Nhân Ngày Hải quân, “tên lửa bí ẩn nhất Trung Quốc” ra mắt?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:枢密院十号:海军节来临之际,“中国最神秘导弹”首次亮相?“, Huanqiu, 23/04/2022

Biên dịch: Vũ Tú Nam

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông mới đây cho biết, nhân Ngày Hải quân Trung Quốc 23/04, Trung Quốc lần đầu công bố tên lửa siêu thanh “Ưng Kích-21”. Theo báo chí quốc tế, đây được mệnh danh là “một trong những tên lửa bí ẩn và nguy hiểm nhất” của Trung Quốc.

Điều khiến đa số người hâm mộ quân đội Trung Quốc phấn khích không chỉ là thông báo chính thức về “Tàu sân bay thứ ba”, mà còn là tên lửa bí ẩn được phóng bởi tàu khu trục tên lửa Type 055 10.000 tấn (hay còn được NATO gọi là “Renhai-class cruiser” – Tuần dương hạm lớp Renhai). Nhiều người đồn đoán rằng tên lửa bí ẩn đó chính là tên lửa đạn đạo chống hạm siêu thanh “Ưng Kích-21” do Trung Quốc nghiên cứu và phát triển.

Tàu Nam Xương dẫn động cỡ lớn Type 055 10.000 tấn

Tờ EurAsian Times của Ấn Độ ngày 21 cho biết một trong những vũ khí nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) là tên lửa đạn đạo chống hạm “Ưng Kích-21”, vốn vẫn nằm trong vòng bí ẩn cho tới nay. Nhưng mới đây, Hải quân PLA đã công bố đoạn video đầu tiên quay cảnh một tàu khu trục Type 055 phóng tên lửa đạn đạo chống hạm siêu thanh theo một cách hiếm thấy.

Bài viết còn nói rằng Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ đã đề cập trong một báo cáo trước đó về năng lực hải quân của Trung Quốc. “Trung Quốc đang phát triển các phương tiện lướt siêu thanh và nếu chúng được đưa vào tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc, điều này có thể làm cho tên lửa đạn đạo chống hạm của họ khó bị đánh chặn hơn.”

Trang Naval News của Mỹ đã đề cập trong một báo cáo mang tựa đề “China test-fires new YJ-21 hypersonic missile” vào ngày 20/4 rằng Hải quân Trung Quốc gần đây đã công bố video về một tên lửa mới cất cánh từ tàu khu trục Type 055.

Sutton, một nhà phân tích tình báo hải quân nổi tiếng, tin rằng tên lửa này là tên lửa siêu thanh Ưng Kích-21 đã được phỏng đoán từ lâu. Và tàu khu trục cỡ lớn Type 055 của Hải quân Trung Quốc được trang bị tên lửa này còn được phương Tây gọi là “tàu chiến mạnh nhất thế giới”.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá video, Sutton xác định rằng tên lửa này là tên lửa chống hạm siêu thanh Ưng Kích-2 mới nhất của PLA.

Sutton cho biết, “Tên lửa mới này có bề ngoài tương tự như thiết kế tên lửa CM-401 trước đó của Trung Quốc, nhưng được bổ sung thêm một bộ phận tăng lực lớn. CM-401 được trưng bày công khai có hiệu suất gần giống với tên lửa Iskander của Nga”, nhưng đường kính của tên lửa mới này nhỏ hơn tên lửa CM-401 nhiều, chỉ 600 mm.” Ông cũng suy đoán rằng tên lửa mới được thử nghiệm lần này có thể liên quan đến dòng tên lửa CM-401, nhưng để lắp đặt được trong bộ phận phóng thẳng đứng của tàu khu trục Type 055, đường kính của nó có thể nhỏ hơn.

Trang Naval News cho biết: “Video cho thấy tên lửa này có thể là tên lửa đạn đạo chống hạm được trang bị đầu đạn siêu thanh lướt siêu âm”. Bởi vì “bề mặt điều khiển tương đối nhỏ của tên lửa có nghĩa là nó có thể không phải là tên lửa phòng không.”

Trang Naval News rất quan tâm đến tàu khu trục Type 055

Theo báo cáo, tên lửa mới được phóng từ tàu tuần dương Type 055 (một số phương tiện truyền thông phương Tây gọi Type 055 là tàu tuần dương). “Hiện tại, 8 tàu tuần dương Type 055 đã được hạ thủy, và nó chắc chắn là tàu chiến mặt nước ấn tượng nhất trong đội hình của Hải quân Trung Quốc.” Báo cáo nói rằng theo dữ liệu công khai, tàu khu trục Type 055 được trang bị tới 112 đơn vị phóng thẳng đứng, trong đó đơn vị lớn nhất có thể chứa tên lửa dài 9 mét với đường kính 0,85 mét.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng “nếu tên lửa mới này trở thành tên lửa siêu thanh Ưng Kích-21, thì tàu tuần dương Type 055 sẽ là tàu chiến mặt nước mạnh nhất thế giới.”

Trang “Dynamic” của Mỹ cũng cho rằng có nhiều đồn đoán về tên lửa bí ẩn do tàu khu trục Type 055 của Trung Quốc phóng đi, nhưng nhiều khả năng đó là tên lửa đạn đạo chống hạm.

Khoảnh khắc tên lửa Ưng Kích-21 cất cánh

Báo cáo cho biết đoạn video do hải quân Trung Quốc công bố cho thấy một tên lửa cất cánh trong một “vụ phóng lạnh” trước khi kích hoạt tên lửa đẩy về phía mục tiêu. Bộ tăng cường có chiều dài tương đối ngắn, phần đầu đạn thon dài với các vây nhỏ ở phía dưới. “Thiết kế gợi nhớ đến một thiết bị reentry cơ động.”

