Ứng xử của Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc trong kháng chiến chống Mỹ

Tác giả: GS.TS. Vũ Dương Huân (Học viện Ngoại giao)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là những trang vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cùng với mặt trận quân sự, chính trị, mặt trận ngoại giao đã có những đóng góp không nhỏ, hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ và giải quyết vấn đề ta thắng địch thua. Trong mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân ta kháng chiến, Liên Xô, Trung Quốc đóng vai trò quyết định vì là hai đồng minh lớn của Việt Nam. Rất tiếc, lúc đó hai nước lại đang có bất đồng, mâu thuẫn nghiêm trọng, thậm chí coi nhau như kẻ thù. Với chính sách đối ngoại đúng đắn, với nghệ thuật ngoại giao tài tình, khôn khéo, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết được với cả Liên Xô, Trung Quốc, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ to lớn, hiệu quả về tinh thần cũng như vật chất của cả hai đồng minh cho cuộc kháng chiến. Tìm hiểu cách ứng xử của ngoại giao Việt Nam đối với Liên Xô, Trung Quốc là mục tiêu của bài viết này.

 1. Vài nét về đường lối, chính sách đối ngoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta không đơn thuần là cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ mà là “một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.[1] Mỹ có chiến lược toàn cầu, và trong những năm 1960 là chiến lược phản ứng linh hoạt, trong đó trọng tâm đánh vào phong trào giải phóng dân tộc đang dâng cao sau Điện Biên Phủ. Mỹ xâm lược Việt Nam vì Việt Nam là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á, ngọn cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam Á. Việt Nam chống Mỹ là bảo vệ hoà bình, bảo vệ chủ nghĩa xã hội và làm tấm gương cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Mặt khác, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang có khủng hoảng về đường lối cách mạng, có tranh luận gay gắt: chiến tranh hay hoà bình? Phòng ngự hay tấn công? Chung sống hoà bình hay cách mạng bạo lực? Cuộc kháng chiến chống Mỹ liên quan chặt chẽ những vấn đề đó. Hơn nữa, tư tưởng sợ Mỹ đang lan tràn trên thế giới. Mỹ là một trong hai siêu cường trên thế giới, có sức mạnh vô địch, bất khả chiến bại. Tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ là vô cùng to lớn, có liên minh quân sự khắp thế giới. Việt Nam là nước nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu. Song cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta phù hợp với các mục tiêu cách mạng của thời đại là hoà bình, độc lập dân tộc, dân sinh, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy mà cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rất rộng rãi của nhân dân thế giới.

Từ sự phân tích sâu sắc tính chất cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặt thuận lợi, khó khăn của bối cảnh quốc tế, cũng như đối thủ của chúng ta là đế quốc Mỹ, Đảng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của nhân tố quốc tế đối với cuộc kháng chiến của ta và đi đến kết luận: muốn đánh Mỹ và thắng Mỹ phải có sức mạnh tổng hợp (dân tộc và thời đại); sức mạnh bên trong là quyết định, song sức mạnh bên ngoài vô cùng quan trọng do so sánh lực lượng giữa ta và địch. Vì vậy, mặt trận ngoại giao có vị trí hết sức to lớn. Hội nghị Trung ương 13 khóa III (23-27/1/1967) đã ra Nghị quyết nhận định: “…đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định giành thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò tích cực và chủ động”.[2] Tiếp đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị số 188-NQ/TW ngày 10/5/1969, lần đầu tiên khẳng định “Tiến công ngoại giao là một mặt trận quan trọng có ý nghĩa chiến lược”.[3]

Chúng ta đã xác định đúng đường lối đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam là độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đồng thời, làm rõ hai nhiệm vụ của mặt trận ngoại giao.

