, nước phá thực do ngươi gây ra! Nay ngươi dâng biểu nhận tội tự mình biết hối hận; lại sai Sứ đến thay mặt tâu ngươi tự trách 3 điều: Thứ nhất chiếu thư triệu không đến, thứ 2 Thoát Hoan kéo quân qua mà không đón tiếp, thứ 3 ngăn quân Toa Đô. Nếu được ban ơn xá tội đáng sai con đến, tiến cống gái đẹp, theo năm cống phương vật. Những sự kính cẩn giả dối đó nào có ích gì; nếu có lòng thành sao không đến gặp mặt trình bày; lại nghe sai tướng đến thì bỏ trốn, lúc ban sư lại thanh ngôn triều cống thờ phụng bề trên; xem vậy lòng thành và xảo trá có thể thấy được. Hãy suy nghĩ cho kỹ việc trốn tránh qua ngày nơi góc biển với việc không lo đến binh hỏa chi bằng đến sân đình qui mệnh, được sủng ái vinh hiển trở về, so sánh cả hai, phía nào được, phía nào mất, nếu lầm lỡ quan hệ đến sự mất còn của một phương.

Bởi vậy sai Đề hình đạo Liêu Đông Án sát ty Lưu Đình Trực, Thị lang bộ lễ Lý Tư Diễn, Lang trung bộ binh Ngạc Nhược, cùng bọn Đường Cổ Đặc Hiệp, Tát Hồng Cát Lý Đặc, dẫn Sứ giả trước kia đưa đến là bọn Nguyễn Nghĩa Toàn 24 người trở về nước, cùng thân dụ Trẫm ý, Trẫm sẽ tha cho hết những lỗi lầm trước. Nếu còn trì nghi, quyết không khoan thứ; hãy lo tu sửa thành quách của ngươi, mài dũa giáp binh, cứ làm hết sức, đợi ta ra tay; các ngươi đã xưng thần vong Tống, tự xét khí lực ta như thế nào, đừng để hối hận về sau. Ngươi biết Tất Lệ Cơ Thiểm là người trong họ phải dùng lễ đưa về, cùng quân bị biếm trích và quân Ô Mã Nhi, Toa Đô; dùng đường thủy đưa về, ta sẽ có cách khu xử. Vậy nay ban chiếu cho ngươi biết rõ.”[4] An Nam Chí Lược quyển 2 Đại Nguyên Chiếu Chế.

Vào tháng 2 năm Trùng Hưng thứ 5 [1289] đem trả tù binh nhà Nguyên là Ô Mã Nhi về nước, rồi ngầm lập mưu giết đi:

Trận chiến thắng ở Bạch Đằng, quân ta bắt được tướng nhà Nguyên là Ô Mã Nhi và bọn Tích Lệ Cơ Ngọc và Phàn Tiếp, sau nhà vua sai tòng nghĩa lang là Nguyên Thịnh đưa Cơ Ngọc về trước, còn Phàn Tiếp bị bệnh chết, dùng phép hỏa táng rồi cấp cho một đôi ngựa sai vợ con hắn chở hài cốt mang về; những đầu mục quân sĩ cũng cho về cả. Duy có Ô Mã Nhi chém giết cướp bóc dân ta một cách tàn khốc, nhà vua căm giận lắm, nên theo kế của Quốc Tuấn, sai Nội thư gia Hoàng Tá Thốn đưa trả về nước, dùng người tài lội nước sung làm phu chèo thuyền, nhân đêm dùi thủng thuyền cho đắm, Ô Mã Nhi bị chết đuối. Nhân đấy, nhà vua phúc thư với nhà Nguyên rằng:

 ‘Vì thuyền rỉ nước bị đắm, quan tham chính [Ô Mã Nhi] sức vóc to lớn, không sao cứu vớt được, thành ra chết đuối’.

Nhà Nguyên cũng không tra cứu gì đến việc này.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Tháng 4, triều đình xét định công trạng những người đã đánh thắng quân Nguyên:

Tiến phong Hưng Đạo vương Quốc Tuấn làm Đại vương; Hưng Vũ vương Nghiện làm Khai quốc công; Hưng Nhượng vương Tảng làm tiết độ sứ. Ngoài ra người nào có công lớn đều được ban quốc tính,[5] Khắc Chung cũng được dự ân tứ này và vẫn giữ chức Đại hành khiển; Nguyễn Khoái làm liệt hầu và được ban cho một “hương” [làng] gọi tên là Khoái Lộ [tại Hưng Yên]. Người Man trưởng ở Lạng Giang [Bắc Giang] là bọn Lương Uất, Hà Tất Năng vì biết đốc suất dân đánh giặc, nên Lương Uất được phong làm chủ trại Quy Hóa [Yên Bái, Lào Cai]; Tất Năng được phong tước quan Phục hầu; Đỗ Hành vì khi bắt được Ô Mã Nhi, không đem nộp cho nhà Vua,[6] nên chỉ được phong tước quan Nội hầu; Hưng Trí vương Nghiễn vì trái tướng lệnh, ngăn cản đường quân Nguyên rút về nước, nên không được thăng trật.

