Nguồn: Andreas Kappeler, „Die Majdan-Revolution und das bewaffnete Eingreifen Russlands“, Bundeszentrale für Politische Bildung, 08/03/2015.
Biên dịch & tổng hợp: Tôn Thất Thông
Vào tháng 11 năm 2013, Tổng thống Yanukovych đã từ chối ký một hiệp định liên kết với EU, mặc dù đã được ký tắt trước đó một năm. Các cuộc biểu tình của nhiều bộ phận dân chúng đã dẫn đến sự thay đổi chính phủ với hậu quả là Nga đã sáp nhập Crimea bất chấp luật pháp quốc tế, ngấm ngầm ủng hộ lực lượng ly khai thân Nga ở phía Đông Ukraine.
Sau khi chính phủ Ukraine ngày 21/11/2013 tuyên bố sẽ không ký hiệp định liên kết với EU, các cuộc biểu tình phản đối quyết định này đã nổ ra trên Quảng trường Độc lập (Maidan) của Kyiv vào tối cùng ngày. Các cuộc biểu tình nhanh chóng lan rộng: hàng chục nghìn người đã xuống đường vào ngày 24 tháng 11 và hàng trăm nghìn người vào ngày 1 và 8 tháng 12. Euro-Maidan là phong trào xã hội dân sự quần chúng lớn nhất ở châu Âu kể từ cuộc cách mạng năm 1989.
Các nhà chức trách đã phản ứng bằng việc sử dụng tàn bạo lực lượng an ninh, và vì thế, các cuộc biểu tình ôn hòa ban đầu dần trở nên cực đoan hơn. Cuộc biểu tình bây giờ nói chung là chống lại Tổng thống Yanukovych với chế độ độc tài của ông ta và mang tính cách mạng. Các cuộc biểu tình lan sang các thành phố khác, chủ yếu ở miền Tây Ukraine, trong khi các cuộc biểu tình theo xu hướng ngược lại, với số lượng người ít hơn, diễn ra ở miền Đông Ukraine. Trong mùa đông lạnh giá, hàng chục nghìn người đã ở lỳ tại Maidan ở Kyiv. Họ được người dân cung cấp thực phẩm, trà nóng, chất đốt để sưởi và thuốc men.
Khi chính phủ không lùi bước mà thay vào đó ban hành đạo luật khẩn cấp, thì có một sự leo thang mới vào tháng 1 năm 2014, dẫn đến những cái chết đầu tiên vào cuối tháng đó. Các cuộc đụng độ vũ trang đạt đến đỉnh điểm vào ngày 19 và 20 tháng Hai. Sinh mạng của khoảng 100 người, trong đó có 16 cảnh sát, đã bị cướp đi. Trong số các nhà hoạt động Maidan cũng có các nhóm dân tộc chủ nghĩa như “Cánh hữu” tham dự. Kết quả của các sự kiện bạo lực là phe chính phủ bị thu hẹp ảnh hưởng và phe đối lập giành được đa số trong quốc hội; Các đơn vị cảnh sát, quân đội và một số ông trùm giàu có đứng về phía Maidan. Với sự trung gian của các ngoại trưởng Đức, Ba Lan và Pháp, một thỏa hiệp đã đạt được giữa Yanukovych và các nhà lãnh đạo của ba đảng đối lập. Tuy nhiên, người biểu tình đã không chấp nhận thỏa hiệp này. Yanukovych sau đó bỏ cuộc và trốn sang Nga.
Quốc hội vốn được bầu vào năm 2010 nay chủ động hàng động, cách chức tổng thống và bầu Oleksandr Turchynov làm tổng thống lâm thời vào ngày 23 tháng 2 và Arseniy Yatsenyuk làm người đứng đầu chính phủ lâm thời vào ngày 27 tháng 2. Chính phủ này đã ký phần nội dung chính trị của hiệp định liên kết với EU. Yêu cầu chính của cuộc cách mạng dân chủ Euro-Maidan về cơ bản đã được đáp ứng. Tuy nhiên, phần lớn người dân ở miền đông và miền nam không tham gia và tỏ thái độ chờ đợi.
