Tóm lược nội dung “Nghị quyết lịch sử” lần thứ 3 của Trung ương ĐCSTQ (P2)

Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành

Xem thêm: Phần 1

I. CÁCH MẠNG DÂN CHỦ MỚI GIÀNH THẮNG LỢI VĨ ĐẠI

Trong thời kỳ cách mạng dân chủ mới, những nhiệm vụ chủ yếu mà Đảng phải đối mặt là chống đế quốc, phong kiến ​​và chủ nghĩa tư bản quan liêu, đấu tranh giành độc lập dân tộc và giải phóng nhân dân, tạo điều kiện xã hội cơ bản cho sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.

Dân tộc Trung Hoa là một dân tộc lâu đời và vĩ đại trên thế giới, đã sáng tạo ra một nền văn minh sán lạn kéo dài hơn 5000 năm và có những đóng góp không thể phai mờ cho sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Sau cuộc Chiến tranh Thuốc phiện năm 1840, do sự xâm lược của các cường quốc phương Tây và sự thối nát của chế độ thống trị phong kiến, Trung Quốc dần dần trở thành một xã hội nửa thuộc địa, nửa phong kiến, đất nước bị sỉ nhục, nhân dân khốn khổ, nền văn minh bị mai một, dân tộc Trung Hoa phải gánh chịu những tai họa chưa từng có. Để cứu dân tộc thoát khỏi nguy cơ diệt vong, nhân dân Trung Quốc đã vùng lên phản kháng, những người có tiết tháo đã đi khắp nơi gào thét, tiến hành cuộc đấu tranh xúc động lòng người. Phong trào Thái Bình Thiên quốc, Phong trào Dương Vụ, Mậu Tuất Biến pháp, và Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn lần lượt nổi lên. Nhiều phương án cứu nước nối nhau ra đời, nhưng đều thất bại. Cách mạng Tân Hợi năm 1911 do ông Tôn Trung Sơn lãnh đạo đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế thống trị Trung Quốc hàng nghìn năm, nhưng không thay đổi được tính chất xã hội nửa thuộc địa, nửa phong kiến ​​của Trung Quốc và số phận bi thảm của nhân dân Trung Quốc. Trung Quốc bức thiết cần những tư tưởng mới để lãnh đạo phong trào cứu quốc và cần những tổ chức mới để tập hợp lực lượng cách mạng.

Tiếng súng Cách mạng Tháng Mười đã đưa chủ nghĩa Mác – Lê-nin đến với Trung Quốc. Phong trào Ngũ Tứ đã thúc đẩy việc truyền bá chủ nghĩa Mác ở Trung Quốc. Trong sự thức tỉnh vĩ đại của nhân dân Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa, trong sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa Mác – Lê-nin với phong trào công nhân Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc gặp thời sinh ra vào tháng 7 năm 1921. Đây là sự kiện trọng đại khai thiên lập địa, từ đó cách mạng Trung Quốc mang một bộ mặt hoàn toàn mới.

Đảng nhận thức sâu sắc rằng mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Trung Quốc cận đại là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc với dân tộc Trung Hoa, giữa chủ nghĩa phong kiến ​​với quần chúng nhân dân. Để thực hiện được sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, cần phải đấu tranh chống đế quốc và phong kiến.

Vào thời kỳ đầu thành lập Đảng và trong thời kỳ Đại Cách mạng, Đảng đã xác định cương lĩnh cách mạng dân chủ, phát động phong trào công nhân, phong trào thanh niên, phong trào nông dân và phong trào phụ nữ, thúc đẩy và giúp đỡ việc cải tổ Quốc Dân Đảng và xây dựng Quân đội Cách mạng quốc dân, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống đế quốc và phong kiến ​​vĩ đại trên cả nước, và mở ra cao trào cuộc Đại cách mạng. Năm 1927, tập đoàn phản động trong Quốc Dân Đảng nổi dậy chống lại cách mạng, tàn sát dã man những người cộng sản và nhân dân cách mạng. Do tư tưởng hữu khuynh trong Đảng với đại diện là Trần Độc Tú phát triển thành sai lầm chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh và chiếm địa vị thống trị trong cơ quan lãnh đạo Đảng, kết quả là Đảng và nhân dân đã không thể tổ chức chống lại có hiệu quả, làm cho cuộc Đại cách mạng bị thất bại thảm hại trước sự tấn công bất ngờ của kẻ địch lớn mạnh.

