Đôi điều về Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: GS TS Vũ Dương Huân (Học viện Ngoại giao)

Tóm tắt: Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh hay Trường phái ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã được bàn đến, song rất sơ lược. Thực chất đây là vấn đề khá mới cần được tiếp tục nghiên cứu sâu. Trường phái ngoại giao là Nhóm các nhà ngoại giao, kể cả các nhà nghiên cứu ngoại giao có chung khuynh hướng tư tưởng, phong cách, phương pháp ngoại giao, tiêu biểu là Hồ Chí Minh. Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh hoặc Trường phái ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh có cơ sở lý luận vững chắc, cơ sở thực tiễn phong phú đã được kiểm nghiệm, từ đó tạo nên những đặc trưng/bản sắc của trường phái như hòa hiếu, làm bạn với tất cả các nước; độc lập tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại; chân thành, tình nghĩa, thủy chung, “giúp bạn là giúp mình”, tôn trọng đạo lý trong quan hệ đối ngoại; dĩ bất biến, ứng vạn biến…

Đặt vấn đề

Đã có một số nhà nghiên cứu đề cập đến Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chủ yếu tác tác giả mới chỉ nêu vấn đề hoặc phân tích cơ sở thực tiễn còn cơ sở lý luận cũng như các đặc trưng của Trường phái còn quá sơ lược và còn nhiều ý kiến khác nhau[1]. Thực sự, đây vẫn là vấn đề còn tương đối mới mẻ, cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi.

1. Khái niệm trường phái và trường phái ngoại giao

Trường phái là gì? Đại từ điển tiếng Việt giải thích: “Phái, dòng khoa học, nghệ thuật có khuynh hướng, tư tưởng riêng: Trường phái hội họa lập thể”[2]. Một công trình nghiên cứu khác cũng có nhận thức tương tự, song rõ ràng hơn. Các tác giả nhận xét: “Trường phái là nhóm nhà khoa học hoặc văn nghệ sỹ có chung một khuynh hướng tư tưởng, một phương pháp luận hoặc phương pháp sáng tác (thường có một người tiêu biểu đứng đầu). Các phái triết học. Trường phái ngôn ngữ học Praha[3]. Vận dụng vào ngoại giao thì trường phái ngoại giao là các nhà ngoại giao, kể cả các nhà nghiên cứu ngoại giao có chung khuynh hướng tư tưởng, phong cách, phương pháp ngoại giao. Trên thế giới người ta hay nói Trường phái ngoại giao cây tre khi nói về ngoại giao Thái Lan, hoặc Ngoại giao cái gậy và củ cà rốt của Mỹ, hay Ngoại giao thực dụng của Trung Quốc, v.v.. Người ta cũng nói đến các trường phái trong nghiên cứu quốc tế chẳng hạn như Trường phái hiện thực, Trường phái chủ nghĩa tự do hay chủ nghĩa lý tưởng, Chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Kiến tạo…

2. Những tiêu chí của trường phái ngoại giao

Để được thừa nhận là một trường phái ngoại giao cần có những chuẩn mực. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “bất kỳ trường phái ngoại giao nào cũng đều cần phải hội tụ đủ ba yếu tố: có lý luận ngoại giao làm nền tảng cơ sở; có kinh nghiệm và được thực tiễn kiểm nghiệm ở thực tiễn và có bản sắc riêng”[4]. Trong các tiêu chí trên thì lý luận ngoại giao là nhân tố quan trọng nhất, quyết định nhất. “Lý luận ngoại giao soi sáng và gắn kết những nhân tố khác, giúp cho các nhân tố ấy giầu thêm về giá trị và nội dung, hài hòa về hình thức thể hiện trong hoạt động ngoại giao, tăng thêm sức sống và hiệu quả tác động của bản sắc ngoại giao”[5] Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh đáp ứng đầy đủ cả ba tiêu chí đó.

2.1. Cơ sở lý luận

Có nhiều nguồn gốc hình thành nên tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh như truyền thống văn hóa, lịch sử và ngoại giao Việt Nam; chủ nghĩa Mác-Lênin và quan điểm Hồ chí Minh về đối ngoại, ngoại giao; tinh hoa ngoại giao thế giới; những nhân tố tích cực của lý thuyết quan hệ quốc tế. Trong các yếu tố trên, tư tưởng đối ngoại, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là nguồn gốc cơ bản nhất và quan trọng nhất. Đó cũng chính là nền tảng lý luận của Ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, không ít học giả đồng nghĩa Trường phái ngoại giao Việt Nam với Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.

