Nguồn: Wang Huning’s career reveals much about political change in China, The Economist, 12/02/2022.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vị giáo sư đại học đã giúp định hình chính sách của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong hơn hai thập niên.
Một năm trước khi nổ ra biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, các khu học xá ở Trung Quốc xôn xao tranh luận về việc làm thế nào để đất nước họ trở nên tự do hơn. Đối với một số trí thức, phương Tây mang lại một mô hình. Còn ở Liên Xô, Mikhail Gorbachev đã chỉ cho họ cách khởi đầu như thế nào. Giữa những chuyển đổi này, vào tháng 8/1988, một nhà khoa học chính trị đã đến Mỹ học tập nửa năm, trước tiên là tại Đại học Iowa. Ông nhận ra có nhiều điều đáng chỉ trích, nhưng cũng có nhiều điều đáng ngưỡng mộ ở Mỹ: các trường đại học, sự đổi mới và sự chuyển giao quyền lực suôn sẻ từ tổng thống này sang tổng thống khác. Chủ nghĩa tư bản, người đảng viên 32 tuổi ấy viết, là thứ “không thể coi thường”.
Học giả đó, Vương Hỗ Ninh, hiện là một trong bảy thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan cầm quyền tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Với tư cách là trưởng ban tư tưởng và tuyên truyền, ông phụ trách xây dựng một thông điệp rất khác: rằng Trung Quốc mới là nền dân chủ thực sự, còn nước Mỹ là dân chủ giả hiệu, và sức mạnh của Mỹ đang tàn lụi. Với một đảng cầm quyền đang bị cuốn vào cuộc chiến ý thức hệ ngày càng leo thang với Mỹ, điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Vai trò của Vương trong cuộc đấu tranh còn nhiều hơn thế. Những bài viết trước đây của ông không nhằm khơi gợi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Ông đã nhìn thấy những điểm yếu trong hệ thống của Mỹ, nhưng không phóng đại chúng. Ông cũng thấy nhiều vấn đề ở cả Trung Quốc. Đáng chú ý hơn, ông chính là người đã soạn thảo thông điệp của đảng suốt ba đời lãnh đạo liên tiếp. Người hiện đang cai trị Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã tin tưởng giao phó cho Vương vai trò quan trọng này, dù ông không phải là cộng sự cũ của Tập. Một tờ báo có liên hệ với nhà nước gọi Vương là “quân sư số một” của đảng.
Đó là một vị trí trong bóng tối. Những bài phát biểu không thường xuyên của Vương chỉ cho chúng ta biết chút ít về những gì ông đang làm ở hậu trường. Trước khi Tập ngừng công du nước ngoài hai năm trước, thời điểm bắt đầu đại dịch, Vương vẫn thường tháp tùng vị chủ tịch nước trong các chuyến đi, qua đó thể hiện rằng ông cũng tham gia vào lĩnh vực ngoại giao. Giới truyền thông mà đảng hậu thuẫn ở Hồng Kông còn tiết lộ nhiều hơn thế. Họ ghi nhận Vương là người đã định hình các chính sách mang dấu ấn riêng cho từng nhà lãnh đạo trong hơn hai thập niên, từ “ba đại diện” của Giang Trạch Dân (xóa bỏ những điều cấm kỵ xung quanh việc kết nạp các doanh nhân tư nhân vào đảng), đến “quan điểm khoa học về phát triển” của Hồ Cẩm Đào (hướng tới cách tiếp cận thân thiện với môi trường và bình đẳng hơn), và “Trung Hoa mộng” của Tập Cận Bình, về một Trung Quốc giàu có, mạnh về quân sự và là một cường quốc toàn cầu.
Điều này đòi hỏi sự khôn khéo chính trị. Là một thành viên trong nhóm thân tín của Tập, Vương cần phải tách mình ra khỏi cả Hồ và Giang, những người có các đồng minh nằm trong danh sách mục tiêu thanh trừng của Tập. Chính Giang đã đưa Vương từ Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nơi ông đang giảng dạy, đến trụ sở chính của đảng ở Bắc Kinh vào năm 1995. Việc là một học giả, không phải một chính trị gia, có lẽ chính là thứ đã giúp Vương vượt lên trên các cuộc chiến nội bộ của đảng. Tất cả các phe phái đều đánh giá cao khả năng của Vương trong vai trò một nhà lý luận, và ông sẵn sàng sử dụng khả năng đó một cách linh hoạt.
Chẳng thể biết Vương thực sự nghĩ gì về các chính sách mà ông giúp hình thành. Ông phản ứng như thế nào khi, vào năm 2018 – một năm sau khi ông được bầu vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị – Tập đã thay đổi các quy tắc để giúp vị lãnh đạo Trung Quốc có thể dễ dàng hơn trong việc nắm quyền vô thời hạn? Trong cuốn sách viết về chuyến đi Mỹ của mình, America Against America (Nước Mỹ chống lại nước Mỹ, 1991), Vương lưu ý rằng nếu một hệ thống chính trị không tìm ra cách chuyển giao quyền lực, thì đất nước đó sẽ khó “có được trật tự chính trị lâu dài và ổn định.” Cuốn sách thường được mô tả là một khảo sát ảm đạm về triển vọng của Mỹ (với việc đang bị Nhật Bản thách thức ưu thế lúc bấy giờ). Tuy nhiên, sự ổn định của nước Mỹ rõ ràng đã gây ấn tượng với ông.