Trong thời kỳ Chiến tranh Cách mạng Ruộng đất, từ thực tế tàn khốc, Đảng đã nhận ra rằng không có vũ trang cách mạng thì không thể đánh thắng lực lượng phản cách mạng có vũ trang, không thể giành thắng lợi cho cách mạng Trung Quốc, không thể thay đổi vận mệnh của nhân dân Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa, cần phải dùng cách mạng có vũ trang chống lại phản cách mạng có vũ trang. Khởi nghĩa Nam Xương nổ phát súng đầu tiên của cuộc phản kháng có vũ trang chống lại bọn phản động Quốc Dân Đảng, đánh dấu sự mở đầu cuộc đấu tranh cách mạng, sáng lập Quân đội nhân dân và vũ trang giành chính quyền do Đảng Cộng sản Trung Quốc độc lập lãnh đạo. Hội nghị ngày 7 tháng 8 xác định phương châm tiến hành cách mạng ruộng đất và vũ trang khởi nghĩa. Đảng đã tổ chức cuộc Khởi nghĩa Thu Thu, Khởi nghĩa Quảng Châu và nhiều cuộc nổi dậy khu vực, nhưng do sự chênh lệch lực lượng giữa địch và ta nên hầu hết các cuộc nổi dậy này đều thất bại. Thực tế chứng minh rằng trong điều kiện khách quan thời bấy giờ, Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể giành thắng lợi cách mạng toàn quốc bằng cách trước tiên đánh chiếm các thành phố trung tâm, như Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm, mà Đảng bức thiết cần tìm ra con đường cách mạng thích hợp tình hình Trung Quốc.

Chuyển từ tấn công các thành phố lớn sang tiến quân vào nông thôn là khởi điểm mới có tính quyết định của cách mạng Trung Quốc. Đồng chí Mao Trạch Đông đã lãnh đạo quân dân thành lập căn cứ cách mạng nông thôn đầu tiên ở Tỉnh Cương Sơn, Đảng lãnh đạo nhân dân đánh đổ bọn cường hào, chia ruộng đất. Hội nghị Cổ Điền đã xác lập nguyên tắc xây dựng Đảng về tư tưởng và xây dựng quân đội về chính trị. Cùng với sự phát triển đấu tranh, Đảng đã sáng lập căn cứ địa cách mạng Trung ương và căn cứ địa ở các địa phương như Tương Ngạc Tây [phía Tây Hồ Nam], Hải Lục Phong, Ngạc Dự Hoản, Quỳnh Nhai, Mẫn Chiết Cán, Tương Ngạc Cán, Tả Hữu Giang, Xuyên Thiểm, Thiểm Cam, Tương Ngạc Xuyên Điềm. Tại các vùng do Quốc Dân Đảng thống trị, Đảng cũng phát triển tổ chức cách mạng và triển khai các cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng. Thế nhưng, do sự lãnh đạo sai lầm của chủ nghĩa giáo điều “Tả khuynh” trong Đảng với đại diện là Vương Minh, cuộc chiến đấu chống “bao vây và càn quét” lần thứ năm của căn cứ Cách mạng Trung ương đã thất bại, Hồng quân phải tiến hành chuyển dịch chiến lược và sau cuộc Trường chinh gian khổ đã chuyển đến Thiểm Bắc. Sai lầm của đường lối “Tả” đã gây ra những tổn thất cực lớn cho vùng căn cứ cách mạng và lực lượng cách mạng ở khu vực Quốc Dân Đảng cai trị.

