Thế giới hôm nay: 02/11/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Phát biểu tại hội nghị khí hậu Liên Hợp Quốc ở Glasgow, Boris Johnson cảnh báo chỉ còn “một phút trước nửa đêm” nhưng vẫn có thể tránh được tai họa nếu có đủ ý chí chính trị. Thái độ lạc quan tương đối của thủ tướng Anh hoàn toàn trái ngược với António Guterres, tổng thư ký Liên Hợp Quốc, người đã nói nhân loại đang “tự đào mồ chôn chính mình” và tuyên bố thành lập một nhóm chuyên gia để đánh giá mục tiêu phát thải của các tổ chức phi nhà nước, hay nói cách khác là các doanh nghiệp.

Sau đó cũng tại COP26, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra cam kết đầu tiên của nước này là đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0, nhưng tới tận năm 2070. Dù động thái này là bước thay đổi tích cực, nhưng mục tiêu của hội nghị là thuyết phục các nước đạt mục tiêu đó vào năm 2050. Ấn Độ là nước phát thải cao thứ ba thế giới và phụ thuộc nhiều vào than để cung cấp điện.

Sản lượng sản xuất ở Mỹ trong tháng 10 chậm lại so với tháng trước do hạn chế nguồn cung làm giới hạn sản xuất. Chỉ số hoạt động nhà máy của Viện Quản lý Cung ứng đã giảm từ 61,1 xuống 60,8 (trên 50 là có tăng trưởng). Việc làm trong lĩnh vực này có tăng và nhu cầu vẫn mạnh. Nhưng tình trạng thiếu hụt và vận chuyển chậm trễ khiến không thể tăng mạnh hơn.

Hà Lan sẽ tái áp đặt một số hạn chế covid-19 trong bối cảnh ca nhiễm tăng, với số ca tuần trước lên mức cao nhất kể từ tháng 7. Chính xác ra sao sẽ được quyết định vào thứ Ba. Nước này đã bãi bỏ gần như mọi hạn chế từ ngày 25 tháng 9, và thay vào đó áp dụng thẻ corona cho mọi người vào các câu lạc bộ, quán bar và các địa điểm đông đúc khác.

Người dân Nam Phi đang bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương có thể gây khó khăn cho đảng Đại hội Dân tộc Phi ANC, tổ chức đã lãnh đạo đất nước kể từ khi nền dân chủ thành lập năm 1994. Tình cảm bất bình với ANC sâu sắc đến mức khiến đảng có nguy cơ mất quyền kiểm soát Johannesburg, thành phố lớn nhất Nam Phi. Trước bối cảnh đó, tổng thống Cyril Ramaphosa đã triển khai 10.000 quân để đảm bảo trật tự bầu cử.

Gần hai năm sau khi được phát hiện lần đầu, covid-19 đã giết chết hơn 5 triệu người, theo Đại học Johns Hopkins, với con số thực tế chắc chắn còn cao hơn. Nhờ triển khai vắc-xin, tỷ lệ tử vong đã chậm lại, nhưng nếu không đạt được tiêm chủng phổ cập, vì người dân từ chối hoặc không thể tiêm, thì sẽ còn xuất hiện nhiều đột biến nguy hiểm hơn.

Barclays thông báo sẽ chia tay giám đốc điều hành Jes Staley vì mối quan hệ của ông với Jeffrey Epstein, nhà tài chính tai tiếng qua đời trong phòng giam hồi tháng 8 năm 2019. Nhà chức trách Anh kết luận ông Staley đã cố tình trình bày sai mối quan hệ của mình với ông Epstein, người khi ấy đang bị điều tra vì nhiều tội danh tình dục, dù Barclays nói không có bằng chứng nào cho thấy ông biết về các hoạt động phạm tội này. Ông Staley phản đối những phát hiện của cơ quan điều tra.

Con số trong ngày: Hơn 90%, là tỷ lệ cư dân Delhi có kháng thể chống lại covid-19.

TIÊU ĐIỂM

Nhiều loại hộ chiếu vắc-xin không đồng nhất gây khó khăn cho du lịch

Du lịch quốc tế đang trở lại, nhưng không còn thư giãn như trước nữa. Nhiều nước đang mở lại biên giới của họ, bao gồm Israel, nước sẽ mở cửa cho du khách đã tiêm vắc-xin từ thứ Hai. Thái Lan cũng đang nới lỏng các hạn chế của mình.

