Người Trung Quốc sùng bái và thách thức quyền lực

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Trần Chính Cẩm (Trung Quốc)[1] | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Tô tem của người Trung Quốc là Rồng, mà rồng là sinh vật căn bản không tồn tại, nó chỉ là một vật tượng trưng. Tượng trưng gì thế? Trả lời: Quyền lực!

Ngày 14 tháng 3 năm 2018, Viện Kiểm sát khu vực Đài Bắc [Đài Loan] tuyên bố Mã Anh Cửu “chứng cứ phạm tội rõ ràng”, sẽ bị khởi tố.[2] Như vậy Mã Anh Cửu trở thành vị lãnh đạo thứ ba của Đài Loan sau khi mãn nhiệm bị khởi tố, tiếp sau Lý Đăng Huy và Trần Thuỷ Biển.

Thế nhưng Đài Loan sau ngày thực hành bầu cử dân chủ chỉ có ba vị lãnh đạo này mãn nhiệm.

Chuyện ấy tuy hiếm nhưng vẫn không đơn độc: ông Tăng Ấm Quyền, nguyên Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong [thuộc Trung Quốc], cũng bị khởi tố, hơn nữa đã bị tuyên án.

Nên biết rằng các vị lãnh đạo kể trên đều do quần chúng nhân dân bầu lên đấy chứ. Dân chúng từng sùng bái và điên cuồng ủng hộ mấy vị ấy như thế, nay sao lại trở mặt với người họ bầu lên?

Thái độ mâu thuẫn như vậy của quần chúng nhân dân đối với quyền lực, lúc thì cực kỳ sùng kính, lúc thì trừng mắt coi khinh, thực ra tồn tại suốt trong lịch sử Trung Quốc.

Người Trung Quốc sùng bái quyền lực

Khổng Tử nói “Quân quyền thần thụ” (tức quyền lực của vua chúa là do thần linh ban cho). Tư tưởng ấy bị kẻ thống trị lợi dụng và không ngừng tăng cường, cực hoá. Kết quả làm cho người ta sùng bái quyền lực như sùng bái thánh thần. Và thế là hình thành một thể tồn tại vô cùng độc đáo trên trái đất: Hoàng đế Trung Quốc.

Sử gia Trương Hùng Kiệt viết trong tác phẩm của ông “Năm loại vận mệnh của Hoàng đế Trung Quốc”: “Xưa nay chưa từng có một vật [nguyên văn: tồn tại] nào to lớn hơn, cao cả hơn, hiển hách hơn Hoàng đế Trung Quốc. Loại động vật này chẳng qua cũng có chiều cao như một con người, nặng khoảng trăm cân,[3] nhưng nó có sức mạnh còn hơn tổng sức mạnh của hàng chục triệu con người. Nó khẽ động ngón tay là nửa quả địa cầu này rung chuyển.

Tại trung ương đế quốc Trung Hoa, mọi người dốc hết sức cùng lực kiệt xây dựng một toà cung điện gồm chín nghìn chín trăm chín mươi chín [9999] căn phòng để cho hắn ở. Mấy nghìn trinh nữ xinh đẹp mê hồn được lựa chọn kỹ rồi nhốt vào kinh thành của đế vương để cung phụng hắn một mình hưởng thụ. Mấy chục nghìn đàn ông khoẻ mạnh bị thiến mất bộ phận sinh dục, trở thành lũ quái vật bất nam bất nữ để phục dịch chuyện ăn-uống-ỉa-đái-ngủ của hắn.”

Mỗi chi tiết trong bản thiết kế của chế độ Hoàng đế Trung Quốc đều xuyên suốt một ý tưởng cốt lõi: mỗi một loại hưởng thụ đều được đẩy tới cực đoan, vét cho kỳ hết trí tưởng tượng để lặp đi lặp lại, khoa trương và lãng phí, thậm chí đạt tới cực điểm không thể tăng thêm, không cần thiết nữa, khiến người ta nhàm chán.

Mặc dầu hệ thống đường xá thời xưa vô cùng lạc hậu, việc đi lại của dân chúng cực kỳ khó khăn, thế nhưng mỗi lần Hoàng đế chỉ tay vào một địa điểm mới cần đến trên bản đồ, thì chỉ sau một thời gian ngắn nhất, trên bản đồ đế quốc sẽ xuất hiện một con đường mới dài vài trăm hoặc vài nghìn cây số. Con đường ấy rộng đến 10 mét, cố gắng thẳng băng và được đầm phẳng “nhẵn bóng như sân đập lúa”. Con đường ấy chỉ để một mình Hoàng đế đi, “không cho bất cứ ai đi”. Trước khi Hoàng đế xuất hành, con đường phải được rẩy nước sạch không một hạt bụi.

