Tác giả: Thôi Thanh Minh
Ngày nay, ai ra nước ngoài dù với mục đích gì cũng cần mang theo hộ chiếu. Cuốn sổ nhỏ này thường được đánh số, chứa một tập hợp thông tin nhất định về một người, chẳng hạn như tên, ngày sinh, nơi sinh, một tấm ảnh chân dung, và dường như những đặc điểm này trao cho hộ chiếu một thứ giá trị thực thụ bởi nếu thiếu nó, chúng ta sẽ khó có thể đi qua được biên giới quốc tế, hoặc tệ hơn, bị trừng phạt khi ở nước ngoài. Mặc dù vậy, thực ra trong phần lớn lịch sử, người ta từng không cần có hộ chiếu để đi lại từ nơi này qua nơi khác, và ban đầu cơ chế quản lý đi lại bằng hộ chiếu có mục đích rất khác so với ngày nay. Cuốn sách “The invention of the passport: surveillance, citizenship and the state” (Sự phát minh ra hộ chiếu: Giám sát, địa vị công dân và nhà nước) của giáo sư John C. Torpey cho chúng ta biết quá trình phát triển và ứng dụng của hộ chiếu hiện đại diễn ra như thế nào, và những nỗ lực mang tính kiểm soát của các nhà nước đằng sau những tấm hộ chiếu.
Với quan niệm của chủ nghĩa trọng thương rằng dân số đi đôi với của cải và sức mạnh quân sự, việc sử dụng giấy tờ để kiểm soát đi lại ở châu Âu đã có lịch sử lâu đời từ thời trung cổ. Ngay từ năm 1570, từ “hộ chiếu” (Pässe, Passporten) đã bắt đầu được đưa vào ngôn ngữ pháp luật của thành phố Speyer, Đức. Song ở thời kỳ này, việc áp dụng hộ chiếu và giấy thông hành mới chỉ là những chính sách mang tính nội bộ của những kẻ cai trị, chủ yếu nhằm trói buộc thần dân của mình, ngăn cấm rời bỏ đất đai của giới chủ quý tộc.
Dưới chế độ phong kiến, các nước châu Âu được phân chia thành các lãnh địa riêng biệt dưới quyền cai quản của lãnh chúa. Những người sống trong các lãnh địa hay địa hạt khác nhau được coi là “người lạ” (foreigner), dù cùng một dân tộc hay không. Không thể dựa vào việc nhìn mặt hay nói chuyện đơn thuần để xác định được đâu là đồng hương, đâu là những “người lạ” khả nghi, các chức sắc căn cứ vào hộ chiếu, loại giấy tờ nêu rõ danh tính của một người và xác định ai được ra hoặc vào lãnh địa. Hơn thế nữa, hộ chiếu còn phải ghi rõ sự chuẩn thuận của giới cầm quyền với chuyến đi, hoặc lộ trình của người mang hộ chiếu, một số loại hộ chiếu chỉ có giá trị sử dụng một lần, thậm chí một chiều, cho mỗi chuyến đi.
Ở Phổ, giai đoạn cai trị của vua Frederick William I (từ 1713 đến 1740) đã thắt chặt kiểm soát đi lại bằng việc ban hành đạo luật quy định người nước ngoài phải mang hộ chiếu được đóng visa tại các trạm dừng, người bản xứ cũng phải có giấy thông hành để đi lại, và nông dân bị cấm xuất cảnh hoàn toàn. Tại giai đoạn đỉnh điểm căng thẳng trong Cách mạng Pháp, một trong những sự kiện xoáy sâu mâu thuẫn chính trị khi đó là vụ đào tẩu của vua Louis XVI vào ngày 21/6/1791 tới Varennes, ngụy trang thành một người hầu. Đoàn người đào tẩu có mang hộ chiếu, nhưng mấu chốt ở chỗ, vào thời đó hộ chiếu của các quý tộc thường kèm theo danh mục những người phụ thuộc chỉ được liệt kê theo nhiệm vụ (chẳng hạn, “một người hầu”) chứ không có danh tính cụ thể, do đó tạo điều kiện cho “người hầu” Louis XVI bỏ trốn mà không bị phát hiện. Trong tình cảnh nơi nơi phẫn nộ do vụ đào tẩu, chính quyền cách mạng ở Paris phải siết chặt việc ra vào thành phố thông qua kiểm soát hộ chiếu, tránh để lọt những thành phần phản cách mạng và ngăn chặn người bỏ trốn.