Sau khi tước thưởng đã ban hành rồi, còn có người thắc mắc, thượng hoàng phủ dụ rằng:

 ‘Nếu các ngươi biết chắc rằng giặc Nguyên không sang nữa, thì dầu phong đến cực phẩm, trẫm cũng không tiếc gì, nhưng nếu một mai giặc lại kéo sang, mà lúc ấy các ngươi lại có chiến công, thì trẫm biết hậu đãi các ngươi thế nào để khuyến khích thiên hạ được?’

 Mọi người đều bằng lòng. Lại định những bầy tôi đã có công đánh giặc hai lần, người nào đã xung phong trước phá được trận tuyến của giặc, lập được chiến công đặc biệt, nay được chép vào tập Trùng Hưng Thực Lục và sai thợ vẽ hình dạng vào tập sách ấy.

Mỗi khi nhà vua ra chơi đâu, trông thấy gia đồng các vương hầu ở ngoài đường tất gọi rõ tên và hỏi:

‘Chủ mi làm gì?’.

Nhà vua thường răn bảo vệ sĩ không được quát mắng gia đồng; lại bảo với các hầu cận rằng:

‘Ngày thường thì bao nhiêu người hầu hạ xung quanh, đến khi nước nhà gặp hoạn nạn, thì chỉ thấy có bọn ấy thôi’.

 Câu nói ấy có ý cảm động công lao gia đồng đã theo hầu khó nhọc trong khi mình đi lánh nạn.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Tháng 5, dùng Phùng Sĩ Chu người Cổ Liễu, Trà Hương [nay thuộc huyện Kim Thành, Hải Dương] làm Hành khiển:

Lúc quân Nguyên sang xâm lược, nhà vua sai Sĩ Chu bói, Sĩ Chu gieo quẻ rồi đoán rằng:

‘Chắc chắn đại thắng’.

Nhà vua nói:

‘Nếu quả như lời, sẽ có trọng thưởng’. Nay quân Nguyên đã rút lui, nhà vua nói:

‘Thiên tử không nói bỡn’

Vì thế nên có lệnh này.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Việc xét xử tội những người đầu hàng quân Nguyên, chia làm 2 loại: loại đầu hàng đầu tiên bị phạt tội không tha; riêng loại a dua đầu hàng sau này, Thượng hoàng sai đốt những biểu văn xin hàng, không hỏi đến:

Trước đây, quân Nguyên sang xâm lấn, bọn vương, hầu và các quan có nhiều người đưa giấy tờ sang dinh quân giặc; khi quân Nguyên rút lui, quân ta bắt được một tráp đựng các biểu xin hàng, thượng hoàng sai đốt đi, để cho những kẻ phản bội được yên tâm.

Nay chỉ xét tội người nào trước đã đầu hàng giặc, thì bây giờ dầu ở đất của giặc, cũng vẫn kết án vắng mặt về tội lưu hoặc tội xử tử, tịch thu điền sản sung công. Bọn Trần Kiện và Trần Văn Lộng bắt phải đổi họ là Mai, duy Ích Tắc[7] là họ thân với nhà vua, không nỡ bắt đổi họ, mà chỉ gọi là “Ả Trần”, có ý mỉa mai là nhu nhược như đàn bà. Vì thế nên việc ghi chép lúc bấy giờ có tên gọi là “Ả Trần”, “Mai Kiện”.

Đặng Long là bầy tôi hầu cận, trước nhà vua muốn cho làm Hàn lâm học sĩ, nhưng Thượng hoàng ngăn cản đi, Long oán giận, đầu hàng giặc; khi bắt được, đem xử tử. Về phần quân dân thì được miễn tội chết, duy hai làng Bàng Hà và Bà Điểm, khi giặc mới đến đã đầu hàng ngay, nay bắt dân hai làng ấy phải tội đồ làm “sai sử hoành“[sai làm nô lệ] không được dùng làm quan. Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Sau khi quân Nguyên rút lui, Thượng hoàng về hành cung Thiên Trường, có làm bài thơ cảm hoài như sau:

Cảnh thanh u vật diệc thanh u,

Thập nhất tiên châu, thử nhất châu.

Bách bộ sênh ca, cầm bách thiệt,

Thiên hàng nô bộc quất thiên đầu

Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự,

Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu.

Tứ hải dĩ thanh trần dĩ tính,

Kim niên du thắng tích niên du

(Cảnh thanh u, vật cũng thanh u,

Mười một tiên châu, đây một châu.