Một là, tăng cường hậu phương quốc tế của ta, làm rối loạn hậu phương quốc tế của địch, góp phần làm chuyển biến so sánh lực lượng từng bước có lợi cho ta. Có điều kiện khách quan để thực hiện tốt nhiệm vụ này vì mục tiêu cuộc kháng chiến của chúng ta phù hợp với các mục tiêu của thời đại. Vì vậy, chúng ta đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của tất cả các lực lượng cách mạng và các lực lượng tiến bộ trên thế giới, hình thành trên thực tế mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Một trong bộ phận quyết định của mặt trận đó là các nước xã hội chủ nghĩa mà Liên Xô, Trung Quốc là nòng cốt. Vận động quốc tế của chúng ta được triển khai theo 4 nội dung chính: nêu cao chính nghĩa; khẳng định quyết tâm đánh Mỹ; nêu cao thiện chí hoà bình, và tố cáo Mỹ xâm lược. Tuỳ tình hình, thời điểm chúng ta nhấn mạnh nội dung nào.

Hai là, giải quyết vấn đề ta thắng địch thua. Như đã nói ở trên, đối thủ của Việt Nam là một siêu cường, cho nên phải biết thắng, chứ không thể như Liên Xô và Đồng minh đánh bại phát xít Đức, quân phiệt Nhật trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thắng có nghĩa là chúng ta bảo vệ được độc lập dân tộc, chủ quyền còn Mỹ chấm dứt xâm lược, rút quân về nước, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Căn dặn ông Xuân Thủy, Trưởng Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris trước khi lên đường sang Paris, Bác nói: “Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc đàm phán, thương lượng là thất bại rồi, vì thế Bác yêu cầu không được làm Mỹ mất mặt. Phải tế nhị, khôn khéo, lúc cương, lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả… Chiến tranh sẽ còn kéo dài, đàm phán phải kiên trì, không được nóng ruột”.[4] Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tuyên bố sẵn sàng “trải thảm đỏ” hay nối “nhịp cầu vàng”[5] để Mỹ rút quân về nước. Một chính sách vô cùng khôn ngoan, không kém gì cha, ông.

Về phương châm của mặt trận ngoại giao, Đảng ta cũng nhận thức rõ:

    • Phát huy thế mạnh, thế thắng;
    • Chủ động tiến công địch;
    • Giữ vững tính độc lập, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nước anh em.[6]

Đối với Liên Xô, Trung Quốc, Đảng ta cũng xác định: tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ vật chất, phối hợp về đấu tranh ngoại giao của các nước xã hội chủ nghĩa, các đảng anh em, trước hết là Liên Xô, Trung Quốc [7]. “Thiếu sự giúp đỡ to lớn đó (của Liên Xô và Trung Quốc), ta khó duy trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến”.[8]

2. Về mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc

Đúng vào lúc chúng ta triển khai cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam, giữa Liên Xô Trung Quốc đã diễn ra cuộc đấu tranh giành giật ảnh hưởng và tập hợp lực lượng mà Việt Nam là đối tượng tranh chấp. Trung Quốc giương cao ngọn cờ chống Mỹ và chống chủ nghĩa xét lại để chống Liên Xô, phá hòa hoãn Xô-Mỹ, nhưng cũng muốn hòa hoãn với Mỹ; đồng thời ra sức tập hợp lực lượng để giành quyền lãnh đạo cách mạng thế giới. Tháng 4/1960, Trung Quốc xuất bản cuốn sách “Chủ nghĩa Lenin muôn năm”. Từ tháng 9/1963, lần lượt đăng 9 bài xã luận của Nhân dân Nhật báo phê phán Liên Xô. Trung Quốc đưa 25 điểm vào cương lĩnh cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đề nghị họp hội nghị 11 đảng châu Á làm nòng cốt tập hợp lực lượng, ủng hộ việc thành lập GANEFO (các lực lượng mới trỗi dậy), mong muốn lập trục Bắc Kinh – Bình Nhưỡng – Hà Nội – Phnom Pênh – Giacacta; thúc đẩy Hội nghị cấp cao Á- Phi ở Angiêri, để cô lập Liên Xô.