a) Truyền thống văn hoá Việt Nam mà trước hết là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân ái, đoàn kết dân tộc, tự lực tự cường, thông minh, sáng tạo, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, tinh thần hòa hiếu với các dân tộc đã được hun đúc trong hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Theo Giáo sư Vũ Khiêu, những cái đó làm nên bản sắc dân tộc Việt Nam[6]. Bản sắc dân tộc phải bao gồm hai mặt: Cái cốt lõi sức mạnh tiềm tàng và bền vững chi phối tư tưởng và hành vi của dân tộc, tạo thành bản lĩnh dân tộc; sự biểu hiện ra bên ngoài của bản sắc dân tộc thành những tập quán trong sinh hoạt thường gọi là hình thức, màu sắc hay sắc thái dân tộc.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam ra đời sớm cùng với sự hình thành nhà nước Văn Lang. Chủ nghĩa yêu nước được vun đắp, thử thách, tôi luyện suốt chiều dài lịch sử quá trình đấu tranh chống thiên tai, chống ách đô hộ, âm mưu đồng hóa và những cuộc xâm lược từ phương Bắc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chủ nghĩa yêu nước lý giải cho nền độc lập, chủ quyền và sự tồn tại bền vững của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam ở mỗi giai đoạn lịch sử có những nét riêng. Giai đoạn Văn Lang – Âu Lạc là ý thức chung: tự hào về cội nguồn, về giống nòi và tình yêu đồng loại được nhem nhóm và khơi dậy qua các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết. Trong thời kỳ Bắc thuộc là quá trình đấu tranh chống đồng hoá bảo vệ văn hoá dân tộc, quyết bám trụ quê hương để bảo tồn dân tộc theo tinh thần “Nghìn năm ta vẫn là ta”. Giai đoạn nhà nước phong kiến độc lập là sự phát triển về chất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các cuộc chiến tranh chống xâm lược phương Bắc. Chiến thắng bảo vệ độc lập dân tộc và gắn liền với các anh hùng dân tộc. Đó là chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, Chi Lăng của Lê Hoàn, Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt, Bạch Đằng của Trần Quốc Tuấn, Xương Giang của Lê Lợi, Đống Đa của Quang Trung… Chủ nghĩa yêu nước là chất keo dính kết, động viên cả dân tộc vào cuộc chiến. “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sỹ” của Trần Quốc Tuấn và “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi là ba văn kiện đặc trưng thể hiện tinh thần yêu nước của dân tộc ta, hoà quyện với tinh thần nhân ái, thương dân.

Trong giai đoạn thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, đã có những phòng trào Cần Vương, Duy Tân tìm con đường cứu dân cứu nước. Song đều thất bại do không có đường lối đúng. Đứng trước thách thức to lớn của dân tộc Hồ Chí Minh và chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh tỏa sáng mở lối thoát cho con đường cách mạng Việt Nam tiến lên, đánh dấu giai đoạn hiện tại của chủ nghĩa yêu nước trong cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên theo con đường dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh. Đó là giai đoạn cực thịnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

b) Truyền thống ngoại giao của cha ông. Nước ta có vị trí địa chính trị rất quan trọng ở Đông Nam Á: giáp với Trung Quốc, một đại cường quốc của mọi thời đại ở phía Bắc, với Lào, Campuchia ở phía Tây và Tây Nam, là cửa ngõ đi vào Đông Nam Á, thông ra Đông Á, tạo thế dễ dàng tiếp xúc với phương Tây. Còn phía Đông là Biển Đông, một phần của Thái Binh Dương. Do đó trong quá trình dựng nước và giữ nước, nhằm bảo vệ củng cố độc lập dân tộc, phát triến đất nước, luôn phải tiếp xúc với nhiều quốc gia khác nhau với những ý đồ, lợi ích khác nhau. Các hoạt động ngoại giao Việt Nam rất đa dạng, phức tạp và đã để lại nhiều bài học quý như:

– Coi trọng hoà hiếu đối với các nước khác, dân tộc khác, đặc biệt các nước láng giềng, khu vực và các nước lớn;

– Kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền khi bị xâm phạm, kết hợp đánh đàm;

– Thực hiện ngoại giao tâm công;

– Kiên trì các vấn đề nguyên tắc, lợi ích dân tộc, song rất linh hoạt trong các vấn đề sách lược theo tinh thần “Dĩ bất biến ứng vạn biến”;