Để không làm Hoàng đế chán ngán vì phong cảnh trên đường về vẫn y như phong cảnh trên đường đi, “phải đắp một con đường khác để Hoàng đế đi khi trở về”.

Chẳng những sinh thời cực kỳ xa hoa mà khi Hoàng đế chết đi lại còn hao phí rất nhiều sức người sức của để xây lăng mộ, chôn theo vô số châu báu quý hiếm, thậm chí còn chôn theo cả người sống.

Thế nhưng trong xã hội Trung Quốc, từ tầng lớp sĩ đại phu ở trên, cho tới tầng lớp thường dân ở dưới, tất cả mọi người đều nghĩ rằng những chuyện ấy là hợp tình hợp lý. Thậm chí họ còn cho rằng tận trung với Hoàng đế là điều vinh dự. Hoàng đế muốn giết ai thì cái chết của người đó được gọi là “cái chết vua ban cho”, khi nhận lệnh chết, người ấy còn phải tạ ơn Hoàng đế nữa cơ!

Hoàng đế chỉ là đại diện cực đoan của quyền lực, lũ quần thần ở dưới có chút quyền lực cũng muốn phát huy hết mức quyền lực đó. Ta thường thấy một bức tranh thế này: bọn thần tử quỳ gối run lập cập trước Hoàng đế, còn bọn quan phụ mẫu thì cưỡi trên đầu dân chúng tác oai tác phúc!

Song le, Trung Quốc lại là quốc gia xảy ra sự thay đổi vương triều nhiều nhất, thường xuyên nhất trên thế giới.

Người Trung Quốc thách thức quyền lực

Bắt đầu từ câu nói “Chẳng lẽ bọn vương hầu khanh tướng lại cao quý hơn chúng ta ư?” của Trần Thắng, Ngô Quảng,[4] lịch sử Trung Quốc từng trải qua vô số lần “Phất cờ nổi dậy”, cuối cùng để lại cho đời sau 4 chữ: “Thành vương bại khấu” [tức Được làm vua, thua làm giặc].

Hãy xem nước Anh: Vương triều Anglo-Saxon của họ kể từ năm 1066 đến nay chưa từng đứt mạch lần nào.

Vì sao [người Trung Quốc] chúng ta khi sùng bái và khi thách thức quyền lực đều cực đoan tới mức ly kỳ cổ quái khó hiểu như vậy?

Theo tôi, chủ yếu có hai nguyên nhân.

Trước hết, trong nền văn hoá của chúng ta có tồn tại thái độ cực kỳ mâu thuẫn đối với quyền lực.

Tuy Khổng Tử nói “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”,[5] về sau các bậc đại Nho như Chu Hy cũng ra sức đề cao “Tam cương ngũ thường”,[6] phàm việc gì trước hết cũng phải “Trung quân”.

Thế nhưng Á thánh[7] Mạnh Tử lại khác, ông chu du các nước, đi đến đâu bao giờ cũng tràn trề tình cảm kích động, chẳng kiêng kị gì hết, toàn nói những lời ghê gớm, chẳng hạn “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” [nghĩa là dân là trọng hơn cả, xã tắc đứng đằng sau, vua còn nhẹ hơn]; “Phản phục chi bất thính tắc dịch vị” [ý nói cho phép phế truất vua hư hỏng, lập người tài đức làm vua]; “Quân chi thị thần như sĩ giới, tắc thần thị quân như khấu cừu” [Vua coi bề tôi như hòn đất, búi cỏ thì bề tôi coi vua như kẻ thù. Ý nói vua chớ nên coi thường bề tôi].

Về sau Chu Nguyên Chương[8] khi đọc thấy mấy câu kể trên của Mạnh Tử liền biến sắc mặt giận dữ, quát: “Lão này mà còn sống đến bây giờ thì không thể không đem ra chém”.[9]

Dĩ nhiên, người ghê gớm nhất vẫn là Mặc Tử, ông nói: Cho nên chọn người có tài đức trong thiên hạ, lập người ấy làm Thiên Tử…… Sau đó khi thấy người ấy chưa đủ sức thì lại chọn những người có tài đức khác lập thành Tam Công……(Khi lãnh thổ thiên hạ mở rộng mà những người đó không thể hiểu biết được các dân tộc ở xa thì phải chia thiên hạ ra làm nhiều nước, rồi lập vua cho các nước chư hầu. Nếu lại cho rằng họ chưa đủ mạnh, thì) trong mỗi nước chư hầu chọn lấy một số người tài đức, lập họ làm người đứng đầu về hành chính.[10]

Như vậy nghĩa là hai nghìn năm trước, người Trung Quốc đã công nhiên đòi bầu cử!

