Thế giới hôm nay: 03/11/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hơn 100 nước đã cùng cam kết giảm 30% lượng khí thải mê-tan toàn cầu so với mức 2020 vào năm 2030. Dù phân hủy nhanh trong khí quyển, mê-tan lại là loại khí nhà kính mạnh hơn carbon dioxide. Mỹ và EU đưa ra sáng kiến này hồi tháng 9 tại hội nghị khí hậu COP26 của LHQ. Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, vốn thuộc hàng các nước phát thải lớn nhất thế giới, không đăng ký. Trong khi đó, hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Nạn phá rừng được cho là nguyên nhân của khoảng 1/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ít nhất 25 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong cuộc tấn công vào bệnh viện quân sự lớn nhất Afghanistan ở Kabul. Cụ thể đã xảy ra hai vụ nổ, và theo sau là các tay súng. Lực lượng an ninh Taliban tuyên bố đã tiêu diệt 4 kẻ tấn công. Đến này chưa có bên nào nhận trách nhiệm, nhưng nhiều khả năng là Nhà nước Hồi giáo.

Cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu vào thứ Ba cho các cuộc bầu cử cấp bang và địa phương. Tại Virginia, ứng viên Dân chủ cho chức thống đốc Terry McAuliffe sẽ đối mặt với Glenn Youngkin của đảng Cộng hòa. Cuộc đua này trở nên căng thẳng bất ngờ — dù Joe Biden thắng cách biệt ở bang này — và được coi là bước tiến tới cuộc bầu cử giữa kỳ năm sau. Trong khi đó, Boston và New York, cũng như các thành phố khác, sẽ chọn thị trưởng mới.

Yahoo thông báo chấm dứt hoạt động tại Trung Quốc do “môi trường kinh doanh và pháp lý ngày càng thách thức.” Động thái này phần lớn mang tính biểu tượng: công ty đã đóng cửa hầu hết các dịch vụ của họ, chẳng hạn như mảng email. Việc Yahoo ra đi trùng thời điểm Trung Quốc giới thiệu các quy tắc mới điều chỉnh quy định cách các công ty lưu trữ và truyền dữ liệu. Tháng trước mạng xã hội LinkedIn cũng đã rời Trung Quốc.

Pháp trì hoãn kế hoạch cấm tàu ​​đánh cá của Anh cập các cảng Pháp, làm dịu đi hàng loạt vấn đề liên quan đến quyền đánh cá hậu Brexit. Tình hình trở nên căng thẳng vào tháng trước sau khi Anh từ chối cấp giấy phép đánh bắt cho hàng chục tàu Pháp. Pháp đã tuyên bố sẽ không có thêm hành động nào cho đến khi đại diện hai nước gặp nhau vào thứ Năm.

Chính phủ Trung Quốc kêu gọi người dân tích trữ nhu yếu phẩm, trong bối cảnh bùng dịch covid-19 và những lo ngại chuỗi cung ứng. Trung Quốc đang áp đặt biện pháp hạn chế trên toàn quốc với chiến lược zero-covid. Hôm Chủ nhật, nhà chức trách đã đóng cửa một công viên giải trí Disneyland ở Thượng Hải, với 30.000 du khách đang tham quan, sau khi một phụ nữ từng ở công viên có kết quả dương tính.

Tranh cãi xoay quanh việc Australia hủy bỏ thỏa thuận chế tạo 12 tàu ngầm diesel trị giá 67 tỷ đô la với Pháp ngày càng gia tăng. Thủ tướng Úc Scott Morrison nói nước ông sẽ không chấp nhận “sỉ vả” và “nói xấu” từ tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Hôm Chủ nhật, ông Macron cáo buộc ông Morrison nói dối về ý định hủy bỏ thỏa thuận, một cáo buộc bị Thủ tướng Úc bác bỏ.

Con số trong ngày: 1.432, là số lượng sản phẩm tiêu dùng mà Chính phủ Argentina đã phải ấn định giá trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.

TIÊU ĐIỂM

Fed bắt đầu cắt giảm mua tài sản

Hôm thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chắc chắn sẽ công bố kế hoạch cắt giảm các chính sách nới lỏng định lượng được dùng để hỗ trợ nền kinh tế trong suốt đại dịch. Kể từ giữa năm 2020 ngân hàng đã mua 80 tỷ đô la trái phiếu chính phủ và 40 tỷ đô la trái phiếu bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng, qua đó bơm một lượng thanh khoản khổng lồ để giữ cho hệ thống tài chính hoạt động trơn tru. Với tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ về dưới 5% và lạm phát cao, các quan chức đã cho biết sẽ bắt đầu thắt van tiền.