Trăm giọng chim ca, trăm bộ sáo

Ngàn hàng cây quýt ngàn tên nô

Trăng vô sự soi người vô sự,

Nước vẻ thu ngậm trời vẻ thu.

Bốn biển đã quang, trần đã lặng.

Chuyến đi nay thắng chuyến đi xưa). Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Tháng 2 năm Trùng Hưng thứ 6 [1290] nhà Vua tự làm tướng đi đánh Ai Lao:

Bầy tôi can rằng: Giặc Nguyên mới rút lui, vết thương chưa hàn gắn được, không nên gây việc binh đao. Nhà vua nói:

 ‘Chỉ có thể nhân lúc này mà khởi binh thôi, vì sau khi giặc rút lui, các nước bên cạnh tất bảo là quân mã nước ta mỏi mệt, có ý coi thường, cho nên cần phải khởi đại binh để ra oai với nước khác’.

Bầy tôi đều nói:

‘Thánh nhân lo xa như thế, bọn chúng tôi không thể nào nghĩ thấu được“. Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Tháng 5, Thượng hoàng Trần Thánh Tông mất:

Đặt tên thụy là: Huyền công thịnh đức nhân minh văn vũ tuyên hiếu hoàng đế. Miếu hiệu là Thánh Tông, làm vua 21 năm, nhường ngôi 13 năm, hưởng thọ 51 tuổi.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8

Bổ dụng Phạm Ngũ Lão người xã Phủ Ủng, tỉnh Hưng Yên, từng lập công to thời chống Nguyên, quản lĩnh quân Thánh Dực:

Ngũ Lão là gia thần Quốc Tuấn. Quốc Tuấn nhận thấy Ngũ Lão tài năng khí độ vượt hơn mọi người, gả con gái nuôi cho, nhân đó tiến cử lên triều đình. Ngũ Lão theo Quốc Tuấn đi đánh giặc Nguyên, có công, nên có lệnh bổ dụng này.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Tháng 8, sai Ngô Đình Giới làm Sứ thần sang nhà Nguyên báo tin Thượng hoàng mất và cầu phong:

Sai Ngô Đình Giới sang nhà Nguyên báo tin Thượng hoàng mất và xin phong tước.

Tháng 12, an táng Thượng hoàng D Lăng thuộc phủ Long Hưng [tỉnh Thái Bình].” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Tháng 10 năm Trùng Hưng thứ 7 (1291); sau khi bọn Thoát Hoan rút về rồi, Vua nhà Nguyên vẫn còn căm giận, lại muốn khởi binh sang đánh. Một viên quan tên là Bác Quả Mật tâu với Vua Nguyên nên sai sứ sang dụ, thì thế nào Vua nước ta cũng phải theo. Vì thế vua Nguyên mới sai Thượng thư Trương Lập Đạo sang dụ nhà vua vào chầu; nguyên văn chiếu dụ như sau:

Năm Chí Nguyên thứ 28 [1291], chiếu dụ Thế tử họ Trần rằng Tổ tông lập pháp phàm các nước qui phụ Quốc quân đích thân đến triều cận, được yên ổn như cũ; không phục tùng đều bị tiêu diệt, các ngươi đã được báo cho biết đầy đủ. Nhưng sai Sứ triệu cha ngươi đến triều đình thì không tuân theo, chỉ sai chú ngươi vào triều cận. Vì đã đến triều đình, nên chú ngươi được phong, sai Ba Đình Độc Mục Nhĩ đưa đi; cha ngươi giết người chú, nên ta hưng sư hỏi tội; người của ngươi bị chết nhiều, quân ta cũng không thể không tổn thương. Vì Trấn nam vương Thoát Hoan tuổi nhỏ, sai lầm trong việc nghe lời tiến quân bằng đường thủy, nên bọn Toa Đô, Ô Mã Nhi lạc vào tay ngươi, nên ngươi được tạm thời yên ổn. Nay nếu ngươi thân đến kinh khuyết, thì tước Vương và phù ấn Trẫm đâu có tiếc, đất đai nhân dân được bảo tồn vĩnh viễn.”[8] An Nam Chí Lược quyển 2 Đại Nguyên Chiếu Chế.

Sau chuyến đi, Lập Đạo bèn soạn một bản phục trình nhan đề là “Trương Thượng thư hành lục”; bản dịch và nguyên văn như sau:

Vào tháng chạp năm Tân Mão Chí Nguyên thứ hai mươi tám (1291) phái đoàn khởi hành từ Đại Đô,[9] kinh qua khe động vùng Hồ Quảng cuối cùng tới An Nam. Hơn 8000 dặm hành trình, vượt biển leo núi không sao kể xiết! Vào ngày 18 tháng 3 năm sau [6/4/1292], đến địa giới Khâu Ôn [tỉnh lỵ Lạng Sơn]. Nước nầy sai Tư thần mang rượu, thực phẩm tới nghênh tiếp. Sau khi vượt sông Lô,[10] phái đòan đến sứ quán.