Cần làm rõ rằng, những tiến triển nói trên hoàn toàn không có nghĩa là hộ chiếu đã được áp dụng triệt để ở toàn cõi châu Âu xuyên suốt thời đại. Chẳng hạn, nước Anh vốn từ lâu đã cởi mở và thông thoáng đối với nước ngoài. Ngay từ bản Đại hiến chương Magna Carta năm 1215 và trong nhiều thế kỷ sau này, nước Anh đã đảm bảo rằng các thương nhân từ nước ngoài sẽ có quyền tự do tới và rời khỏi Anh trừ khi có chiến tranh. Suốt nhiều thế kỷ, hộ chiếu là chính sách của từng nước cụ thể ở bối cảnh chính trị cụ thể.
Những tiến triển chính trị mạnh mẽ ở châu Âu, khởi đầu từ Cách mạng Pháp, đã dẫn đến sự ra đời và củng cố vai trò của quốc gia-dân tộc (nation-states), dần thay thế cho chế độ phong kiến. Khi ý niệm về dân tộc (nation) trỗi dậy, những người cùng một dân tộc sống ở các lãnh địa khác nhau không còn bị xem như “người lạ” nữa; giờ đây, “người lạ” là để chỉ người ngoại quốc. Phong trào giải phóng, trả tự do cho nông dân trao cho họ quyền công dân, không còn bị cùm chân bởi lãnh chúa và lãnh địa. Chính quyền các nước vì vậy có nhu cầu xác định rõ quốc tịch của mọi người, để phân định người bản xứ và “người ngoài”, xuất phát từ quốc tịch của họ mà dành cho họ các quyền lợi và ứng xử thích hợp.
Tại Pháp, từ năm 1792 cho đến hết thế kỷ chứng kiến sự thảo luận, xây dựng, áp dụng, điều chỉnh các đạo luật và chính sách về hộ chiếu. Đạo luật về hộ chiếu đầu năm 1792 đã đưa ra những quy định quan trọng về hộ chiếu hiện đại: Thứ nhất, tất cả hộ chiếu phải được phát hành một cách đồng bộ, chúng đều phải chứa những thông tin cơ bản như tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi ở, quốc tịch của người mang hộ chiếu. Thứ hai, hộ chiếu phải được cấp cho từng cá nhân một, để tránh những sự việc như vụ vua Louis XVI trà trộn theo hộ chiếu của một người khác với danh nghĩa “người hầu” đi cùng, và để ngăn chặn những phần tử xấu tự do lợi dụng. Thứ ba, hộ chiếu phải được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của địa phương, cụ thể là địa phương nơi người xin cấp hộ chiếu sinh sống, hoặc trong một số trường hợp khác có thể là địa phương nơi người đó khởi hành.
Trong giai đoạn an ninh căng thẳng sau cách mạng, Quốc hội Pháp quy định bất cứ ai, dù người Pháp hay người nước ngoài, đều phải mang hộ chiếu khi đi lại trong lãnh thổ Pháp (chính quyền cấp hộ chiếu cho cả người nước ngoài tại Pháp). Mang hộ chiếu thôi có thể vẫn chưa đủ, trong một số giai đoạn, người dân phải được chính quyền địa phương đóng thị thực (visa) vào hộ chiếu để được chấp thuận đi từ địa hạt này sang địa hạt khác. Đối với người nước ngoài, nếu thời trước họ không bị kiểm soát giấy tờ khi rời nước Pháp – nghĩa là được nhiều tự do hơn cả người bản xứ, thì giờ đây dần bị coi là những đối tượng khả nghi cần giám sát chặt chẽ. Theo đó, người nước ngoài phải xuất trình hộ chiếu khi rời nước Pháp. Đặc biệt, khi nhập cảnh vào Pháp, người nước ngoài phải xuất trình hộ chiếu, trong một số giai đoạn, họ phải nộp hộ chiếu của mình cho nhà chức trách Pháp để chuyển chúng tới Ủy ban An ninh hoặc các cơ quan chức năng tương tự để được cấp thị thực và kiểm soát.
