Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi’s China floats dangerous trial balloon of ‘revolution’”, Nikkei Asia, 09/09/2021.
Biên dịch: Phan Nguyên
Nếu tìm kiếm từ khóa “Cách mạng Văn hóa” trong phần các thảo luận nổi bật trên Baidu, bạn sẽ thấy thông báo sau: “Hiện không có cuộc thảo luận nào liên quan đến chủ đề này.”
Điều này thật kỳ lạ, khi các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc đang sôi sục với các cuộc thảo luận về chủ đề này.
Một lời giải thích cho câu hỏi này là người dùng mạng xã hội đã thận trọng và không sử dụng cụm từ chính xác “Cách mạng Văn hóa”, vì biết rằng các cơ quan kiểm duyệt internet đang theo dõi cẩn thận. Các cuộc thảo luận về giai đoạn hỗn loạn đó của lịch sử Trung Quốc, từ năm 1966 đến năm 1976, trên thực tế đã trở thành điều cấm kỵ.
Vậy thì nên hiểu thuật ngữ “cuộc cách mạng sâu sắc” như thế nào?
Đây là một cuộc tranh cãi bí ẩn khiến mọi người phải vò đầu bứt tai.
Vào ngày 29 tháng 8, trang web của các cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc đã đăng một bài bình luận của Lý Quang Mãn (Li Guangman), một blogger cánh tả, theo chủ nghĩa dân tộc, với tiêu đề: “Mọi người đều có thể cảm nhận rằng một sự chuyển biến sâu sắc đang diễn ra!”
Việc bài viết được đăng lại trên trang Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc; Hãng thông tấn Nhà nước Tân Hoa Xã, và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, đã tạo uy tín cho bài viết. Ít nhất thì ban lãnh đạo của các cơ quan này dường như đã ủng hộ nó.
Không cần phải nói, thuật ngữ “Cách mạng Văn hóa” đã không được sử dụng trong bài. Nhưng điều quan trọng là bài bình luận đã sử dụng khái niệm mang tính kích động cao là “cách mạng”.
Chỉ ra những hành động gần đây ở Trung Quốc, bao gồm việc ngừng cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group, cuộc điều tra về hãng gọi xe khổng lồ Didi Global, và việc đàn áp các hãng phim giải trí, đồng thời lưu ý về con đường được đề xuất hướng tới “sự thịnh vượng chung”, bài bình luận viết: “Những gì các sự kiện này cho chúng ta biết, là một sự thay đổi lớn đang diễn ra ở Trung Quốc, và các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa và chính trị đang trải qua một sự chuyển biến sâu sắc, hay có thể nói là một cuộc cách mạng sâu sắc.”
“Thị trường tư bản sẽ không còn là thiên đường cho các nhà tư bản làm giàu nhanh chóng”, Lý viết.
Ông nói: “Chúng ta cần kiểm soát mọi hình thức hỗn loạn văn hóa”.
Việc bài viết được công bố bởi tất cả các hãng truyền thông lớn của Trung Quốc đã gây bất ngờ cho nhiều trí thức và những người trong đảng.
“Đây không phải là một sự bác bỏ cải cách và mở cửa, và là một dấu hiệu cho thấy Cách mạng Văn hóa đang trở lại sao?” một số hỏi.
“Cách mạng Văn hóa 2.0 không phải là điều viển vông,” những người khác nói.
Đối với những người biết về Trung Quốc của những năm 1960, “cách mạng” là một khái niệm gợi nhớ về cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông. Mở đầu cho Cách mạng Văn hóa cũng là một bài bình luận về văn hóa, một bài được đăng trên một tờ báo của Thượng Hải năm 1965.
Tấn công kẻ thù chính trị dưới chiêu bài thảo luận văn hóa là một phương pháp truyền thống được các lãnh đạo sử dụng trong trò chơi chính trị vĩ đại của Trung Quốc.
