Tại sao cần tiến tới một Liên bang châu Âu?

Print Friendly, PDF & Email

Flag_of_the_United_States_of_Europe

Nguồn: Laszlo Bruszt & David Stark, “We the People of Europe”, Project Syndicate, 11/08/2015.

Biên dịch: Phạm Văn Chính | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Những người châu Âu mong muốn làm sống lại quá trình thống nhất lục địa gần đây đã chuyển sự chú ý tới việc thành lập Hoa Kì. Tuy nhiên, nhiều người phủ nhận tiền lệ Hoa Kì trên cơ sở rằng vấn đề ngày nay quá khác so với những vấn đề diễn ra thời đó. Những người khác, vốn chấp nhận rằng các nguyên tắc liên bang có lẽ sẽ thích hợp để giải quyết những vấn đề của một thị trường chung châu Âu, lại thất vọng cho rằng “những người châu Âu” có thể mang lại cấu trúc chính trị mới này lại còn vắng bóng.

Nhưng có những mối tương đồng nổi bật giữa những năm tháng khi Hoa Kì được thành lập với những cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đang tiếp diễn tại Liên minh châu Âu. Thực tế, sự ra đời của Hiến pháp Hoa Kì và sự khai sinh của dân tộc Mỹ mang lại những lý do để hi vọng rằng một vài những vấn đề khó khăn nhất châu Âu đang đối mặt có thể sẽ được giải quyết vào một ngày nào đó.

Những năm sau cuộc chiến giành độc lập của Hoa Kì rất khó khăn. Theo các Điều khoản Hợp bang, 13 thuộc địa trước đây của Anh đã tạo ra một thị trường chung, với các thể chế chung, bao gồm cả một ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, họ dành phần lớn thời gian để tranh cãi về chính sách tài khóa, với bất đồng giữa các chủ nợ và con nợ, và đấu tranh lẫn nhau về vấn đề tiền tệ. Chia rẽ nổi lên giữa các bang miền bắc và miền nam, và giữa những bang nhỏ với những bang lớn hơn. Dường như quốc gia non trẻ đang đứng trên bờ vực của sự sụp đổ.

Vào những năm 1780, một nhóm nhỏ những nhà lãnh đạo chính trị Hoa Kì đã định hình lại vấn đề này. Quan điểm cốt lõi của họ phù hợp với châu Âu hiện nay như với Hoa Kì thời kỳ đó. Những vấn đề mà Hoa Kỳ phải đối mặt lúc đó không phải là kết quả của những hành động chính trị với tâm địa xấu xa hay của các công dân thiếu thông tin và thiếu hiểu biết; chúng là một kết quả trực tiếp của một cấu trúc chính trị không hề thích hợp.

Theo Điều khoản Hợp bang – như tại châu Âu ngày nay – tất cả hoạt động chính trị thực sự mang tính chất địa phương. Các tiểu bang tổ chức bầu cử để bầu các quan chức lãnh đạo của mình, nhưng không quan chức (hay đảng phái) được bầu nào vận động tranh cử dựa trên các cương lĩnh và các chương trình vượt ra ngoài ngoài biên giới của tiểu bang mình. Những gì mà các nhà lãnh đạo như Alexander Hamilton, John Ray, James Madison, và George Washington nhận ra là cấu trúc này đưa đến chủ nghĩa địa phương và các mối quan tâm cục bộ, gây phương hại đến các “lợi ích quốc gia” – tức lợi ích chung của các tiểu bang thành viên Hợp chúng quốc.

Để giải quyết những vấn đề đó, các nhà soạn thảo Hiến pháp Hoa Kì đề nghị thành lập một chính phủ quốc gia có trách nhiệm giải trình trước toàn bộ người dân Mỹ, được trao quyền để chăm lo cho lợi ích của toàn bộ liên bang và để trung gian hòa giải các xung đột giữa các tiểu bang thành viên. Để làm vậy, họ đặt nền móng chủ quyền của Hoa Kì trong chính người dân của mình – một ý tưởng thực sự mới mẻ.

Nhưng sau khi đặt chủ quyền quốc gia vào “người dân”, họ đã không khăng khăng theo một nguyên tắc duy nhất về chủ quyền. Thay vào đó, họ đã khai sinh ra ý tưởng về “chủ quyền chia sẻ” (shared sovereignty) – một hệ thống liên bang cho phép có nhiều cấp chính quyền và cho các cấp độ lòng trung thành khác nhau từ địa phương, tiểu bang, đến khu vực và quốc gia cùng tồn tại song song chứ không phải cạnh tranh lẫn nhau.

