Thế giới hôm nay: 05/11/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hơn 40 nước cho biết sẽ ký một thỏa thuận để dần loại bỏ sử dụng than vào những năm 2030 hoặc 2040, tùy thuộc vào quy mô nền kinh tế. Các nước dùng nhiều nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất – Mỹ, Úc, Trung Quốc và Ấn Độ – không có trong danh sách. Sự vắng mặt của họ cho thấy “đưa than trở về quá khứ”, một trong những mục tiêu đã nêu của COP26, đang trở nên xa vời hệt như trước thượng đỉnh.

Nhà Trắng cho biết nhân viên tại các công ty có ít nhất 100 nhân công – tức khoảng 84 triệu người – phải tiêm chủng covid-19 đầy đủ trước ngày 4 tháng 1 hoặc xét nghiệm hàng tuần như sắc lệnh đã thông báo trước đó. Người sử dụng lao động phải trả tiền cho thời gian người lao động nghỉ để đi tiêm chủng, nhưng không áp dụng cho thời gian đi xét nghiệm. Các công ty “cố ý” vi phạm sẽ đối mặt khoản tiền phạt lên đến 136.500 đô la.

Thâm hụt thương mại của Mỹ lần thứ ba lập kỷ lục trong bốn tháng vào tháng 9, ở mức 81 tỷ đô la. Nhu cầu cao cho tư liệu sản xuất, chẳng hạn như máy tính và vật tư công nghiệp, bao gồm dầu và thép, là nguyên nhân. Vì thiếu hụt, việc giá tăng cũng không tạo ra nhiều tác động. Thâm hụt thương mại hiện tại lớn hơn 39 tỷ đô la so với mức trước đại dịch.

Owen Paterson, một nghị sĩ Anh vướng vào một vụ bê bối vận động hành lang, đã từ chức sau 24 năm tại quốc hội. Chính trị gia đảng Bảo thủ cho biết ông muốn có một cuộc sống “bên ngoài thế giới chính trị tàn nhẫn” sau khi bị phản đối trước các cáo buộc cho thấy ông bỏ túi hơn 100.000 bảng mỗi năm để vận động hành lang thay mặt hai công ty (ông phủ nhận hành vi sai trái). Chính phủ Anh đã quyết liệt bảo vệ ông trước khi ông từ chức.

Anh trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt Molnupiravir, loại thuốc uống kháng virus đầu tiên điều trị covid-19. Quá trình thử nghiệm loại thuốc này – được sản xuất bởi hãng dược Merck và công ty công nghệ sinh học Ridgeback Biotherapeutics – cho thấy những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ covid-19 ít phải nhập viện hoặc tử vong hơn 50% nếu dùng thuốc trong vòng năm ngày phát sinh triệu chứng.

Credit Suisse thông báo sẽ giải tán một bộ phận rủi ro chuyên phục vụ các quỹ phòng hộ cũng như đại tu mảng ngân hàng đầu tư. Quyết định này đến sau khoản lỗ hơn 5 tỷ đô la vào đầu năm vì không dự đoán được sự sụp đổ của Archegos, một công ty đầu tư do Bill Hwang điều hành. Vụ việc này — và một số sai lầm có thể tránh được— khiến nhà chức trách phải điều tra.

Sau một phiên bỏ phiếu rạng sáng đầy căng thẳng, quốc hội Israel đã thông qua ngân sách đầu tiên sau ba năm. Nếu ngân sách 2021 không được thông qua trước ngày 14 tháng 11, nước này sẽ lại phải bầu cử lần thứ năm chỉ trong vòng chưa đầy ba năm. Chưa hết, thảo luận về ngân sách 2022 phải bắt đầu ngay từ bây giờ.

Con số trong ngày: 80%, là tỷ lệ Tây Sahara do Maroc kiểm soát. Mặt trận Polisario, một phong trào dân tộc chủ nghĩa, điều hành phần còn lại. Tranh chấp sa mạc đang làm leo thang căng thẳng giữa Maroc và Algeria, vì nước này ủng hộ Polisario.

TIÊU ĐIỂM

Căng thẳng tôn giáo ở Bangladesh dâng cao

Hầu hết những người theo đạo Hindu trên thế giới sống ở Ấn Độ. Nhưng 12 triệu người sống ở Bangladesh, nơi 90% dân số theo đạo Hồi. Quan hệ giữa hai nhóm rất căng thẳng với người Bangladesh theo đạo Hindu cảm thấy bị áp đảo. Họ đã tổ chức lễ Kali Puja vào thứ Năm, hay còn gọi là Diwali ở những nơi khác, sự kiện cuối cùng của tháng lễ hội. Vào thứ Sáu, họ phải quyết định ứng xử ra sao sau cuộc đổ máu trong kì lễ vừa qua.

