Thế giới hôm nay: 28/02/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh đặt các lực lượng hạt nhân Nga trong tình trạng báo động “đặc biệt,” tức mức độ sẵn sàng cao nhất cho hoạt động răn đe hạt nhân của Nga. Ông Putin nói điều này là để đáp lại “những tuyên bố gây hấn” từ các nước NATO. Chính phủ Mỹ miêu tả động thái của Nga là “một bước leo thang hoàn toàn không cần thiết.” Trong khi đó Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói những lời đe dọa của ông Putin là “giọng điệu nguy hiểm.”

Các quan chức Ukraine tuyên bố lực lượng của họ đã đẩy lùi cuộc tấn công của Nga vào Kharkiv, thành phố lớn thứ hai Ukraine. Cụ thể, thống đốc Oleh Synyehubov đã đăng trên Facebook “Quyền kiểm soát Kharkiv hoàn toàn là của chúng tôi!” Song Kyiv lại bị bao vây. Thị trưởng thành phố này cho biết tất cả các lối ra đã bị quân đội Nga phong tỏa. Lệnh giới nghiêm tại đây được áp dụng cho đến sáng thứ Hai.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo các phái đoàn Ukraine và Nga sẽ đàm phán tại biên giới Ukraine-Belarus. Sau khi từ chối lời đề nghị trước, ông Zelensky đã thay đổi lập trường kể từ khi điện đàm với Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus. Ông Zelensky nói chưa có khung thời gian cụ thể cho các cuộc đàm phán, song chúng sẽ được tổ chức “mà không có điều kiện tiên quyết nào.”

EU tuyên bố đóng cửa không phận đối với máy bay Nga và cấm các đài truyền hình quốc doanh Nga, đồng thời tài trợ vũ khí cho Ukraine. Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng cam kết gửi thêm vũ khí. Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo bổ sung 100 tỷ euro (113 tỷ đô la) vào ngân sách quốc phòng của nước ông, qua đó tăng chi tiêu quốc phòng lên hơn 2% GDP.

Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy họ sẽ chặn các tàu chiến Nga tiến vào Biển Đen qua eo biển Bosporus và eo biển Dardanelles. Thổ Nhĩ Kỳ có quyền kiểm soát chúng theo công ước Montreux và có quyền ngăn chặn tàu chiến đi qua trong thời gian xảy ra chiến tranh, chỉ trừ trường hợp chúng quay lại các cảng thường trú ở Biển Đen. Đây là một đòn đáng kể đối với Nga.

BP thông báo bán 20% cổ phần trong công ty dầu khí nhà nước Nga Rosneft. Với động thái này, CEO hiện tại Bernard Looney và cựu CEO Bob Dudley của BP sẽ rời khỏi hội đồng quản trị Rosneft. BP đã nắm giữ cổ phần Rosneft từ năm 2013 và hoạt động tại Nga suốt 30 năm qua.

Một số tin vắn: Donald Trump cho thấy ý định tranh cử tổng thống vào năm 2024 – khi phát biểu trước hội nghị CPAC bảo thủ rằng ông đã thắng vào năm 2020 và sẽ thắng thêm một lần nữa. Trong khi đó Triều Tiên lại thử tên lửa sau một tháng gián đoạn. Còn thu nhập của Berkshire Hathaway tăng hơn gấp đôi trong năm 2021 để đạt 90 tỷ đô la. Công ty đầu tư của Warren Buffett có kết quả tốt đẹp nhờ thị trường chứng khoán khởi sắc.

Con số trong ngày: 1-3 triệu người, là số người Ukraine sẽ tìm cách rời khỏi đất nước họ trong những tuần tới, theo ước tính của Liên Hợp Quốc.

TIÊU ĐIỂM

Thế khó của Trung Quốc khi Nga xâm lược Ukraine

Trong khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga cho thấy rõ quy mô và mức độ bạo lực của nó, Trung Quốc vẫn tránh không chỉ trích. Hôm thứ Sáu, họ đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết lên án Nga của Liên Hợp Quốc (Nga phủ quyết). Nhưng lập trường này sẽ càng khó duy trì hơn khi thương vong tăng và phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Bloomberg đưa tin ít nhất hai trong số các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đang hạn chế việc cung cấp tài chính để mua hàng hóa cơ bản từ Nga. Điều này cho thấy Trung Quốc sợ bị ảnh hưởng hoạt động kinh doanh nếu bị coi là không tuân thủ các biện pháp trừng phạt.