Tại Phổ, đến năm 1813, thời điểm cận kề chiến tranh chống Napoleon xâm lược, nước này một lần nữa phải tăng cường an ninh chuẩn bị cho chiến tranh. Luật hộ chiếu 1813 được ban hành trong hoàn cảnh này đã thắt chặt kiểm soát nhập cảnh để “ngăn lũ gián điệp tràn vào” đất nước: người từ nước ngoài tới buộc phải có hộ chiếu của Phổ, được cấp không phải do chính quyền địa phương như thông thường, mà cấp bởi nhà chức trách cấp cao (cấp thấp nhất là đại diện cảnh sát của chính phủ trung ương tại địa phương, cao nhất là pháp quan hoàng gia), hộ chiếu phải được phê duyệt bằng visa trong vòng một ngày tại thị trấn người đó lưu trú, việc đi lại không đúng tuyến đường ghi trong hộ chiếu bị trừng trị nghiêm khắc. Họ cũng bị cấm rời khỏi Phổ nếu không có hộ chiếu cấp bởi cơ quan có thẩm quyền và visa được cấp hợp lệ tại biên giới. Luật 1813 một mặt nghiêm khắc để phòng ngừa gián điệp nước ngoài, song lại có phần cởi mở hơn đối với dân Phổ: người Phổ quay về từ nước ngoài không cần thiết phải làm các thủ tục hộ chiếu nói trên nếu chứng minh được danh tính của mình. Điều này không hoàn toàn vì tự do đi lại, mà nhiều khả năng hơn là để tạo thuận lợi cho người Phổ trở về phục vụ chiến tranh.
Đánh bại quân Napoleon xâm lược, với đất đai được mở rộng sau chiến tranh và tham gia Liên bang Đức thành lập năm 1815, Phổ đã điều chỉnh quy định về đi lại để phù hợp với tình hình mới. Luật hộ chiếu mới ban hành năm 1817 đã trao thẩm quyền cấp giấy tờ nhập cảnh Phổ cho nhà chức trách địa phương ở biên giới và cửa khẩu cảng, các nhà ngoại giao Phổ, phái viên thương mại và các lãnh sự ở nước ngoài. Đặc biệt là, hộ chiếu cấp bởi nhà chức trách của nước ngoài cũng được công nhận sử dụng để nhập cảnh Phổ. Việc rời khỏi Phổ đòi hỏi phải có hộ chiếu cho phép xuất cảnh, người nước ngoài có thể sử dụng hộ chiếu của nước đó. Người dân Phổ được phép đi lại trong nước mà không cần hộ chiếu, thay vào đó họ phải xuất trình giấy tờ chứng minh danh tính nếu được yêu cầu. Tất cả các hộ chiếu, dù là hộ chiếu xuất cảnh hay hộ chiếu nhập cảnh, đều phải được đóng visa bởi cảnh sát tại biên giới gần nhất cũng như bởi cảnh sát ở những nơi người mang hộ chiếu lưu trú.
Năm 1850, các tiểu quốc tại Đức (trừ Hà Lan, Đan Mạch, Hessen-Homburg và Liechtenstein) ký kết Hiệp ước về thẻ thông hành (pass-card), nới lỏng việc kiểm soát hộ chiếu giữa các nước này. Hiệp ước đã đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa các thông tin cần có trong thẻ thông hành: phù hiệu biểu tượng của nước cấp thẻ; chữ ký và con dấu của cơ quan cấp; tên, địa vị, nơi ở của người mang thẻ; số thẻ; đặc điểm nhận dạng của người mang thẻ. Đặc biệt, Hiệp ước đã bỏ quy định thẻ thông hành phải được đóng visa. Mặc dù vậy, thẻ thông hành chỉ được cấp cho những người mà chính quyền biết rõ và coi là đáng tin; những người phạm tội, người sống nay đây mai đó, người hầu… được coi là tầng lớp đáng nghi, không được cấp thẻ thông hành.
