Nguồn: “Warten auf den Großangriff: Wird Kiew fallen? Die Nato eingreifen? Szenarien zum Ukraine-Krieg”, WELT, 09/03/2022.
Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài
Ngày thứ 13 sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, một nỗ lực mới để sơ tán dân thường ra khỏi các thành phố đang bị Nga bao vây lại bắt đầu. Moscow thông báo một lệnh ngừng bắn mới vào hôm thứ Tư. Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết người dân nên được đưa ra khỏi các khu vực tranh chấp qua sáu hành lang nhân đạo.
Ngoại trưởng Ukraine và Nga, Dmytro Kuleba và Sergei Lavrov, dự kiến gặp nhau tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, vào thứ Năm này. Điều đó có thể giúp làm dịu tình hình không? Sau đây là tóm tắt các câu hỏi và câu trả lời quan trọng nhất cho những ngày sắp tới.
Ý đồ của Putin bây giờ là gì?
Theo các chuyên gia tình báo phương Tây, Tổng thống Nga đang rất “tức giận, kinh ngạc và thất vọng vì cuộc chiến diễn ra chậm chạp”. Điều đó có thể làm cho ông ta trở nên nguy hiểm. Các chuyên gia an ninh NATO cho rằng dường như Moscow đang có kế hoạch cấp bách nhằm xâm chiếm miền nam và miền đông của Ukraine, từ đó tiến lên phía bắc. Điều quan trọng nhất là phải chiếm được thành phố Odessa, đảm bảo cho Nga có một tuyến đường kết nối trên bộ với lực lượng ly khai Transnistria thân Nga ở Moldova. Tại đây hiện đang có 1.500 lính Nga đồn trú với kho đạn dược 22.000 tấn.
Stefanie Babst, cựu lãnh đạo bộ phận “Dự báo chiến lược” của NATO ở Brussels, nói với WELT: “Về mặt quân sự, Nga có thể sẽ tiếp tục nhắm tới việc chiếm các khu vực phía đông sông Dnieper kéo dài đến tận bờ Biển Đen.”
Liệu xung đột có thể mở rộng không? “Đối với tôi, dường như có một nguy cơ thực tế là Putin sẽ gây bất ổn cho Moldova và đáp ứng các yêu cầu của Transnistria từ vài ngày trước về việc công nhận nền độc lập đối với khu vực này, như Nga đã làm đối với các “nước cộng hòa nhân dân” Luhansk và Donetsk. Với việc sáp nhập trên thực tế Transnistria, nơi có biên giới trải dài 454 km với Ukraine, Putin sẽ có thêm một khu vực lãnh thổ để từ đó ông ta có thể tấn công Ukraine”, Babst nói.
Và kế hoạch tiếp theo sau đó của Putin là gì? Cựu tướng ba sao Heinrich Brauss, người đã nhiều năm làm trợ lý cho Tổng thư ký NATO về Chính sách Quốc phòng và Lập kế hoạch Lực lượng, nói với WELT: “Nga có khả năng sẽ tiếp tục leo thang ném bom và phóng tên lửa nhắm vào các thành phố và mục tiêu dân sự với mục đích làm suy sụp tinh thần người dân và làm suy yếu khả năng duy trì trật tự công cộng của Ukraine”.
Liệu Nga có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này không?
Chắc là không. “Ý kiến cho rằng Ukraine vẫn có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến và buộc Nga phải rút quân có lẽ là quá lạc quan. Nhưng Ukraine có thể ngăn cản Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này”, chuyên gia quân sự Brauss nói. Điều này có nghĩa là Moscow sẽ không thể áp đặt ý chí của mình lên toàn bộ đất nước này.
“Nếu người Nga thành công trong việc chinh phục Ukraine về mặt quân sự, các cuộc nổi dậy có thể sẽ nổ ra ở khắp mọi nơi, và sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh kéo dài giữa các phe phái, điều sẽ khiến Nga, lực lượng chiếm đóng, bị thiệt hại nặng nề và trở nên mệt mỏi”, Brauss nói. “Quân đội Nga đã từng nếm trải điều này ở Afghanistan”.
Cơ hội cho một giải pháp thương lượng là gì?
Dưới áp lực lớn từ phương Tây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hiện đã sẵn sàng đàm phán về nền trung lập của nước này như yêu cầu của Moscow, miễn là ông nhận được sự đảm bảo an ninh từ Nga. Điều này tương đối dễ dàng đối với Zelensky vì dù sao thì triển vọng Ukraine trở thành thành viên NATO trong hai thập kỷ tới là vô cùng mong manh.