Nga không chỉ lên án thỏa thuận liên kết với EU mà còn cả Euro-Maidan và mô tả việc chuyển giao quyền lực ở Kyiv là một “cuộc đảo chính của một tập đoàn phát xít”, và là một âm mưu của phương Tây nhằm chống lại Nga. Những luận cứ đó thực ra là vô căn cứ, nhưng chúng phản ánh sự ngờ vực của Tổng thống Putin đối với EU và NATO, những cơ chế đã cố gắng mở rộng ảnh hưởng về phía đông tới các biên giới của Nga và đe dọa lợi ích an ninh của nước này. Có lẽ lý do quyết định cho sự can thiệp của Nga là nỗi lo sợ rằng, các sự kiện ở Maidan có thể trở thành tấm gương cho phe đối lập trong nước, vốn đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn chỉ hai năm trước đó. Do đó, điều cần thiết là phải ngăn chặn sự thành công của Ukraine trong việc thiết lập một quốc gia dân chủ, gắn liền với các giá trị châu Âu. Nga giả vờ tuyên bố rằng, họ phải bảo vệ “đồng bào” của mình ở Ukraine khỏi sự đàn áp của chính quyền mới ở Kyiv để xâm nhập vào Ukraine. Đây là lý do để biện minh cho một cuộc can thiệp vũ trang nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến tranh không tuyên bố giữa Nga và Ukraine.
Thâu tóm Crimea
Mục tiêu đầu tiên là Crimea, khu vực Ukraine duy nhất có đa số cư dân là người Nga, vốn trước đây là vùng đất của người Nga, nhưng đã được Liên Xô cho phép chính thức sáp nhập vào Cộng hòa Xô viết Ukraine vào năm 1954. Nga vẫn còn duy trì căn cứ hải quân Sevastopol ở Crimea. Cuối tháng 2/2014, những người lính không mang phù hiệu quốc gia đã chiếm giữ nghị viện, tòa nhà chính phủ và sân bay ở thủ phủ Simferopol. Chính phủ mới được thành lập vào ngày 6 tháng 3 thông báo rằng Crimea sẽ được sáp nhập vào Nga, điều đã được xác nhận trong một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi vào ngày 17 tháng 3. Liên bang Nga thừa nhận Crimea vào ngày 20 tháng 3 năm 2014.
Bằng cách sáp nhập Crimea, chính phủ Nga đã phá vỡ luật pháp quốc tế và một số thỏa thuận song phương và đa phương công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai, một quốc gia châu Âu thâu tóm lãnh thổ của một quốc gia láng giềng. Cộng đồng quốc tế gần như nhất trí lên án hành động này, và Mỹ cũng như EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và công ty ở Crimea và Nga.
Sự can thiệp của Nga cũng mở rộng đến miền Đông Ukraine. Họ hỗ trợ lực lượng dân quân ly khai với các thiết bị quân sự, các đơn vị quân đội nhỏ hơn và các sĩ quan. Họ chiếm các thành phố quan trọng nhất của Donbass và thiết lập một chế độ cai trị tùy tiện ở đó. Vào tháng 4, “các nước cộng hòa nhân dân có chủ quyền” Donetsk và Luhansk được tuyên bố thành lập, và đã tuyên bố độc lập vào ngày 11 tháng 5 năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý không minh bạch. Trong số các thủ lĩnh phe ly khai có một số công dân Nga trước đây đã tham gia các tổ chức dân tộc chủ nghĩa.
Các cuộc biểu tình ủng hộ Nga cũng diễn ra ở Kharkiv, Dnepropetrovsk và các thành phố khác ở phía nam và phía đông đất nước, nhưng ở đây cảnh sát Ukraine đã duy trì được quyền kiểm soát. Tại Odessa ngày 2/5, những người biểu tình thân Ukraine và thân Nga đã đụng độ, phóng hỏa một tòa nhà khiến hơn 40 nhà hoạt động thân Nga thiệt mạng.
Chiến tranh ở Donbass
Quân đội Ukraine, vốn được trang bị kém và thiếu kinh nghiệm chiến đấu, có rất ít khả năng chống lại lực lượng dân quân do Nga hậu thuẫn. Một “chiến dịch chống khủng bố” được phát động vào giữa tháng 4 năm 2014 cũng đã thất bại, mặc dù quân đội được tăng cường Vệ binh Quốc gia và các tiểu đoàn tình nguyện được thành lập từ một phần của các nhóm dân tộc chủ nghĩa.
