Thế giới hôm nay: 30/03/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tại đàm phán hòa bình ở Istanbul, Nga tuyên bố sẵn sàng cắt giảm “triệt để” số quân đang đóng xung quanh thủ đô Kyiv của Ukraine nhằm “củng cố lòng tin.” Người phát ngôn Ukraine cho biết đất nước ông cần được đảm bảo an ninh và ngừng bắn. Nga vẫn muốn hợp pháp hóa việc họ sáp nhập Crimea cũng như độc lập cho khu vực Donbas, nhưng không còn yêu cầu Ukraine “phi phát xít hóa” và dường như sẽ chấp nhận để nước này gia nhập EU. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói sẽ không thỏa hiệp về vấn đề lãnh thổ.

Chỉ số chứng khoán ở Mỹ tăng nhờ những dấu hiệu tiến triển của đàm phán hòa bình Nga-Ukraine. Chỉ số Biến động CBOE, thường được dùng để đo tâm lý hoảng loạn ở Phố Wall, giảm xuống 19,3, thấp nhất kể từ giữa tháng 1. Cuộc xâm lược của Nga khiến giá kim loại tăng, nhưng giá vàng hiện đã giảm xuống mức thấp nhất một tháng qua. Song vẫn còn bất ổn: ba chỉ số chính của Mỹ dự kiến sẽ trải qua quý tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch.

Nhà tài phiệt Nga Roman Abramovich và hai nhà đàm phán Ukraine được cho là đã bị các triệu chứng nghi nhiễm độc sau khi dự đàm phán hòa bình không chính thức hồi đầu tháng. Theo Wall Street Journal, ông Abramovich, người đang làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, đã bị mất thị lực trong vài giờ. Người ta cho rằng các thế lực cứng rắn ở Nga là thủ phạm đầu độc, với mục tiêu phá hoại đàm phán hòa bình.

Ông Zelensky kêu gọi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt “hiệu quả và thực chất,” bao gồm cấm vận dầu mỏ, lên Nga và tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong bài phát biểu hàng đêm trước quốc dân, ông nói “Người Ukraine không nên chết chỉ vì ai đó không có đủ can đảm để cung cấp các loại vũ khí cần thiết.” Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu có mối đe dọa đối với “sự tồn vong của đất nước.”

Một số nước châu Âu tuyên bố sẽ trục xuất 43 nhà ngoại giao Nga bị cáo buộc gián điệp. Bỉ yêu cầu 21 người Nga về nước trong khi Hà Lan đuổi 17 người. Ireland và Cộng hòa Séc cùng trục xuất 5 người. Nga cam kết trả đũa. Trước đó, các nước châu Âu khác, bao gồm Bulgaria, Ba Lan và các nước Baltic, cũng đã trục xuất hàng chục người Nga.

Các cơ quan quản lý ở Mỹ đã cho phép tiêm liều thứ tư của vắc-xin covid-19 do Moderna hoặc Pfizer/BioNTech sản xuất cho người trên 50 tuổi • Cảnh sát London sẽ đưa ra 20 án phạt cho các hình vi vi phạm quy định covid-19 tại các tòa nhà chính phủ, bao gồm cả số 10 Phố Downing, nơi thủ tướng Anh Boris Johnson sinh sống và làm việc. Vụ bê bối “Partygate” liên quan đến ít nhất 12 vụ việc trong năm 2020 và 2021 • Cư dân ở nửa phía đông của Thượng Hải đã bị cấm ra ngoài vào thứ Ba vì bất kỳ lý do gì ngoại trừ xét nghiệm covid-19, sau khi số ca nhiễm theo ngày tại địa phương lên mức kỷ lục 4.477 ca. Nửa tây sẽ phong tỏa vào thứ Sáu.

Cổ phiếu của ngân hàng Barclays của Anh giảm 6% sau khi một nhà đầu tư giấu tên bán bớt số cổ phiếu trị giá 1,2 tỷ USD, tương đương 3,6% tổng số cổ phần. Ngân hàng này đang vướng vào rắc rối sau một vụ bê bối làm bốc hơi 589 triệu đô la ở Mỹ • Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã cách chức CEO của Petrobras, một công ty dầu khí quốc doanh. Ông Bolsonaro được cho là không hài lòng với việc Petrobras tăng giá nhiên liệu vào tháng trước. Cổ phiếu Petrobras giảm sau thông báo này.

Con số trong ngày: 46%, là tỉ lệ tăng giá so với năm ngoái của một số mặt hàng ở Nga trong khoảng thời gian từ 21 tháng 2 đến 6 tháng 3.

TIÊU ĐIỂM

Lựa chọn khó khăn của Nga tại Ukraine

Chỉ hơn một tháng trước, quân đội Nga tràn vào Ukraine với ý định đánh chiếm Kyiv và chiếm đóng nước này. Nhưng rồi họ phải suy nghĩ lại khi không chiếm được thành phố lớn nào khác ngoài Kherson. Vào hôm thứ Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin thông báo Nga đã quyết định cắt giảm “triệt để” quân số ở quanh Kyiv. Chính phủ Nga giờ đây tuyên bố trọng tâm của họ chỉ là “giải phóng” Donbas, khu vực miền đông Ukraine mà Nga từng gửi quân đến vào năm 2014 để hỗ trợ phong trào ly khai.