– Biết giành thắmg lợi từng bước đi đến giành thắng lợi hoàn toàn…

c) Tinh hoa văn hoá Đông-Tây kim cổ. Nước ta nằm ở vị trí địa lý thuận lợi nên từ lâu đã có sự giao lưu, tiếp biến với văn hóa Trung Hoa, Ấn độ, Phương Tây và với thế giới của thời hiện đại. Hồ Chí Minh là đại diện của dân tộc Việt Nam trong quá trình đi tìm đường cứu nước, hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã dừng chân ở nhiều nước, có nước ở rất lâu, tiếp xúc nhiều dân tộc, tộc người khác nhau. Người tiếp thu văn hoá thế giới bằng hai cách: qua thực tiễn và sách báo. Hồ Chí Minh còn chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Đông như Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo… tinh hoa văn hoá Trung Quốc, Ấn Độ. Học thuyết Khổng Tử, binh pháp Tôn Tử, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên đã được Hồ Chí Minh nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong điều kiện Việt Nam. Người còn tiếp thu có chọn lọc tư tưởng dân chủ, nhân văn của văn hóa Phục hưng, của thế kỷ Ánh sáng, cách mạng tư sản phương Tây. Người viết: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêxu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêxu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm học trò nhỏ của các vị ấy. Tôi chính là tôi ngày trước: một người yêu nước”[7]

d) Chủ nghĩa Mác-Lênin và quan điểm Hồ Chí Minh về đối ngoại, ngoại giao

Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin và là người đầu tiên truyền bá vào Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển phong trào cách mạng từ tự phát sang tự giác. Trong tư tưởng về đối ngoại, Người không nói nhiều về lý luận, triết lý, giáo huấn, song không phải vì thế, mà xa rời chủ nghĩa Mác- Lênin. Luận cương Lênin về các vấn đề thuộc địa đã để lại cho Người một ấn tượng vô cùng sâu sắc, Người viết: “Luận cương của Lênin làm tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” Chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ sở tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã tiếp thu những điểm cơ bản của nội dung tư tưởng và phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, góp phần hình thành nên tư tưởng đối ngoại và phương pháp, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ ngoại giao phải có quan điểm lập trường của Chủ nghĩa Mác- Lênin, lấy đó làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình và phải học Chủ nghĩa Mác-Lênin[8]. Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở các nhà ngoại giao phải hiểu tình hình thực tế, tình hình chính trị, kinh tế – văn hoá nước mình và nước mình đến, phải nắm đầy đủ, phải nghiên cứu điều tra… Đó chính là triết học Mác- Lênin: vật chất quyết định ý thức, là quan điểm xuất phát từ thực tiễn…

Bên cạnh chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng đối ngoại, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là yếu tố cực kỳ quan trọng của cơ sở lý luận Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là khi Đảng ta đã là đảng cầm quyền, tiếp thu truyền thống văn hóa, ngoại giao Việt Nam, tinh hoa văn hóa Đông Tây kim cổ, tổng kết thực tiễn, trong Hồ Chí Minh đã từng bước hình thành tư tưởng đối ngoại, ngoại giao Hồ Chí Minh, là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại của Ngoai giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã đề cập đến các vấn đề cơ bản của đối ngoại và ngoại giao Việt Nam như độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, sợi chỉ đỏ của ngoại giao Việt Nam; lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết; kết hợp sức mạnh đân tộc và thời đại; độc lập tự chủ, tự lực tự cường và đoàn kết, hợp tác quốc tế; coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, khu vực và các cường quốc; ngoại giao là một mặt trận; coi trọng ngoại giao nhân dân, ngoại giao tâm công; lợi dụng mâu thuẫn đối phương; nhân nhượng có nguyên tắc; “dĩ bất biến ứng vạn biến”, nghệ thuật vận dụng “ngũ tri”; biết giành thắng lợi từng bước, kiên trì mục tiêu cuối cùng; dự báo thời cơ, tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ đối ngoại…Hồ Chí Minh đã vạch ra đường lối, chiến lược sách lược đối ngoại của Việt Nam. Đó chính là cơ sở lý luận ngoại giao của Trường phái ngoai giao Hồ Chí Minh.