Như đổ thêm dầu vào lửa, cuộc đàn áp đối với ngành công nghiệp truyền hình và giải trí đã gia tăng vào ngày 2 tháng 9.
Để loại bỏ các chương trình thấp kém và thô tục, ban lãnh đạo đã ra thông báo tới các đài truyền hình trên toàn quốc, cấm sử dụng những nghệ sĩ có quan điểm chính trị không chính xác và không trung thành với đảng và nhà nước.
Tuy nhiên, điều thực sự khó hiểu là một đòn phản công chống lại bài báo của Lý, chắp bút bởi Hồ Sĩ Tiến, tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo, một phụ bản của tờ Nhân Dân Nhật báo.
“Tôi nghĩ rằng bài viết đã đưa ra những mô tả không chính xác về tình hình, sử dụng một số ngôn ngữ phóng đại, đi chệch khỏi các chính sách quan trọng của đất nước, và đã đánh lừa người dân”, Hồ nói trong một bài viết đăng trực tuyến.
Hồ nổi tiếng với cách nói chuyện cứng rắn với nước ngoài; ông cũng được cho là phát ngôn cho chính quyền của Tập.
Nếu xét việc trang web trực thuộc Nhân dân nhật báo cũng là nơi lần đầu đăng lại bài viết của Lý, có vẻ như hai bài bình luận này mâu thuẫn lẫn nhau.
Nếu cả Lý và Hồ đều nhận lệnh từ phía trên, điều đó có phải cho thấy có sự rạn nứt lớn trong giới lãnh đạo hay không?
Có lẽ câu trả lời không đơn giản như vậy.
Có một điều rõ ràng là đội ngũ lãnh đạo của ông Tập không muốn mục tiêu “thịnh vượng chung” bị diễn dịch là một cuộc cách mạng sẽ được tiến hành. Đây là điều mà Hồ nhấn mạnh.
Cách mạng có nghĩa là thay đổi chế độ. Đối với một quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ thời đại toàn cầu hóa kinh tế, bắt đầu một cuộc cách mạng phủ nhận nền “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” của Đặng Tiểu Bình là một điều vô lý.
Hồ đã nhấn mạnh điểm này bằng cách lưu ý rằng, ông đã tiếp xúc với nhiều người trong chế độ nhưng chưa bao giờ nghe bất kỳ ai trong số họ nói về loại phong trào chính trị mà Lý hình dung, cả trong các cuộc họp lẫn các cuộc nói chuyện riêng tư. Điều này nghe như thể được nói theo mệnh lệnh từ phía trên.
Như chuyên mục này đã chỉ ra vào tuần trước, Ban Tuyên truyền của đảng đã phát hành một tài liệu quan trọng vào ngày 26 tháng 8, trong đó có đưa ra đánh giá về cuộc Cách mạng Văn hóa trong một trong các chú thích của nó.
Chú thích này ghi rằng, Cách mạng Văn hóa “là phong trào chính trị hỗn loạn … do Mao Trạch Đông khởi xướng.” “Nó đã gây tổn hại lớn cho Đảng, quốc gia và nhân dân”.
Một nguồn tin chính trị Trung Quốc đã đưa ra một quan sát thú vị.
“Đây là một động thái để thăm dò dư luận.”
Giải thích của nguồn tin là cả Lý và Hồ, cả hai đều thân thiết với chính quyền, đã tham gia vào một trận chiến trực tuyến để đánh giá xem phe cánh tả và phe cánh hữu trong và ngoài đảng sẽ phản ứng như thế nào.
Vậy tại sao thời điểm lại bây giờ?
Vào ngày 31 tháng 8, Bộ Chính trị của Đảng đã tổ chức một cuộc họp và công bố quyết định tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 19 vào tháng 11.
Bộ Chính trị cũng thông báo rằng, phiên họp toàn thể lần thứ sáu sẽ chủ yếu thảo luận về “vấn đề kiểm điểm toàn diện những thành tựu chủ yếu đã đạt được và kinh nghiệm lịch sử tích lũy trong 100 năm phấn đấu của Đảng.”