Về Liên Xô, do mâu thuẫn ngày càng tăng, tháng 6/1959, Liên Xô hủy bỏ thỏa thuận cung cấp mẫu bom nguyên tử cho Trung Quốc đã thỏa thuân trước đó. Năm 1960, Liên Xô rút chuyên gia, cắt viện trợ, phê phán Trung Quốc trong vụ tranh chấp biên giới Trung – Ấn (năm 1962). Liên Xô ký với Mỹ hiệp ước cấm thử vũ khí hật nhân từng phần, mà một trong các mục đích là hạn chế Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân (1963). Từ năm 1964, Liên Xô còn vận động triệu tập hội nghị các Đảng cộng sản và công nhân để khai trừ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến năm 1969 hội nghị như vậy đã được Liên Xô tổ chức, có 75 đảng tham dự.[9]

Mâu thuẫn Xô-Trung gây hậu quả nghiêm trọng cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và ảnh huởng tiêu cực lớn đến cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.

3. Ứng xử của chúng ta

 3.1 Một số nguyên tắc trong quan hệ

Từ chủ trương hết sức coi trọng và tranh thủ cả Liên Xô, Trung Quốc, chúng ta đã xây dựng một số nguyên tắc trong ứng xử. Các nguyên tắc đó gồm:

Cân bằng quan hệ với hai nước, giữ gìn quan hệ hữu nghị chân thành với cả hai nước, không nhất biên đảo. Đồng thời, chúng ta luôn tạo điều kiện để Liên Xô và Trung Quốc có tiếng nói, có vị trí, vai trò nhất định trong vấn đề Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam thường xuyên thông báo tình hình và trao đổi ý kiến rộng rãi với lãnh đạo hai nước qua các cuộc gặp gỡ cấp cao. Với Liên Xô, trong 7 năm chúng ta đã tiến hành 51 cuộc gặp cấp cao như vậy (từ Ủy viên Bộ Chính trị trở lên). Với Trung Quốc số lượng các cuộc gặp cũng khoảng như vậy, thậm chí có thể nhiều hơn.

Mặc dù chúng ta hết sức tranh thủ các đồng minh, song kiên quyết giữ độc lập tự chủ. Đây là nguyên tắc vô cùng quan trọng, bất di bất dịch trong đường lối đối ngoại của chúng ta đã được tổng kết rút kinh nghiệm từ quá khứ, trong đó có Hội nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương. Việt Nam kiên quyết không để Liên Xô, Trung Quốc gây ảnh hưởng đến đường lối và phương thức tiến hành chiến tranh của chúng ta. Chúng ta hiểu thực tiễn hơn các đồng minh của chúng ta. Chúng ta kiên quyết không để vấn đề Việt Nam rơi vào quỹ đạo quan hệ Xô-Mỹ hoặc quan hệ Trung- Mỹ.

Tổng kết các nguyên tắc trên, công trình 50 năm ngoại giao Việt Nam viết: “Ta chân thành tranh thủ cả hai, đoàn kết với cả hai. Ta đề cao vai trò và sự giúp đỡ của cả hai nước đối với cuộc chiến đấu của ta. Ta nhận viện trợ nhưng giữ độc lập, tự chủ, không tranh luận với các ý kiến không phù hợp quan điểm của ta hoặc không có lợi cho sự đoàn kết XHCN. Ta kiên trì đoàn kết, tranh thủ được cả Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN cho đến thắng lợi”.[10]

3.2. Xử lý khôn khéo các vấn đề có bất đồng hoặc liên quan đến nước thứ ba

Với Liên Xô

Với chiến lược của mình, Liên Xô muốn Việt Nam đi vào giải pháp sớm, muốn làm trung gian đàm phán giữa chúng ta và Mỹ. Mặc dù Liên Xô tác động, thúc đẩy, song chúng ta kiên trì thuyết phục Liên Xô, kiên định thúc đẩy đấu tranh trên ba mặt trận (quân sự, chính trị và ngoại giao) mà không đi vào giải pháp sớm như Liên Xô mong muốn. Quan điểm của Việt Nam đúng và thực tiễn dần dần đã thuyết phục được các bạn Liên Xô. Mặt khác, chúng ta kiên quyết không để Liên Xô làm trung gian đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ. Chúng ta có bài học Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương. Chỉ có đàm phán trực tiếp với đối thủ, chúng ta mới phát huy được thế thắng của chiến trường và tránh được những tác động tiêu cực của các đối tượng khác vào đàm phán. Trong vấn đề này, sau này Liên Xô cũng thấy là Việt Nam có lý, Việt Nam đúng.