Sáng hôm sau, Thế tử [Vua Trần Nhân Tông] đích thân đến sứ quán làm lễ chiêm ngưỡng chiếu thư, rồi vái. Thế tử hỏi thăm sức khỏe của Thiên tử, Lập Đạo đáp:

‘Thiên tử vạn phúc.’

Kế tiếp hỏi thăm Đại thần, Lập Đạo đáp:

‘Tể tướng cũng được bình an.’

Lại hỏi thăm Thiên sứ đi đường vất vả. Lập Đạo trả lời:

 ‘Thiên tử không cho Việt Nam là xa xôi, vậy có gì gọi là vất vả.’

 Chuyện trò xong, Hàn lâm Đinh Củng Viên cùng Ngự sử đại phu Đổ Quốc Kế thưa rằng:

‘Năm ngóai định lễ vua ngồi ngoảnh mặt hướng nam, khách ngồi quay mặt phía vua; vậy xin Sứ thần vào tọa vị.

Lập Đạo trả lời:

‘Khanh tướng nước lớn với vua nước nhỏ ngang hàng, sao lại có lễ Nam diện![11] Cùng ngồi theo hướng đông tây có được không?’

Củng Viên trả lời:

‘Vương tôi tuy nhỏ, nhưng theo thứ tự đứng đầu các nước chư hầu.’

Lập Đạo trả lời:

‘Vương các ngươi cũng do triều đình ta đặt ra mà thôi.

Rồi ngồi theo hướng đông tây, cùng uống rượu đàm thọai. Thế tử nói:

‘Cha Cô[12] trước khi mất có dặn dò rằng phải kính trọng Thiên triều, không được khiếm khuyết việc tuế cống. Mấy năm trước Sứ thần Thiên Triều không đến có sai sứ hàng năm sang cống, không hiểu ý trên có bằng lòng không? Sản vật tại tiểu quốc không có gì quí hiếm, chỉ đem hết lòng thành mà thôi; hôm nay được Sứ thần đến thực hân hạnh.’

Lại nói:

‘Sứ giả tiểu quốc trở về cho biết Thiên tử tuổi cao nhưng long nhan rất tráng kiện, Cô nghe vậy có lời chúc lành.’

Lập Đạo trả lời:

‘Thiên tử tóc bạc trắng nhưng sắc diện như đồng niên.’

Thế tử chấp tay lên trán rồi ân cần nói:

‘Thiên hạ hưởng phúc, tiểu quốc cũng được phúc lây.’

Lại nói thêm:

‘Mấy năm trước đây Thiên Triều sao không sai sứ tới?

Lập Đạo trả lời:

‘Thiên tử giận Tiên Quốc vương[13] không sang chầu nên không cho sứ tới. Nay nhận được tờ tâu biết rằng Tiên Quốc vương đã mất; Thánh ý nghĩ rằng tội của Quốc vương xưa không di lụy đến con, nên cho chúng tôi sang đây.

Thế tử nói:

‘Thiên tử hiếu sinh, ghét chém giết là điều may cho tiểu quốc không gì lớn hơn; Thiên tử vạn vạn tuế!

Lập Đạo trả lời:

‘Thiên tử cai trị cả bốn biển, lòng nhân như Nghiêu Thuấn, đâu nỡ gia binh! Chỉ bảo phải làm lễ sang chầu, tiên Quốc vương không nghe, nên gây sự hấn khích khiến dân tàn quốc phá, nông nỗi nầy đều do các ngươi tự gây ra cả. Triều đình không ham đất đai và đồ tuế cống của các ngươi, chỉ do việc không chịu sang chầu gây ra mà thôi.

Thế tử nói:

‘Mấy năm trước đây đại quân đến; thiêu hủy nhà cửa, khai quật tiên nhân phần mộ, xương cốt bộc lộ rải rác khắp mọi nơi.’

Nói chưa dứt lời, thì đám quần thần ngồi xung quanh khóc ròng.

Lập Đạo trả lời:

‘Mấy năm trước đây Thiên tử ra lệnh cho Vân Nam vương Dã Tiên Thiếp Mộc Nhi đánh Miến Điện, dụ rằng không đốt chùa chiền cung thất, không khai quật phần mộ. Khi đại quân đến vua Miến Điện chạy trốn, Vân Nam vương không giết một ai, tự quán cung thất đều không bị thiêu hủy; vua Miến cảm ân đức xin hàng, hàng năm sai người đến triều cống. Vậy ngày Trấn Nam vương xuất quân sang đây, chẳng lẽ Thiên tử không dặn dò như vậy sao? Nếu không, thì cung thất nầy làm sao còn được!’