Tài liệu do Ban Tuyên truyền phát hành vào ngày 26 tháng 8 có thể là cơ sở để mở ra thảo luận về lịch sử của đảng.
Dưới chế độ cộng sản Trung Quốc, các chính sách quan trọng đôi khi được công bố mà không cần thông báo trước cho các đảng viên hoặc dân thường. Trong một số trường hợp, thậm chí không có thông báo nào được đưa ra, và mệnh lệnh được ban hành đột ngột.
Ví dụ điển hình là việc Ant Group bị đình chỉ niêm yết, việc các nền tảng video lớn của Trung Quốc xóa tên Triệu Vy khỏi phần thông tin nhiều tác phẩm mà nữ diễn viên nổi tiếng đóng vai chính, đồng thời họ cũng tự xóa các tác phẩm đó.
Tuy nhiên, khi giải quyết các vấn đề lớn và có khả năng gây chia rẽ, các nhà chức trách Trung Quốc đôi khi thực hiện theo các quy trình khác nhau. Sử dụng một nhân vật không tên tuổi để đưa ý tưởng ra công luận là một trong những phương pháp như vậy.
Thực tế, bài báo gây tranh cãi của Lý không được đăng trên báo in chính thức là một dấu hiệu khác cho thấy ban lãnh đạo đang thăm dò dư luận. Các bài báo in sẽ không thể bị xóa, và vì vậy mang nhiều trọng lượng hơn.
Trong khi đó, cuộc tranh luận lớn này diễn ra khi từ khóa quan trọng nhất, “Cách mạng Văn hóa”, lại bị né tránh.
Nằm ở gốc rễ của tất cả những điều này là chính sách theo đuổi thịnh vượng chung do Tập Cận Bình lãnh đạo. Ý tưởng về một sự thay đổi triệt để nhằm xóa bỏ sự chênh lệch thu nhập vẫn chưa được hiểu đầy đủ, một phần là do nó chưa được giải thích thỏa đáng. Do đó, ý tưởng này đã gây ra những lo ngại lớn.
Trương Duy Nghênh (Zhang Weiying), một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, gần đây đã bày tỏ sự phản đối của ông đối với chiến dịch “thịnh vượng chung”, nói rằng sự can thiệp của chính phủ ngày càng tăng sẽ chỉ dẫn đến “nghèo đói chung”. Ý kiến của ông sau đó đã bị xóa.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, cố vấn kinh tế của ông Tập, đã phản hồi ông Trương trong một bài phát biểu hôm thứ Hai.
Ông nói, chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân vẫn không thay đổi, và nói thêm rằng, Trung Quốc sẽ duy trì vững chắc hệ thống kinh tế cơ bản trong giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội.
Lưu nói rằng Trung Quốc sẽ không quay trở lại nguyên tắc bình đẳng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, vốn nhằm mục đích đánh bại các nhà tư bản.
Nếu ông Tập muốn kiểm tra dư luận về cuộc tranh luận “thịnh vượng chung”, ông sẽ nhận ra rằng, mức nhiệt độ nóng bỏng hiện tại chưa phù hợp để mọi người có thể cảm thấy thoải mái.
Báo hiệu rằng thời đại Đặng Tiểu Bình đã qua, nhưng không chối bỏ con đường cải cách và mở cửa của Đặng, là một con đường khó khăn mà ông Tập phải đi qua. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng ông Tập không hề tỏ ra nản lòng.
Khi nói chuyện tại Trường Đảng Trung ương vào ngày 1 tháng 9, ông Tập nói với các quan chức trẻ rằng, họ cần “dám đấu tranh.”
“Những người cộng sản cần có bản lĩnh, sự chính trực và lòng dũng cảm,” ông nói, “để chúng ta không bao giờ bị đánh lừa bởi ngụy biện, không bao giờ run sợ khi đối mặt với nguy hiểm, và không bao giờ là những kẻ hèn nhát.”