Tại sao Đảng Cộng sản đang dần trở thành đảng đối lập ở Nga?

Nguồn: Russia’s once-tame Communist Party is becoming an opposition force”, The Economist, 30/10/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Ekaterina Engalycheva chưa bao giờ nhận được huy hiệu Lenin khi còn nhỏ. Vào tuần lễ cô sắp sửa trở thành đội viên thiếu niên Oktiabriata (tức “thiếu niên tháng Mười”), như tất cả những đứa trẻ Liên Xô khác lúc 7 tuổi, thì Liên bang Xô viết tan rã. Nhưng 30 năm sau, Engalycheva là đảng viên Đảng Cộng sản và là ủy viên hội đồng thành phố Moskva. Cô vận động chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu của Vladimir Putin; điều Lenin chắc chắn sẽ ủng hộ. Nhưng Lenin có lẽ sẽ kinh hoàng trước những mong muốn khác của cô: bầu cử tự do và công bằng. Cô đã bị giam giữ và phạt tiền vì phản đối việc bỏ tù Alexei Navalny, nhà lãnh đạo đối lập của Nga, và gần đây đã phải tự nhốt mình trong văn phòng trong khi cảnh sát đợi để bắt cô ở bên ngoài.

Cô khác xa khuôn mẫu của một người Cộng sản. Cô không phải là một cán bộ hưu trí vẫy cờ đỏ, và không quan tâm đến Stalin. Cô cũng không cảm thấy có mối liên hệ gắn bó gì với những người Cộng sản thời kỳ Liên Xô đã “phản bội đất nước và nhân dân chúng tôi, chuyển phe và sang “định cư” ở Nước Nga Thống nhất” (Đảng chính trị mà ông Putin hiện dùng để kiểm soát Quốc hội Nga). Cô không bận tâm với việc Đảng Cộng sản ngày nay được lãnh đạo bởi Gennady Zyuganov, một nhà tư tưởng thời Liên Xô cũ vốn hay ca ngợi Stalin. Điều quan trọng hơn đối với cô là đảng này đang có dấu hiệu trở thành một đảng đối lập thực sự. Và điều này đang khiến Điện Kremlin, và thực tế là cả bản thân ông Zyuganov, cảm thấy lo lắng.

Ông Zyuganov thành lập Đảng Cộng sản hậu Xô Viết của mình vào năm 1993, nhằm mục đích tận dụng một số sự bất mãn và hoài niệm quá khứ mà sự sụp đổ Liên Xô mang lại. Trên thực tế, đó là một đảng theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc, mà năm đó đã tham gia vào một cuộc nổi dậy vũ trang bất thành chống lại chính phủ dân chủ của Boris Yeltsin. Năm 1996, khi ông Zyuganov thách thức Yeltsin trong cuộc bầu cử tổng thống, những người theo chủ nghĩa tự do và các doanh nhân Nga, vốn lo sợ trước sự quay lại của chủ nghĩa Cộng sản, đã dành tất cả nguồn lực của họ ủng hộ vị tổng thống ốm yếu. “Tôi thà chọn một Yeltsin đã chết hơn là một Zyuganov còn sống,” một giám đốc điều hành đài truyền hình nói vào thời điểm đó.

Ông Zyuganov đã thua, nhưng trong hai thập niên tiếp theo, sự hiện diện của ông đã cho phép Điện Kremlin định hình chính trị như một sự lựa chọn nhị phân giữa dân chủ và chủ nghĩa cộng sản kiểu Xô Viết. Ngày nay, nhiều nhà dân chủ Nga, vì mong mỏi đuổi người kế nhiệm Yeltsin ra khỏi Điện Kremlin, đã quay sang bỏ phiếu cho những người Cộng sản.

Họ nhận thức rõ về tình huống trớ trêu này. Tuy nhiên, như Yevgenia Albats, một đại diện cho giới truyền thông đối lập của Nga, nói, “chính phủ khốn nạn này đã khiến chúng ta không còn lựa chọn nào khác”. Với gần như tất cả các hình thức chính trị bị cấm và ông Navalny đang nằm sau song sắt, Đảng Cộng sản đã trở thành bên hưởng lợi chính từ chiến lược “bỏ phiếu thông minh” của ông. Navalny kêu gọi người Nga bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên nào phù hợp nhất để đánh bại Đảng Nước Nga Thống nhất. Nếu số phiếu được kiểm một cách trung thực trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 9, những người Cộng sản có lẽ sẽ có được số phiếu tương đương với Nước Nga Thống nhất. Bất chấp các gian lận, đảng này vẫn giành được 19% số phiếu bầu, tăng từ mức 13% hồi năm 2016.