Giả sử Vương thực sự tin vào những thứ mà ông tuyên truyền, thì hành trình nhận thức của ông không quá khác so với hành trình của những cá nhân cùng thế hệ với ông. Vào thập niên 1980, ông là ví dụ điển hình cho những người tin vào “chủ nghĩa tân chuyên chế” – ngụ ý rằng sự lãnh đạo mạnh mẽ là cần thiết để quản lý sự thay đổi dần dần và có trật tự, trong một thời gian dài, hướng tới một hình thức chính trị tự do hơn (một số ít người thuộc nhóm này còn công khai đề xuất rằng điểm kết thúc chính là việc chấm dứt chế độ độc đảng).
Đã có nhiều thay đổi diễn ra vào cuối thập niên 1980 và những năm sau đó. Thứ nhất, làn sóng biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1989 đã làm chấm dứt tranh luận của đảng về cải cách chính trị. Sau đó là sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở những nơi khác. Chẳng có gì trong số những diễn biến tiếp theo đủ hấp dẫn những người theo chủ nghĩa tự do ở Trung Quốc. Sự bùng nổ kinh tế của đất nước trong những năm 1990 đã củng cố sức hút của một đảng mạnh – thứ có thể giữ cho đất nước ổn định. “Tiếp tục viết các bài báo về cải cách chính trị,” Vương viết trong nhật ký của mình vào năm 1994, khi vẫn còn là một học giả (cuốn sách được xuất bản một năm sau). “Đề xuất một số phương pháp khả thi để đối phó với tình hình hiện tại… nhưng nếu chúng ta muốn thay đổi nhanh chóng, chúng ta sẽ không thể đạt được nó.”
Cuốn nhật ký, có tựa đề A Political Life (Một cuộc đời chính trị), chỉ viết về vỏn vẹn một năm trong cuộc đời ông, nhưng đã tiết lộ nhiều chi tiết hấp dẫn về những sở thích ‘phi học thuật’ của Vương vào thời điểm đó. Ông thích xem phim nước ngoài, thường là vào ban đêm (nhiều mục trong nhật ký bắt đầu bằng câu “Trong những giờ cuối của ngày …”). Alien, bộ phim kinh dị khoa học viễn tưởng, là một trong những bộ phim Vương nhắc đến. Ông lưu ý rằng những bộ phim như vậy rất phổ biến ở phương Tây. “Tôi không rõ liệu nó có liên quan đến tâm lý của họ hay một lý do xã hội nào đó.”
Giống như nhiều người trong thập niên 1990, Vương cũng bị hấp dẫn bởi những lời tuyên bố của các nhà thần bí khẳng định mình có sức mạnh siêu nhiên. Ông kể về lần gặp một người có khả năng xoắn nĩa và thìa lại với nhau chỉ bằng một cái chạm, và lấy thuốc từ một cái lọ mà không cần mở nó ra. Vương viết: “Đó thực sự là một điều kỳ diệu. Người ta không thể không tin.” Năm 1999, chính phủ phát động một chiến dịch quyết liệt chống lại Pháp Luân Công, một nhóm thần bí do một đạo sư tự phong lãnh đạo. Ngày nay, không một quan chức nào dám nói dù bóng gió rằng mình tin vào ma thuật.
Dù sao thì lúc này Vương cũng không có thời gian để bận tâm đến những chuyện như thế. Cuối năm nay đảng sẽ tổ chức đại hội, vốn diễn ra 5 năm một lần, lúc ấy chúng ta sẽ có được câu trả lời rõ ràng về việc liệu Tập có tiếp tục là lãnh đạo của đảng hay không, ngay cả khi nhiệm kỳ của ông đã đạt đến giới hạn thông thường là 10 năm. Vương hẳn đang bận chuẩn bị báo cáo mà Tập sẽ trình bày.
Ông là người dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Theo Hạ Minh, một cựu đồng nghiệp của Vương, hiện đang giảng dạy tại Đại học Thành phố New York, khi còn là một học giả, vào năm 1987, Vương đã được mời gửi các đề xuất về nội dung của báo cáo sẽ được trình bày tại đại hội năm đó. Xét về mặt chính trị, văn kiện năm 1987 là văn kiện ủng hộ cải cách nhiều nhất trong thời kỳ Cộng sản, kêu gọi tách biệt đảng và chính phủ. Nhưng Vương đã tránh liên hệ với phe cải cách của đảng ở Bắc Kinh, và quyết định giữ im lặng trong biến động năm 1989 – Hạ (người ít thận trọng hơn trong việc này) chia sẻ. Tuy nhiên, Vương đã giúp dàn xếp để Hạ có thể an toàn đến Mỹ sau khi cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu.
Vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với Vương sau đại hội. Ông đủ trẻ, chỉ mới 66 tuổi, để tiếp tục tham gia Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị thêm 5 năm nữa. Nhưng một số nhà lý luận mới đang xuất hiện, như nhận xét của Cheng Li thuộc Viện Brookings. Một trong số đó là Giang Kim Quyền, người lên kế nhiệm Vương vào năm 2020 trong vị trí người đứng đầu trung tâm nghiên cứu chính sách của đảng, một viện nghiên cứu chính sách vô cùng quyền lực. Cheng tin tưởng rằng Giang có thể có được một ghế trong Bộ Chính trị sau đại hội.
Có lẽ Vương đã sẵn sàng cho bước tiếp theo. “Khi một người làm việc ở một vị trí suốt một thời gian dài … tư duy của anh ta sẽ dần trở nên xơ cứng, và anh ta sẽ mất đi sự cởi mở,” ông viết trong nhật ký năm 1994. Những lời kêu gọi cống hiến cho Tập một cách liên tục, không ngừng của bộ máy tuyên truyền của Vương cho thấy rằng tư duy xơ cứng là một vấn đề đang tràn ngập khắp hệ thống chính trị Trung Quốc.