Nguồn: Enron files for bankruptcy, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 2001, Tập đoàn Enron chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản tại một tòa án ở New York, khởi đầu cho một trong những bê bối kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Là một tập đoàn chuyên về năng lượng đặt trụ sở tại Houston, Texas, Enron được thành lập vào năm 1985 sau sự hợp nhất của hai công ty khí đốt, Houston Natural Gas và Internorth. Dưới thời Chủ tịch kiêm CEO Kenneth Lay, Enron đã vươn lên vị trí thứ bảy trong danh sách 500 công ty hàng đầu của tạp chí Fortune. Năm 2000, tập đoàn có tổng cộng 21.000 nhân viên và đạt doanh thu 111 tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm tiếp theo, giá cổ phiếu của Enron bắt đầu lao dốc nghiêm trọng, giảm từ 90,75 đô la vào tháng 08/2000 xuống còn 0,26 đô la lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/07/2001.
Khi giá cổ phiếu Enron bắt đầu giảm, Lay đã bán một lượng lớn cổ phiếu của mình, nhưng lại khuyến khích nhân viên tập đoàn mua thêm cổ phiếu và đảm bảo với họ rằng công ty đang trên đà phục hồi. Kết quả là hàng loạt nhân viên đã mất trắng khoản tiết kiệm hưu trí do giá cổ phiếu của Enron vẫn tiếp tục giảm mạnh. Sau khi một công ty năng lượng khác, Dynegy, hủy kế hoạch mua lại Enron với giá 8,4 tỷ đô la vào cuối tháng 11, tập đoàn này buộc phải nộp đơn xin phá sản. Tính đến cuối năm đó, sự sụp đổ của Enron đã khiến các nhà đầu tư thiệt hại hàng tỷ đô la và khiến 5.600 người mất việc làm, buộc chính phủ phải chi trả một lúc gần 2,1 tỷ đô la tiền lương hưu.
Trong vài năm tiếp theo, cái tên “Enron” đã trở thành từ đồng nghĩa với gian lận và tham nhũng quy mô lớn tại các tập đoàn, sau khi một cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch cùng với Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ rằng Enron đã làm giả thông tin doanh thu của mình bằng cách chuyển các khoản nợ và thua lỗ sang công ty con. Chính phủ sau đó đã buộc tội Lay và Jeffrey K. Skilling, người từng là CEO của Enron từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2001, âm mưu che đậy điểm yếu tài chính của tập đoàn khỏi các nhà đầu tư. Cuộc điều tra cũng đã hạ bệ gã khổng lồ ngành kiểm toán Arthur Andersen – vì các kiểm toán viên của công ty này đã cố ý hủy hoại các bằng chứng buộc tội Enron.
Sang tháng 07/2004, một tòa án ở Houston tiến hành truy tố Skilling với 35 tội danh bao gồm gian lận, âm mưu và giao dịch nội gián. Lay cũng bị buộc 11 tội danh tương tự. Phiên tòa bắt đầu vào ngày 30/01/2006, tại Houston. Một số nhân viên cũ của Enron đã xuất hiện trước tòa, trong đó có cả Andrew Fastow, cựu giám đốc tài chính Enron, người đã sớm nhận tội trước hai cáo buộc gian lận và đồng ý ra làm chứng chống lại các ông chủ cũ của mình. Trong suốt quá trình xét xử, Skilling – người bán gần 60 triệu đô la cổ phiếu Enron ngay sau khi từ chức, nhưng kiên quyết từ chối thừa nhận rằng ông ta biết tập đoàn sắp sụp đổ – dần lộ ra là nhân vật có liên quan nhiều nhất đến vụ bê bối. Tháng 05/2006, Skilling bị kết án 19 trong số 35 tội danh, trong khi Lay bị kết tội với 10 tội danh gian lận và âm mưu. Khi Lay qua đời vì bệnh tim chỉ hai tháng sau đó, một thẩm phán ở Houston đã quyết định hủy bỏ các tội danh chống lại ông này. Tháng 10 cùng năm, Skilling, khi đó 52 tuổi, đã lãnh bản án hơn 24 năm tù.