Các lực lượng ủy nhiệm của Nga nắm giữ một phần ba Donbas trước cuộc chiến, vì vậy nếu chiếm được thêm đất – bao gồm cả thành phố cảng Mariupol – Vladimir Putin sẽ có thể rút quân mà vẫn giữ được thể diện. Chỉ có điều chính phủ Ukraine không sẵn sàng hy sinh lãnh thổ trong khi các nước phương Tây khó có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt nếu Nga vẫn bám trụ vào lãnh thổ mới. Các biện pháp trừng phạt hiện đang khiến Nga ngộp thở; với hãng xếp hạng S&P ước tính GDP của Nga sẽ giảm 22% trong năm nay. Nếu ban đầu ông Putin chỉ giới hạn cuộc chiến của mình ở Donbas, ông có thể đã tránh được các biện pháp trừng phạt nặng như hiện tại. Giờ đây, Điện Kremlin phải chọn một trong hai: nền kinh tế hoặc một chiến thắng không trọn vẹn.

Thượng Hải phong tỏa toàn thành phố

26 triệu cư dân Thượng Hải đã đi qua đại dịch một cách tương đối dễ dàng. Thành phố này có ít ca nhiễm và không đặt ra quá nhiều hạn chế. Nhưng rồi Omicron thay đổi tất cả.

Sau khi phát hiện hàng trăm ca nhiễm trong những tuần gần đây, Thượng Hải bước vào đợt phong tỏa mới kéo dài tám ngày. Nửa đông của thành phố, nơi có khu tài chính, sẽ phong tỏa trước vào ngày 28 tháng 3; cư dân chỉ được phép ra ngoài để xét nghiệm covid-19. Nửa phía tây theo ngay sau đó. Phong tỏa sẽ kết thúc vào ngày 4 tháng 4, sau khi toàn bộ cư dân đã được xét nghiệm.

Chiến lược “zero-covid” của Trung Quốc đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Thậm chí chính phủ đã điều chỉnh định nghĩa của họ về “zero.” Và khi phần còn lại của thế giới mở cửa, phong tỏa Thượng Hải đang là bài thử cho quyết tâm của giới chức. Nếu không ngăn được đợt bùng dịch này, họ có thể sẽ phải đi tìm chiến lược mới.

Người trẻ ở các nước phát triển đổ xô đi mua nhà

Đối với nhiều người thuộc thế hệ thiên niên kỷ (millennials), sở hữu nhà từng là một giấc mơ xa vời. Nhưng giờ đây, thế hệ sinh từ 1981 đến 1996 đang trở thành động lực thúc đẩy cuộc bùng nổ bất động sản ở các nước giàu. Ở Mỹ, những người thuộc thế hệ này chiếm hơn một nửa số đơn xin thế chấp trong hai năm qua. Thế hệ thiên niên kỷ của Anh hiện nay cũng có xu hướng sở hữu nhà hơn là đi thuê.

Nhiều người đã đạt đến những năm mua sắm đỉnh cao của họ. Nhưng cơn sốt mua nhà không chỉ phản ánh sự già hóa. Phong tỏa và làm việc từ xa khiến mọi người muốn có thêm không gian nhà ở. Do đó, millennials đang chuyển đến những ngôi nhà rộng hơn, rời bỏ các thành phố hoặc bán nhà ở các khu vực đắt đỏ để chuyển đến nơi rẻ hơn, nhất là khi làm việc từ xa khiến họ có thêm nhiều lựa chọn.

Bùng nổ kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào khả năng chi trả. Lãi suất tăng có thể làm thế chấp kém hấp dẫn đi, trong khi hạn chế về nguồn cung, vốn trở nên trầm trọng hơn do thiếu lao động và vật liệu, đồng nghĩa người mua nhà có ít lựa chọn hơn. Do đó giấc mơ sở hữu nhà có thể vẫn chưa dành cho tất cả mọi người.

Ethiopia phong tỏa Tigray

Thỏa thuận đình chiến mong manh giữa chính phủ trung ương Ethiopia và quân nổi dậy khu vực Tigray ở miền bắc đến nay vẫn được tôn trọng sau khi hai bên ký tạm vào ngày 25 tháng 3. Nhưng sau gần 17 tháng nội chiến, hòa bình còn phụ thuộc vào việc viện trợ có đến kịp thời hay không.

Kể từ tháng 12 Tigray không nhập được bất kỳ lô hàng thực phẩm nào, khiến cho hàng trăm nghìn người đang chết đói. Các nhà lãnh đạo Tigray cho biết họ sẽ chỉ tôn trọng lệnh ngừng bắn nếu các nỗ lực cứu trợ đến trong thời gian “hợp lý.” Song chính phủ Ethiopia lại chỉ cho phép đúng duy nhất một con đường cho các chuyến hàng viện trợ. Con đường đó uốn lượn qua khu vực đông bắc Afar và quá nguy hiểm để sử dụng. Đây chẳng khác nào một biện pháp phong tỏa của thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, người bị cáo buộc dùng nạn đói làm vũ khí. Các lãnh đạo Tigray cảnh báo sẽ tấn công nếu Abiy không thực hiện lời hứa của mình.