Thế giới hôm nay: 11/03/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Nga tuyên bố cấm xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, thiết bị điện, công nghệ và y tế cho đến cuối năm nay. Moscow cho biết quyết định này, áp dụng với hơn 200 mặt hàng, là nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong khi đó Ai Cập cũng ban lệnh cấm xuất khẩu lúa mì và một số sản phẩm lương thực khác. Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, phần lớn từ Nga và Ukraine. Tăng giá và thiếu lương thực có thể gây ra nạn đói trên khắp Trung Đông cũng như châu Phi, với Ngân hàng Thế giới cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.

Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs tuyên bố ngừng kinh doanh tại Nga. Đây là ngân hàng lớn đầu tiên của Phố Wall rời khỏi Nga, gia nhập danh sách dài các doanh nghiệp phương Tây, bao gồm McDonald’s, các công ty năng lượng và nhóm công ty kế toán “Big Four.” Thị trường chứng khoán châu Âu giảm vào thứ Năm, với thị trường Mỹ khả năng cao cũng sẽ giảm trong phiên giao dịch ngày mai.

Cựu thủ tướng Đức Gerhard Schröder đã đến Moscow để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, dường như nhằm thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh. Ông Schröder đã bị chỉ trích vì không từ chức những chức vụ của mình tại các công ty năng lượng Nga. Trước đó, đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ khép lại mà không có tiến triển về ngừng bắn.

Các quan chức Ukraine cho biết không có ai được sơ tán khỏi Mariupol, thành phố cảng ở phía đông nam đất nước hiện bị Nga bao vây, vào thứ Năm vì quân đội Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Trước đó một ngày Nga đã phá hủy một bệnh viện ở Mariupol, với thông tin ban đầu cho thấy có ba người chết, bao gồm một trẻ em. Trong một diễn biến khác, giới chức cho biết 1.600 người có thể đã rời Izyum, một thị trấn ở đông Ukraine; song cũng nói thêm là quân Nga đã ngăn người dân chạy khỏi vùng do họ chiếm đóng tại đây.

Sau khi bị chỉ trích nặng nề, Anh tuyên bố giúp người tị nạn Ukraine nhập cảnh dễ dàng hơn. Kể từ nay nếu có hộ chiếu, người tị nạn Ukraine sẽ không cần đến trung tâm thị thực ở nước ngoài nữa. Trước đó, chính phủ đã áp đặt trừng phạt lên Roman Abramovich, nhà tài phiệt người Nga sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea, và đóng băng toàn bộ tài sản của ông này ở Anh. Chính phủ cho biết từ giờ ông sẽ cần giấy phép để bán Chelsea, và sẽ không thể thu lợi nhuận từ thương vụ. Trừng phạt cũng áp dụng cho sáu doanh nhân Nga khác, bao gồm các lãnh đạo của Rosneft và Gazprom, hai công ty năng lượng Nga.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết thương vong gia tăng đã buộc Nga phải triển khai lính nghĩa vụ ở Ukraine. Chỉ mới đầu tuần này, tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định không cần thiết phải làm như vậy. Hôm thứ Tư, chính phủ Nga tuyên bố đã “phát hiện ra” việc Nga gửi một số lính nghĩa vụ đến chiến trường. Bộ Quốc phòng Anh cũng nói hoạt động không quân của Nga ở Ukraine đã giảm đáng kể. Tình báo Mỹ ước tính cho đến nay khoảng 5.000 quân Nga đã thiệt mạng; song Ukraine tuyên bố con số lên tới hơn 10.000 người.

Lạm phátMỹ lên 7,9% trong tháng 2, và dự kiến ​​sẽ tăng hơn nữa do giá nhiên liệu cao hơn • Ngân hàng Trung ương Châu Âu cho biết sẽ cắt giảm kích thích tiền tệ sớm hơn kế hoạch, trong bối cảnh chiến tranh Ukraine làm giá cả  tăng • Quốc hội Hungary đã bầu ra nữ tổng thống đầu tiên của đất nước. Katalin Novak là đồng minh thân cận của thủ tướng cánh hữu Viktor Orban • Yoon Suk-yeol, thuộc Đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ, đã đánh bại Lee Jae-myung của đảng Dân chủ cầm quyền và trở thành tổng thống mới của Hàn Quốc.

Con số trong ngày: 1.000, là ước tính số lượng khí tài của Nga bị phá hủy, hỏng, bỏ rơi hoặc chiếm giữ sau hai tuần chiến tranh ở Ukraine.