Hơn nữa, loại “Lời lẽ kịch liệt” ấy cũng nhiều lần xuất hiện trong lịch sử văn học Trung Quốc.

Trong “Tây du ký”, Tôn Ngộ Không nói: “Người ta thường nói: ‘Thay nhau mà làm Hoàng đế, sang năm đến lượt nhà tôi làm, phải bảo hắn dọn đi, để Thiên cung lại cho ta là xong” [đoạn tiếp sau là: Nếu mà không nhường cho ta thì ta nhất định phá rối, mãi mãi không được yên ổn].

Lý Quỳ trong “Truyện Thuỷ Hử” cũng suốt ngày léo nhéo: “Đánh đến Đông Kinh, chiếm lấy ngai vàng để cho ông anh Tống Giang của ta ngồi!”

Cụ Chủ tịch Mao cũng nói: “Nguyên lý chủ nghĩa Mác có trăm nghìn điều, nói cho đến cùng là một câu –– Làm phản là có lý!”

Trong nền văn hoá của chúng ta, dù là sùng bái quyền lực hay là thách thức quyền lực, đều cực đoan như thế cả.

Nhật Bản và Hàn Quốc kế thừa văn hoá Trung Quốc và đạo Khổng Mạnh cũng đều như vậy.

Trong thời gian ngót hai chục năm nay, trừ hai ông Junichiro Koizumi và Shinzo Abe ra, rất ít  các vị Thủ tướng nước Nhật có thể làm tròn nhiệm kỳ hai năm; thậm chí rất nhiều người chỉ làm được vài tháng, ngồi ghế chưa nóng đít đã bị hạ bệ.

Dĩ nhiên thê thảm nhất là Hàn Quốc. Chuyện về các vị Tổng thống Hàn Quốc là một bộ sử viết bằng máu và nước mắt. Thế nhưng tại Triều Tiên –– nước đối diện với Hàn Quốc, thì chuyện người lãnh đạo của họ lại là một “Bài tụng ca người anh hùng”!

Ngoài ra còn có một nguyên nhân trực tiếp hơn: sự cực đoan sùng bái quyền lực dẫn đến sự cực độ phình to quyền lực mà không bị ràng buộc. Quyền lực như thế sẽ tất nhiên sinh ra sự suy đồi cực độ. Chúng ta thấy thời kỳ cuối của các triều đại trong lịch sử đều suy đồi tới mức không chịu nổi, dân chúng không còn đường sống, người chết đói đầy đường, biết bao màn kịch bi thảm lần lượt diễn ra trên đất Trung Quốc.

“Ngày mồng 6 tháng Tư, cha của Chu Trọng Bát chết đói. Mồng 9, anh cả chết đói. Ngày 12, con trưởng của anh cả chết đói. Ngày 22, mẹ chết đói……”

Khi mọi người không có mảnh đất cắm dùi, không còn lối thoát nữa thì tự nhiên người ta vùng lên chống lại quyền lực.

Bởi vậy, cực đoan sùng bái quyền lực tất nhiên sẽ dẫn tới cực đoan thách thức quyền lực.

Thế nhưng sự thách thức quyền lực sẽ có thể như thế nào?

Mỗi lần dấy binh tạo phản đều làm vô số người thương vong. Cuộc nội chiến quy mô lớn nhất trong lịch sử thế giới –– Phong trào Thái bình Thiên quốc[11] trực tiếp dẫn đến hậu quả làm cho số dân Trung Quốc giảm đi 100 triệu người!

Cứ cho là tạo phản thành công thì cuối cùng cũng chỉ là thay kẻ làm Hoàng đế mà thôi, còn lại vẫn tiếp tục đi lên cái vòng tuần hoán ác tính: sùng bái – suy đồi – thách thức – sùng bái.

Song le, chuyện đáng buồn là ở chỗ cho dù cực đoan sùng bái quyền lực hay là thách thức quyền lực một cách không kiêng dè gì hết, cuối cùng đều dẫn tới kết quả “Thắng hoặc thua, dân chúng đều khổ!”