“Tên lửa chống hạm mới này sử dụng phương tiện di chuyển hình nón mảnh mai hơn và thiết bị đẩy tên lửa ngắn hơn. Thiết kế rõ ràng được tối ưu hóa và có thể được lắp đặt trong không gian hẹp của đơn vị phóng thẳng đứng trên tàu”. Tên lửa đẩy tương đối ngắn sẽ làm giảm đáng kể phạm vi tấn công của nó, đây là một sự đánh đổi hợp lý khi xem xét nền tảng biển mà tên lửa mang theo có thể cơ động xung quanh. “Đó là một biện pháp răn đe rất hiệu quả ngay cả khi nó có phạm vi chỉ vài trăm dặm.”

Báo cáo nhấn mạnh rằng khả năng phòng vệ của ngay cả những lực lượng hải quân tiên tiến nhất đang gặp phải những thử nghiệm khắc nghiệt khi đối mặt với sự kết hợp của tên lửa đạn đạo chống hạm tầm ngắn và các tên lửa hành trình chống hạm khác. Ngoài ra, tầm bắn tương đối ngắn phù hợp hơn với khả năng của các cảm biến hải quân Trung Quốc trong việc tìm kiếm và giám sát mục tiêu mà không cần phải dựa vào một mạng lưới liên kết dữ liệu bên ngoài quá phức tạp và các nền tảng cảm biến như của tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung và tầm xa đặt trên bờ.

Tên lửa CM-401 là tên lửa đạn đạo chống hạm siêu thanh

Thế giới bên ngoài cho rằng Ưng Kích-21 có thể liên quan mật thiết đến tên lửa CM-401. CM-401 là tên lửa chống hạm tầm ngắn với thiết bị reentry cơ động đã từng ra mắt công chúng tại Triển lãm Hàng không Chu Hải vào năm 2018. Thời điểm đó, trong phần giới thiệu, tên lửa đã công khai đề cập rằng hệ thống tên lửa chống hạm này có thể được lắp đặt trên các tàu lớn như khu trục hạm Type 055.

Tuy nhiên, trang Dynamic cho rằng từ quan điểm thiết kế cụ thể, Ưng Kích-21 và tên lửa CM-401 vẫn khá khác biệt, vì vậy nhiều khả năng nó sẽ sử dụng một số công nghệ liên quan hơn là sửa đổi chúng trên nền tảng có sẵn.

Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng của Hồng Kông cũng ghi nhận tin này. Báo cáo cho biết hải quân Trung Quốc đã trưng bày một tên lửa chống hạm tiên tiến trước thềm Ngày Hải quân. “Đây là lần trình diễn đầu tiên của tên lửa siêu thanh YJ-21, có thể được mang theo tàu hoặc máy bay chiến đấu. Tên lửa có tầm bắn khoảng 1.000-1.500 km và được cho là có khả năng đánh trúng các nhóm tấn công tàu sân bay”.

Cũng có cơ quan truyền thông Mỹ cho rằng tên lửa siêu thanh “Ưng Kích-21” có thể tấn công các mục tiêu trên tàu cũng như các mục tiêu trên bờ. Sau khi chính thức được biên chế trong Hải quân Trung Quốc, nó sẽ gây ra mối đe dọa rất lớn đối với các tàu lớn của Mỹ và đồng minh, mục tiêu tấn công có thể bao trùm toàn bộ nhóm tác chiến tàu sân bay.

Báo cáo phỏng đoán rằng tên lửa chống hạm siêu thanh YJ-21 có tầm bắn từ 1.000 đến 1.500 km và tốc độ giai đoạn cuối lên tới Mach 10. “Sau khi tàu khu trục cỡ lớn 10.000 tấn Type 055 được trang bị tên lửa này, nó có thể trở thành tàu nổi mạnh nhất thế giới.”

Một số chuyên gia cho rằng, việc phóng tên lửa đạn đạo chống hạm siêu thanh mới cho thấy trong lĩnh vực tấn công tầm siêu xa và tấn công nhanh các mục tiêu trên biển, Hải quân Trung Quốc đã có trong tay một tuyệt chiêu bí mật, “có thể nói là độc nhất vô nhị thế giới”.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cũng dẫn lời chuyên gia hải quân Lý Kiệt: “Sự kết hợp của tàu khu trục Type 055 và YJ-21 là nhằm chống lại quyền bá chủ hàng hải của Mỹ trong khu vực, thông qua việc chống tiếp cận và từ chối khu vực”.

Châu Thần Minh, một nhà nghiên cứu tại tổ chức Viễn Vọng Tri Khố có trụ sở tại Bắc Kinh, cũng nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng “bằng cách công bố video về vụ thử tên lửa, động thái chưa từng có” này là nhằm cảnh báo cả Washington và Đài Bắc rằng PLA đã có nhiều lựa chọn trong việc chống tiếp cận và từ chối khu vực.

Truyền thông phương Tây cũng cho biết, Không quân Trung Quốc trước đó đã trang bị cho máy bay ném bom chiến lược H-6-N tên lửa đạn đạo chống hạm phóng từ trên không Ưng Kích-21. Do vậy, Giải phóng quân Trung Quốc hiện đã hình thành được khả năng tác chiến “chống tiếp cận/từ chối khu vực” của “Lục-Hải-Không Tam Vị Nhất Thể” là: tên lửa đạn đạo chống hạm “Đông Phong-21D” trên đất liền, tên lửa đạn đạo chống hạm phóng từ không trung “Ưng Kích-21” và tên lửa đạn đạo siêu thanh phóng từ tàu trên biển “Ưng Kích-21”.