Liên Xô rất muốn tác động vào cách điều hành chiến tranh của chúng ta. Để Liên Xô không có điều kiện tác động vào cách điều hành chiến tranh của mình nên Việt Nam không nhận sỹ quan Liên Xô lái máy bay, điều khiển tên lửa mà Liên Xô trang bị cho chúng ta, không nhận hệ thống cố vấn phòng không các cấp, không nhận cố vấn bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng không nhận quân tình nguyện của Liên Xô. Chúng ta có đủ nhân lực, trí tuệ để sử dụng các khí tài. Mặt khác, chúng ta cũng lo ngại nếu để các chiến sỹ Liên Xô trực tiếp tham gia chiến đấu dễ xẩy ra thương vong. Điều đó là không cần thiết.

Liên Xô đề xuất hành loạt sáng kiến rất hay, như thống nhất hành động giúp Việt Nam. Đề xuất này rất có lợi cho cuộc kháng chiến của chúng ta. Nhằm tránh gây cấn với Trung Quốc, chúng ta không tham gia vận động thống nhất hành động. Đồng thời, Liên Xô cũng đề nghị lập cầu hàng không qua không phận Trung Quốc, lập căn cứ của Liên Xô ở Hoa Nam Trung Quốc để giúp Việt Nam. Mặc dù, các sáng kiến trên rất tốt cho Việt Nam, song chúng ta buộc từ chối vì Trung Quốc không tán thành. Mặt khác, chúng ta cũng không tham gia Hội nghị 75 đảng cộng sản và công nhân thế giới do Liên Xô tổ chức để cô lập Trung Quốc.

Với Trung Quốc

Trong ứng xử với Trung Quốc, vấn đề phức tạp hơn nhiều do Trung Quốc là láng giềng liền kề biên giới với Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc nắm vấn đề vận chuyển đường bộ hàng viện trợ của Liên Xô, Đông Âu cho chúng ta. Một phức tạp, khó khăn lớn khác là Trung Quốc đang tiến hành cách mạng văn hóa, mà thực chất là đấu tranh quyền lực nội bộ giữa các phe phái.

Chính vì vậy, ứng xử của chúng ta đối với Trung Quốc phải rất thận trọng, tế nhị. Chúng ta đã ứng xử như sau:

Đối với nhiều đề nghị của Liên Xô có lợi cho ta, như vấn đề thống nhất hoạt động ủng hộ Việt Nam, lập cầu hàng không, lập căn cứ không quân Liên Xô ở Hoa Nam Trung Quốc, nếu Trung Quốc không tán thành thì chúng ta cũng không ép Trung Quốc. Qua việc làm đó để Trung Quốc thấy rằng Việt Nam không theo Liên Xô, Việt Nam cân bằng quan hệ với cả Liên Xô, Trung Quốc ngay cả khi các đề xuất của Liên Xô có lợi cho cuộc chiến đấu của Việt Nam. Lập trường đoàn kết với cả hai nước là kiên định và nhất quán. Nhiều lần lãnh đạo Việt Nam thăm Liên Xô, Trung Quốc, dù đứng trên đất Trung Quốc, chúng ta cũng công khai cám ơn Liên Xô, và ngược lại, có mặt trên đất Liên Xô cũng nói lời cám ơn Trung Quốc.

Mặt khác, chúng ta cũng kiên quyết từ chối việc Trung Quốc muốn giúp ta đưa bộ đội làm đường vào Nam, đưa cán bộ Trung Quốc vào miền Nam nghiên cứu. Những việc đó chúng ta có thế tự làm lấy, cũng như không nhận quân tình nguyên Liên Xô, cố vấn Liên Xô. Song, để đáp ứng nhiệt tình của Trung Quốc, chúng ta đã chấp nhận bộ đội phòng không của Trung Quốc giúp ta ở miền Bắc và làm đường ở miền Bắc.