Hàn lâm Đinh Củng Viên tiếp lời:

‘Thiên tử nhân từ như vậy, nếu người không dùng đến can qua[14] là điều hay nhất!’

Lập Đạo nạt lớn:

‘Nước An Nam mắc họa há chẳng do bọn người như ngươi gây ra hay sao? Ngươi làm sao có đủ bản lãnh để biết được ý Thiên tử?’

Lập Đạo cùng phái đoàn giận dữ phất tay áo đứng dậy, Đinh Củng Viên bèn xin nhận lỗi.

Thế tử lúc mới đến sứ quán có tâm sự rằng:

‘Chịu tang phụ thân giữ trai giới năm năm, mặc áo vải ăn rau quả, đến nay mới được hai năm.’

Ngày 24, Thế tử đáp xe loan đến sứ quán làm lễ đón chiếu thư, quần thần mặc triều phục đi bộ tháp tùng. Giờ Ngọ [12 giờ trưa] rước chiếu thư đến Thành Hoàng thánh cung, qua cầu Ngọan Nguyệt, lầu Trường Minh, rồi đến cửa Chính Dương. Tại đây Lập Đạo xuống ngựa, kính cẩn bưng tờ chiếu qua cửa Dương Minh, đám tùy tùng qua cửa Vân Hội, các quan An Nam qua cửa Nhật Tân. Đám rước đến dưới gác Minh Hà, vừa đi vừa đốt hương trên đường trải thảm. Thế tử cùng chú là viên tiếm Thái sư[15] Chiêu minh vương, em là Tả thiên vương, Thiếu bảo, Ngự sử, Hàn lâm tất cả tám người lên điện Thọ Quang làm lễ. Trước long ỷ đặt sẵn hương án, Thế tử bái chiếu. Lễ xong, tuyên đọc rồi nói:

‘Được thấy tận mắt chiếu thư, vô cùng sung sướng! Hoàng đế vạn vạn tuế!’

Lễ xong ra gác Triều Thiên, rồi bước xuống điện Tập Hiền dự yến tiệc, chủ khách ngồi theo hướng đông tây. Chỉ có viên tiếm Thái sư ngồi bên cạnh Thế tử; các viên Thái úy, Thái bảo đứng hầu; các quan lại khác ngồi tại điện dưới, không gọi không được tự tiện tiến lên. Đại nhạc tấu ở điện dưới, tế nhạc tấu ở điện trên. Yến tiệc gồm 8 bàn, rượu ngon, đủ các thứ sơn hào hải vị; thỉnh thoảng được mời ăn trầu têm vôi. Các Vương chuyện trò làm thơ tặng, Lập Đạo cũng ứng khẩu làm thơ họa lại.

Yến tiệc xong, mời Lập Đạo vào trong trướng, cả hai thân mật ngồi trên sàn nhà; Thế tử nói:

‘Bản quốc qui phụ Thiên triều đã ba mươi năm nay, lòng thành thờ bề trên không bao giờ quên, hàng năm tuế cống chưa bao giờ thiếu, từ đời ông cha đến nay vẫn theo đúng một đường. Thường nhận chiếu thư bắt phải sang chầu, vì tật bệnh không thể đi được nên Thiên tử giận mang binh thảo phạt, sinh linh bị giết, khai quật lăng tẩm, thiêu hủy chùa chiền, chặt phá cây cối, đau đớn không thể kể xiết! Tiểu quốc vô tội, mắc phải đại nạn. Chiếu thư của Thiên tử kết tội bản quốc giết Quốc thúc,[16] đuổi Sứ thần, chống lại Vương sư[17] nên chưa xá tội. Quốc thúc do cha Cô sai sang chầu Thiên tử, Thiên tử phong Quốc thúc tước Vương, Quốc thúc sợ hãi không biết đi đâu, chớ không phải do nước Cô giết. Sự việc do Quốc thúc tự ý bỏ trốn xuống biển nam, người trong họ lại cầm quân chống lại Vương sư, Quốc vương hoàn toàn không biết điều đó. Chỉ có lỗi duy nhất là không sang chầu, thực tình do tham sống sợ chết. Xa xôi vạn dặm, đường sá gian hiểm, lam sơn chướng khí, lại không quen thủy thổ; lỡ bị chết dọc đường thì có ích lợi gì cho Thiên triều? Tuy tại đây nhưng hàng năm vẫn lo việc tiến cống, cẩn thận thờ bề trên, có làm điều gì hại cho Thiên triều đâu? Nếu lòng kẻ dưới chưa bộc bạch được với bề trên, nay có Thiên sứ tới, được nói nỗi oan của mình, chẳng khác gì đến để trình bày trước cung khuyết vậy. Xưa có câu “Ở dưới cõi trời nầy, chẳng có đất nào không phải là đất của Thiên tử; chẳng có dân nào không phải là dân của Thiên tử”; vậy dân nước An Nam là dân của Thiên tử, không có chí hướng nào khác. Bởi vậy bốn biển là nhà của Thiên tử, tuy Cô không đến chầu nhưng cũng là thần dân của Thiên tử vậy; lòng thành chỉ có trời đất biết mà thôi.’