Petro Poroshenko, một doanh nhân và chính trị gia giàu có, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25 tháng 5 trong trong vòng bầu cử đầu tiên. Như vậy, Ukraine đã có một tổng thống được bầu hợp pháp. Hai ngày sau, Ukraine ký hiệp định thương mại tự do với EU. Một cuộc tấn công quân sự đã thành công trong việc tái chiếm một số thành phố, bao gồm cả thành phố cảng Mariupol trên Biển Azov. Vào ngày 17 tháng 7, tất cả các thông tin sẵn có đều cho rằng phe ly khai thân Nga đã bắn nhầm một máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines, khiến tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng.
Vào cuối tháng 7, quân đội Ukraine đã phát động một cuộc tấn công mới và tiến về Donetsk và Luhansk, các trung tâm của các nước “cộng hòa nhân dân” tự xưng. Khả năng thất bại của phe ly khai đã khiến Nga gửi thêm binh sĩ và thiết bị chiến tranh hạng nặng qua biên giới Ukraine mà không chính thức xác nhận điều này. Tình hình quân sự giờ đây đã thay đổi theo hướng có lợi cho phe ly khai, phía đã bao vây các đơn vị lớn hơn của quân đội Ukraine gần Ilovaisk. Xe tăng Nga tiến vào bờ phía bắc của Biển Azov, làm dấy lên lo ngại ở phương Tây rằng một hành lang trên bộ sẽ được thiết lập giữa Donbass và Crimea. Điều đó được củng cố bởi thực tế là phe ly khai tự mô tả họ là những người chiến đấu cho “Nước Nga mới” – một thuật ngữ từ thời Nga hoàng để chỉ toàn bộ miền Nam và miền Đông Ukraine.
Sự can thiệp quân sự của Nga đi kèm với tuyên truyền rằng, chính phủ Ukraine là phát xít và tay sai của phương Tây. Cuộc chiến được dàn dựng như một phần tiếp theo của “Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại” chống lại Đức Quốc xã. Thông tin sai lệch, bao gồm cả những lời nói dối hoàn toàn, liên tục được phổ biến trên truyền hình nhà nước. Đa số người dân Nga tin vào lời tuyên truyền này, và mức độ ủng hộ dành cho Putin đã tăng vọt. Thất bại quân sự buộc phía Ukraine phải đàm phán, và một lệnh ngừng bắn đã được thỏa thuận tại Minsk vào ngày 3 tháng 9 năm 2014, do Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu làm trung gian. Thỏa thuận này tỏ ra mong manh ngay từ đầu, và giao tranh ác liệt tiếp tục nổ ra xung quanh sân bay Donetsk.
Cuộc bầu cử Nghị viện Ukraine được tổ chức vào ngày 26 tháng 10 năm 2014, qua đó các lực lượng ủng hộ châu Âu đã giành chiến thắng rõ rệt. Các đảng xung quanh Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk cùng giành được 203 trong số 317 ghế. Đảng Svoboda theo chủ nghĩa dân tộc, vốn đã bất ngờ giành được 10% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2012, lần này không lọt vào quốc hội và không còn đại diện trong chính phủ. Đảng Dân túy cánh hữu của Oleh Lyashko đã đảm nhận ít nhất một phần vai trò của đảng Svoboda. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử không thể được tổ chức ở hai nước “cộng hòa nhân dân” ở Donbass. Sau một tuần, cuộc bầu cử đã được lặp lại ở đó trong những điều kiện không bình thường.
Khi giao tranh ở Donbass leo thang trở lại, một lệnh ngừng bắn mới đã được thỏa thuận tại Minsk vào ngày 12 tháng 2 năm 2015, dưới sự đàm phán trung gian của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande, có hiệu lực vào ngày 15 tháng 2. Việc sáp nhập Crimea không được thảo luận, và vấn đề trọng tâm là kiểm soát biên giới Nga-Ukraine bị hoãn lại cho đến cuối năm 2015. Phe ly khai ban đầu tiếp tục các cuộc tấn công và chiếm được điểm trung chuyển đường sắt Debaltseve do quân đội Ukraine trấn giữ. Sau đó, lệnh ngừng bắn hầu như được tuân thủ, nhưng Donbass không bao giờ yên tĩnh trở lại. Vào mùa hè, các cuộc giao tranh lại tiếp diễn.