Giữa Việt Nam và Trung Quốc có khác nhau về quan điểm một số vấn đề, chúng ta kiên trì tìm cách thuyết phục, tìm thời cơ thuyết phục Lãnh đạo Trung Quốc. Ví dụ như vấn đề đánh đàm, lúc đầu Trung Quốc kiên quyết phản đối chúng ta vừa đánh vừa đàm, khuyên ta trường kỳ mai phục. Ngày 13/3/1960, Phó Thủ tướng Trần Nghị gợi ý: Phương châm hiện nay là củng cố bản thân, đợi khi chín muồi mới giải quyết vấn đề thống nhất. Còn Thủ tướng Chu Ân Lại lại khuyên chúng ta: Không nên làm cho địch tuyệt vọng quá sớm rồi có thể hốt hoảng đánh ra Bắc. Cần chú ý xây dựng kinh tế, phát triển sản xuất, làm tốt nông nghiệp (ngày 7/10/1962), và không nên ồ ạt phái nhiều quân chi viện vào miền Nam (ngày 31/7/1963). Còn Chủ tịch Mao Trạch Đông thì nhắc nhở: các đồng chí đừng ghẹo nó (ý nói vụ tàu Ma-đốc tháng 8/1964), không trêu nó, nó không làm gì đâu. Việc đưa vào miền Nam một hai trung đoàn nữa cần phải cân nhắc (tháng 10/1964). Đến tận tháng 10/1968, Trung Quốc còn phản đối ta vừa đánh, vừa đàm, và quan hệ giữa hai nước có không ít khó khăn. Ngày 17 tháng 10 năm 1968, Bộ trưởng Ngoại giao Trần Nghị gặp đại diện Việt Nam, thông báo tuyên bố của những người lãnh đạo Trung Quốc về cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ: “Lần này nếu các đồng chí chấp nhận bốn bên đàm phán tức là giúp cho Johnson và Humphrey đạt được thắng lợi trong bầu cử, để cho nhân dân miền Nam Việt Nam vẫn ở dưới sự đô hộ của đế quốc Mỹ và bù nhìn, không được giải phóng, làm cho nhân dân miền Nam Việt Nam còn có khả năng bị tổn thất lớn hơn… Như vậy, giữa hai Đảng và hai nước chúng ta còn cần nói chuyện gì nữa?”[11]

Lúc đầu, chúng ta chưa thật hiểu tại sao Trung Quốc có thái độ như vậy. Để giải tỏa, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã khôn khéo cử Đoàn Trung ương Cục miền Nam sang thăm Trung Quốc, báo cáo với Mao Chủ tịch về cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi cùng Đoàn. Ngày 17/11/1968, khi tiếp Đoàn, Mao Chủ tịch tuyên bố ủng hộ chủ trương đánh đàm của Việt Nam.[12] Như vậy, đến thời điểm đó, Trung Quốc đã thay đổi thái độ, chuyển sang ủng hộ Việt Nam vừa đánh vừa đàm. Thậm chí còn khen ta đánh giỏi, đàm cũng giỏi. Nguyên nhân chính là Trung Quốc đã móc được với Mỹ, thừa lúc Mỹ khó khăn, ép Mỹ đi vào bình thường hóa quan hệ, khôi phục địa vị tại Liên hợp quốc, giải quyết một bước vấn đề Đài Loan, lợi dụng thắng lợi của Việt Nam mua bán với Mỹ.[13]

Một vấn đề lớn trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là về vấn đề chống xét lại, quan điểm của Trung Quốc là chống xét lại Liên Xô, lôi kéo Việt Nam chống xét lại, chống Liên Xô. Đồng thời, trong nội bộ Trung Quốc cũng râm ran tin đồn Việt Nam theo xét lại Liên Xô. Vì lợi ích của chúng ta, Việt Nam không thể đồng tình với quan điểm Trung Quốc. Chúng ta đã kiên trì thuyết phục Trung Quốc rằng chống Mỹ thắng lợi là cách chống xét lại tốt nhất. Mặt khác, khi có dịp chúng ta đều tế nhị nói cho Trung Quốc biết rằng: Việt Nam không theo xét lại, có quan điểm độc lập của mình theo tinh thần chủ nghĩa Mác-Lênin. Khoảng tháng 6 năm 1964, Bành Chân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc thăm Việt Nam. Khi tiễn Bành Chân về nước, Bác Hồ đã khéo léo, tế nhị ứng khẩu mấy vần thơ:

Bắc Kinh thân hữu như tương vấn,

 Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.