Lập Đạo nói:

‘Trong buổi lễ cáo từ Thiên tử, Thừa tướng nhắc nhở rằng:

 ‘Các Sứ giả trước đây không tuyên dương được ý của Thiên tử, khiến cho tiểu quốc nghi ngờ; nay sai các ngươi đi, chớ noi theo sự sai lầm cũ.’

 Nay chúng tôi đến đây cùng Thế tử hội diện, chỉ dùng lời nói mà thôi sợ không diễn tả được hết ý, nên sọan một văn kiện mang tên là “Giảng Nghĩa Thư”để trình bày cho hết lý, thư sẽ thấy sau.[18]

Sau khi Thượng thư Trương Lập Đạo trở về nước phục trình về chuyến đi; Nguyên Thế Tổ vẫn chưa bằng lòng, cho rằng Vua Trần Nhân Tông chỉ dùng hư văn để từ chối việc sang chầu, nên tiếp tục gửi chiếu thư sang đe dọa:

Năm Chí Nguyên thứ 29 [1292], chiếu chỉ dụ An Nam. Vâng theo mệnh trời, Hoàng đế dụ họ Trần nước An Nam. Xem biểu văn xong; năm ngoái Thượng thư bộ lễ Trương Lập Đạo tâu rằng từng đến An Nam, hiểu rõ nước này, xin đến ban dụ đến triều cận. Nhân sai Lập Đạo đi sứ; nay tội lỗi trước ngươi đã trình bày, còn nói gì nữa! Nếu bảo rằng con côi đang có tang chế, cùng sợ chết trên đường không dám đến triều cận. Xét con người ta có sống trường cửu được đâu, trong thiên hạ có nơi nào là bất tử. Lời dụ nầy phải nghe cho kỹ; còn việc dùng hư văn, và hàng năm cống hiến lễ vật lừa dối, thì đạo nghĩa để đâu. Vậy đem lời chiếu để ngươi suy nghĩ hiểu rõ.[19] An Nam Chí Lược quyển 2 Đại Nguyên Chiếu Chế.

Tháng 2 năm Trùng Hưng thứ 8 (1292), bổ dụng Phí Mãnh làm An phủ sứ Diễn Châu; lập con là Thuyên làm hoàng thái tử; dùng Đinh Củng Viên làm Thái tử thiếu bảo, phong tước quan nội hầu; sai Nguyễn Đại Phạp sang sứ nhà Nguyên. Cương Mục, Chính Biên, quyển 8 ghi chi tiết như sau:

Phí Mãnh ở quận lỵ chưa được bao lâu, có tai tiếng là người tham ô; nhà vua triệu về bắt phạt trượng để răn bảo, rồi lại cho đi nhận chức cũ. Từ đấy, Phí Mãnh trở thành người có tiếng là công bằng thanh liêm. Vì thế người Diễn Châu có câu ‘Diễn Châu an phủ thanh như thủy’ (quan An phủ Diễn Châu trong sạch như nước).

“Sai Đại Phạp cùng Hà Duy Nham sang sứ nhà Nguyên. Đại Phạp đến Ngạc Châu, người bên Nguyên gọi là “lão lệnh công” [ông quan già]. Khi Đại Phạp vào yết kiến các viên Bình chương hành tỉnh, thấy Ích Tắc cũng ngồi đấy, Đại Phạp không chào hỏi. Ích Tắc hỏi rằng:

‘Có lẽ anh là Thư nhi[20] nhà Chiêu Đạo vương thì phải?’.

 Đại Phạp trả lời:

‘Cuộc đời thay đổi, Đại Phạp này, trước là Thư nhi của Chiêu Đạo vương,[21] nhưng nay là Sứ thần một nước, cũng như Bình chương trước là con vua một nước, mà bây giờ lại là người đi đầu hàng địch!’.

Ích Tắc nghe Đại Phạp nói, tỏ nét mặt hổ thẹn. Từ đấy hễ khi nào có sứ thần nước ta đến, Ích Tắc không ngồi ở sảnh đường nữa.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8

Tháng 3 năm Trùng Hưng thứ 8 [1292], xuống chiếu, phàm những người nào đã mua dân lương thiện làm nô tì, nay cho người bán được chuộc lại:

Lúc bấy giờ mấy năm đói kém luôn, nhân dân phần nhiều đem bán rẻ con giai, con gái để tự sinh sống, nên nay hạ lệnh này; duy ruộng đất đã bán rồi thì không cho chuộc lại.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Tháng 3, năm Trùng Hưng thứ 9 [1293], nhà Vua truyền ngôi cho Thái tử là Thuyên tức Vua Trần Anh Tông.