 đ) Những nhân tố hợp lý của các lý thuyết về quan hệ quốc tế và ngoại giao 

Trên thế giới có không ít các lý thuyết, lý luận về quan hệ quốc tế và ngoại giao như Chủ nghĩa hiện thực, Chủ nghĩa tự do (chủ nghĩa lý tưởng), Chủ nghĩa Mác, Chủ nghĩ kiến tao… Chúng ta thường chủ yếu phê phán các lý thuyết này vì đó là lý thuyết của các học giả phương Tây, không phù hợp với quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin [9], không thấy các yếu tố hợp lý của các lý thuyết đó. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít các luận điểm khoa học góp phần làm cơ sở lý luận cho nghiên cứu quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, ngoại giao. Chủ nghĩa hiện thực đã đề cập đến chủ thể chính của quan hệ quốc tế là các quốc gia dân tộc, thực chất nền chính trị thế giới là đấu tranh quyền lực quy định lợi ích, quy luật phổ biến của quan hệ quốc tế, về cân bằng quyền lực, xung đột và bạo lực, hệ thống thế giới và nhấn mạnh vai trò các trung tâm quyền lực…. Chủ nghĩa tự do cũng có những nhân tố tích cực như tầm quan trọng của các nhân tố kinh tế, khoa học công nghệ, môi trường trong quan hế quốc tế, vấn đề hòa bình và chiến tranh, hợp tác quốc tế, vai trò các chủ thể khác, phi nhà nước trong quan hệ quốc tế (công ty xuyên quốc gia, các tổ chức quốc tế, các nhóm lợi ích trong nước…). Trừ nội dung tiêu cực, thiếu khoa học, chúng ta có thể tham khảo những nhân tố tích cực của các lý thuyết trên để làm giầu thêm lý luận ngoại giao Việt Nam. Gần đây, đã có nhiều nhà nghiên cứu đối ngoại cũng như nhà hoạt động thực tiễn đối ngoại của nước ta đã tham khảo các lý thuyết trên trong công tác nghiên cứu của mình.

2.2. Cở sở thực tiễn

Nền ngoại giao hiện đại Việt Nam ra đời cùng với việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945. Tuy nhiên, nền móng của nền ngoại giao hiện dại Việt Nam có thế bắt đầu từ năm 1930, khi Đảng cộng sản Đông Dương bước lên vũ đài chính trị, lãnh đạo nhân dân Đông Dương chống thực dân Pháp vì độc lập, tự do. Nền ngoại giao hiện đại Việt Nam do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và dìu dắt, đã trải qua các giai đoạn chính: Đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ (1945-1946), Ngoại giao trong cuộc Kháng chiến chống Pháp xâm lược (1946-1954); Ngoại giao trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975); Ngoại giao thời kỳ hậu chiến (1975-1986); Ngoại giao thời kỳ đổi mới (từ 1986) đến nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có quá trinh hoạt động cách mạng gần 60 năm (1911-1969), trong đó có nhiều hoạt động ngoại giao.

Trong 30 năm bôn ba hải ngoại đi tìm đường cứu nước (1911-1941), Hồ Chí Minh đã đặt chân đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ[10]. Có nơi Người chỉ đi dừng chân một thời gian ngắn, song Người sống, làm việc, học tập trong thời gian dài ở Pháp, Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc. Người tiếp xúc với nhiều dân tộc từ da trắng, da vàng, da đen, với nhiều hạng người từ chính khách, nhà hoạt động chính trị, tướng tá, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội đến binh lính, người lao động. Đây là hoạt động ngoại giao nhân dân vô cùng sôi động của Hồ Chí Minh.

Khi trở thành Người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam mới (1945-1969), cùng hai lần trực tiếp làm Bộ trưởng Ngoại giao, hoạt động ngoại giao nhà nước của Người càng trở nên phong phú, đa dạng.

Trước hết, Người đã cùng Thường vụ Trung ương Đảng, lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành cuộc đấu tranh ngoại giao cam go chống thù trong giặc ngoài trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời. Người trực tiếp đàm phán với các tưởng lĩnh quân đội Tưởng, với đại diện Pháp ký kết Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, Người đi thăm chính thức nước Pháp trong thời gian hơn 4 tháng vừa chỉ đạo đàm phán Việt –Pháp, vừa vận động dư luận Pháp ủng hộ nền độc lập của Việt Nam và ký Tạm ước Việt-Pháp 14/9/1946 giành thêm thời gian cho việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc mà Người biết chắc chắn sẽ xẩy ra, đồng thời giữ cầu cho quan hệ Việt-Pháp.

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp, Người đã bí mật thăm Trung Quốc, Liên Xô, tiến hành ngoại giao phá vây. Trung Quốc, Liên Xô cùng các nước dân chủ nhân dân không chỉ công nhận Việt Nam DCCH, mà Trung Quốc, Liên Xô còn cam kết dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về vật chất và tinh thần cho cuộc kháng chiến, dẫn đến đại thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu trấn động điạ cầu” và ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp, các nước tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và miền Bắc nước ta có được độc lập, là hậu phương lớn cho dấu tranh thống nhất nước nhà.

Với tư cách là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, Người đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đi thăm 12 nước xã hội chủ nghĩa: Trung Quốc, Mông Cổ và Liên Xô (6/1955), Triều Tiên, Tiệp Khắc, Ba Lan, CHDC Đức, Hungari, Nam Tư, Anbani, Bungari và Rumani (8/1957) góp phần củng cố quan hệ của nước ta với các nước đồng minh XHCN. Người cũng dẫn đầu Đoàn đại biểu của Đảng ta dự Hội nghị 64 đảng cộng sản và công nhân tại Matxcova (11/1957) và Hội nghị 81 đảng năm 1961 (11/1960) tại Liên Xô, góp phần khắc phục một số bất bất đồng và củng cố sự lớn mạnh của phong trào và quan hệ của Đảng ta với các đảng anh em.