Mặt khác, Bắc Kinh, thông qua bàn bạc với phương Tây, đang cố gắng đưa Putin ngồi vào bàn đàm phán. Câu hỏi khó nhất, gần như nan giải, không phải là tính trung lập, mà là tương lai của các nước “cộng hòa nhân dân” và Crimea do Nga sáp nhập. Các vùng lãnh thổ này là một phần máu thịt của Ukraine.
Chắc chắn là trong trường hợp có các cuộc tiếp xúc thận trọng đầu tiên thì sẽ có sự tham gia của một bên trung gian. Liên Hợp Quốc có thể được xem xét, nhưng cũng có thể là Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Trung Quốc. Babst nói: “Tôi không nghĩ Kiev và Moscow có thể làm điều đó một mình. Chắc chắn là có không gian cho thương lượng, nhưng điều bất định cũng rất lớn. Sự biến động gây ra bởi cuộc chiến tranh xâm lược của Putin gây tác động cơ bản tới châu Âu và phần lớn hệ thống quốc tế. Không có sẵn một kịch bản hay một ‘sự kết thúc trò chơi chính trị’ nào được định sẵn.”
NATO có thể bị lôi vào cuộc chiến hay không?
Có, và đó là mối quan ngại lớn nhất tại trụ sở chính ở Brussels, bởi NATO chắc chắn không muốn trở thành một bên tham chiến. Nhưng liên minh không thể kiểm soát tất cả mọi thứ, và mọi chuyện có thể phát triển theo một động lực riêng của nó.
Cựu chiến lược gia NATO Babst nói: “NATO phải cực kỳ thận trọng để cuộc xung đột không phát triển thành một vụ cháy lan. Xin nêu một ví dụ: các chiến binh tình nguyện ở Ukraine, hầu hết đến từ các nước NATO”.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga giết, bắt hoặc giữ con tin là một chiến binh tình nguyện và trưng ra cho cả thế giới biết? Điều gì sẽ xảy ra khi một đoàn xe phương Tây chở vũ khí bị tấn công tại cửa khẩu biên giới, với hậu quả là binh lính NATO thiệt mạng? Điều gì sẽ xảy ra nếu một tên lửa Nga, cho dù vô tình, bắn trúng lãnh thổ NATO? Khi đó Liên minh nhiều khả năng buộc phải có phản ứng”, Babst nói.
Khi nào thì Kiev sẽ thất thủ?
Các chuyên gia NATO cho rằng Putin sẽ không bao giờ có thể kiểm soát được hoàn toàn thủ đô Kiev (2,8 triệu dân) vì quy mô của nó. Liệu Kiev có bị thất thủ? Babst cho rằng: “Tôi sẽ đặt một dấu chấm hỏi về vấn đề này, thực tế là tình hình ở Kiev khá bi đát”. Còn nhà hoạch định quân sự Brauss nhấn mạnh: “Các lực lượng vũ trang Nga đang mạo hiểm với một cuộc chiến tranh du kích đẫm máu ở đây”.
Nhưng Putin sẽ tiến hành cuộc chiến tranh này như thế nào để chống lại Kiev? “Ông ta có thể kết hợp hai cách tiếp cận: Thứ nhất, nã pháo lớn một cách bừa bãi vào các mục tiêu dân sự và cơ sở quân sự, đồng thời chấp nhận phá hủy quy mô lớn. Thứ hai, ông ta có thể bao vây thành phố và cắt nguồn cung điện, nước và thực phẩm. Cả hai cách tiếp cận đều nhằm mục đích làm hao mòn lực lượng phòng thủ và khủng bố người dân để buộc Ukraine đầu hàng”, Brauss nói.
Liệu tổng thống Volodimyr Zelensky có bị sát hại?
Điều đó không rõ ràng. Bản thân Tổng thống Ukraine từng tuyên bố ông là “mục tiêu số một” của lực lượng tấn công của Nga. Quan điểm này cũng được các quan chức tình báo hàng đầu phương Tây chia sẻ. Đó là lý do tại sao Washington đề nghị giúp ông dời ra nước ngoài. Babst nói: “Nhưng Kiev sẽ có kế hoạch dự phòng nếu Zelensky bị giết. Tuy nhiên, miễn là các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn thì cơ hội sống sót của ông ấy vẫn được bảo đảm”.
Hiệu ứng domino: Sau Ukraine, mục tiêu tiếp theo của Nga là ai?