————————

[1] Chiêu Lăng: Lăng tẩm Trần Thái Tông.

[2] Âu vàng (kim âu): Là biểu tượng sự toàn vẹn và vững chắc của lãnh thổ một nước.

[3] Khắc Chung có công: xem việc Đỗ Khắc Chung gặp Ô Mã Nhi trong bài “Chống Nguyên Mông xâm lăng lần thứ hai.

[4] 至元二十五年十二月諭安南世子詔朕君臨萬邦德威並用爾名為向化實未造朝累示徴書輒辭以疾及命爾叔假守彼公然拒違敢行專殺至若阿爾哈雅占城之役就爾假途俾之繕治津梁飛輓芻粟不惟失信又復抗師此而不征王憲何在民殘國破實自爾取今爾表稱伏罪似已知悔外據來人代奏爾自責者三被召不來一也托歡撫軍而不迓二也索多闕/ 遮當三也若䝉赦宥當遣其子進美姬嵗貢方物凡茲謬敬將焉用此若果出誠恐何不來此面陳安有聞將則事逋逃見班師則聲言入貢以斯奉上情偽可知爾誠思與其嶺海偷生無慮兵禍曷若來庭歸命寵被榮還二策之間孰得孰失爾今一念違悞係彼一方存亡故遣遼東道提刑按察司劉廷直禮部侍郎李思衍兵部郎中鄂諾同唐古特哈薩鴻吉哩特等引前差來阮義全等二十四人回國親諭朕意朕當悉宥前過復爾舊封或更遲疑决難寛恕但脩爾城郭礪爾甲兵聽爾所為候吾此舉爾嘗臣事亡宋自揆氣力何如今爾知機毋貽後悔爾知悉戾機忝為族?以禮遣還彼乃有過謫戍之人闕/言如此飾辭合將烏瑪喇索多軍官等一同來彼中所宜事理朕當區處完備津道遣還故茲詔示念宜知悉

[5] Quốc tính: họ nhà Vua, tại đây chỉ họ Trần.

[6] Đỗ Hành, khi bắt được Ô Mã Nhi không dâng nộp cho Vua Trần Nhân Tông mà đem nộp thẳng lên Thượng hoàng Thánh Tông nên chỉ được phong tước quan nội hầu.

[7] Trần Ích Tắc là con Trần Thái Tông, chú ruột Trần Nhân Tông.

[8] 至元二十八年諭世子陳詔祖宗立法凡諸國歸附親來朝者俾人民安堵如故抗
拒不服者無不殄滅汝所具知故遣使召汝父來庭竟不聽命止令其叔父入覲以其來庭遂封其叔父遣巴延特穆爾同往汝父殺其叔逐我使以致興師問罪汝之生靈殺戮實多在我軍旅無不損傷葢鎮南王托歡年幼水道進兵悞聽從索多烏瑪喇落在汝手因是茍安至今汝能親赴闕庭其王爵符印朕所不惜土地人民庶永保之

[9] Đại Đô: Bắc Kinh ngày nay.

[10] Sông Lô: tức sông Hồng ngày nay.

[11] Nam diện: Theo lễ chổ ngồi của Đế Vương hướng nam. Kinh Dịch có câu “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị”; ý nói bậc thánh nhân ngồi hướng nam nghe thiên hạ là quay mặt về phía sáng để cai trị dân.

[12] Cô: Vua thường tự xưng là Cô, hay Quả.

[13] Tiên Quốc vương : tức vua đã mất, chỉ vua Trần Thánh Tông.

[14] Can qua: là hai thứ vũ khí, ý chỉ chiến tranh.

[15] Tiếm Thái sư : Ý nói đây là tiếm chức, chưa thực sự xứng chức Thái sư như tại Trung Quốc.

[16] Quốc thúc là chú của vua, tức Trần Di Ái. Di Ái được vua Trần Thánh Tông cho sang chầu nhà Nguyên. Vua Nguyên phong Di Ái tước Vương, rồi cho người đưa về nước để thay vua Trần Thánh Tông.

[17] Vương sư: Quân đội nhà vua, ý chỉ quân Nguyên.