Dịch nghĩa:

Bạn bè ở Bắc Kinh nếu có hỏi thăm,

Xin thưa hộ rằng tôi vẫn giữ tấm lòng trong sáng như băng trong bình ngọc.

Hồ Chủ tịch đã sử dụng câu thơ Đường nổi tiếng của Vương Xương Linh, thay hai chữ Lạc Dương bằng Bắc Kinh để nói lòng mình.

Khó khăn lớn khác đối với chúng ta là Trung Quốc vận động Việt Nam ủng hộ Đại cách mạng văn hóa. Trong nội bộ chúng ta cũng có những ý kiến không giống nhau. Biết rõ thực chất của cách mạng văn hóa hơn ai hết, nhưng Bác vẫn hỏi: Ở đây có ai hiểu Trung Quốc bằng Bác không? Hồ Chí Minh nói tiếp: Thế mà bây giờ Bác cũng chẳng hiểu ra làm sao cả. Đã không hiểu thì không nên phát biểu ý kiến”. Không như nhiều Đảng anh em, có đảng thì phê phán, Anbani ủng hộ. Bác Hồ và Đảng ta kiên trì đó là công việc nội bộ của Trung Quốc. Bác giải thích với lãnh đạo Trung Quốc rằng Việt Nam đang bận cách mạng vũ hóa nên không tham gia cách mạng văn hóa được. Đồng thời, nhân dịp 74 năm ngày sinh Mao Chủ tịch, Bác đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt. Ngày 26/12/1967, trang nhất Nhân Dân Nhật báo đăng bút tích của Bác bằng chữ Hán: “Kính chúc Mao Chủ tịch vạn thọ vô cương”. “Vạn thọ vô cương” là khẩu hiệu chung của nhân dân Trung Quốc chúc tụng, tôn kính lãnh tụ của mình trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Động tác của Bác đã góp phần giải tỏa một số vướng mắc xung quan thái độ của Việt Nam đối với cách mạng văn hóa trong nội bộ Trung Quốc.

Một vấn đề khác có thái độ khác nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc, song đã được Bác Hồ xử lý rất khéo léo, tinh tế, không làm mất lòng Trung Quốc, trong khi Liên Xô cũng vui mừng, là chúc mừng ngày sinh nhà lãnh đạo Liên Xô N. Khơrútxốp. Năm 1964, sắp đến kỷ niệm 70 năm Ngày sinh của Bí thư thứ nhất, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô N. Khơrútxốp, Trung Quốc bất ngờ thông báo cho các đảng anh em: từ trước thông thường kỷ niệm ngày sinh tròn lãnh tụ, các nước đều có điện mừng, song từ nay Trung Quốc sẽ không gửi điện chúc mừng, đề nghị các nước anh em cũng làm như vậy. Do mâu thuẫn giữa Liên Xô, Trung Quốc nên Trung Quốc không muốn gửi điện chúc mừng Khơrutxốp. Đến ngày sinh của Khơrútxốp, Bác cho mời Đại sứ Liên Xô ở Việt Nam lên Phủ Chủ tịch, đề nghị Đại sứ chuyển lời chúc mừng nồng nhiệt của Bác cho đồng chí Khơrútxốp. Liên Xô rất hài lòng, còn Trung Quốc cũng không phật ý vì báo chí không đưa tin.[14]

4. Kết quả ứng xử của Việt Nam

Nhờ chính sách dối ngoại đúng đắn, trong đó có ứng xử đúng đắn trong quan hệ với hai đồng minh lớn nhất, quan trọng nhất là Liên Xô và Trung Quốc, chúng ta giữ được đoàn kết, hữu nghị và quan hệ đồng minh chiến lược với hai nước và các nước anh em khác, chúng ta giữ được độc lập tự chủ, hai đồng minh tôn trọng quan điểm của chúng ta.