Nửa cuối thế kỷ 19 chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản ở phương Tây. Để thúc đẩy kinh tế công nghiệp tư bản chủ nghĩa, điều hết sức quan trọng là phải có tự do đi lại, tạo điều kiện cho giới chủ tự do thuê mướn nhân công, và người lao động được tự do tìm kiếm việc làm ở nơi thuận tiện. Bên cạnh đó, đến giai đoạn này, các quốc gia châu Âu đã trở nên “dân tộc hóa” rõ ràng về chính trị: các nhà nước phân biệt rõ công dân nước mình và công dân nước ngoài, và chỉ chịu trách nhiệm bảo hộ và dành lợi ích, phúc lợi cho người dân của nước mình.
Năm 1865, các vương quốc Saxony, Bavaria, Hanover và Wurttemberg đã ký kết Hiệp ước về hộ chiếu, bãi bỏ yêu cầu người đi lại trong các nước này phải mang hộ chiếu, bất kể người bản xứ hay người nước ngoài, cũng như không cần phải đóng visa; tuy vậy, những người thuộc tầng lớp dưới vẫn bị kiểm soát kỹ lưỡng và cần xin giấy phép đi lại của nhà chức trách.
Sau khi Liên bang Bắc Đức được thành lập, Luật về hộ chiếu của Liên bang đã được xây dựng và ban hành năm 1867, đánh dấu bước ngoặt thật sự của việc quản lý đi lại. Một mặt, Luật 1867 kế thừa nhiều quy định của Hiệp ước 1865, mặt khác ghi nhận thay đổi lớn khi quy định quyền được cấp hộ chiếu cho tất cả người dân của Liên bang có nguyện vọng. Các bang tự ban hành quy định cụ thể về điều kiện, giới hạn pháp lý để cấp hộ chiếu, cũng như xác định các vấn đề như cơ quan nào có thẩm quyền cấp hộ chiếu. Mặt khác, Luật không còn quy định chế độ kiểm soát giấy tờ đặc biệt cho người thuộc tầng lớp dưới, những người đã luôn bị nghi ngờ, phân biệt và giám sát ngặt nghèo suốt hàng trăm năm. Như các luật gia khẳng định khi đệ trình Nghị viện, Luật hộ chiếu 1867 đã xóa bỏ ý niệm ăn sâu bám rễ quá lâu rằng việc đi lại và di trú là vấn đề phụ thuộc vào sự chuẩn y của chính quyền, chứ không phải là ý chí tự do của cá nhân. Việc biến nghĩa vụ phải mang hộ chiếu thành quyền được cấp hộ chiếu là sự tạo thuận lợi và tự do đi lại vô cùng lớn đối với người lao động.
Trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh ở Tây Âu, không chỉ có Đức chủ trương tự do hóa đi lại. Ở Anh, các quy định của Đạo luật hạn chế người nước ngoài năm 1836 đa phần không được thực hiện nghiêm và “tất thảy người nước ngoài có quyền không hạn chế để vào và cư trú” tại Anh. Tương tự, tại Pháp, chế độ kiểm soát đi lại ngặt nghèo giờ đã lỗi thời, việc kiểm soát hộ chiếu người nhập cảnh và xuất cảnh Pháp được cho phép miễn, đến tận Chiến tranh thế giới lần thứ nhất mới được tái lập. Italy, nước tích cực xuất khẩu nhân công sang Mỹ để giảm tình trạng nghèo đói và bất mãn của người dân, ban hành Luật hộ chiếu năm 1901, quy định những người xuất cảnh xuyên Đại Tây Dương bắt buộc phải có hộ chiếu trước khi mua vé tàu. Điều này thoạt nhiên có vẻ đi ngược xu thế tự do hóa đi lại tại châu Âu thời kỳ này, tuy nhiên kỳ thực lại là chính sách tạo thuận lợi, giúp đảm bảo cho người lao động Italy đáp ứng được quy định về hộ chiếu của các nước châu Mỹ, trước tiên là Hoa Kỳ, qua đó giúp họ nhập cảnh được vào Hoa Kỳ và tránh bị đẩy trở lại.