Để tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ mọi mặt giữa nước ta và các nước XHCN anh em, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì đón tiếp nhiều đoàn đại biểu cấp cao các nước XHCN thăm hữu nghị, chính thức Việt Nam gồm: Chủ tịch Đảng Lao Động Triều Tiên, Thủ tướng CHDCND Triều Triều Kim Nhật Thành (11/1958), Chủ tịch CH Ba Lan A. Davatxki (10/1959), Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai (5/1960), Chủ tịch Anbani Hatgi Lesi (6/1959), Chủ tịch Tiệp Khắc Nôvôtni (1/1963), Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiều Kỳ (5/1963), Chủ tịch Tiều Tiên Kim Nhật Thành (11/1964).

Nhằm mở rộng quan hệ với các nước dân tộc độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đi thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ và Miến Điện (2/1958), Inđônêxia (2/1959). Các vị lãnh đạo nước ngoài cũng đến thăm Việt Nam và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp trọng thị, thân tình như Thủ tướng Ấn Độ Neru (10/1954), Thủ tướng Miến Điện (11/1954), Thủ tướng Vương Quốc Lào Xuvana Phuma (8/1956), Tổng thống Ấn Độ R. Praxat (3/1959), Tổng thống Inđônêxia Soekarno (6/1959), Tổng thống Ghine Xecu Ture (9/1960), Vua Lào Xixavang Vatthana (3/1963), Tổng thống Mali Modibo Cayta (10/1963).

Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh đã từng bước hình thành và phát triển trong hoạt động thực tiễn đầy sôi động, phong phú, đa dạng của ngoại giao Việt Nam và hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh. Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh đã được thực tiễn kiểm nghiệm.

2.3. Những đặc trưng Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh

Bản sắc ngoại giao Việt Nam gắn bó chặt chẽ với bản sắc dân tộc Việt Nam. Bản sắc văn hoá Việt Nam cũng chính là bản sắc dân tộc Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII (1998), khẳng định: “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết các nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trong nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống. Bản sắc văn hoá dân tộc còn đậm nét trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc sâu sắc”[11]. Bản sắc dân tộc là “cái cốt lõi trong cái sức mạnh tiềm tàng và bền vững chi phối tư tưởng và hành vi của dân tộc” và biểu hiện ra ngoài là “màu sắc hay sắc thái dân tộc” trong đó có hoạt động “ngoại giao”[12] Đảng ta chủ trương: xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Bản sắc ngoại giao của quốc gia là những nét đặc trưng cơ bản riêng biệt về ngoại giao Nhà ngoại giao: Võ Văn Sung khái quát 5 đặc trưng Trường phái Ngoại giao Hồ Chí Minh: i) Là sự sáng tạo của vị lãnh tụ dân tộc Việt Nam; ii) Triết lý “Bốn biển đều là anh em” qua hành động và lời nói; iii) Phương pháp “Dĩ bất biến ứng vạn biến”; iv) Sức mạnh tổng hợp của ngoại giao; v) Tác phong và đạo đức Hồ Chí Minh[13]. Nhà ngoại giao kỳ cựu Vũ Khoan, trả lời phỏng vấn Báo “Đầu tư chứng khoán” ngày 7/7/2020 về Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh, thì nhận xét: đối ngoại rộng mở và kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại là tư tưởng đối ngoại lớn của Hồ Chí Minh. Sở dĩ, Bác có những tư tưởng đối ngoại lớn vì ở Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ, nhà ngoại giao vừa trí tuệ, bản lĩnh, vừa gần gũi, giản dị, chân tình, luôn có sức hút, sức thu phục nhân tâm[14].

Bản sắc ngoại giao là “một hệ thống mở các giá trị được hình thành và phát triển trong suốt lịch sử dân tộc và lịch sử ngoại giao, là cái cốt lõi có tính bền vững được lịch sử chưng cất và có khả năng tồn tại vượt thời gian, chi phối tư duy, tổ chức và các ứng xử trong bang giao quốc tế của quốc gia dân tộc”[15]. Bản sắc ngoại giao phản ánh tập trung thế giới quan, nhân sinh quan và văn hóa ứng xử của dân tộc trong quan hệ quốc tế. Nó luôn được sàng lọc, năng động, tự phủ định để phát triển trong tiếp xúc, giao lưu, đấu tranh và hợp tác quốc tế. Bản sắc ngoại giao của quốc gia có thế thay đổi khi chế độ chính trị thay đổi.