Triển vọng: Ukraine, Nga và Liên minh Châu Âu
Tình hình ở Donbass vẫn còn mong manh. Nhà nước Ukraine bị mất ổn định lâu dài và mất quyền kiểm soát một phần đáng kể lãnh thổ của mình. Nền kinh tế bị tàn phá và hơn 6.000 người đã bị thiệt mạng do hậu quả của các cuộc giao tranh. Hơn một triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa. Phần lớn các vùng của Donbass đã bị phá hủy và tình hình nhân đạo vô cùng thảm khốc.
Cuộc chiến ở miền đông Ukraine đã củng cố vị thế quyền lực của Putin, kích hoạt tình đoàn kết yêu nước trong xã hội Nga, và ít nhất vào lúc này, ngăn chặn nguy cơ nước Nga bị “lây nhiễm” bởi hiệu ứng Maidan. Mặt khác, các phản ứng của Liên minh châu Âu và Mỹ đã cô lập Nga trên bình diện quốc tế và làm suy yếu nước này về mặt kinh tế. Tuy nhiên, sự thống nhất vẫn mong manh, và Moscow đang cố gắng chia rẽ EU một cách có hệ thống.
Mục tiêu của chính phủ Nga trong việc sử dụng biện pháp can thiệp vũ trang để ngăn Ukraine quan hệ trở lại với EU không đạt được. Ngược lại, cuộc chiến do Nga áp đặt đã gia tăng xu hướng theo phương Tây của Ukraine và nâng cao sự gắn kết của người dân trong quốc gia song ngữ này. Điều này đã được thể hiện rõ ràng qua kết quả của cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm 2014.
Tuy nhiên, một bộ phận đáng kể người dân ở phía đông và nam đất nước vẫn hoài nghi về phong trào Euro-Maidan và việc Ukraine xích lại gần EU. Ở đây, thiên hướng về ngôn ngữ và văn hóa Nga cũng như quá khứ gắn với Liên Xô tồn tại rộng khắp. Nhưng điều đó không có nghĩa là đa số ủng hộ việc khu vực của họ ly khai, hoặc thậm chí liên minh với Nga. Tuy nhiên, chính phủ Ukraine cảm thấy phải quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu của người dân miền Đông và miền Nam Ukraine để họ hòa nhập vĩnh viễn vào quốc gia thống nhất. Những cải cách khẩn cấp cần được thực hiện: Phi tập trung hóa, tăng cường nhà nước pháp quyền, chống tham nhũng, kiểm soát giới đầu sỏ giàu có và chấn chỉnh nền kinh tế.
Chiến tranh Nga-Ukraine đã khiến quan hệ giữa người Nga và người Ukraine xấu đi nhanh chóng. Tuyên truyền của Nga đã mang lại hiệu quả trong các bộ phận người gốc Nga ở phía đông đất nước. Rạn nứt đã được mở ra, đôi khi ngay cả trong các gia đình, và sẽ không thể dễ dàng được hàn gắn trở lại – một kịch bản làm gợi nhớ đến những cuộc xung đột thời hậu Nam Tư cũ.
Trong nhiều thế kỷ, Ukraine đã bị kẹt giữa Nga và phần còn lại của châu Âu, có lúc thì liên kết chặt chẽ với phương Tây, và lúc khác lại chặt chẽ hơn với Nga. Bất kể kết quả của cuộc xung đột hiện tại là như thế nào, tình hình địa chính trị này vẫn sẽ là một điều bất biến trong lịch sử Ukraine. Về trung hạn, phải tìm kiếm một sự cân bằng với Nga mà tất cả các bên liên quan đều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Moscow phải nhượng bộ, từ bỏ sự can thiệp quân sự, và công nhận Ukraine là một đối tác bình đẳng./.
Xem các phần còn lại tại đây: https://nghiencuuquocte.org/tag/luoc-su-ukraine/
Giáo sư Andreas Kappeler là chuyên gia về Lịch sử Đông Âu tại Đại học Vienna và thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Áo và Ukraina. Trọng điểm nghiên cứu của ông là lịch sử của Đế chế Nga và Ukraine.
Loạt biên khảo 4 bài này được biên soạn vào năm 2015, lúc chưa có cuộc chiến tranh trực tiếp hiện nay giữa Nga và Ukraine (2022). Một dịp khác, chúng tôi sẽ bổ sung thêm giai đoạn 2014-2022.
Hình: Rất đông người dân biểu tình trên Quảng trường Độc lập ở Kyiv vì Tổng thống Ukraine không muốn ký Hiệp định liên kết EU đã được đàm phán. (© AP Ảnh / Sergei Grits)