Việt Nam đã tranh thủ được viện trợ to lớn, hiệu quả của hai nước Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác ngay cả những lúc quan hệ khó khăn, nhiều gay cấn, như chúng ta không ủng hộ cách mạng văn hóa của Trung Quốc, không tán thành việc Liên Xô làm trung gian…, song hai đồng minh cũng không thể phản đối chúng ta. Trung Quốc cung cấp cho chúng ta khoảng 52% tổng viện trợ quốc tế. Viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc là nhân tố vô cùng quan trọng, góp phần giữ vững và phát triển cuộc chống Mỹ cứu nước. Tại Đại hội Đảng lần thứ 4 (năm 1976), đồng chí Lê Duẩn đã bày tỏ “lòng biết ơn sâu sắc nhất đối với Liên Xô, Trung Quốc… dành cho nhân dân ta sự ửng hộ và giúp đỡ toàn diện, to lớn và quý báu”.[15]

Chúng ta đã hạn chế được tác động xấu của mâu thuẫn Xô-Trung, mặt tiêu cực trong thái độ của hai nước đối với chúng ta. Chúng ta đã phát huy vai trò, ảnh hưởng của Liên Xô trên trường quốc tế, đặc biệt đối với Đông Âu, với phong trào giải phóng dân tộc và các tổ chức hòa bình dân chủ quốc tế… Chúng ta cũng phát huy vai trò của Trung Quốc là hậu phương trực tiếp của chúng ta, như đảm bảo đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng, bảo đảm hậu cần, vận chuyển… Việt Nam là nước duy nhất nhận được sự ủng hộ và viện trợ vật chất của cả hai nước. Chúng ta không nhất biên đảo, đoàn kết và hợp tác với cả hai bên là chính sách đúng đắn nhất, có lợi nhất.

***

Liên Xô, Trung Quốc là hai đồng minh lớn nhất, quan trọng nhất của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Do lợi ích khác nhau nên Liên Xô, Trung Quốc có bất đồng và mâu thuẫn rất sâu sắc, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc kháng chiến của chúng ta. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Bác Hồ đã có chính sách đối ngoại đúng đắn, đoàn kết, hữu nghị chân thành với cả hai nước, đồng thời đã ứng xử tế nhị, linh hoạt, khôn khéo cân bằng với cả Liên Xô, Trung Quốc. Kết quả là Liên Xô và Trung Quốc hiểu, tôn trọng đường lối độc lập, tự chủ của Việt Nam, tiếp tục dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, một trong các nhân tố làm nên thắng lợi Đại thắng Mùa Xuân 1975 lịch sử. Đó thực sự là nghệ thuật ngoại giao Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật ngoại giao của dân tộc Việt Nam.

————-

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Hà Nội-2004, tập 37, tr. 471.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 28, tr.174.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 30, 134.

[4] Hồi ký Nguyễn Minh Vỹ: Tuần báo Quốc tế, số 20, tháng 5.1995.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, Nxb. CTQG, Hà Nội-2011, tập 14, tr.45.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiên Đảng toàn tập, Sđd,tập 28, tr.174.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 28, tr.177.

[8] Bộ Ngoại giao: Tổng kết 50 năm ngoại giao Việt Nam(1945-1995), lưu hành nội bộ, Hà Nội-2001, Phần I: Khái quát 50 năm ngoại giao Việt Nam, tr. 29.

[9] Xem: Mâu thuẫn Xo-Trung, P2 : Chiến tranh bên bờ vực thẳm, https://trainghiemsong.vn/mau-thuan-xo-trung-1960-1969-P2-chien-tranh-ben-bo-vuc, truy cập 1/9/2020.

[10] Bộ Ngoại giao: Tổng kết 50 năm ngoại giao Việt Nam, Sđd, Phần I, tr.29.

[11] Bộ Ngoại giao: Sự thật về quan hệ Việt Nam- Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb. Sự thật, Hà Nội-1979, tr. 29.

[12] Bộ Ngoại giao: Tổng kết 50 năm ngoại giao Việt Nam(1945-1995), lưu hành nội bộ, Hà Nội-2001, Phần III (1954-1975), tr. 80.

[13] Bộ Ngoại giao, Sđd, Phần III, tr.68. tr. 68.

[14] Mỹ Anh: Bác Hồ chúc mừng ngày sinh Khơrútxốp, Tuần báo Thế giới & Việt Nam, số 101, từ ngày 18-24.10. 2008.

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 37, tr. 476.