Quan hệ Nga-Trung chỉ là liên kết chứ không phải liên minh

Nguồn: Sergey Radchenko, an expert on Russia’s foreign relations, writes on its evolving friendship with China, The Economist, 15/02/2022.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Cùng nhau phản đối NATO bành trướng thì dễ, nhưng cùng nhau điều hướng địa chính trị lại khó.

Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đại từ nhân xưng rất quan trọng. Ông thích thể hiện sự gần gũi với một số lãnh đạo thế giới bằng cách gọi họ bằng đại từ thân mật ты (‘ty’), thay vì đại từ trang trọng là вы (‘vy’). Angela Merkel, Emmanuel Macron, Silvio Berlusconi và Victor Orban đều được gọi bằng lối nói thân thiện này. Thế nhưng, Putin luôn giữ sự trang trọng với “người bạn thân thiết” là Chủ tịch Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tổng cộng 38 lần, lần gần đây nhất là tại Bắc Kinh vào ngày 04/02. Tuy nhiên, bất chấp những nghi thức ngoại giao thì Putin và Tập là cặp song sinh có quan điểm gần gũi về chính trị. Họ chia sẻ quan điểm chuyên chế về các vấn đề thế giới, và cùng có cam kết sâu sắc đối với mối quan hệ Trung-Nga, mà cả hai tuyên bố là đang ở giai đoạn nồng ấm nhất trong lịch sử.

Đây là một mối quan hệ giữa hai bên ngang hàng, bởi Tập cho phép nó được tồn tại như vậy. Đúng là về mặt kinh tế, Trung Quốc và Nga không ở cùng một hạng. Quy mô nền kinh tế Trung Quốc lớn gần gấp sáu lần quy mô nền kinh tế Nga. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nga, nhưng Nga thậm chí không lọt vào top 10 đối tác hàng đầu của Trung Quốc. Dù vậy, Tập vẫn thích Putin, vì sự thân thiện của Nga là tài sản quý giá đối với Trung Quốc. Nga là một trong số rất ít bạn bè thực sự của Trung Quốc, và là một trong những nước có tầm ảnh hưởng quốc tế đáng kể. Điều này mang lại cho Putin một mức độ ảnh hưởng nhất định trong quan hệ Trung-Nga, bất chấp việc người Nga bị áp đảo về kinh tế.

Vị thế hạt nhân của Nga, vai trò là thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và hơn hết, là sự sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự – như những gì nước này đang làm xung quanh biên giới Ukraine, và gần đây hơn là khi họ triển khai chớp nhoáng “lực lượng gìn giữ hòa bình” tại Kazakhstan – là những lời nhắc nhở đối với Bắc Kinh, rằng Nga sẽ không dễ dàng chấp nhận vai trò là đối tác cấp dưới của Trung Quốc.

Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thực thi một hệ thống thứ bậc sẽ đều phản tác dụng. Rốt cuộc thì đó chính là lý do liên minh Xô-Trung của Mao Trạch Đông và Joseph Stalin sụp đổ trong những năm 1950: Moscow mong đợi chiến lược toàn cầu của mình sẽ được tôn trọng, còn Bắc Kinh tỏ ra không muốn cúi đầu. Ngày nay, Bắc Kinh không – và không thể – trông đợi sự quy thuộc của Moscow. Điều đó cũng có nghĩa là tình bạn của hai bên có thể sẽ tồn tại lâu hơn liên minh do Stalin và Mao xây dựng.

Trung Quốc và Nga không gọi mối quan hệ giữa họ là một liên minh. Họ đã không đưa ra những đảm bảo an ninh như những gì đề cập trong Điều 5 Hiệp ước NATO. Họ liên kết, chứ không liên minh, và dàn xếp này khiến mỗi bên đều có sự linh hoạt ở một mức độ nào đó, cho phép lợi ích của họ hội tụ hoặc phân tách tùy theo tình hình.

Trong những tháng gần đây, lợi ích của Bắc Kinh và Moscow thường xuyên hội tụ. Họ thậm chí đã bắt đầu xây dựng một hệ quy chiếu ý thức hệ cho quan hệ của mình, dựa trên các giá trị tương tự và quan điểm chung về các xu hướng lịch sử dài hạn. Nhưng Putin và Tập tuyên bố rằng quan hệ đối tác Trung-Nga không bị ràng buộc bởi một hệ tư tưởng chung, trái với những gì họ coi là sự cứng nhắc về ý thức hệ của phương Tây. Họ thách thức các định nghĩa về “dân chủ” và “nhân quyền”, gần đây nhất là trong một tuyên bố chung tại Bắc Kinh. Sử dụng những luận điệu chống thực dân, họ khẳng định rằng phương Tây đại diện cho một “thiểu số” hống hách, và chính trị của nó đã bị “cộng đồng quốc tế bác bỏ”.