Ngày càng không sẵn lòng bảo hộ công dân nước khác, giai đoạn này ở châu Âu dần hình thành thực tiễn chung là chỉ cấp hộ chiếu cho công dân của nước mình. Sắc lệnh năm 1892 của Phổ nghiêm cấm cấp hộ chiếu cho người nước ngoài, trừ những trường hợp đặc biệt, “để tránh phải nhận lại những người bị nước khác đẩy về chỉ vì lý do họ mang hộ chiếu Đức cấp”.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra là bối cảnh khiến các nước đặt an ninh là ưu tiên trên hết, đồng thời tái lập cơ chế kiểm soát hộ chiếu đối với người nhập cảnh. Pháp, Anh đều ban hành các sắc lệnh trao quyền cho chính phủ quyết định ai được nhập cảnh và các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hoặc hạn chế người nước ngoài. Đức, một trong những bên tham chiến chính, năm 1914 tái quy định việc kiểm soát hộ chiếu. Tất cả mọi người muốn nhập cảnh hoặc xuất cảnh đều phải có hộ chiếu. Đối với công dân Đức, điều này giúp ngăn cản những ai tìm cách rời bỏ đất nước, đồng thời duy trì dân số phục vụ chiến tranh. Đối với người nước ngoài, họ phải được cấp visa của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của Đức để được nhập cảnh; người nước ngoài cư trú ở bất kỳ nơi nào trên đất Đức đều phải có hộ chiếu.
Đến năm 1916, Đức tiếp tục yêu cầu hộ chiếu của tất cả mọi người, người Đức cũng như nước ngoài, đều phải được đóng visa để xuất cảnh hoặc nhập cảnh. Một sắc lệnh khác năm 1916 quy định rõ hộ chiếu Đức được cấp cho ai, cơ quan nào cấp, các thông tin phải có trong hộ chiếu, mẫu hộ chiếu tiêu chuẩn; điều kiện cấp visa và thời hạn visa; đặc biệt là việc mẫu hộ chiếu của nước ngoài mà Đức công nhận phải có các yếu tố giống như hộ chiếu Đức, bao gồm ảnh của cá nhân. Điều đó minh họa cho thực tế là hộ chiếu của các nước khác nhau cấp trong thời kỳ này có thể có các tiêu chuẩn không giống nhau. Tuy nhiên, việc Đức đặt ra những yêu cầu của mình đối với hộ chiếu nước ngoài không làm các nước phải tuân theo. Chỉ đến sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, với những nỗ lực trao đổi liên chính phủ, các quốc gia mới có thể tiến tới tiêu chuẩn hóa hộ chiếu.
Italy thậm chí còn thắt chặt kiểm soát hộ chiếu hơn nữa: Năm 1915, Italy chỉ thị tất cả người lao động Italy xuất cảnh đi làm việc ở bất cứ nước nào đều phải có hộ chiếu, và để được cấp hộ chiếu họ phải xuất trình hợp đồng lao động cho Ủy ban Hoàng gia về xuất cư; đồng thời, người nước ngoài muốn nhập cảnh Italy phải có hộ chiếu và được đóng dấu visa của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự Italy, các hộ chiếu này phải có ảnh của người mang hộ chiếu và chữ kí của cơ quan có thẩm quyền cấp. Đến năm 1916, Italy tiếp tục quy định tất cả công dân Italy phải có hộ chiếu để được nhập cảnh hoặc xuất cảnh, họ phải được cơ quan công an cấp quận đóng visa để xuất cảnh; cùng năm này, Italy thậm chí còn tái quy định việc sử dụng hộ chiếu đi lại nội địa.
Ban đầu, các quy định về kiểm soát hộ chiếu ban hành trong bối cảnh chiến tranh được cho sẽ chỉ là tạm thời và sẽ được cởi bỏ sau khi chiến tranh qua đi. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, cuối cùng hộ chiếu đã được áp dụng để trở thành một công cụ pháp lý có tính thường trực. Năm 1919, Đức ra sắc lệnh tiếp tục các quy định như thời chiến: bất kỳ ai đi qua biên giới Đức đều phải mang hộ chiếu, và tất cả người nước ngoài trong lãnh thổ đế quốc đều phải có hộ chiếu. Ở Anh, Sắc lệnh về người nước ngoài năm 1920 cũng duy trì các quy định “có hiệu lực không chỉ trong hoàn cảnh chiến tranh, mà vào mọi thời kỳ”: bất kỳ ai nhập cảnh hoặc xuất cảnh Anh phải có hộ chiếu hợp lệ hoặc giấy tờ khác có giá trị chứng minh nhân thân, quốc tịch.