Chắc chắn, không ai đề nghị rằng châu Âu đơn giản là nên bắt chước Hiến pháp Hoa Kì. Nhưng những nguyên tắc được phát triển bởi những nhà soạn thảo nó rõ ràng phù hợp với những ai muốn giải quyết những thách thức mà châu Âu đối mặt ngày nay.

Những xung đột giữa Hi Lạp và các chủ nợ đã nêu bật sự không tương thích giữa một nền kinh tế toàn lục địa ngày càng hội nhập và một cơ cấu chính trị châu Âu xây dựng chủ yếu xung quanh lợi ích của những quốc gia có chủ quyền. Khi không có một chính phủ liên quốc gia với các động lực, tính chính danh và năng lực để giải quyết xung đột, thì Hi Lạp và các nước trong khu vực đồng euro khác đã phải dùng đến sự thách thức chủ quyền lẫn nhau.

Hi Lạp đầu tiên đã cố gắng và thất bại khi sử dụng một cuộc trưng cầu dân ý để áp đặt yêu sách của mình đến các chủ nợ, những người sau đó sử dụng ảnh hưởng lớn hơn của họ để làm cho kết quả của cuộc trưng cầu dân ý trở nên không còn phù hợp. Theo thỏa thuận gần đây giữa hai bên, chính quyền Hi Lạp phải tìm kiếm sự chấp thuận của các chủ nợ đối với tất cả các dự luật có liên quan trước khi tiến hành tham vấn người dân hay trình lên nghị viện của mình để bỏ phiếu.

Mở hầu hết các trang báo châu Âu, bạn sẽ tìm thấy những chỉ trích các vị bộ trưởng và chính trị gia của tất cả các bên trong khủng hoảng Hi Lạp. Nhưng như trong những năm đầu của Hoa Kì, vấn đề không nằm ở chất lượng của các nhà chính trị châu Âu, mà nằm ở cấu trúc chính trị châu Âu. Chừng nào các chính trị gia hay các đảng phái còn đưa ra các chương trình để cạnh tranh giành phiếu bầu tại Đức và Hi Lạp, Phần Lan và Pháp và khắp lục địa châu Âu, thì những cuộc khủng hoảng trong tương lai là không thể tránh khỏi. Những gì châu Âu cần là những chính trị gia toàn châu Âu của mình.

Một số người có thể lập luận rằng sự hấp dẫn của việc tạo ra một chính phủ quốc gia toàn châu Âu tại thời điểm đang diễn ra cuộc khủng hoảng gần đây là không thực tế. Những người khác có thể khăng khăng là phải đợi xuất hiện một bản sắc châu Âu trước khi nghĩ ra cách tạo ra một thực thể châu Âu duy nhất. Nhưng ở đây, lịch sử thời kỳ đầu của Hoa Kì cũng mang đến một lý do để làm ngơ những người nghi ngờ.

Những lời đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kì là, “Chúng ta, người dân của Hợp Chúng quốc Hoa Kì.” Tuy nhiên, trong cuốn sách The Quartet: Orchestrating the Second American Revolution (Bộ tứ lãnh đạo: Định hình cuộc cách mạng Hoa Kì lần thứ hai), nhà sử học người Mỹ Joseph J. Ellis chỉ ra rằng lúc cụm từ đó được viết ra, rất ít người dân mang một bản sắc Mỹ mạnh mẽ. Phần lớn công dân của quốc gia này đã sống quanh quẩn trong bán kính 30 dặm tính từ nơi họ sinh ra. Nếu họ có bất kì sự gắn bó chính trị nào thì đó là đối với tiểu bang của họ – không phải đối với liên bang.

Chỉ đến lúc ra đời chính quyền quốc gia thì điều đó mới thay đổi. Hiến pháp Mỹ có thể được bắt nguồn từ “người dân của Hoa Kì”, nhưng chỉ sau khi nó được soạn thảo thì những người đó mới nhận thức về chính họ như vậy.

Thật khó để biết cần bao nhiêu sự ủng hộ ở châu Âu – với những chia rẽ, nghi ngờ, và cả những đam mê – để có thể có được một tài liệu được bắt đầu với dòng chữ “Chúng ta, những người dân của châu Âu”. Nhưng tình hình của châu Âu không tồi tệ hơn so với tình hình của Hoa Kì những năm 1780. Cần phải có hành động chính trị táo bạo để thay đổi đường hướng lịch sử và khai sinh ra một liên minh mới và ổn định. Ngày nay, châu Âu đòi hỏi chính xác điều đó.

Laszlo Bruszt là giáo sư xã hội học và là Trưởng khoa Chính trị và Khoa học xã hội tại Viện Đại học châu Âu tại Florence.

David Stark là Giáo sư Xã hội học tại Đại học Columbia.

Copyright: Project Syndicate 2015 – We the People of Europe