Không rõ Trung Quốc đã biết trước bao nhiêu về kế hoạch của Nga và đã chuẩn bị đến đâu cho các diễn biến ngoại giao. Tờ New York Times đưa tin Mỹ có thông báo cho các quan chức Trung Quốc về tin tình báo cho thấy động thái triển khai quân của Nga ngay trước cuộc xâm lược, nhưng bị Trung Quốc phủ nhận. Song cho dù thế nào Trung Quốc cũng không thể công khai phản đối tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ngân hàng trung ương Nga bị nhắm mục tiêu trừng phạt

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga thường chỉ nghe hoành tráng chứ không có nhiều tác động thực tế. Song các biện pháp lần này nhắm vào hệ thống tài chính của Nga, đặc biệt vào ngân hàng trung ương, là rất quyết liệt. Tổ chức này nắm giữ 630 tỷ đô la dự trữ ngoại hối, tương đương 38% GDP của Nga trong năm 2021. Và mặc dù Nga đã giảm tỉ lệ đô la Mỹ trong kho dự trữ, nhưng khả năng cao là phần lớn các khoản dự trữ của Nga đang nằm tại các tổ chức tài chính hoặc các quốc gia nơi chấp nhận thực thi các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Điều đó có nghĩa là một phần ngân khố chiến tranh của Nga có thể bị đóng băng.

Nếu không thể tức thời tiếp cận số tiền dự trữ, ngân hàng trung ương sẽ khó có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ hoặc cung cấp thanh khoản ngoại tệ cho các ngân hàng. Tất cả cho thấy hệ thống tài chính của Nga sẽ gặp nhiều rối loạn. Chẳng hạn, trong trường hợp nguồn vốn tháo chạy ra nước ngoài, vì không có dự trữ khẩn cấp, ngân hàng sẽ phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ nhằm ngăn đồng nội tệ sụp đổ.

Nga khiến Đức tăng chi tiêu quốc phòng 

Trong nhiều thập niên qua, dưới sự bảo vệ của Mỹ, Đức đã hạn chế hoạt động quân sự và không quá chú trọng đến các lực lượng vũ trang. Thậm chí đến Donald Trump cũng chỉ có thể thuyết phục được Angela Merkel miễn cưỡng chi 2% GDP cho quốc phòng cho tới năm 2031, theo như quy định của các thành viên NATO. Nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin lại thành công trong việc thuyết phục Đức thay đổi.

Vào Chủ nhật, thủ tướng mới Olaf Scholz đã tuyên bố trước Hạ viện Đức là sẽ tăng chi tiêu quân sự lên trên ngưỡng 2% GDP “kể từ bây giờ” và thậm chí đề xuất đưa con số này vào hiến pháp. Ông sẽ rót 100 tỷ euro (113 tỷ USD) trong năm nay vào một quỹ đặc biệt để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Và ông sẽ viện trợ vũ khí phòng thủ cho Ukraine. Ông cũng thề tăng cường hiện diện của Đức tại các nước NATO ở Đông Âu.

Chỉ mới vài ngày trước, Đức còn quả quyết không ngừng dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 từ Nga. Song họ đổi ý khi Nga xâm lược Ukraine. Giải thích về động thái này, ông Scholz nói cuộc chiến của Putin “làm thay đổi căn bản tình hình.”

Sắp công bố báo cáo toàn diện của IPCC về biến đổi khí hậu

Hôm thứ Hai, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu IPCC, một cơ quan được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn có nhiệm vụ đối chiếu các quan điểm khoa học về biến đổi khí hậu, sẽ đưa ra đánh giá toàn diện nhất từ trước đến nay về hậu quả của nóng lên toàn cầu.

Phiên bản báo cáo trước đây của IPCC được công bố vào năm 2014. Trong những năm qua đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong ngành nghiên cứu về tác động của con người lên khí hậu. Hơn nữa thế giới lại ngày càng chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Sự kết hợp giữa tiến bộ khoa học và kinh nghiệm thực tế giúp nhân loại hiểu hơn về hiểm họa phía trước và cho thấy các nỗ lực thích ứng hiện tại đang thất bại ra sao.

Do đó có thể đoán được là báo cáo sẽ không hề tích cực gì. Tại COP26, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc hồi tháng 11, các nhà lãnh đạo đã nói rõ là rất nhiều nước đang hứng chịu tác động của nóng lên toàn cầu. Song thế giới lại không hành động đủ quyết liệt.

Kinh tế Ấn Độ chậm lại vì các tác nhân vĩ mô

Váo năm ngoái chính phủ Ấn Độ cho biết đang trên đà trở thành “nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.” Có lẽ không nên lạc quan quá sớm như vậy. Tỷ lệ tăng trưởng 20,1% và 8,4% trong hai quý đầu tiên của năm tài chính 2021-22 có được chẳng qua do đại dịch làm cho nền so sánh xuống rất thấp. Dữ liệu GDP quý 4/2021 có thể sẽ cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm lại ở mức khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước, khi covid-19 ít tràn lan hơn.

Tăng trưởng có thể còn chậm hơn nữa trong quý hiện tại. Các hạn chế liên quan đến Omicron được đặt ra từ tháng 1 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine là một tác nhân còn lớn hơn. Vì là nước nhập khẩu dầu lớn, Ấn Độ rất nhạy cảm với giá dầu lên cao. Ước tính đã cho thấy giá dầu thô tăng 10 điểm phần trăm có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ giảm 0,2 điểm phần trăm. Nó thậm chí có thể đẩy lạm phát lên cao.