Nếu chúng ta không thể bỏ được tâm trạng cực đoan như vậy đối với quyền lực thì nhân dân sẽ mãi mãi khổ sở.

Ai nấy đều nói Tô tem của người Trung Quốc là con rồng, mà rồng là một sinh vật căn bản không tồn tại. Nó chỉ là một thứ tượng trưng. Tượng trưng cho cái gì vậy?  Câu trả lời là quyền lực!

Chúng ta phải phá bỏ sự sùng bái đối với con rồng ấy. Trước hết phải nhốt nó vào trong cái cũi của chế độ! Sao cho nó không thể lại muốn gì làm nấy, hô phong hoán vũ, mặc sức thể hiện tài thần thông quảng đại.

Điều quan trọng hơn là chúng ta phải lôi con rồng ấy ra khỏi điện thờ trong lòng người Trung Quốc.

Tôi nghĩ rằng sẽ có một ngày chúng ta có thể thực sự vứt bỏ được sự sùng bái quyền lực, có thể nhìn nhận quyền lực một cách khách quan và có lý trí. Chỉ khi ấy chúng ta mới có dân chủ đích thực.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch và ghi chú từ nguồn tiếng Trung:浅谈国人对权力崇拜与挑战  (2018-08-06).

————

[1] Trần Chính Cẩm 陈政锦, s. 1991, nghiên cứu sinh thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học ứng dụng tại Học viện Chính trị thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc.

[2] Mã Anh Cửu, Tổng thống Đài Loan thời gian 2008-2016; năm 2018 bị Toà án Tối cao kết án 4 tháng tù vì tội làm lộ an ninh quốc gia. Lý Đăng Huy (nhiệm kỳ 1996-2000), Trần Thuỷ Biển (nhiệm kỳ 2000-2008), Mã Anh Cửu đều là Tổng thống dân bầu, làm việc hết nhiệm kỳ.

[3] Cân Trung Quốc bằng nửa kg.

[4] Trần Thắng, Ngô Quảng là hai thủ lĩnh dẫn đầu phong trào khởi nghĩa chống lại sự cai trị tàn bạo của triều đình Tần Nhị Thế, bắt đầu từ năm 209 TCN. Được nhiều nơi hưởng ứng, Trần Thắng chiếm được quận Trần và xưng vua, định quốc hiệu là “Trương Sở”. Đây là chính quyền do nông dân xây dựng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, nhưng chỉ tồn tại được 6 tháng, cho tới khi nhà Tần diệt được Trần Thắng.

[5] Nghĩa là vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con; ý nói từ vua đến dân, ai nấy đều phải hành xử đúng với danh phận của mình, như vậy quốc gia mới thịnh trị.

[6] Tam cương chỉ ba mối quan hệ trật tự trên-dưới: vua-tôi, cha-con, chồng-vợ. Ngũ thường chỉ năm đạo đức con người phải thường xuyên làm theo: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

[7] Á Thánh là tên tôn xưng Mạnh Tử, đồng thời là từ chỉ người có tài năng gần bằng với người trước đã được coi là tài thánh (Khổng Tử).

[8] Chu Nguyên Chương tức Minh Thái Tổ, là Hoàng đế đầu tiên của vương triều nhà Minh (1368 – 1644), một trong những Hoàng đế vĩ đại nhưng cũng tàn ác nhất lịch sử Trung Quốc.

[9] “Sử thử lão tại kim nhật, ninh đắc miễn hô?”

[10] “Cố tuyển thiên hạ chi hiền giả, lập dĩ vi Thiên Tử……Hựu tuyển thiên hạ chi hiền giả, trí lập chi dĩ vi Tam Công……Hựu tuyển trạch kỳ quốc chi hiền giả, trí lập chi dĩ vi Chính Trưởng.”

[11] Thái bình Thiên quốc: cuộc chiến tranh cách mạng của nông dân Trung Quốc chống lại sự cai trị của triều đình nhà Thanh và sự xâm lược của đế quốc nước ngoài, khởi sự năm 1851 tại Quảng Tây, do Hồng Tú Toàn lãnh đạo. Năm 1853 định đô tại Thiên Kinh (Nam Kinh), năm 1864 thất bại. Một số nhà lãnh đạo phong trào này từng cố gắng học hỏi văn minh phương Tây, tìm con đường chống phong kiến chống đế quốc, giành độc lập và xây dựng Trung Quốc giàu mạnh.