Như vậy, cơ chế quản lý đi lại bằng hộ chiếu đã dần được định hình như chúng ta thường thấy ngày nay: ai ai muốn ra nước ngoài đều cần có tấm hộ chiếu được cấp bởi cơ quan nhà nước chứng minh nhân thân và quốc tịch của mình, bên cạnh đó còn phải xin thị thực như là sự chứng nhận việc được nước đó đồng ý cho nhập cảnh.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai, sự thành lập, chia tách, sáp nhập các quốc gia đẩy hàng triệu người phải di cư, tỵ nạn, hoặc trở thành người không quốc tịch. Các nỗ lực quốc tế đã đưa ra những giải pháp giúp đỡ những người này được xác định danh tính và đi lại bằng các loại giấy thông hành cho người tỵ nạn (còn gọi là “hộ chiếu Nansen”), giấy thông hành cho người không quốc tịch, một số nước còn cấp cả loại hộ chiếu dành cho người nước ngoài.
Sự nổi lên của chủ nghĩa khủng bố, đỉnh điểm là vụ tấn công ngày 11/9/2001 tại Mỹ, cũng như các loại tội phạm khác như buôn bán ma túy, buôn lậu, nhập cư trái phép, đã khiến nhiều nước, trước hết là các nước phát triển, thắt chặt an ninh biên giới và kiểm soát hộ chiếu ngặt nghèo hơn nữa. Các quốc gia ngày nay đã phát triển hộ chiếu có thể đọc được bằng máy, thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế về hộ chiếu và dần phổ cập hộ chiếu điện tử.
Trong cuốn sách của mình, tác giả John C. Torpey không chỉ trình bày quá trình phát triển và ứng dụng của hộ chiếu mà còn đưa ra nhiều nhận định đáng chú ý. Trong đó, quan điểm trung tâm xuyên suốt của ông là: các nhà nước hiện đại đã tước đoạt và giành độc quyền đối với “phương tiện đi lại” hợp lệ (legitimate “means of movement”) của công dân; quyền lực này được thực thi dưới nhiều biện pháp, bao gồm biện pháp kiểm soát đi lại bằng hộ chiếu. Khái niệm của ông lấy cảm hứng từ luận điểm của Karl Marx khẳng định rằng các nhà tư bản tước đoạt tư liệu sản xuất (means of production) của công nhân, và quan điểm của Max Weber rằng nhà nước tước đoạt và độc quyền sử dụng vũ lực trong xã hội. Torpey giải thích, các nhà nước luôn luôn mong muốn “nắm được” người dân của mình, xác định ai thuộc về và không thuộc về xã hội mà nhà nước đó quản lý, do vậy đề ra các loại giấy tờ xác định danh tính của cá nhân. Mặt khác, vì nhiều mục đích như duy trì dân số và quân đội, điều tiết lực lượng lao động, ngăn chặn hay giám sát những thành phần khả nghi từ nước ngoài…, nhà nước tìm cách độc quyền quản lý đi lại, cụ thể là độc quyền nắm giữ thẩm quyền chấp thuận hoặc ngăn cấm việc đi lại. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc đi lại qua biên giới quốc tế: công dân chỉ có thể được đi một cách hợp lệ nếu được nhà nước của họ cấp hộ chiếu, sau đó phải được nhà nước nơi họ tới kiểm tra danh tính, quốc tịch và chấp nhận cho nhập cảnh. Hộ chiếu, theo đó, là một loại “phương tiện đi lại”, không phải phương tiện theo nghĩa giống như máy bay, tàu bè, xe cộ, mà là “phương tiện” để các nhà nước quản lý việc đi lại, ai xuất cảnh, ai nhập cảnh. Đối với công dân, hộ chiếu là “phương tiện” giúp người mang hộ chiếu được đi lại một cách hợp thức, đồng thời là tài liệu chứng tỏ sự bảo hộ của nhà nước đối với người đó, cho người đó quyền được trở lại nước đã cấp hộ chiếu, nhất là trong trường hợp không được nước họ muốn tới cho phép nhập cảnh hay cư trú.