Tháng 1 năm 1935, trên đường hành quân Trường chinh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng CSTQ đã tổ chức hội nghị Tuân Nghĩa, cuộc họp này trên thực tế đã xác lập quyền lãnh đạo của đồng chí Mao Trạch Đông trong Trung ương Đảng và Hồng quân, đồng thời bắt đầu xác lập địa vị lãnh đạo ở Trung ương Đảng của đường lối mác-xít đúng đắn với đại diện chính là đồng chí Mao Trạch Đông, bắt đầu hình thành thế hệ tập thể lãnh đạo đầu tiên với đồng chí Mao Trạch Đông làm nòng cốt, mở ra một giai đoạn mới để Đảng có thể độc lập giải quyết các vấn đề thực tiễn của cách mạng Trung Quốc, vào thời điểm quan trọng nhất đã cứu được Đảng, cứu được Hồng quân, cứu được cách mạng Trung Quốc, và sau đó làm cho Đảng có thể đánh bại chủ nghĩa ly khai của Trương Quốc Đào, hoàn thành thắng lợi cuộc Trường chinh, mở ra một tình thế mới cho cách mạng Trung Quốc. Đây là một bước ngoặt sinh tử trong lịch sử của Đảng.

Trong thời kỳ Kháng chiến chống Nhật, sau Biến cố 18 tháng 9, mâu thuẫn dân tộc giữa Trung Quốc và Nhật Bản dần dần vượt qua mâu thuẫn giai cấp trong nước và trở thành mâu thuẫn chủ yếu. Vào thời điểm đế quốc Nhật đẩy mạnh xâm lược nước ta và cuộc khủng hoảng dân tộc trầm trọng chưa từng thấy, Đảng đã đi đầu giương cao ngọn cờ vũ trang chống Nhật, triển khai sâu rộng phong trào cứu nước chống Nhật, xúc tiến giải quyết hòa bình Sự biến Tây An, và có tác dụng lịch sử quan trọng trong việc thúc đẩy Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản tái hợp tác và đoàn kết chống Nhật. Sau Biến cố ngày 7 tháng 7, Đảng đã thực hiện chính sách Mặt trận thống nhất dân tộc chống Nhật đúng đắn, kiên trì đường lối toàn diện kháng chiến, đề ra và thực hiện tổng phương châm chiến lược đánh lâu dài, đề xuất một bộ chiến thuật chiến lược chiến tranh nhân dân, mở ra các chiến trường rộng lớn trong vùng hậu địch và căn cứ địa chống Nhật, lãnh đạo cuộc chiến đấu anh dũng của Bát Lộ Quân, Tân Tứ Quân, Liên quân kháng Nhật Đông Bắc và các lực lượng vũ trang chống Nhật khác của nhân dân, trở thành trụ cột của cuộc kháng chiến toàn dân tộc cho đến khi cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc giành được thắng lợi cuối cùng. Đây là lần đầu tiên nhân dân Trung Quốc giành được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống ngoại xâm thời cận đại, cũng là một bộ phận quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc chiến tranh chống phát xít trên thế giới.

Trong thời kỳ Chiến tranh giải phóng, trước cuộc nội chiến toàn diện do bọn phản động Quốc Dân Đảng công nhiên phát động, Đảng đã lãnh đạo quân và dân từng bước chuyển từ tích cực phòng ngự sang tấn công chiến lược, đã giành thắng lợi trong ba chiến dịch lớn Liêu Hải, Hoài Hải, Bình Tân và chiến dịch vượt sông Dương Tử, tiến quân thắng lợi vào các vùng Trung Nam, Tây Bắc và Tây Nam, tiêu diệt 8 triệu quân đội của bè lũ phản động Quốc Dân Đảng, lật đổ chính quyền phản động Quốc Dân Đảng, lật đổ ba trái núi lớn đế quốc, phong kiến, chủ nghĩa tư bản quan liêu. Được sự ủng hộ của nhân dân, quân đội nhân dân do Đảng lãnh đạo đã anh dũng chiến đấu chống lại kẻ thù hung ác với tinh thần anh dũng vô song, chỉ tiến không lui, đã lập chiến công lịch sử giành thắng lợi cách mạng dân chủ mới.