Quyết định này đã được thông báo rộng rãi nhằm không làm xáo động thị trường, như từng xảy ra vào năm 2013 khi Fed công bố quy trình cắt giảm tương tự sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Quan trọng là những gì xảy ra tiếp theo. Ngôn ngữ diều hâu về lạm phát cho thấy Fed sẽ thu hẹp nhanh chóng, và hoàn toàn ngừng mua tài sản vào giữa năm 2022. Điều đó sẽ dọn đường cho những động thái ban đầu tương tự nhằm tăng lãi suất, điều mà Fed sẽ chỉ thực hiện sau khi hoàn thành quá trình thu hẹp.

Ô nhiễm không khí ở Ấn Độ chuẩn bị gia tăng

Vào thứ Tư Delhi sẽ tận hưởng những luồng khí sạch cuối cùng trước khi ngày lễ Diwali bắt đầu từ hôm sau. Đối với nhiều người theo đạo Hindu, đây là ngày lễ vui nhất của họ: nó kỉ niệm ngày thần Rama khải hoàn trở về. Nhưng niềm vui lại không được trọn vẹn ở miền bắc Ấn Độ, vì Diwali mở ra một mùa đặc biệt ô nhiễm.

Các loại pháo truyền thống của lễ kỷ niệm đã bị cấm nhưng hầu như không làm giảm được khói mù của các vật chất hạt mịn. Khói rơm rạ từ nông dân, xảy ra đúng thời điểm không khí mát và tĩnh hơn, là nguyên nhân tạo ra nhiều khói bụi cứng đầu. Trong khi đó, các đại diện của Ấn Độ tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ, COP26, luôn miệng thảo luận về trách nhiệm lịch sử của các nước giàu đối với lượng khí các-bon trong bầu khí quyển. Họ cho rằng Ấn Độ có quyền đốt than của mình. Nhưng điều đó bỏ qua thực tế rằng lượng khí thải của chính nước này có khả năng giết chết nhiều người Ấn Độ trong năm tới hơn cả covid-19 — hơn 1 triệu, theo ước tính của WHO.

Fox sắp công bố kết quả kinh doanh

Nhà tài phiệt Rupert Murdoch đã tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của ông vào tuần trước ở New York. Khi ông ngày càng lớn tuổi, suy đoán về tương lai của đế chế 37 tỷ đô la của ông lại càng tăng.

Fox Corporation, công ty lớn hơn trong hai công ty của Murdoch, sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý vào thứ Tư. Thể thao trực tiếp trở lại đã giúp các kênh truyền hình của họ phát đạt, nhưng việc tổng thống Trump mãn nhiệm làm giảm lượt xem của Fox News (và các đối thủ của nó), mảng chiếm tới 80% thu nhập cả công ty vào năm ngoái. News Corp, báo cáo vào thứ Năm, nắm giữ Wall Street JournalThe Sun, một tờ báo lá cải Anh. Họ có thể khoe khoang về việc buộc Google và Facebook phải trả tiền cho đường link dẫn đến trang của họ, thông qua luật mới của Úc mà các công ty của ông Murdoch hậu thuẫn.

Tòa Tối cao Mỹ xem xét một vụ kiện về quyền mang súng

Mười ba năm trước, Tòa án Tối cao Mỹ đã công nhận quyền giữ súng ở nhà để tự vệ của mỗi cá nhân. Kể từ đó tòa thường từ chối hàng chục cơ hội để củng cố “quyền của người dân được giữ và mang vũ khí” theo hiến pháp. Xu hướng đó sẽ thay đổi vào thứ Tư khi tòa án xét xử Hiệp hội Súng trường & Súng lục New York v Bruen, một vụ kiện thách thức chế độ cấp phép sử dụng súng 108 năm tuổi ở New York.

Kể từ năm 1913, bang này chỉ cho phép những người có “lý do chính đáng” được mang vũ khí có cất giấu. Mặc dù có thể xin giấy phép “hạn chế” cho mục đích săn bắn hoặc sở hữu súng ngắn để luyện tập, nhưng giấy phép mang súng bất cứ đâu đòi hỏi có lý do “cụ thể.” Ngay cả nỗi sợ tội phạm cũng không chính đáng. Hiệp hội súng trường lập luận bang có thể không “dành cho một số ít người may mắn một quyền mà hiến pháp quy định tất cả ‘mọi người’ được hưởng.” New York bảo vệ luật của mình, cho biết bang đi theo các quy định hạn chế vũ khí có tuổi đời 700 năm qua từ thời Trung cổ ở Anh.