Dưới tác động của các yếu tố truyền thống và hiện đại, Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh đã hình thành bản sắc. Nhiều nội dung và hình thức cơ bản của bản sắc đã rõ nét, song có những nội dung còn đang trong quá trình phát triển. Có thể nói đến những nét chính của bản sắc ngoại giao sau đây.

Thứ nhất, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một trong những bản sắc của ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng Việt Nam, phản ảnh bản chất của ngoại giao Việt Nam. Tuy nhiên, trong từng hoàn cảnh cụ thể, mặt nọ hoặc mặt kia nổi trội hơn. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhất cuộc kháng chiến chống Mỹ, mặt xã hội chủ nghĩa, ý thức hệ có phần nổi trội. Trong thời kỳ chống thù trong, giặc ngoài bảo vệ, giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ (1945-1946), và thời kỳ đổi mới hiện nay, khía cạnh dân tộc là điểm nhấn. Cái dân tộc phải là bất biến, vĩnh cửu. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ ngoại giao: “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích dân tộc mà làm”. Lợi ích dân tộc của mình là trên hết, song phải coi trong lợi ích các dân tộc khác, nhất là các nước láng giềng. Tư tưởng này đã được Palmerston, Bộ trưởng Ngoại giao Anh thế kỷ XIX đề cập khi ông viết: “Chúng ta không có những người bạn Đồng minh vĩnh cửu, mà cũng không có kẻ thù vĩnh cửu. Chỉ có quyền lợi của chúng ta là vĩnh hằng không thay đổi. Theo đuổi quyền lợi đó chính là chức trách của chúng ta”[16].

Thứ hai, tư tưởng hòa hiếu không chỉ là truyền thống của cha ông mà cũng là bản sắc của ngoại giao Hồ Chí Minh. Do vị trí địa chiến lược, bên cạnh một đại cường quốc của mọi thời đại, do bản chất của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, nóng ẩm nên đã dần hình thành phong cách ứng xử cử chủ đạo người Việt Nam là hòa bình, hữu nghị với các dân tộc khác, trước hết là các nước láng giềng, khu vực. Truyền thống đó được củng cố phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã tìm mọi cơ hội ngăn chặn chiến tranh với Pháp để có được hòa bình và Người cũng sẵn sàng trải “thảm đỏ”, “nối nhịp cầu vàng” cho Mỹ rút quân, chấm dứt chiến tranh xâm lược. Bên cạnh nền tảng là tư tưởng hòa hiếu, chính ách đối ngoại của Hồ Chí Minh còn là rộng mở: “thêm bạn bớt thù”, “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Trong quan hệ với thế giới, Người đặc biệt coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn.

Thứ ba, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, phối hợp đánh kết hợp với đàm khi độc lập dân tộc bị vi phạm. Chúng ta thà hy sinh tất cả, quyết tâm kháng chiến đến cùng khi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược nước ta theo tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Khi đó ngoại giao đã kết hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự để chống Pháp, chống Mỹ. Đánh không gây khó khăn cho đàm, ngược lại hỗ trợ cho đàm và còn đàm không không bó chân bó tay chiến trường, ngược lại tạo thuận lợi cho đánh, đề cao tính pháp lý của đánh, khuyếch trương thắng lợi quân sự, góp phần thay đổi so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho ta, tiền đề cho Đại thắng Mùa Xuân 1975. Đó chính là chất “thép” trong ngoại giao Việt Nam.

Thứ tư, “gắn dân tộc với quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp để có thế lấy yếu mà thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn” là đặc trưng của ngoại giao Việt Nam[17] Việt Nam là bộ phận của thế giới, thế giới là môi trường tồn tại, phát triển của Việt Nam, nơi ta phải hội nhập. Chính vì vậy mà trong mọi giai đoạn phát triển của ngoại giao Việt Nam, Đảng và Bác Hồ hết sức coi trọng việc tranh thủ sự đoàn kết, hợp tác quốc tế.

 Thứ năm, độc lập tự chủ, tự lực tự cường đi liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế, hội nhaapj quốc tế là tư tưởng chủ đạo trong chính sách kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “cái gốc, cái điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh”[18]. Độc lập tự chủ, song không đóng cửa, khép kín mà tăng cường tiếp xúc, giao lưu với bên ngoài để tranh thủ ngoại lực; nội lực là quyết định song ngoại lực lại rất quan trọng.