Dù đưa ra nhiều khẳng định táo bạo, các bằng chứng cho thấy Tập và Putin chỉ mong muốn cải cách, chứ không thay thế trật tự toàn cầu. Tầm nhìn của họ về cơ bản là bảo thủ. Một trong những điểm đáng lưu ý trong luận điệu của Putin cũng thể hiện sự bảo thủ. Ông nói rằng ông muốn mở rộng vai trò của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là vai trò của 5 thành viên thường trực, trong việc hoạch định chính sách toàn cầu. Thật mỉa mai khi một nhà lãnh đạo từng chỉ trích phương Tây vì tâm lý Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời, nay lại tìm cách thúc đẩy các thể chế thậm chí còn xuất hiện từ sớm hơn nữa, và nó hoàn toàn không phản ánh sự phân bổ quyền lực hiện tại trong chính trị quốc tế.

Mối bận tâm của Putin trong việc ngăn chặn sự mở rộng hơn nữa của NATO – động cơ đằng sau sự đe dọa của ông đối với Ukraine – là một yếu tố khác trong tầm nhìn bảo thủ kéo dài nhiều thập niên của ông. Nó phản ánh quan niệm về an ninh châu Âu được Leonid Brezhnev, vị cựu lãnh đạo Liên Xô, ưa chuộng. Brezhnev e ngại người Trung Quốc, và dưới thời ông cầm quyền, hai nước láng giềng thậm chí đã tiến hành một cuộc chiến tranh biên giới chớp nhoáng. Ngược lại, Putin đã lôi kéo Bắc Kinh trong nỗ lực chống lại sự bành trướng của NATO.

Bị thúc đẩy bởi những rắc rối riêng của mình ở Hong Kong, Tập cũng đã ủng hộ một trong những mối bận tâm lâu đời của Putin: quyết liệt phản đối “các cuộc cách mạng màu” được cho là lấy cảm hứng từ phương Tây. Gần đây, điều này đã được thể hiện khi Trung Quốc nhanh chóng chấp thuận phản ứng của Nga trước bạo loạn ở Kazakhstan. Tập đồng ý, dù ông có thể không thích quân đội được điều động thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, một liên minh quân sự do Nga dẫn đầu, nơi mà Trung Quốc không có tiếng nói.

Câu hỏi lớn nhất về liên kết Trung-Nga là liệu nó có tồn tại lâu dài trong một môi trường địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng hay không. Trung Quốc ủng hộ Nga trong việc phản đối sự bành trướng của NATO là một chuyện, vì họ chẳng mất gì khi làm vậy. Nhưng liệu Trung Quốc có giúp Nga lẩn tránh các lệnh trừng phạt kinh tế mà nước này sẽ phải đối mặt nếu quyết định xâm lược Ukraine hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác. Nga ủng hộ Trung Quốc chống lại AUKUS – một hiệp ước quốc phòng ba bên giữa Australia, Anh, và Mỹ được công bố vào năm ngoái – cũng là một chuyện, nhưng Nga hỗ trợ Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột ở Biển Đông, hoặc Nga đứng về phía Trung Quốc trong một cuộc đụng độ với Ấn Độ, nước mà Nga vẫn duy trì mối quan hệ thân tình, lại là chuyện khác.

Nga và Trung Quốc càng trở nên thân thiết, hai bên càng giả định rằng họ có thể trông cậy vào nhau trong những lúc cần kíp. Nhưng với việc sự đối đầu địa chính trị cũ đang tái xuất hiện ở châu Âu và châu Á, nhiều khả năng, chẳng bao lâu nữa, Putin và Tập sẽ nhận ra sự khó chịu của việc phải phân biệt rạch ròi giữa một mối quan hệ liên kết và một liên minh chính thức.

Sergey Radchenko là Giáo sư hàm Wilson E. Schmidt tại Trung tâm Kissinger, Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao, Đại học Johns Hopkins ở Bologna.