Vào ngày 13 tháng 10, tin đồn lan truyền trên Facebook và WhatsApp rằng một cuốn kinh Koran đã bị làm ô uế trong một ngôi đền Hindu. Tin này khiến đám đông Hồi giáo xông vào các ngôi đền, cướp và đốt phá nhà cửa. Hàng trăm người theo đạo Hindu bị thương và ít nhất ba người chết, cùng với bốn người biểu tình Hồi giáo bị cảnh sát bắn. Đây không phải lần đầu người Hindu bị tấn công ở nước này. Các dân tộc thiểu số khác của Bangladesh cũng phải chịu ngược đãi tương tự.

Nhưng bạo lực Ấn-Hồi giờ đây ra khỏi cả biên giới quốc gia. Các nhà hoạt động Ấn Độ giáo ở một vùng Bengal của Ấn Độ đã tấn công các cửa hàng và nhà thờ Hồi giáo vào ngày 26 tháng 10. Thù hận xuyên biên giới là điều mà cả hai nước đều không muốn.

IAG sắp công bố kết quả quý

Khi các hạn chế đi lại do covid-19 được nới lỏng, các hãng hàng không lại phải đối mặt với những thách thức mới. Giá nhiên liệu máy bay tăng gần gấp đôi trong năm nay. Trong khi đó nhu cầu vẫn ì ạch. Các hãng hàng không Mỹ, chẳng hạn như Delta Air Lines, đã đưa ra cảnh báo lợi nhuận trong quãng thời gian còn lại của năm 2021. Vào thứ Sáu sẽ đến lượt International Airlines Group, chủ sở hữu Aer Lingus, British Airways và Iberia, cập nhật tình hình châu Âu khi hãng công bố kết quả kinh doanh.

Ngay cả khi các hạn chế đi lại khắc nghiệt nhất được dỡ bỏ vào đầu năm nay, IAG vẫn không khá hơn. Doanh thu hành khách trong sáu tháng đầu năm giảm 72% so với cùng kỳ 2020. Tập đoàn đang hy vọng việc Mỹ mở cửa trở lại cho du khách quốc tế có tiêm chủng đầy đủ từ thứ Hai sẽ giúp thúc đẩy doanh số.

Tổng thống Ortega thống trị chính trị Nicaragua

Dù đến Chủ nhật người dân Nicaragua mới đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội, nhưng kết quả đã rõ ràng từ lâu. Daniel Ortega sẽ được bầu vào nhiệm kỳ 5 năm lần thứ năm của mình và đảng Sandinista của ông sẽ thắng hầu hết 92 ghế trong Quốc hội. Vào năm ngoái, quốc hội do đảng của ông thống trị đã trao cho chế độ quyền buộc tội phản quốc tràn lan. Kể từ tháng 5, nhà chức trách đã vây bắt hơn một chục chính trị gia đối lập, trong đó có bảy ứng viên tổng thống. Hàng chục nhà hoạt động và nhà báo cũng bị buộc phải tị nạn; trong khi nhiều người khác ngồi tù.

Nhiều người nghi ngờ ông Ortega, 75 tuổi, đang lên kế hoạch để vợ ông và phó tổng thống hiện tại, Rosario Murillo, lên tiếp quản. Cả hai người đều không được ủng hộ nhiều. Nhưng người dân Nicaragua lo sợ biểu tình sau khi cuộc nổi dậy chống chế độ năm 2018 bị dập tắt một cách tàn nhẫn, khiến nhiều người thiệt mạng. Cả đường phố và thùng phiếu đều không mang lại nhiều hy vọng.

Biểu tình trở thành tâm điểm ở COP26

Vào thứ Sáu, COP26, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc, sẽ tập trung cho chủ đề “trao quyền cho thanh niên và công chúng.” Nhưng người trẻ nhiều khả năng sẽ đi biểu tình thay vì tham dự. Greta Thunberg, nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển, sẽ tham gia cuộc đình công “Những ngày thứ Sáu cho Tương lai” — một phong trào do thiếu niên tạo ra, trong đó học sinh nghỉ học để biểu tình. Ngoài ra còn có một cuộc tuần hành khác, lớn hơn, được lên kế hoạch vào thứ Bảy.

Tuần đầu tiên của COP26 tràn ngập biểu tình. Các nhà hoạt động bản địa bày tỏ tức giận trước việc sử dụng rừng để bù đắp carbon — mà nhiều người cho rằng bất hợp pháp trên đất của họ và không thể thay thế cho việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Mọi người cũng hóa trang thành “Pikachu” để phản đối ngành công nghiệp than của Nhật Bản. Trong khi đó những người biểu tình chống “rửa xanh” (greenwashing) — tức việc các tổ chức cố tình phóng đại hoạt động bảo vệ môi trường của mình —đụng độ với cảnh sát. Bên dưới sự tức giận là một lời phàn nàn phổ biến: các chính trị gia và doanh nghiệp đang quá chậm chạp trước biến đổi khí hậu.