Nguồn: Edward Howell, How North Korea Views the Ukraine Crisis, The Diplomat, 14/03/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Việc Nga xâm lược Ukraine có làm thay đổi tính toán chiến lược của Triều Tiên?
“Tình hình Ukraine chưa bao giờ là không liên quan đến chúng ta.” Khi toàn thế giới tập trung chú ý vào châu Âu, “có khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành các hành động khiêu khích chiến lược.” Đây là lời của tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, gần ba tuần trước khi người dân nước ông đến phòng bỏ phiếu để bầu người kế nhiệm Moon Jae-in.
Thông điệp của Yoon, một nhận xét mạnh mẽ bất thường từ một người khi đó còn là ứng viên tổng thống, là rất rõ ràng. Không chỉ riêng Hàn Quốc chú ý đến tình hình ngày càng phát triển nhanh chóng ở Ukraine, mà cả Triều Tiên cũng vậy. Tuy nhiên, mức độ tác động trực tiếp của khủng hoảng Ukraine đến hành vi chính sách đối ngoại của Triều Tiên, hành động của nước này đối với Mỹ, và thái độ của nước này đối với chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của chính mình, sẽ thế nào? Hơn nữa, với hàng loạt vụ phóng tên lửa gần đây từ Triều Tiên, mục tiêu chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của nước này trong năm 2022 là gì?
Khủng hoảng và tâm điểm chú ý toàn cầu
Đầu năm nay, khi Bình Nhưỡng tiến hành đến 7 đợt thử tên lửa chỉ trong tháng 1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã vội vàng nhận xét rằng Triều Tiên đang “cố gắng gây chú ý,” khẳng định rằng Bình Nhưỡng đã “từng làm điều đó trong quá khứ. Họ hẳn sẽ tiếp tục lặp lại.” Đó là một phản ứng không đúng lúc, chưa kể là nó cũng không miêu tả chính xác động cơ thúc đẩy Triều Tiên. Tất cả chúng ta đều biết rằng Bình Nhưỡng không chỉ đơn giản muốn “được chú ý.” Thay vào đó, nước này đang tìm kiếm những nhượng bộ về chính trị và kinh tế từ đối thủ lâu đời là Mỹ, cùng các đồng minh, và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn, với mục tiêu bao trùm là được quốc tế công nhận là một cường quốc hạt nhân.
Một phương tiện mà Triều Tiên – trong lịch sử – đã từng tận dụng để đạt được nhượng bộ về kinh tế và chính trị là tiến hành các hành động khiêu khích, với hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sau đó sẽ lắng nghe, và chấp nhận, mong muốn của Bình Nhưỡng. Cuộc trao đổi ‘ăn miếng trả miếng’ bằng những lời lẽ khiêu khích giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un – với những phát biểu đầy “lửa nóng và giận dữ” – là một trong những ví dụ nổi bật nhất.
Tuy nhiên, vào thời điểm mà cộng đồng quốc tế vẫn tập trung vào Đông Âu, hành vi hiếu chiến của Triều Tiên có thể có hai tác động, nhưng cả hai đều không mang lại tiến bộ cụ thể thực sự nào đối với mong muốn chính sách đối ngoại nói chung của Bình Nhưỡng. Tác động thứ nhất, việc tiến hành các vụ thử tên lửa ở quy mô lớn hơn và mức độ phức tạp cao hơn sẽ cho phép Triều Tiên tiếp tục câu giờ. Khi sự chú ý của toàn cầu hướng đến Đông Âu, khả năng cộng đồng quốc tế thực thi các biện pháp trừng phạt đa phương hoặc song phương bổ sung đối với Triều Tiên, nếu nước này còn tiếp tục các vụ thử tên lửa, sẽ ở mức thấp. Dù vậy, nếu một vụ thử hạt nhân nữa được tiến hành – lần gần đây nhất diễn ra vào năm 2017 – thì phản ứng quốc tế có thể mạnh mẽ hơn rõ rệt. Tác động thứ hai, đó là cơ hội cho Triều Tiên khá nhỏ. Ngay cả khi Bình Nhưỡng không phải gánh chịu chi phí của các lệnh trừng phạt, thì hiện tại, họ cũng chẳng thu được gì từ cộng đồng quốc tế.
Các ưu tiên chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng
Bài phát biểu của Kim Jong Un trước Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) vào tháng 12/2021 chỉ đề cập tối thiểu đến các ưu tiên chính sách đối ngoại của Triều Tiên trong năm tới, trái ngược với các bài phát biểu của ông – kể cả phát biểu chúc mừng năm mới – của những năm trước. Chẳng hạn, không có đề cập rõ ràng nào về Mỹ, cũng như không tập trung dài dòng vào quan hệ liên Triều. Đó là một điều bất ngờ, vì những vấn đề này vẫn đang có ý nghĩa đối với các tính toán chính sách của Triều Tiên.