 Thứ sáu, chân thành, tình nghĩa, thủy chung, “giúp bạn là giúp mình”, tôn trọng đạo lý trong quan hệ đối ngoại là một trong các bản sắc Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó chính là nhân tố tâm công trong ngoại giao Việt Nam. Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi lòng tác dạ sự ủng hộ to lớn sự giúp đỡ quý báu của Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Cămpuchia và nhân các nước khác đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành, bảo vệ độc lập tự do và xây dựng đất nước, kể cả nhân dân Pháp và Mỹ… Việt Nam cũng là nước có ý thức trách nhiệm cao trong các cam kết quốc tế, tôn trọng đạo lý trong quan hệ quốc tế.

Thư bẩy, cứng rắn về nguyên tắc, lợi ích quốc gia-dân tộc, song rất linh hoạt, uyển chuyển các vấn đề sách lược là nét đặc thù của ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó chính là phương pháp “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh. Kiên trì các vấn đề độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, song lại uyển chuyển, linh hoạt chấp nhận “nước Việt Nam là nước tự do” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký được Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 với Pháp, ký kết Tạm ước 14-9-1946 sau khi đàm phán Việt-Pháp đổ vỡ. Chúng ta cũng biết điểm “dừng” mà Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương, Hội nghị Paris về Việt Nam kết thúc thắng lợi…

Thứ tám, một đặc trưng nữa của Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao luôn có sự chân thành, tế nhị, khéo léo, linh hoạt, uyển chuyển, thuyết phục, có sức cảm hóa lớn đối với người đối thoại, dù người đó là bạn hay là thù.

    1. Một số đặc điểm tiêu cực của ngoại giao Việt Nam

Khi nói về bản sắc, người ta cũng chỉ nói về những mặt tích cực, không nêu mặt tiêu cực. Hội nghị Trung ương 5 bàn về bản sắc dân tộc Việt Nam cũng xuất phát từ phương pháp tiếp cận này. Liệu bản sắc có mặt trái không? Từ điển tiếng Việt định nghĩa bản sắc là “mầu sắc, tính chất riêng tạo thành đặc điểm chính”[19]. Theo nhận thức này, bản sắc bao gồm cả mặt tiêu cực một khi là tính chất riêng tạo thành đặc điểm chính.

Những nhược điểm của ngoại giao Việt Nam bắt nguồn từ nhược điểm của văn hóa và con người Việt Nam. Nguyễn Văn Huyên viết: “Ở người Việt có sự lười biếng về trí óc…chất nghệ sỹ hơn chất khoa học. Họ nhạy cảm hơn là có lý tính, yêu văn học và trang trí…người Việt hiền lành, thích yên ổn và dễ bảo”[20]. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Người Việt có tầm nhìn hạn hẹp”[21]. Học giả Đào Duy Anh, các tác giả “Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam” cũng phân tích những đặc điểm tiêu cực của người Việt[22]. Chính những cái hạn chế đó tác động đến tư duy hoạch định chính sách đối ngoại cũng như phong cách, phương pháp ngoại giao Việt Nam không chỉ trong quá khứ mà cả trong thời đại Hồ Chí Minh. Triều Mạc quá mềm yếu trong xử sự với nhà Thanh, nhà Nguyễn quá nhu nhược đối phó với thực dân Pháp xâm lược và thời nay, có lúc ta sợ cả anh lớn lẫn anh bé, không có tầm nhìn xa và quá đạo lý…[23]

***

Trên đây là vài suy nghĩ về Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Có ba nhân tổ để tạo nên trường phái ngoại giao là lý luận ngoại giao; thực tiễn ngoại giao, được thực tiễn kiểm nghiệm và có bản sắc. Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh chính là Trường phái ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhận thức này được hầu hết các nhà nghiên cứu quốc tế, các nhà ngoại giao Việt Nam chia sẻ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, tham gia vào “làng ngoại giao thế giới”, Trường phái ngoại giao Việt Nam phải sớm khẳng định được vị thế của mình, góp phần nâng cao vị thế đất nước. Trường phái ngoại giao Việt Nam có bề dày thực tiễn, song tầm lý luận còn hạn chế, cho nên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, tổng kết lý luận ngoại giao Việt Nam, nhất là tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Đồng thời, cần tăng cường nghiên cứu các lý thuyết, lý luận ngoại giao thế giới, mạnh dạn tiếp thu các nhân tố khoa học, hợp lý của các lý thuyết đó góp phần làm làm giầu lý luận ngoại giao Việt Nam. Mặt khác, phải phân tích kỹ những hạn chế của ngoại giao Việt Nam, xuất phát từ hạn chế của văn hóa và con người Việt Nam, có biện pháp từng bước khắc phục những hạn chế đó một cách nghiêm túc. Ngoài trọng tâm là lý luận ngoại giao, song vấn đề hiện đại hóa, chính quy hóa, chuyên nghiệp hóa của ngoại giao Việt Nam cũng là vấn đề cần quan tâm. Hiện đại hóa, chính quy hóa phải bao gồm cả nội dung, hình thức, phong cách và cơ sở vất chất phục vụ công tác đối ngoại.