Rào cản lớn hiện nay là bằng chứng tiêm chủng. Hiện đang có vô số các loại thẻ kỹ thuật số khác nhau. EU có một, Ấn Độ có một cái khác trong khi Mỹ có tới mấy loại một lúc. Thực trạng này khiến các sân bay gặp khó khi phải đọc nhiều mã QR khác nhau, được xác minh bởi các ứng dụng khác nhau và đưa ra các thông tin cũng khác nhau. Số lượng khách du lịch giảm từ 85% đến 90% trong đại dịch. Nhiều sân bay đang có cùng một số lượng nhân viên như trước, nhưng hàng đợi nhập cảnh lại kéo dài tới 5 hoặc 6 tiếng. Dù vậy, nhiều người vẫn xem việc xếp hàng cũng như giấy tờ thủ tục là xứng đáng cho một chuyến đi nghỉ sau nhiều tháng ròng rã ở nhà.

Tương lai đầy triển vọng của Pfizer

Pfizer đã có một năm tốt đẹp. Việc vắc-xin covid-19 của họ được áp dụng rộng rãi đã giúp mang về lợi nhuận cao. Hãng đang trên đà sản xuất 3 tỷ liều trong năm nay. Cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ cũng vừa phê duyệt vắc-xin cho trẻ em 5-11 tuổi của họ. Năm tới, Pfizer dự kiến tăng gần gấp đôi doanh số bán vắc-xin covid. Quỹ đạo đi lên của họ chắc chắn sẽ không hề chậm lại khi hãng báo cáo kết quả quý vào thứ Ba.

Hoạt động kinh doanh phi-covid của Pfizer cũng đang khởi sắc, với mức tăng trưởng theo năm khá mạnh trong quý hai. Xu hướng đó sẽ tiếp diễn, vì công nghệ mRNA mà vắc-xin covid của họ sử dụng còn có những ứng dụng khác. Thương vụ mua lại một công ty công nghệ sinh học điều trị ung thư gần đây với giá 2,3 tỷ đô la cho thấy Pfizer đang nhìn xa hơn cả đại dịch. Vào tháng 8, công ty đã nâng dự báo doanh thu năm 2021. Nhờ nhu cầu tiêm nhắc lại vắc-xin covid và khả năng các biến thể mới xuất hiện, Pfizer sẽ được rảnh tay nghĩ xa hơn nữa.

Trưng cầu dân ý về cải cách cảnh sát ở Minneapolis

Khi đi bỏ phiếu vào thứ Ba, người dân Minneapolis sẽ nghĩ về George Floyd. Họ bỏ phiếu không chỉ để bầu thị trưởng, mà còn cho một cuộc trưng cầu dân ý xuất phát từ cái chết của ông Floyd vào năm ngoái. Cụ thể, bỏ phiếu sẽ quyết định có nên thay thế sở cảnh sát bằng một Sở An toàn Công cộng mới “áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện về sức khỏe cộng đồng” và loại bỏ số lượng cảnh sát tối thiểu của thành phố hay không.

Những người phản đối, bao gồm thị trưởng đương nhiệm Jacob Frey, coi đó là cái cớ để “giải tán cảnh sát”, một chính sách ngày càng không được người Mỹ ưa chuộng khi tội phạm bạo lực gia tăng. Phe cải cách ưa thích khẩu hiệu nhẹ nhàng hơn “Mở rộng an toàn công cộng”, với lập luận cố định một số lượng cảnh sát làm đánh mất cơ hội đầu tư vào những mục khác tốt hơn. Nếu cuộc trưng cầu dân ý được thông qua, nó sẽ hoàn toàn đi ngược lại xu hướng trên toàn quốc. Trước đó một số thành phố giảm chi tiêu cho cảnh sát, nhưng cuối cùng đều phải tăng lại.

Căng thẳng Pháp-Anh về quyền đánh cá leo thang

Thứ Ba này là hạn chót do Pháp đặt ra để Anh cấp thêm cho các thuyền nhỏ của Pháp giấy phép đánh cá trong vùng biển Anh. Emmanuel Macron tuyên bố bằng cách không cung cấp đủ giấy phép, Anh đang vi phạm thỏa thuận Brexit với EU. Tổng thống Pháp đã đe dọa ngăn tàu thuyền Anh cập cảng cá của Pháp, áp đặt các biện pháp kiểm soát hải quan chặt chẽ hơn và thậm chí là tăng giá xuất khẩu điện của Pháp. Ông nói chính phủ Anh hãy quyết định.

Đáp lại, chính phủ Anh cho biết sẽ không lùi bước. Họ yêu cầu người Pháp rút lại những lời đe dọa, vì làm vậy vi phạm thỏa thuận thương mại Brexit. Một số bộ trưởng Anh cho rằng ông Macron đang cố tình leo thang tranh chấp để cải thiện hình ảnh trong nước trước thềm cuộc bầu cử tổng thống phức tạp vào tháng 4 tới. Sức nóng chính trị lớn hơn nhiều lợi ích kinh tế thực chất- thủy sản chỉ chiếm chưa đến 0,1% nền kinh tế của hai nước.