Trong cuộc đấu tranh cách mạng, những người Cộng sản Trung Quốc với đại diện chính là đồng chí Mao Trạch Đông đã kết hợp những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê với thực tế cụ thể của Trung Quốc, đã tiến hành khái quát lý luận đối với hàng loạt kinh nghiệm có tính chất sáng tạo độc đáo tích lũy được qua quá trình tìm tòi gian khổ, trả giá bằng sự hy sinh to lớn, mở ra con đường cách mạng đúng đắn là lấy nông thôn bao vây thành thị, vũ trang giành chính quyền, đã sáng lập Tư tưởng Mao Trạch Đông, chỉ ra phương hướng đúng đắn cho việc giành thắng lợi của cuộc cách mạng dân chủ mới.

Trong đấu tranh cách mạng, Đảng đã phát huy tinh thần xây dựng Đảng vĩ đại, kiên trì chân lý, giữ vững lý tưởng, thực hiện nguyện vọng ban đầu, gánh vác nhiệm vụ, không ngại hy sinh, anh dũng đấu tranh, trung thành với Đảng, không phụ lòng tin của nhân dân, thực hiện và xúc tiến các đề án lớn về xây dựng Đảng, đề xuất nguyên tắc chú trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, kiên trì chế độ tập trung dân chủ, kiên trì tuân thủ ba phong cách tốt là gắn lý luận với thực tiễn, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, phê bình và tự phê bình, hình thành ba đại pháp bảo là Mặt trận thống nhất, đấu tranh vũ trang, xây dựng Đảng, cố gắng phấn đấu xây dựng một chính đảng mác-xít trong phạm vi cả nước, có tính quần chúng rộng khắp, hoàn toàn vững vàng về tư tưởng và chính trị. Từ năm 1942, Đảng bắt đầu tiến hành chỉnh phong trong toàn Đảng, phong trào giáo dục tư tưởng chủ nghĩa Mác này đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Đảng đã soạn thảo “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử”, làm cho toàn Đảng có nhận thức thống nhất về những vấn đề cơ bản của cách mạng Trung Quốc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã đề ra phương châm chính sách đường lối về xây dựng một nước Trung Quốc mới theo chủ nghĩa dân chủ mới, giúp toàn Đảng đạt được sự đoàn kết và thống nhất chưa từng có về tư tưởng, chính trị và tổ chức.

Sau 28 năm đấu tranh đẫm máu, Đảng đã lãnh đạo nhân dân, với sự hợp tác tích cực của các đảng phái dân chủ và các nhân sĩ dân chủ không đảng phái, ngày 1 tháng 10 năm 1949 tuyên bố thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, thực hiện độc lập dân tộc và giải phóng nhân dân, triệt để kết thúc lịch sử xã hội nửa thuộc địa, nửa phong kiến ​​của Trung Quốc cũ, triệt để chấm dứt lịch sử của một thiểu số rất ít kẻ bóc lột thống trị đông đảo nhân dân lao động, chấm dứt hoàn toàn tình trạng cát cứ rải rác ở Trung Quốc cũ, xóa bỏ hoàn toàn các hiệp ước bất bình đẳng mà các cường quốc áp đặt lên Trung Quốc, xóa bỏ mọi đặc quyền tại Trung Quốc của bọn đế quốc, thực hiện bước nhảy vọt vĩ đại đưa Trung Quốc từ chế độ chính trị chuyên chế phong kiến tiến lên chính trị dân chủ nhân dân, cũng làm cho tình hình chính trị thế giới thay đổi cực lớn, cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới.

Thực tiễn cho thấy, lịch sử và nhân dân đã lựa chọn Đảng Cộng sản Trung Quốc, nếu không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì không thể giành được độc lập dân tộc và giải phóng nhân dân. Bằng sự đấu tranh dũng cảm ngoan cường, Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc trang nghiêm tuyên bố với thế giới rằng từ nay nhân dân Trung Quốc đã đứng lên, thời đại dân tộc Trung Hoa bị kẻ khác tùy ý tàn sát và sỉ nhục đã mãi mãi không còn, từ nay sự phát triển của Trung Quốc mở ra một kỷ nguyên mới.

(còn nữa)