Thành công này đã khiến ông Zyuganov bất ngờ. Được tài trợ và bị kiểm soát bởi Điện Kremlin, ông đã ghi danh đảng của mình vào hệ thống “dân chủ được quản lý” của ông Putin, điều mang lại một ảo tưởng về việc người dân có quyền lựa chọn, đồng thời củng cố quyền kiểm soát của Điện Kremlin. Chiến lược “Bỏ phiếu thông minh” đã làm hỏng trò chơi đó. Nó không chỉ giúp tăng số phiếu của Đảng Cộng sản, mà còn mang lại cho các nghị sĩ trẻ tuổi của đảng một cảm giác quyền lực.

Không chỉ các lá phiếu phản đối Putin giúp Đảng Cộng sản giành thêm phiếu. Một số chính trị gia trẻ tuổi tranh cử dưới ngọn cờ của đảng đang sử dụng đảng như một nền tảng để từ đó khởi động chương trình nghị sự cánh tả của riêng họ. Nhiều người trong số họ có thể được xếp vào hàng ngũ giống như các đảng dân chủ xã hội kiểu châu Âu.

Ví dụ như Mikhail Lobanov, một giảng viên toán 37 tuổi tại Đại học Tổng hợp Moskva. Ông đã điều hành một chiến dịch tranh cử theo phong cách phương Tây, huy động quỹ từ cộng đồng và vận động cử tri tận từng nhà, ở một khu vực tương đối giàu có của Moskva. Ông từ bỏ những khuôn sáo về ý thức hệ để tập trung vào hoạt động vận động đô thị và phúc lợi xã hội. Ông nói: “Tôi tin vào lý tưởng cánh tả như một cách để hạn chế sự thái quá của chủ nghĩa tư bản, thông qua các cơ hội bình đẳng và khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe toàn dân.” Sự gian lận trắng trợn của Điện Kremlin đã cướp đi chiến thắng nhưng không làm mất đi sự hấp dẫn của ông.

Với việc chủ nghĩa cánh tả đang phát triển ở hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới, điều đáng ngạc nhiên là nó đã mất rất nhiều thời gian mới trở nên thịnh hành ở Nga, đặc biệt là nếu xét tình trạng bất bình đẳng mà chế độ của ông Putin đã gây ra. Một lời giải thích rõ ràng là người Nga cần có thời gian mới có thể quên đi được nỗ lực của Liên Xô nhằm thực thi sự bình đẳng, chuyện hàng triệu người đã bị giết trong quá trình đó, và việc nỗ lực đó đã thất bại thảm hại như thế nào. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng thu nhập giảm liên tục trong 6 năm qua đã khiến nhiều người Nga phải quay lại xem xét tư tưởng chính trị cánh tả.

Sự thay đổi hiện tại của những người Cộng sản chủ yếu là phản ứng lại các chính sách của ông Putin. Bằng cách sáp nhập Crimea hồi năm 2014, Putin đã đánh cắp chương trình nghị sự dân tộc chủ nghĩa trước đây của đảng, khiến các thành viên của đảng phải đưa ra lựa chọn, theo giải thích của Gregory Yudin, một nhà xã hội học. “Họ có thể tiến xa hơn về phía cánh hữu và trở nên “tuyệt chủng”, hoặc họ phải bước ra khu ổ chuột của mình và chuyển sang cánh tả. ”

Valery Rashkin, một nghị sĩ đại diện Đảng Cộng sản và là người đứng đầu đảng bộ Moskva, đã quyết định thử nghiệm. Tại cuộc bầu cử hồi tháng 9, ông ủng hộ một số ứng cử viên trẻ như Evgeny Stupin, một cựu cảnh sát điều tra 38 tuổi, từng phục vụ tại khu vực Ural nhưng đã bỏ công việc được trả lương quá tệ (cùng với tư cách thành viên bắt buộc của Đảng Nước Nga Thống nhất), sau đó chuyển đến Moskva để tìm việc làm. Sự bất công và tham nhũng mà ông gặp phải ở đó đã khiến Stupin tìm đến với Đảng Cộng sản.

Điện Kremlin hiện đang chỉ đạo một cuộc đàn áp theo kiểu Liên Xô chống lại những người Cộng sản trẻ tuổi, và cố đóng khung họ như những người theo chủ nghĩa Stalin. Trong khi đó, những người Cộng sản đang đứng lên đấu tranh cho nhân quyền, chẳng hạn như bằng cách yêu cầu điều tra về các vụ tra tấn được báo cáo trong các nhà tù của Nga.

Nước Nga của Putin giờ đây đang thực sự là một thế giới đầy những điều trớ trêu.