TIÊU ĐIỂM

Dân Ukraine chống đối lính Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với đất nước của ông là giới “lãnh đạo phát xít nghiện thuốc” của Ukraine đã gây ra tội ác diệt chủng và do đó Ukraine cần được giải cứu. Song quân đội của ông lại không được chào đón trên lãnh thổ Ukraine. Thay vào đó, lính Nga được chào đón với thái độ khinh thường. Trong một đoạn phim quay tại thị trấn đông bắc Ukraine Konotop, một phụ nữ địa phương đã cảnh cáo một lính xe tăng Nga về việc thị trấn này có “ma thuật”. “Mọi phụ nữ ở đây đều là phù thủy,” bà nói với anh ta. “Ngày mai thức dậy mày sẽ không còn điều khiển được cơ thể đâu.”

Bà không phải là người duy nhất. Nhiều đoạn clip khác đã ghi lại cảnh người Ukraine đứng chặn trước xe tăng. Một người biểu tình thừa nhận họ có sợ các binh sĩ Nga, nhưng sợ hơn về viễn cảnh đàn áp và nghèo đói như đã thấy ở Donetsk và Luhansk, hai khu vực do Nga kiểm soát kể từ 2014. Rủi ro là có. Nếu không thể giành được trái tim và khối óc, những kẻ xâm lược thường vận đến nhiều bạo lực hơn.

Người Ukraine tự chế vũ khí

Một ngày sau khi Nga xâm lược, Pravda – một nhà máy bia nhỏ ở thành phố Lviv miền tây Ukraine – chuyển từ nấu bia sang pha chế bom xăng. Các loại thiết bị trước đây chỉ sản xuất bia nay được dùng để pha trộn dầu máy, xăng, bột nhôm và polystyrene hòa tan trong dung môi. Hỗn hợp này cháy rất tốt, thích hợp để vô hiệu hóa các phương tiện quân sự của Nga. Còn ở những nơi khác, người Ukraine đang tự chế các loại chướng ngại vật và súng phóng lựu. Họ cũng đang sửa đổi vũ khí do Nga sản xuất để nâng sức chiến đấu.

Ukraine có nhiều kỹ sư và lập trình viên máy tính vốn có thể làm được nhiều việc trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Bộ máy quan liêu áp bức của chế độ Xô Viết thúc đẩy mọi người đi tìm “đường tắt,” từ đó tạo ra một tâm lý kinh doanh rất hữu ích. Vladimir Yatsenko, một nhà sản xuất phim người Ukraine đang chiến đấu ở Kyiv, mô tả đây là “DARPA quốc gia của chúng tôi,” ám chỉ cơ quan nghiên cứu quân sự nổi tiếng của Mỹ. Chiến tranh không tốt đẹp gì, nhưng trong cái khó ló cái khôn.

Đã hai năm kể từ khi WHO công bố covid-19 là đại dịch toàn cầu

Các ca nhiễm đầu tiên của coronavirus được ghi nhận ở Trung Quốc vào cuối tháng 12 năm 2019, và đúng hai năm trước vào hôm nay, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đại dịch toàn cầu.

Kể từ đó, khoảng 6 triệu người đã chết vì covid-19. Mô hình của The Economist cho thấy số người chết thực sự là gần 20 triệu người. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thiệt hại kinh tế ước tính là gần 13,8 nghìn tỷ đô la vào cuối năm 2023, so với trước đại dịch.

Đã có những khiếu nại về sự không công bằng trong phân phối vắc xin. Song cho đến nay phản ứng khoa học trước đại dịch là chưa từng có tiền lệ. Vắc-xin được phát triển với tốc độ nhanh chưa từng thấy với hơn 11 tỷ liều được sản xuất chỉ trong năm 2021. Thậm chí hiện nay đã có một loạt các loại thuốc trị bệnh. Song dù thế giới có bước vào giai đoạn cuối của đại dịch, những biến chủng mới vẫn hoàn toàn có thể xuất hiện.

Chile có tổng thống mới

Vào thứ Sáu, Gabriel Boric nhậm chức tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Chile. Chính phủ của ông, trong đó bao gồm Đảng Cộng sản, sẽ là chính phủ tả khuynh nhất kể từ khi Chile trở lại chế độ dân chủ vào năm 1990. Nhưng ông được coi là một người ôn hòa trong làn sóng các lãnh đạo cánh tả được bầu gần đây ở Mỹ Latinh.

Ông Boric muốn có y tế công toàn dân và tăng lương hưu công. Ông cũng có kế hoạch xóa nợ sinh viên. Để chi trả cho các chính sách này, ông đề xuất tăng thuế lên thêm 5% GDP trong 4 năm tới. Nhóm của ông cũng muốn thành lập một công ty lithium nhà nước và một ngân hàng phát triển quốc gia.

Số phận của những chính sách này phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất, quốc hội Chile: ông Boric thiếu đa số nên sẽ cần sự ủng hộ của các nhà lập pháp để thông qua cải cách. Thứ hai, một hiến pháp mới đang được soạn thảo, với ủy ban soạn thảo bao gồm nhiều nhân vật cực tả. Nếu được thông qua, hiến pháp sẽ đặt nền móng cho chính trường Chile trong nhiều năm tới.