Xuất bản lần đầu năm 2000, cuốn sách “The invention of the passport: surveillance, citizenship and the state” được tái bản vào năm 2018 với nhiều cập nhật, đặc biệt là về những biện pháp kiểm soát an ninh biên giới từ năm 2001 đến nay, cũng như mở rộng thêm việc nhìn nhận hộ chiếu không chỉ dưới góc độ kiểm soát của nhà nước như bản ấn hành năm 2000.
Tuy mang tựa đề “Sự phát minh của hộ chiếu”, sách thực ra không nói tới quá trình xây dựng bản thân tấm hộ chiếu (ra đời từ bao giờ, ai là người phát minh, thiết kế như thế nào, v.v.). Nội dung chính yếu của sách là về quá trình ứng dụng của hộ chiếu, thay đổi và phát triển theo tiến trình lịch sử và chính sách của các quốc gia từng thời kỳ. Đối tượng bàn luận trong sách là loại hộ chiếu hiện đại mà theo tác giả bắt đầu được áp dụng từ thế kỷ 18 cùng với sự định hình hệ thống quốc gia-dân tộc. Toàn bộ thông tin, tư liệu trong sách đều rút ra từ lịch sử của các quốc gia phương Tây. Sách chủ yếu chỉ bàn đến cuốn hộ chiếu phổ thông mà số đông người dân được sử dụng, không nói đến một số loại hộ chiếu khác như hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hay hộ chiếu của viên chức Liên Hợp Quốc. Tác giả cũng không đề cập đến những biện pháp kiểm kê nhân khẩu đã có từ xa xưa trong lịch sử, hoặc những loại vật dụng, giấy tờ thông hành có tính chất tương tự hộ chiếu đã có từ hàng ngàn năm trước, như những bức thư bảo chứng được chép lại trong Kinh thánh Ki tô giáo, hay như tấm kim bài của hoàng đế Hốt Tất Liệt nhà Nguyên được Marco Polo sử dụng để đi qua những xứ sở trải dài vạn dặm trong những chuyến du hành huyền thoại của mình.
Về tổng thể, lịch sử của hộ chiếu đã được thể hiện sinh động và khách quan trong The invention of the passport. Chúng ta hiểu được rằng bản thân tấm hộ chiếu không chứa quyền lực và không trao cho người mang hộ chiếu thứ quyền lực cụ thể nào, như cách đưa tin của một số báo đài về xếp hạng những hộ chiếu được miễn thị thực; ngược lại, hộ chiếu phản ánh sự hạn chế và kiểm soát của nhà nước đối quyền tự do đi lại, và cách mà hộ chiếu được sử dụng luôn phụ thuộc vào chính sách của các nhà nước. Song, thông qua tìm hiểu về hộ chiếu, chúng ta thấy được thế giới đã tiến những bước dài như thế nào chỉ trong hơn 200 năm qua, từ quá khứ đầy kìm kẹp, cấm cản và chia rẽ cho đến sự thuận lợi trong thủ tục xuất nhập cảnh và kết nối toàn cầu của ngày nay. Hình ảnh những lữ khách với cuốn hộ chiếu đi làm thủ tục ở nước ngoài sẽ vẫn còn phổ biến trong nhiều năm tới. Giữa những dòng chảy xáo trộn của toàn cầu hóa, cuổn sổ nhỏ trong tay họ không chỉ chứa thông tin định vị cá nhân họ, mà còn nói lên nơi mà họ thuộc về.
John C. Torpey là Giáo sư cao cấp về xã hội học và sử học và Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế tại Trung tâm Graduate Center, Đại học New York. Ông có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học lớn tại Canada, Mỹ, Italy. Ông là tác giả của nhiều đầu sách như Intellectuals, Socialism and Dissent: The East German Opposition and Its Legacy (1995), Making Whole What Has Been Smashed: On Reparations Politics (2006), The Three Axial Ages: Moral, Material, Mental (2017), cùng nhiều bài báo khoa học khác.