————–

[1] Phan Ngọc: Vấn đề trường phái ngoại giao Việt Nam, Tư liệu Ban Nghiên cứu Lịch sử ngoại giao; Vũ Khoan: Tư tưởng Hồ Chí Minh về hoạt động quốc tế và công tác ngoại giao,Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 3 (9/1994); Nguyễn Dy Niên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội- 2002; Bộ Ngoại giao: Tổng luận tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Đề tài NCKH đặc biệt cấp Bộ; Vũ Dương Huân: Vài suy nghĩ về Trường phái ngoại giao Việt Nam, tạp chí “Nghiên cứu quốc tế”, số 2(77) 6-2009; Võ Văn Sung: Vài suy ngẫm về Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội-2010; Vũ Khoan: Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh, https://tinnhanhchungkhoan.vn/chinh-tri/truong-phai-ngoai-giao-ho-chi-minh-327441.html

[2] Bộ Giáo dục – Đào tạo (Nguyễn Như Ý chủ biên): Đại từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa- Thông tin, Hà Nội -1998, tr.1739.

[3] Viện Ngôn ngữ: Từ điển tiếng Việt 2001, Nxb. Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2001 tr. 1058.

[4] Bộ Ngoại giao: Tổng luận tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh thuộc Đề tại NCKH đặc biệt cấp bộ, Hà Nội- 2004, tr. 97.

[5] Nguyễn Dy Niên: Sđd, tr. 337.

6.Vũ Khiêu: Độc lập dân tộc và tư tưởng nhân văn trong bản sắc ngoại giao Việt Nam, trong sách: Bộ Ngoại giao: Ngoại giao trong thời đại Hồ Chí Minh”, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2000, tr.309.

7.Trần Đương, Nguyễn Thị Minh Hương (biên soạn): Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế, Nxb. Thông tấn, Hà Nôi-2007, tr. 50. Các tác giả trích từ sách: Trần Dân Tiên: Hồ Chủ tịch truyện, Nxb. Tam Liên, Thượng Hải, 1949, tr. 91(Tiếng Trung Quốc).

8.Bộ Ngoại giao: Bác Hồ và hoạt động ngoại giao. Một vài kỷ niệm về Bác, Nxb., Chính trị Quốc gia, HN-2008, tr.60, 62.

    1. PGS. Nguyễn Bằng Tường (chủ biên): Quan điểm Mácxít về một số lý thuyết quan hệ quốc tế của các nước phương Tây, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2002.

10.Lady Borton: Hồ Chí Minh- Một hành trình, Nxb. Thế giới, Hà Nội-2012, tr. 21.

[10] Võ Văn Sung: Suy ngẫm về Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb, Quân đội nhân dân, Hà Nội- 2013, tr 74-87

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị Trung ương 5, khoá VII, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội- 1998, tr. 56.

[13] Vũ Khiêu: Độc lập dân tộc và tư tưởng nhân văn trong bản sắc ngoại giao Việt Nam, trong sách “Bộ Ngoại giao: Ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”, Nxb., Chính trị quốc gia, Hà Nội- 2000, tr..310.

[14] Vũ Khoan: Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh, https://tinnhanhchungkhoan.vn/chinh-tri/truong-phai-ngoai-giao-ho-chi-minh-327441.html

15.Bộ Ngoại giao: Bản sắc ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại, Đề tài NCKH cấp Bộ, Hà Nội-2001, tr 10.

    1. Trần Triều, Hồ Lễ Trung: Thập đại tùng thư. 10 nhà ngoại giao lớn thế giới, Nxb.Văn hóa-Thông tin, Hà Nội-203, tr.70.

17.Nguyễn Mạnh Cầm: Tổng kết Hội thảo khoa học, “50 năm Ngoại giao Việt Nam” dưới sự lãnh đạo của Đảng., Học viện QHQT, Hà Nội- 1995, tr.90.

    1. Bộ Ngoại giao: Bác Hồ và hoạt động ngoại giao…tr. 61.

19.Viện Ngôn ngữ: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nằng 2001, tr.31.

20.Nguyễn Văn Huyên: Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tập 2,, Nxb. KHXH, Hà Nội-1996, tr.559.

21.Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, Nxb. Văn hóa-Thông tin, Hà nội- 1995, tr.20.

22.Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2000, tr.77.

23.Vũ Dương Huân: Nhân tố văn hóa trong ngoại giao: Lý luận và thực tiễn, trong sách Ngoại giao văn hóa “Vì một bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế”, Nxb. Thế giới, Hà Nội-2008, tr.152-153.