Điều đó cho thấy, lập trường của Bình Nhưỡng đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga, phần nào ủng hộ người bảo trợ Chiến tranh Lạnh trước đây của mình, đang ngày càng trở nên công khai, dù những bình luận rõ ràng từ truyền thông nhà nước về vấn đề này đã không còn thường xuyên. Khi Triều Tiên bắt đầu luận điệu theo hướng này – nổi bật nhất là việc đổ lỗi cho Mỹ là “nguyên nhân gốc rễ” của cuộc khủng hoảng Ukraine – những hành động như vậy cho thấy rằng: chế độ Kim chỉ là đang sử dụng một chiến thuật quen thuộc trong cẩm nang chính sách đối ngoại của mình. Họ sẽ sử dụng bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Mỹ, chẳng hạn như từ Nga, để tiếp tục miêu tả Washington như một nhân vật hiếu chiến, từ đó trao cho Triều Tiên quyền tiếp tục xây dựng lực lượng quân sự.
Các vụ thử tên lửa gần đây, dù không phải là một phản ứng trực tiếp đối với cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine, nhưng đã thể hiện rằng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục theo đuổi việc phát triển tên lửa – và thậm chí là vũ khí hạt nhân – trong năm nay, như đã chứng minh vào tháng 1. Triều Tiên tuyên bố rằng họ đã tiến hành thử nghiệm “vệ tinh trinh sát” vào ngày 26/02 và ngày 04/03. Tuy nhiên, một tuyên bố gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các vụ thử nghiệm này cơ bản có liên quan đến hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới, dù chúng “không được thử nghiệm đạt đến tầm bắn của ICBM.”
Ngày 10/10/2020, tiết lộ về Hwasong-17, được cho là tên lửa ICBM nhiên liệu lỏng cơ động trên đường lớn nhất thế giới, đã gây ấn tượng với các nhà phân tích và chính trị gia, đồng thời đặt ra câu hỏi liệu công nghệ này có thể được sử dụng cho các cuộc thử nghiệm sau này hay không. Thật vậy, chuyến thăm gần đây của Kim tới Bãi phóng Vệ tinh Sohae gợi ý rằng sẽ có thêm các vụ thử tên lửa, như một phần của chương trình vệ tinh của Triều Tiên, trong tương lai gần. Bằng ngôn ngữ bóng gió thường thấy của mình, Kim nói rõ rằng các vụ phóng “vệ tinh” mới sẽ diễn ra. Và khả năng Bình Nhưỡng ngụy trang vụ phóng ICBM thành một vụ phóng “vệ tinh” là rất cao.
Diều hâu ở Seoul
Vẫn chưa rõ cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng như thế nào đối với các hành động của Triều Tiên, ngoài việc lên án bằng lời và áp đặt các biện pháp trừng phạt. Ngày 12/03, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào các cá nhân Triều Tiên đang sinh sống tại Nga cũng như các công ty Nga chịu trách nhiệm hỗ trợ việc bán tên lửa của Triều Tiên.
Yoon, vị tân tổng thống thẳng thắn của Hàn Quốc, đã nhấn mạnh sự phản đối của ông đối với một chính sách đối ngoại Hàn Quốc “được điều chỉnh chủ yếu để cải thiện quan hệ với Triều Tiên,” ám chỉ đến cách tiếp cận mà chính quyền Moon Jae-in theo đuổi trong 5 năm qua.
Ngay cả khi có một tổng thống mới nhậm chức, sự trì trệ trong các chính sách của Hàn Quốc đối với Triều Tiên vẫn là một khả năng có thể xảy ra. Tuy nhiên, khủng hoảng Ukraine cũng ảnh hưởng đến các ưu tiên chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Việc Hàn Quốc gần đây đã ngừng giao dịch với ngân hàng trung ương Nga, và cam kết hạn chế xuất khẩu sang Nga, có vẻ là một động thái quyết định, nhưng cần lưu ý, Seoul chỉ tham gia vào các biện pháp trừng phạt này theo chân Liên minh châu Âu và Mỹ.
Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều sẽ chú ý đến leo thang hạt nhân trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao – “chế độ tác chiến đặc biệt” – hơn một tuần trước, đã nhấn mạnh, đối với Triều Tiên, giá trị của vũ khí hạt nhân trong các mục tiêu răn đe và phòng thủ. Tuy nhiên, việc Nga xâm lược Ukraine cũng nhấn mạnh, đối với Hàn Quốc, về tốc độ nhanh chóng mà xung đột có thể leo thang. Khi các con mắt trên toàn cầu tập trung vào Ukraine, nhiều khả năng nguyện vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sẽ tiếp tục, bất chấp diễn tiến xâm lược. Tuy nhiên, ngay cả khi các lệnh trừng phạt được áp dụng lên Triều Tiên, thì cho đến nay, khả năng trốn tránh của Bình Nhưỡng đã giúp nước này không bị cản trở trên hành trình chinh phục mục tiêu được công nhận là một cường quốc hạt nhân – mà họ tin rằng mình đã đạt được – và điều này có lẽ sẽ tiếp tục đến hết năm nay.
Tiến sĩ Edward Howell là giảng viên chính trị tại New College, Đại học Oxford.