Tên lửa vác vai đang giúp Ukraine đối phó với máy bay Nga như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:What are MANPADS, the portable missiles bringing down Russian aircraft?”, The Economist, 06/04/2022.

Biên dịch: Phan Nguyên

Hệ thống phòng không cơ động (Man-portable air defence systems – MANPADS) đang đóng một vai trò quan trọng không ngờ trong cuộc chiến ở Ukraine. Những tên lửa vác vai này, điển hình là Stinger của Mỹ, chỉ có hiệu quả trong việc chống các máy bay bay thấp và có tầm bắn chỉ vài km. Tuy nhiên, chúng đã tiêu diệt được một số mục tiêu và đang cản trở nghiêm trọng các chiến dịch không quân của Nga. Hiện các lực lượng Ukraine đang được tiếp cận phiên bản nâng cấp, dưới dạng tên lửa STARStreak mới nhất do Anh cung cấp. Tại sao MANPADS lại quan trọng đối với khả năng phòng thủ của Ukraine, và loại tên lửa mới có thể tạo ra sự khác biệt nào không?

Các nhà phân tích quân sự đã rất bối rối khi Nga thất bại trong việc tiêu diệt mạng lưới tên lửa đất đối không tầm xa S-300 dẫn đường bằng radar của Ukraine ngay từ đầu cuộc chiến. Mặc dù một số hệ thống đã bị phá hủy nhưng những hệ thống S-300 khác vẫn tiếp tục hoạt động, buộc máy bay Nga phải bay ở độ cao thấp để tránh bị radar phát hiện. Và trong khi các máy bay trực thăng của NATO phải gắn máy ngắm ở trục xoay cánh quạt để có thể bắn tên lửa dẫn đường tầm xa, máy bay trực thăng tấn công của Nga có xu hướng mang theo các quả tên lửa không được dẫn đường, hoạt động giống như máy bay tấn công mặt đất bay chậm và phải bay về phía trước trong khi tấn công. Cả hai yếu tố này đều khiến máy bay Nga rơi vào tầm ngắm của MANPADS.

Có nguồn gốc từ những năm 1950, MANPADS sử dụng tia hồng ngoại tìm kiếm các ống xả nóng của động cơ phản lực. Đây là lý do tại sao máy bay phản lực và máy bay trực thăng phải bắn ra pháo sáng để đánh lạc hướng các tên lửa như vậy bằng các nguồn nhiệt nóng và sáng hơn. MANPADS ban đầu chỉ có thể khóa mục tiêu máy bay từ phía sau. Chúng bao gồm các loại như Strela từ thời Liên Xô (NATO gọi là SA-7) mà Đức đang cung cấp cho Ukraine từ các kho vũ khí cũ của Đông Đức. Các tên lửa hiện đại hơn, chẳng hạn như Igla (còn gọi là SA-18) và Stinger (được phát triển vào những năm 1980), có thể được bắn về phía máy bay từ bất kỳ hướng nào. Tuy nhiên, chúng có thể không đủ nhanh để bắt kịp một chiếc máy bay đang rút đi và biến mất khỏi tầm bắn.

Tên lửa tầm nhiệt hiện đại cũng có những hạn chế. Thiết bị tìm kiếm mục tiêu của tên lửa Stinger phải được làm mát và một đơn vị pin chỉ cung cấp đủ năng lượng dùng trong 45 giây, vì vậy nó không thể sẵn sàng hoạt động liên tục. Đầu tên lửa nơi gắn thiết bị tìm kiếm mục tiêu phải mất từ ​​ba đến năm giây để đạt được nhiệt độ phù hợp sau khi được bật lên, một sự chậm trễ gây nhiều bất tiện khi bên sử dụng tên lửa đang bị tấn công. Sau khi Stinger hoạt động, nó phải xác định được nguồn nhiệt động cơ máy bay đối phương và khóa mục tiêu. Và một khi đã được bắn ra, tên lửa có thể bị cản trở bởi pháo sáng mồi nhử hoặc các biện pháp đối phó khác, hoặc phi công đối phương có thể phá khóa khóa mục tiêu của tên lửa bằng cách đổi hướng gấp. Tên lửa Stinger có thể bay với tốc độ gấp đôi tốc độ âm thanh và mang theo một đầu nổ nặng một kg được thiết kế để phát nổ khi va chạm. Khối lượng đó không phải lúc nào cũng đủ để tiêu diệt máy bay nhưng gần như chắc chắn đủ để buộc nó phải quay trở lại căn cứ.

Hiệu quả chiến trường của tên lửa Stinger hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Cho đến nay loại tên lửa này được sử dụng trong thực chiến chủ yếu bởi các chiến binh mujahideen ở Afghanistan trong cuộc chiến chống lại Liên Xô. Các báo cáo của họ về tỷ lệ thành công lên tới 79% có thể là nhằm thuyết phục Mỹ tiếp tục cung cấp loại vũ khí này. Thực tế hiệu quả có thể chỉ khoảng 20%.

Tên lửa STARStreak hơi khác. Ukraine đã nhận được chiếc đầu tiên vào giữa tháng Ba. Trong khi Stinger đã được chứng minh trên chiến trường, đây sẽ là lần đầu tiên STARStreak được tham gia thực chiến. Loại vũ khí này được phát triển vào những năm 1980, mặc dù phiên bản mới nhất, STARStreak II, được trình diễn lần đầu vào năm 2008. STARStreak khác thường ở chỗ không phải là một thiết bị tầm nhiệt mà hoạt động bám theo một chùm tia: người điều khiển thiết bị bắn tên lửa sẽ khóa mục tiêu và tên lửa sẽ bám theo, được dẫn đường bởi một tia laser. Điểm bất lợi là người điều khiển thiết bị bắn phải bám theo mục tiêu. Nhưng điều đó giúp cho tên lửa không bị đánh lạc hướng bởi mồi nhử, các biện pháp đối phó và các biện pháp né tránh tên lửa. Nếu bạn có thể nhìn thấy mục tiêu, bạn có thể bắn trúng nó.

Các nhà sản xuất của STARStreak gọi nó là “tên lửa tốc độ cao” (high-velocity missile) để nhấn mạnh tốc độ lớn hơn Mach 3 của nó, khiến nó khó tránh hơn nhiều. Và thay vì đầu đạn đơn của Stinger, STARStreak phóng ra ba phi tiêu vonfram, mỗi phi tiêu nặng 900 gam. Chúng tách ra và bay theo đội hình, tất cả đều bám theo hướng dẫn của tia laser, làm tăng khả năng trúng đích. Phi tiêu có thể xuyên thủng lớp giáp máy bay trực thăng và phát nổ sau khi xuyên thủng, gây sát thương lớn hơn nhiều so với một vụ nổ trên bề mặt.

Có thể loại vũ khí cực kỳ hiện đại này tỏ ra quá phức tạp hoặc không phù hợp với mong đợi. Tuy nhiên, các báo cáo từ Ukraine cho thấy STARStreak đã hạ một máy bay trực thăng Mi-28 của Nga. Chính phủ Ukraine đã nhiều lần yêu cầu NATO áp đặt vùng cấm bay. Yêu cầu đó gần như chắc chắn sẽ không được đáp ứng. Nhưng tên lửa STARStreak nói riêng và các loại MANPADS nói chung có thể giúp các lực lượng Ukraine vô hiệu hóa sức mạnh không quân của Nga mà không cần đến máy bay phản lực mới hoặc sự can thiệp trực tiếp của các quốc gia khác.