[18] 附張尚書行録
至元辛卯十二月自大都起程歴湖廣溪洞抵安南界八千餘里杭海梯山不能盡述明年三月十八日至丘温彼國遣其私臣持酒食來迎渡瀘江至使館翌日世子就館舍先詣詔書前瞻仰然平揖世子問聖躬立道等云聖躬萬福繼問大臣立道云宰相平安問天使道路驅馳立道云天子不以越南為逺何以驅馳言畢有輸長丁拱垣御史大夫杜國計言往年定禮王者面南使者面西相坐請客就位立道曰大國卿相與國君同豈有面南之禮東鄉西鄉不亦可乎拱垣曰王人雖微序於諸之上予謂王人之説正為我輩説也遂東西坐酌談話世子曰先人臨終時囑敬奉天使囑毋缺嵗貢比年天使不來故遣使送貢未審上意如何小國所産雖無異獻盡誠而已矣今天使來不勝欣幸本國使回説天子春秋髙邁龍顔尤壯孤聞之甚喜信夫立道云天子龍鬚皓白面若童顔世子云天下有福小國亦有福舉手加額又曰比年天朝為何不遣使立道云天子為汝國累召不朝故不遣使至表奏為先父辭世天子聖意謂先國王之罪討不及嗣故我輩有此行也世子曰天子好生惡殺是小國莫大之幸皇帝萬萬嵗立道云聖天子奄有四海仁如堯舜豈忍加兵葢屢講㑹同之禮爾先國王竟不聽命成此釁隙民殘國破實有取也朝廷本非貪汝土地愛爾嵗貢由爾不朝之罪故也世子曰往年大軍至此燒毁屋舍開發先人墳墓骸骨零落言未訖羣下皆哭立道云昔年天子命伊克特穆爾雲南王伐蒲日諭以毋燒寺舍毋焚宫室毋毁墳墓雲南王欽依上命大軍入境緬王竄避雲南王不行殺戮寺舍宫室悉無所毁緬王感德遂降遞年遣男依期送貢至如鎮南王出師之日天子未嘗不如此教諭不然則此宫室豈有遺也於時私臣丁拱垣曰天子既意如是一向不動干戈更好立道叱之曰成安南之禍者未必不由若等為之也天道爾何足以知之立道等拂袖而起丁拱垣請罪其世子造館時自謂居父喪服緇布食蔬菜戒以五年今纔二嵗二十四日世子乗鸞車伏就舍館迎詔臣朝服徒行自日午迎入城隍聖宫過翫月橋長明樓抵正陽門立道下馬捧詔從明陽門從者入雲㑹門安南僚屬入日新門至明霞閣下褥道焚香世子與僣太師國叔昭明王太尉國弟佐天王少保史大夫翰林等八人登壽光殿龍椅前置香案世子拜詔禮畢自宣讀世子曰恭覩天子詔書不勝喜口稱皇帝萬萬嵗既而出朝天閣下集賢殿設晏東西相向而坐惟僭太師獨在王側地坐太尉少保等侍儀立殿上羣僚皆立殿下非召不敢升殿大樂奏於殿下細樂奏殿上羅列杯陳異果備食八盤魚肉海味之饌每勸於蛤灰芙□㯽榔之禮王者時時接言話賦詩相贈立道即席賦詩以達將至席終請立道入帳中皆地坐世子曰本國歸附天朝三十年事上之心無日少怠嵗貢之禮未嘗少缺始於祖繼於父至於今前後一轍屢常入貢被詔以疾不能入朝至令聖怒興師討伐生靈殺戮開發山陵燒毁寺舍斫伐樹木不可勝計本國無辜而遭大難天子詔書每謂本國叔逐天使拒王師之罪尚猶未捨本國叔先王遣入朝天子代訴天子封國叔為王國叔自懼不知所往非本國殺國叔叔自逃竄海南宗族握兵逆旅國王實不知之也惟有不朝一事無他實為畏死貪生萬里之外道路艱險山嵐瘴氣不服水土倘死於道路何益於上國但比年不缺貢小心事上何預於上國乎此下情不得上達今天使望得訢本國之寃與詣闕面陳也普天之下莫非王土率土之濵莫非王臣安南一國已為天子人民更無異志天子以四海為家雖不造朝且在邦域之中是社稷之臣也惟天地知之立道等云陛辭之日丞相大臣復教於前使不能宣揚聖意以至小國涉疑今遣汝輩毋效前人我等至此與世子面㑹其言未能盡述故修講議書請窮其理書見後.

[19] 至元二十九年諭安南詔
上天眷命皇帝聖㫖諭安南國陳省表具悉去嵗禮部尚書張立道奏曽到安南識彼事體請往開諭使之來朝因遣立道往使今汝國罪愆既已自陳朕復何言若曰孤子在制及畏死道路不敢來朝且有生之?寧有長久安全者乎天下亦復有不死之地乎朕所來諭汝當具聞徒以虛文嵗幣巧飾見欺於義安在故茲詔示念宜悉知

[20] Thư nhi, có lẽ là một viên tiểu đồng chép sách hoặc giữ sách.

[21] Chiêu Đạo vương: Tên là Quang Sưởng, con vợ thứ của Trần TháiTông, anh cùng mẹ với Ích Tắc.